Dịu dàng sắc xuân

.

Tôi sinh ra ở làng Giao Thủy (Đại Hòa, Đại Lộc, Quảng Nam) và lớn lên ở phố cổ Hội An. Nhưng thành phố Đà Nẵng mới chính là nơi đã hình thành, tạo dựng con đường nghiên cứu văn hóa dân gian của tôi.

Ảnh: LÊ HUY TUẤN
Ảnh: LÊ HUY TUẤN

Tôi đã có 10 năm sống với Đà Nẵng, và cũng từ Đà Nẵng mang ba lô đi khắp nơi trên dải đất Quảng Nam Đà Nẵng, để tìm hiểu, sưu tầm văn hóa, văn nghệ dân gian xứ Quảng; sống ở khắp các làng quê, từ miền biển, vùng đồng bằng, miền núi; kể cả sống trong các bản làng của đồng bào các dân tộc thiểu số; thâm nhập vào các sinh hoạt và học hỏi được các nền nếp văn hóa cổ truyền của ông cha bao đời. Cho nên, trong lòng tôi, Đà Nẵng luôn là nơi để tôi nhớ về, với biết bao tự hào và hãnh diện về một địa danh chan chứa ân tình và ghi đậm dấu ấn lịch sử.

Hoàn toàn không phải là sự tình cờ của lịch sử khi quân Pháp mở đầu cuộc xâm lược nước ta bằng việc tấn công vào cửa biển Đà Nẵng năm 1858. Cũng vậy, đội quân viễn chính đầu tiên của Mỹ đã đổ bộ vào vùng biển Xuân Thiều của thành phố Đà Nẵng năm 1965. Đó đều là những chọn lựa do tầm quan trọng và vị trí chiến lược của Đà Nẵng.

Đà Nẵng có vị trí quan trọng, chẳng những của cả nước, mà còn là của cả khu vực. Việc hình thành hành lang kinh tế Đông- Tây, từ cửa khẩu Lao Bảo; việc mở rộng quốc lộ 24B đi qua vùng ba biên giới (Đông Dương cũ) tại Ngọc Hồi (Kon Tum) và nếu con đường nối Đà Nẵng với vùng cao nguyên Boloven mầu mỡ được xây dựng, trong một tương lai không xa, thì rõ ràng Đà Nẵng sẽ trở thành một địa điểm quan trọng trong việc phát triển thương mại, du lịch và văn hóa của cả khu vực sông Mê Kông rộng lớn và giàu tiềm năng.

Trên con đường phát triển của mình, trong hơn 10 năm qua, Đà Nẵng đã quyết liệt trong nhu cầu tự thân, làm mới chính mình và trong cả việc đáp ứng nhu cầu phát triển của cả miền Trung, Tây nguyên và của cả nước. Chỉ kể riêng về phương diện giao thông, Đà Nẵng đã giữ vai trò trọng yếu đối với cả nước và đối với quốc tế. Sân bay Đà Nẵng đã được các tổ chức hàng không quốc tế xác định là điểm trung chuyển của đường bay đông - tây. Về đường biển, thương cảng Đà Nẵng có khả năng tiếp nhận các tàu lớn có trọng tải gần 30.000 tấn. Đó là chưa nói đến việc khi cảng Liên Chiểu được xây dựng xong và đưa vào hoạt động, thì cùng với Dung Quất, Kỳ Hà, sẽ trở thành cụm cảng biển lớn nhất của cả nước, giữ vị trí quan trọng trên tuyến hàng hải Đông Nam Á và Đông Bắc Á.

Ảnh: THÀNH LÂN-KIM LIÊN -  T.QUỲNH - H.T - XUÂN TƯ
Ảnh: THÀNH LÂN-KIM LIÊN - T.QUỲNH - H.T - XUÂN TƯ

Do địa thế đặc biệt, Đà Nẵng được kết nối với ba di sản văn hóa thế giới, gồm Hội An, Mỹ Sơn và Huế, cùng di sản thiên nhiên thế giới là vườn quốc gia Phong Nha-Kẻ Bàng. Nhờ đó, Đà Nẵng trở thành điểm trung chuyển quan trọng trên con đường di sản thế giới tại miền Trung Việt Nam. Trong điều kiện được thiên nhiên ưu đãi, khi Đà Nẵng có cả biển, cả núi, cả sông, cả đồi; vùng đồng bằng, vùng trung du, với tất cả vẻ hùng vĩ, trữ tình của núi sông, biển cả, tạo nên nét đẹp thiên nhiên hài hòa và vẻ quyến rũ nên thơ của đất trời và sự hồn hậu của con người, mà không phải nơi nào cũng có được.

