Như tên gọi - Trường Hope (Hy vọng) nằm trong khu đô thị FPT City Đà Nẵng ở phường Hòa Hải (quận Ngũ Hành Sơn) đã và đang gieo những hy vọng cho nhiều mảnh đời bất hạnh sau Covid-19.
Các em Trường Hy vọng vui Tết Trung thu. Ảnh: NGUYỄN ĐÔNG |
1. Hơn một tháng qua, ông Hoàng Quốc Quyền, Giám đốc dự án Hope School (Trường Hy vọng) và các cộng sự mải miết đi tìm “hopers” (những thành viên cho Trường Hy vọng) đợt 3 ở các tỉnh phía Nam, chủ yếu là miền Tây. Những tưởng khi Covid-19 đi qua, cuộc sống của nhiều đứa trẻ sẽ ổn hơn so với hai đợt trước, nhưng lần này, cuộc sống các em khó khăn hơn hẳn. Bởi Covid-19 ảnh hưởng tới nhiều gia đình, sự quan tâm của xã hội bắt đầu lắng xuống, nhiều người thân cưu mang đã thấy “mỏi”... Nhiều đứa trẻ phải lăn lộn với cuộc đời kiếm sống, một số em đã bỏ học... Dù vậy, thuyết phục các em xa quê, xa những điều thân thuộc đến với Hope là điều không dễ dàng.
“Hai năm qua, chúng tôi vẫn những chuyến đi như thế, vẫn những câu chuyện như thế. Từ miền núi Tây Bắc cho đến Tây Nguyên, rồi các tỉnh miền Tây…, không phải gia đình, người giám hộ nào cũng đồng ý, nhưng chúng tôi kiên trì, làm thế nào để gia đình họ tin tưởng, tụi nhỏ tin tưởng theo mình về Hope, về Đà Nẵng. Chuyến đi này, hứa hẹn qua Tết sẽ đón thêm được 100 em và hành trình vẫn tiếp tục vì mong muốn các em được sống trong môi trường học tập tốt, điều mà các hoper trong hai đợt trước đang có”, ông Quyền chia sẻ.
2. Các hoper mà ông Quyền nói đến là hơn 200 trẻ được đưa về trong hai đợt hồi năm 2022, em lớn nhất 18 tuổi, em nhỏ nhất 6 tuổi. Các em đến từ khắp nơi trên đất nước, mỗi em một hoàn cảnh… Nuôi một đứa trẻ đã khó, nuôi đến hơn 200 em còn khó hơn nhiều. Bởi mỗi em một tính cách, xuất phát khác nhau.
Về trường, các em được chia thành các tiểu đội tự quản theo nam, nữ; khu nội trú cũng chia các em nam, nữ theo từng tầng để quản lý. Mỗi phòng 4 em, anh chị kèm em nhỏ; có phòng 4 em 4 tỉnh khác nhau; có phòng 4 em 4 dân tộc khác nhau… Hằng ngày, các em được phân bổ, chia về các trường học của FPT từ lớp 1 đến lớp 12 và những cấp cao hơn ở ngay khu vực FPT City để học văn hóa. Các em sinh hoạt chung như: tập thể dục, ăn ngủ cùng nhau, rửa bát, học tập… Giai đoạn đầu có nhiều vất vả, nhưng giai đoạn sau em lớn đã biết tắm rửa cho em nhỏ, thầy cô hỗ trợ hướng dẫn cách ăn đúng, mặc đúng và học đúng.
Ở Trường Hy vọng hiện có 20 giáo viên cả khối hành chính và quản nhiệm. Họ cũng từ nhiều tỉnh, thành phố khác nhau đều “vì yêu thương mà đến Hope” với mong muốn gieo yêu thương, hy vọng cho các em. Đó là trường hợp cô Thảo, cô Châu từng có công việc ổn định, đời sống tốt; đó là trường hợp những thầy cô giáo trẻ như cô Linh, thầy Thanh… Họ gần gũi chăm lo từng bữa ăn, giấc ngủ; vừa đóng vai trò thầy cô vừa là người cha, người mẹ, anh chị và cả bạn bè để sẻ chia, bù đắp cho các em, bởi các em không chỉ cần chữ mà còn cần tình thương và hơi ấm gia đình. Những câu chuyện “ẩm ương” tuổi học trò, những chuyện phân xử hằng ngày của trẻ nhỏ vì chọc ghẹo, giải đáp muôn vàn câu hỏi vì sao, dỗ dành, chia sẻ khi các em nhớ nhà, nhớ cha mẹ, nhớ quê, chuyện ở trường, ở lớp… đều được các thầy cô lắng nghe.
