Sẻ chia còn mãi

.

Có ai từng thắc mắc, với số tiền 1.000 đồng, 2.000 đồng có thể mua được gì trong bối cảnh vật giá leo thang như hiện nay? Ấy vậy mà ở quán cơm Yên Vui (68 Lý Triện, quận Thanh Khê), số tiền ấy đủ để người lao động nghèo ăn một bữa cơm ấm nóng, ngon lành. Hơn thế, đây còn là nơi hiện diện của lòng yêu thương, sẻ chia tử tế của người Đà Nẵng trong mắt người dân ngoại tỉnh.

Tình nguyện viên quán cơm Yên Vui chia các suất cơm vào hộp đựng để mang đến các điểm bán lưu động. Ảnh: LAM PHƯƠNG
Tình nguyện viên quán cơm Yên Vui chia các suất cơm vào hộp đựng để mang đến các điểm bán lưu động. Ảnh: LAM PHƯƠNG

1. Mặc kệ cơn mưa rả rích và se se lạnh những ngày cuối năm, từ sáng sớm, quán cơm Yên Vui đã mở cửa. Các cô đầu bếp và tình nguyện viên bắt tay sơ chế thực phẩm, lên lửa nấu 200 suất cơm phục vụ bữa trưa. Thực đơn khá hấp dẫn với món cơm gà Hải Nam ăn kèm kim chi và chuối tráng miệng. Khoảng 11 giờ trưa, quán đón những thực khách đầu tiên.

Gỡ tấm ni-lông che trên lưng, bà Lê Thị Thiện (quê tỉnh Quảng Ngãi) chậm rãi bước vào quán. Vừa ngồi vào bàn, một nữ tình nguyện viên đi đến đon đả chào hỏi: “Sáng giờ bán được nhiều chưa bà? Trời mưa này bà đi có lạnh lắm không ?”. Nói xong cô gái trẻ nhanh nhảu đi vào trong, bưng ra suất cơm nóng đựng trong khay inox sáng loáng đặt lên bàn mời bà Thiện.

Đôi tay run run, trắng bệch vì mưa lạnh, bà Thiện chậm rãi xúc từng thìa cơm nhỏ, móm mém nhai. Ở tuổi 68, cuộc sống khó khăn, bà Thiện đành tha phương bằng nghề bán vé số dạo. Hơn 3 năm rời quê ra Đà Nẵng mưu sinh cũng là ngần ấy năm bà Thiện gắn bó với quán cơm Yên Vui mỗi bữa trưa. “Hầu như trưa nào bà cũng ghé lại đây ăn cơm. Cơm ở đây ngon lắm cháu ơi, lại còn rẻ nữa.

Bữa nào bà cũng ăn hết suất cơm lớn, no đến tận tối. Ăn xong còn nán lại ngả lưng, chợp mắt chút rồi mới đi bán tiếp”, bà Thiện bày tỏ. Ngồi cạnh bà Thiện, ông Trần Vũ (quê tỉnh Quảng Nam) làm nghề xe ôm, tiếp lời: “Bây giờ cầm 1.000 đồng, 2.000 đồng gần như chẳng mua được gì cả. Vậy mà ở đây lại mua được hẳn suất cơm, canh nóng hổi, ngon lành thế này. Thật ý nghĩa và đáng quý với những người lao động ngoại tỉnh như chúng tôi”.

2. Rời điểm bán cố định (68 Lý Triện), chúng tôi theo chân tình nguyện viên chở cơm lần lượt đến hai điểm bán lưu động tại số 282 Trưng Nữ Vương (quận Hải Châu) và 86 Hoàng Minh Thảo (quận Liên Chiểu). Tại mỗi điểm bán, 5 bộ bàn, ghế được bày ra. Sau khi trả tiền mua suất ăn, thực khách ngồi vào bàn bắt đầu dùng bữa.

Thay vì hộp xốp và bao ni-lông, cơm được đựng trong khay thực phẩm chuyên dụng để bảo đảm vệ sinh và an toàn cho người dùng. Hơn ba tháng nay, ông Đặng Đình Tài (45 tuổi) cùng bốn người bạn thợ nề trong xóm rời huyện Nông Sơn (tỉnh Quảng Nam) ra thành phố thuê trọ tá túc để làm thuê trong công trình xây dựng gần bến xe trung tâm. Từ ngày có người rỉ tai điểm bán cơm trợ giá tại số 86 Hoàng Minh Thảo, trưa nào ông Tài cũng rủ những người làm chung công trình ra đây ăn cơm.

“Trước đây, bữa trưa tụi chú hay cử một người đi mua cơm hộp rồi mang về công trình ăn. Mỗi hộp cơm rẻ nhất cũng 20.000 đồng nhưng ăn không no, lắm bữa cơm còn sống, nhão. Còn nay, trưa nào tụi chú cũng ra đây ăn no nê, ăn xong còn có tráng miệng, nước uống mà chỉ tốn 2.000 đồng thôi, tiết kiệm được nhiều lắm”, ông Tài chia sẻ.

Còn với chị Trần Thị Mến (quê tỉnh Quảng Ngãi, làm nghề mua ve chai), từ ngày có điểm bán cơm lưu động, chị không còn phải bưng cơm hộp khô khốc ngồi ăn vội dưới gầm cầu, vỉa hè như trước. “Tôi hẹn với mấy chị bạn cùng mua ve chai, làm gì làm cứ trưa đúng 11 giờ là tập trung lại đây để ăn cơm. Cơm ấm nóng, chất lượng lại đựng trong hộp thực phẩm sạch sẽ, an toàn thế này mà chỉ bán giá 1.000 đồng - 2.000 đồng/suất là quá hời cho chúng tôi rồi”, chị Mến cười tươi, nói.