Về mặt văn hóa, Đà Nẵng đã ra sức xây dựng một nền văn hóa có tính kế thừa và phát huy văn hóa truyền thống, kết hợp với tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại. Điều đáng nói là tại Đà Nẵng, công tác bảo tồn, phát huy các giá trị di sản văn hóa vật thể và phi vật thể đã được chính quyền chú trọng đúng mức; nhờ đó, nhận thức về giá trị văn hóa và truyền thống văn hóa của nhân dân thành phố ngày càng được nâng cao. Nhiều loại hình di sản văn hóa phi vật thể đã được quan tâm nghiên cứu để bảo tồn và phát huy giá trị.

Đặc biệt khu di tích thắng cảnh cấp quốc gia Ngũ Hành Sơn đã được UBND thành phố Đà Nẵng và quận Ngũ Hành Sơn ra sức đầu tư nên ngày càng thay đổi và khởi sắc. Cùng với sự phát triển về số lượng các lễ hội tại địa phương, các giá trị văn hóa trong các hoạt động lễ hội đã được chú trọng. Đà Nẵng hiện có 20 lễ hội được tổ chức hằng năm, trong đó có 18 lễ hội dân gian, 1 lễ hội tôn giáo và 1 lễ hội liên hoan văn hóa du lịch, mà lễ hội Quán Thế Âm tại Ngũ Hành Sơn là lễ hội lớn nhất và được nhân dân hưởng ứng nhiều nhất.

Cuộc thi bắn pháo hoa quốc tế được tổ chức thành công trong các năm 2008, 2009 và 2010 đã trở thành một lễ hội văn hóa, một hoạt động giao lưu văn hóa quốc tế và là hoạt động quảng bá cho thương hiệu Đà Nẵng trong lĩnh vực du lịch, thu hút đông đảo du khách trong và ngoài nước tham dự. Thành phố cũng cử các đoàn nghệ thuật của Đà Nẵng tham dự các lễ hội văn hóa quốc tế ở Nhật Bản, Đan Mạch, Hàn Quốc... và đưa cổ vật của Bảo tàng nghệ thuật Điêu khắc Chăm đi triển lãm tại Bỉ, Áo, Pháp, Hoa Kỳ... nhằm giới thiệu di sản văn hóa và quảng bá các giá trị văn hóa đặc sắc của dân tộc và của địa phương với bạn bè quốc tế.

Gần đây, đề án Xây dựng chính sách hỗ trợ bảo tồn và phát huy văn hóa đồng bào dân tộc Cơ tu (giai đoạn 2022-2030) được UBND thành phố Đà Nẵng ban hành là một việc làm thật sự có ý nghĩa và góp phần cụ thể trong việc bảo tồn văn hóa dân tộc. Theo đề án, UBND thành phố Đà Nẵng sẽ triển khai các chính sách hỗ trợ, bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào Cơ tu ở ba xã: Hòa Bắc, Hòa Phú và Hòa Ninh (thuộc huyện Hòa Vang của thành phố Đà Nẵng).

Là người con của xứ Quảng phải sống xa quê, lòng tôi không lúc nào không hướng về quê nhà, với ước mong thấy mảnh đất “chưa mưa đà thấm” này không ngừng phát triển, ấm no. Đà Nẵng đã luôn muốn vươn lên, tiến ra với biển, với thế giới, và cũng không ngừng kéo biển, kéo thế giới lại với mình.

Mùa xuân này, thành phố Đà Nẵng thêm dịu dàng sắc xuân.

TẦN HOÀI DẠ VŨ

;
;
.
.
.
.
.