Niềm tin của nhân dân đối với Đảng - sức mạnh, động lực của sự đổi thay, phát triển đất nước

.
Ảnh: ANH DUY
Ảnh: ANH DUY

1. Nhân loại nói chung, dân tộc Việt Nam nói riêng đang chứng kiến những đổi thay mạnh mẽ, nhanh chóng, sự biến động sâu rộng, khó lường trong mọi lĩnh vực, kể cả biến động, tiếp biến của hệ chuẩn giá trị. Trong bối cảnh đó, quan tâm, chia sẻ về xây dựng, củng cố niềm tin xã hội chắc chắn là chủ đề được nhiều người, nhiều cấp độ chủ thể trong nước và trên thế giới quan tâm.

Từ thời cổ đại, ở phương Đông, khi bàn về những giá trị thuộc nền tảng của con người, xã hội, “Ngũ thường” của phái Nho gia đã từng xác định gồm: nhân, lễ, nghĩa, trí, tín. Trong đó, tín được hiểu là lòng tin giữa người và người, là giữ trọn lời hứa để tạo lòng tin với nhau. Ở đây, tín là căn/gốc của niềm tin, là niềm tin được xác lập một cách kiên định. Niềm tin có một sức mạnh tiềm tàng vô tận, thôi thúc con người vươn tới mục đích cao xa để thực hiện hoài bão cao đẹp của mình.

Với tư cách là một giá trị xã hội, niềm tin không chỉ được xem như một giá trị thuần túy tinh thần (lý trí, tình cảm, đạo đức) mà nó hiện hữu trong mỗi con người/bản thể - một tố chất cấu thành nhân cách được thể hiện qua hành vi, lối sống của mỗi con người, mỗi cộng đồng/nhóm xã hội. Chính nhờ tố chất đó, thông qua hành vi, hoạt động thực tiễn đó, mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng thể hiện ra “cái tôi”/“bản ngã” trong “cái chúng ta”. Và hành vi giao tiếp, ứng xử, hoạt động thực tiễn của mỗi cá nhân, mỗi cộng đồng tạo nên hệ giá trị (vật chất và tinh thần) - bộ tiêu chí, thước đo phản ánh “phông văn hóa, đạo đức”, sức mạnh của năng lực bản chất người được hiện thực hóa. Vì thế niềm tin không chỉ là một loại đức hạnh trong xã hội, mà còn là một nguồn vốn, lực đẩy kinh tế có thể đo lường được.

2. Ở Việt Nam, từ khi có Đảng, Bác Hồ lãnh đạo, trong đời sống chính trị - xã hội Việt Nam, niềm tin về “sức ta có thể giải phóng cho ta” đã được khơi dậy, ngày càng được củng cố và minh chứng. Những đóng góp, những chiến công của nhân dân các dân tộc anh em trong hai cuộc kháng chiến là những bản hùng ca về chủ nghĩa anh hùng cách mạng, là bằng chứng về niềm tin vào Đảng,  Bác Hồ, tin vào sức mạnh chính nghĩa của các tầng lớp nhân dân Việt Nam. Chính niềm tin đó đã tạo nên sức mạnh “Phù Đổng” để nhân dân Việt Nam “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”. Những gì nhân dân các dân tộc anh em cả nước làm được trong thế kỷ XX, cho phép chúng ta tự hào và tin tưởng về nhân dân ta, dân tộc ta - một dân tộc anh hùng, thông minh, sáng tạo; tự hào về Đảng ta - Đảng Cộng sản Việt Nam do Chủ tịch Hồ Chí Minh sáng lập, lãnh đạo và rèn luyện- một lòng, một dạ chiến đấu, hy sinh vì độc lập, tự do của Tổ quốc, vì hạnh phúc của nhân dân.

Khi sự nghiệp phát triển của Việt Nam đang bước vào giai đoạn có ý nghĩa quyết định, với tư duy, tầm nhìn hệ thống có thể thấy, trong tổng thể các yếu tố thời đại, bên cạnh thế và lực mới để các quốc gia phát triển lên tầm cao về sự hài hòa, bền vững, cũng đã xuất hiện nhiều yếu tố khủng hoảng, ảnh hưởng không nhỏ đến niềm tin đối với thực tại và tương lai. Từ biến đổi khí hậu và cạn kiệt tài nguyên, khủng hoảng môi trường, dịch bệnh đến khủng hoảng kinh tế, đói nghèo; từ “các nhà nước thất bại, di dân toàn cầu” đến “chủ nghĩa dân túy” hay cường quyền áp đặt...