Ngoài các điểm bán cố định và lưu động, từ tháng 11-2022, quán Yên Vui mở rộng phục vụ cơm canh nóng hổi cho bệnh nhân chạy thận. Đều đặn 10 giờ 30 phút hằng ngày, cơm được tình nguyện viên vận chuyển đến khu trọ của bệnh nhân chạy thận tại con hẻm trên đường Hải Phòng để kịp bữa trưa cho bệnh nhân và người nhà. Mỗi suất ăn luôn đủ dinh dưỡng, gồm: cơm trắng, món mặn, canh, rau và trái cây tráng miệng, được đựng trong hộp cơm chuyên dụng để bảo đảm an toàn cho sức khỏe người ăn.

3. Anh Nguyễn Duy Đức (SN 1981, chủ quán) cho biết, quán cơm Yên Vui Thanh Khê - Đà Nẵng đi vào hoạt động từ tháng 7-2019, nằm trong chuỗi quán cơm trợ giá thuộc dự án Trợ giúp suất ăn giá rẻ của Quỹ Từ thiện Bông Sen (trụ sở chính tại Thành phố Hồ Chí Minh). Khách hàng đến quán hầu hết là những cô, chú ve chai, vé số, xích lô, thợ hồ, người khuyết tật, người già neo đơn… Với tiêu chí “trợ giúp chứ không cho”, quán bán suất ăn với mức giá tượng trưng, chỉ 1.000 đồng/suất cơm chay và 2.000 đồng/suất cơm mặn để mọi thực khách đến quán đều cảm thấy thoải mái, không mặc cảm vì ăn cơm từ thiện.

Quán cơm Yên Vui là điểm đến quen thuộc vào mỗi bữa trưa của người lao động nghèo.  Ảnh: LAM PHƯƠNG
Quán cơm Yên Vui là điểm đến quen thuộc vào mỗi bữa trưa của người lao động nghèo. Ảnh: LAM PHƯƠNG

Khi mới thành lập, quán chỉ bán mỗi tuần 3 buổi vào các ngày thứ Hai, thứ Tư và thứ Sáu tại địa điểm duy nhất là 68 Lý Triện. Trong 2 năm 2020-2021, trước những quy định không tập trung đông người do ảnh hưởng Covid-19, quán chuyển sang hình thức bán mang đi và bán “di động” trên các tuyến đường.

Nhận thấy nhu cầu mua cơm ngày càng cao của người lao động nghèo, từ cuối năm 2021 đến nay, quán cơm Yên Vui tăng số lượng bán lên 5 buổi/tuần, kéo dài từ thứ Hai đến thứ Sáu. Song song đó, quán cũng mở rộng thêm 2 điểm bán lưu động tại các khu vực tập trung đông lao động phổ thông để mang các suất ăn trợ giá đến gần hơn với những hoàn cảnh khó khăn.

Dù là quán cơm giá rẻ nhưng quán luôn nỗ lực nâng cao chất lượng, dinh dưỡng và vệ sinh an toàn thực phẩm trong từng bữa ăn. Bà Nguyễn Thị Huyền (56 tuổi), đầu bếp chính của quán, cho biết, để có thực phẩm tươi ngon, quán lên thực đơn trước một ngày và đặt mua từ nơi cung cấp uy tín. Đặc biệt, để bảo đảm sức khỏe cho thực khách, quán Yên Vui không ngần ngại thay đổi từ đựng cơm, canh trong hộp xốp, túi ni-lông sang đựng cơm, canh trong hộp nhựa nguyên sinh dùng nhiều lần.

“Những ngày đầu, không ít bà con ái ngại vì không thể mua mang đi mà phải ngồi ăn tại chỗ và trả lại hộp đựng. Để thuyết phục thực khách thay đổi thói quen, quán bố trí bàn ghế, nước uống đầy đủ tại các điểm bán lưu động và kiên trì chia sẻ về tác hại của hộp xốp, bao ni-lông để mọi người dần thấu hiểu, thay đổi”, anh Đức cho biết.

Lướt xem những bài đăng của Quán Yên Vui Thanh Khê Đà Nẵng trên facebook là ngồn ngộn những hình ảnh, dòng chia sẻ về hoạt động bán cơm hằng ngày. Chưa hết, mọi hoạt động thu, chi, đóng góp của nhà hảo tâm đều được quán cập nhập công khai theo từng ngày, chi tiết đến từng lát đậu khuôn, bó rau, ký gạo.

Mạnh thường quân của quán có người ở tại địa phương, có người ở tỉnh, thành khác, đất nước khác; có người nêu danh, có người ẩn danh. Mọi sự đóng góp, hỗ trợ của mạnh thường quân, dù là nhỏ nhất đều được quán trân quý và công khai đầy đủ như một cách thể hiện sự tri ân.

“Quán có thể hoạt động ổn định và duy trì trong suốt hơn 3 năm qua đều nhờ sự tiếp sức, đồng hành của nhà hảo tâm gần xa. Chúng tôi - những người trực tiếp điều hành hoạt động quán chỉ đóng vai trò trung gian giúp lan tỏa, trao gửi yêu thương để người lao động nghèo có những bữa cơm ấm lòng, no bụng tiếp tục mưu sinh”, anh Đức từ tốn nói.

LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.