Sau thời gian đến với trường, các em đã bắt đầu vào nền nếp. Các em biết cách yêu thương nhau, biết cách chấp nhận những khác biệt của nhau, biết cách cùng giúp nhau tiến bộ: anh chị giúp đỡ kèm cặp em, người biết dạy người chưa biết. Biết cùng nhau vượt qua khó khăn, biết chia sẻ với nhau về những buồn, những vui của cuộc sống hằng ngày. Biết giúp đỡ thầy cô, biết quan sát, biết làm việc, biết đàn, biết hát và biết cả những điều khó khăn ở phía trước phải vượt qua…
3. Trường Hy vọng ra đời bắt nguồn từ ý tưởng của Chủ tịch HĐQT Tập đoàn FPT Trương Gia Bình vào giữa tháng 9-2021: ngôi trường dành cho các em nhỏ mất cha mẹ do Covid-19. Lúc đó, ông Bình mong muốn tạo ra một môi trường để các em được chăm sóc, yêu thương, học tập và rèn luyện, biến đau thương thành sức mạnh, từ đó trưởng thành và góp phần xây dựng đất nước trong tương lai. Ngay sau đó, ông Bình cùng các cộng sự nhanh chóng hiện thực hóa ý tưởng nhân văn này. Đến tháng 10-2021, những nhân sự đầu tiên của dự án bắt đầu vào việc.
Các em từ mọi miền đất nước mồ côi do đại dịch Covid-19 được sống trong sự dạy bảo và yêu thương của các thầy cô Trường Hy vọng. Ảnh: Nhà trường cung cấp |
Tại sao chọn Đà Nẵng để xây dựng Trường Hy vọng chứ không phải nơi nào khác? Theo ông Hoàng Quốc Quyền, mọi người đều nói Đà Nẵng là nơi đáng sống thì tại sao những đứa trẻ này không được đến những nơi đáng sống sau khi chúng đã trải qua những mất mát, đau thương? Vì thế, FPT đã chọn Đà Nẵng, trao một nơi đáng sống cho những đứa trẻ để thay đổi cuộc đời và đi lên. Ngoài đáng sống, Đà Nẵng có khí hậu nắng thì nắng gay gắt, mùa mưa bão thì thì dai dẳng; tụi trẻ con cần phải biết thích nghi những khó khăn và một phần cuộc đời phải trải qua những khó khăn đó.
“Nhưng mọi thứ mới chỉ bắt đầu, chúng tôi đang gieo mầm xanh xuống đất. Thách thức ở phía trước còn nhiều, đó là thách thức về thời gian vì một đứa trẻ lớn lên cần thời gian; đó là thách thức về sự tử tế, sự kiên định; đó là thách thức với cả những người muốn và dám đi đến tận cùng với Hope”, ông Quyền bày tỏ.
Khi thành lập Trường Hy vọng, ông Trương Gia Bình nói rằng: Hope là ngôi trường của tình thương. Đó là tình thương của các thầy cô, anh chị em trong trường, đại gia đình FPT và cả những tấm lòng nhân ái trong cộng đồng. Những đứa trẻ đến với Hy Vọng được sống ở môi trường học tập chứ không phải để nhận sự cưu mang, hay được cho từng bữa ăn, hay gom nhiều nỗi đau dồn vào một chỗ. Vì thế, nhà trường mong muốn các tấm lòng đến đây không phải để cho quà, cho sữa, cho quần áo; mà đến đây cho những kinh nghiệm, cách sống, bài học, sự sẻ chia, gieo thêm những hy vọng để các hoper nuôi thêm ước mơ, thêm động lực và thêm cả ý chí để đi xa. Mai đây, từ mất mát khổ đau, các em vươn lên trong cuộc sống, tỏa đi khắp nơi và luôn biết ơn mảnh đất Đà Nẵng, người Đà Nẵng đã bao dung.
Trường Hy vọng nằm trong khu đô thị FPT City Đà Nẵng, học sinh từ khối 1 đến 12, được tài trợ 100% chi phí học tập, ăn ở và sinh hoạt tại trường. Hằng năm, các em được về thăm nhà 3 lần (nhà trường cấp kinh phí đi lại hai chiều). Người nhà được đến thăm trường hai lần/năm. Tết này, nhiều thành viên của Trường Hy vọng trở về ăn Tết cùng người thân; một số em không về sẽ được ông Hoàng Quốc Quyền đón về ăn Tết cùng gia đình. Ngoài ra, Trường Hy vọng cũng tổ chức cho các em ngày hội tìm hiểu Tết cổ truyền của dân tộc, dành cho các em những phần quà ý nghĩa mang về quê... |
NGỌC HÀ