Ở trong nước, khi tiến trình đổi mới đi vào chiều sâu, chúng ta đã chứng kiến rất nhiều đổi thay, “xáo động hệ giá trị”. Có sự buồn lo bởi những “vụ án động trời” liên quan đến đội ngũ cán bộ cao cấp trong hệ thống tổ chức quyền lực, những cán bộ cấp cao ở các ngành, địa phương lần lượt bị xử lý. Đại dịch Covid-19, thiên tai bão lũ đã cướp đi nhiều sinh mạng, ảnh hưởng sâu rộng sinh hoạt của đời sống cộng đồng… Nhưng trong những thời khắc khó khăn, thử thách ấy cũng đã xuất hiện không ít tấm gương về sự cảm thông, sẻ chia, sự đồng lòng ủng hộ; sự chung tay của cả xã hội để khắc phục các trở lực, tạo lập môi trường cần thiết cho sự phát triển theo mục tiêu, đường hướng mà Đảng và nhân dân lựa chọn. Đặc biệt, niềm tin hy vọng được thắp lên từ quyết tâm chính trị của Đảng cùng những hiệu ứng tích cực từ thành quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng, xây dựng hệ thống chính trị.

Động lực, sức mạnh tổng hợp, giải pháp cho những vấn đề đặt ra đối với dân tộc ta, nhân dân ta đúc kết từ thực tiễn đó là năng lực, nghệ thuật khơi dậy, củng cố niềm tin cho các tầng lớp nhân dân, các cộng đồng xã hội bằng sự nêu gương của đội ngũ cán bộ, đảng viên trong quá trình sắp xếp, hoàn thiện thể chế chính trị theo hướng tinh gọn, hiệu lực, hiệu quả; là các giải pháp nâng cao tính khoa học, tính khả thi, tính hợp lý, hợp lẽ, hợp thời trong các quyết sách của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước đến chất lượng, hiệu lực, hiệu quả trong hoạt động của hệ thống chính trị và các bộ phận cấu thành; là việc “giữ chặt mối liên hệ với dân chúng và luôn luôn lắng tai nghe ý kiến của dân chúng” của đội ngũ cán bộ, đảng viên, đặc biệt là giới lãnh đạo, quản lý trong bộ máy quyền lực chính trị các cấp; là kỹ năng, nghệ thuật lãnh đạo, quản lý xã hội hiện đại càng thích nghi với sự thay đổi căn bản về công nghệ mới của thời đại 4.0, về khả năng dung hợp các giá trị, các chuẩn mực trong giao tiếp ứng xử... Nhờ đó, nhìn một cách tổng thể, công cuộc đổi mới, xây dựng, phát triển đất nước ta trong 35 năm qua đã thu được những thành tựu to lớn có ý nghĩa lịch sử, tạo dựng nên cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín của đất nước chưa bao giờ có như ngày nay.

Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: KIM LIÊN
Đà Nẵng vào xuân. Ảnh: KIM LIÊN

3. Trong thời kỳ tiếp theo, để có thể biến mục tiêu thành hiện thực, trong dự thảo Báo cáo chính trị trình Đại hội XIII, Đảng ta xác định “củng cố niềm tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước, chế độ xã hội chủ nghĩa” là một trong số các yếu tố trung tâm có ý nghĩa quan trọng hàng đầu.

Để làm được điều đó, trước hết giới lãnh đạo, quản lý, đội ngũ cán bộ, đảng viên được lựa chọn, ủy quyền và trao quyền “lo cho dân, cho nước” phải tự tin vào chính mình, tin vào nguyên tắc căn bản mà Đảng đã xác định: “Đặt lợi ích của dân tộc lên hàng đầu”. Bởi lẽ, việc đặt lợi ích dân tộc lên hàng đầu và Đảng luôn cho thấy mình là đội tiên phong, đại diện cho lợi ích của dân tộc đã tạo được niềm tin hết sức ấn tượng, hết sức quan trọng với toàn dân. Một lực lượng cầm quyền - giới lãnh đạo quản lý đất nước trong giai đoạn tiếp theo cần chứng thực trên thực tế tài năng và phẩm hạnh thông qua xác định mô hình phát triển quốc gia hài hòa, bền vững, cùng một hệ thống chính sách, giải pháp có thể khơi dậy các nguồn lực dân tộc, nguồn lực từ nhân dân góp phần thực hiện thắng lợi sự nghiệp bảo vệ Tổ quốc, xây dựng và phát triển đất nước, đưa quốc gia dân tộc hòa nhập, vượt lên trong cuộc đua tranh năng suất, chất lượng, hiệu quả kinh tế- xã hội nhằm phục vụ cho những mục tiêu mang tính nhân văn- vì lao động, vì con người, vì tiến bộ chung của dân tộc và nhân loại. Cũng chỉ thông qua đó, bằng cách đó, vai trò của Đảng, của Nhà nước, của thể chế chính trị mới được khẳng định trong đời sống xã hội, và đồng hành với đó, niềm tin của các tầng lớp nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và chế độ xã hội chủ nghĩa sẽ càng được củng cố - động lực, sức mạnh để Việt Nam “trở thành nước phát triển, thu nhập cao” vào thời khắc Nhà nước kiểu mới ta tròn tuổi bách niên.

PGS. TS HỒ TẤN SÁNG

;
;
.
.
.
.
.