Xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường

.

“Mùa xuân là Tết trồng cây/Làm cho đất nước càng ngày càng xuân”. Xuân Quý Mão 2023 đang cận kề, lời khuyên của Bác Hồ gợi cho chúng ta về sự cần thiết hiểu biết nhiều hơn thời cuộc. Trong đó, xác định những việc cần làm để đất nước ngày càng phồn thịnh, hùng cường.

Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu lịch sử)
Chủ tịch Hồ Chí Minh. (Ảnh tư liệu lịch sử)

1. Giải phóng dân tộc, xây dựng đất nước phồn thịnh, hùng cường là khát vọng, sự cống hiến trọn đời của Bác Hồ, sự phấn đấu không ngừng Đảng Cộng sản Việt Nam - Đảng do Bác Hồ sáng lập, rèn luyện. Đặc biệt, sau 35 năm đổi mới, khi…“Quy mô, trình độ nền kinh tế được nâng lên. Đời sống nhân dân cả về vật chất và tinh thần được cải thiện rõ rệt.

Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”(1), có cơ sở để Đảng ta nêu mục tiêu “Phấn đấu để đến giữa thế kỷ XXI, nước ta trở thành nước phát triển, theo định hướng xã hội chủ nghĩa”(2). Dĩ nhiên, kết quả của các quyết sách đó phụ thuộc nhiều yếu tố, tựu trung chính là sự đồng thuận giữa Đảng với dân về lựa chọn cách thức huy động và sử dụng các nguồn lực để giải quyết các vấn đề “quốc kế, dân sinh”, gắn với bối cảnh, tình hình cụ thể của dân tộc, thời đại.

Với cách nhìn đó, có thể thấy, nhân loại vừa khép lại năm 2022 với những biến động nhanh chóng, phức tạp, khó lường, vượt khỏi khả năng của mọi dự báo. Dịch bệnh, thiên tai, lũ lụt, hạn hán kéo dài trên diện rộng ở các nước; xung đột vũ trang nổ ra; cạnh tranh chiến lược giữa các nước lớn… khiến cho chuỗi cung ứng bị gián đoạn, giá dầu thô, lương thực, thực phẩm và nhiều vật tư, nguyên liệu đầu vào tăng mạnh, lạm phát tăng cao đột biến ở hầu hết các quốc gia, trong đó có các đối tác lớn của Việt Nam.

Ở trong nước, với sự vào cuộc quyết liệt của cả hệ thống chính trị, sự đồng thuận của người dân, chúng ta đã phòng, chống, kiểm soát có hiệu quả dịch bệnh, vừa giải quyết khá hiệu quả yêu cầu kinh tế, xã hội đặt ra. Các ngành, các lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế đều phục hồi, có bước phát triển mạnh; khu vực du lịch, dịch vụ phát triển sôi động trở lại; phát triển doanh nghiệp có nhiều khởi sắc; an sinh xã hội được bảo đảm, đời sống nhân dân được cải thiện… Đến nay, với sự chuẩn bị kỹ lưỡng về nhiều mặt, chúng ta có cơ sở để thực hiện các biện pháp quyết liệt vừa bảo đảm bình ổn, vừa tiếp tục tăng trưởng nhanh hơn... Đó là lý do cắt nghĩa việc Việt Nam nằm trong top đầu thế giới về các chỉ số phục hồi sau Covid-19.

Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: XUÂN TƯ
Cột cờ Lũng Cú, Hà Giang. Ảnh: XUÂN TƯ

2. Trước mắt, bên cạnh những thời cơ, thuận lợi, tình hình thế giới, khu vực tiếp tục có những diễn biến phức tạp, khó đoán định. Cục diện chính trị, kinh tế thế giới đã và đang gây ảnh hưởng xấu đến sự ổn định, phát triển của Việt Nam, rõ nhất là lĩnh vực tiền tệ, giá cả, thương mại và đầu tư, tạo áp lực lớn đối với nền kinh tế, cả trong ngắn hạn, trung và dài hạn. Chúng ta vừa phải tiếp tục ứng phó với những tác động tiêu cực từ bên ngoài, vừa phải đẩy nhanh tiến độ xử lý những hạn chế, yếu kém và những khó khăn, thách thức từ nội tại của nền kinh tế…”Phải chăng sắp tới chúng ta vẫn phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức lớn hơn so với thời cơ, thuận lợi cho phát triển”.

Từ trăn trở đó, tại hội nghị lần thứ 6, Ban Chấp hành Trung ương (khóa XIII), Đảng ta yêu cầu các cấp độ chủ thể lãnh đạo, quản lý cần: “Nhận định, đánh giá đúng tình hình, phân tích rõ nguyên nhân, xác định trúng những quan điểm phát triển, tư tưởng chỉ đạo, mục tiêu tổng quát, một số chỉ tiêu cơ bản, quan trọng và những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cho năm 2023 và những năm tiếp theo”. Đáp ứng yêu cầu đặt ra, dĩ nhiên có nhiều việc cần thống nhất nhận thức và cùng phối hợp hành động. Trong đó, phải chăng gồm:

Thứ nhất, quán triệt và tập trung thực hiện hiệu quả các quyết sách của Đảng, của Nhà nước, từng bước vượt khó, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu phát triển những năm tiếp theo. Để thực hiện định hướng trên, đòi hỏi toàn Đảng, toàn dân, toàn quân đoàn kết, nỗ lực, quyết tâm hành động cao nhất; tiếp tục nêu cao cảnh giác, chủ động kiểm soát có hiệu quả hơn nữa Covid-19 và các dịch bệnh mới phát sinh, tuyệt đối không được chủ quan, không được để bị động, bất ngờ; bảo đảm năng lực khám, chữa bệnh, phòng, chống dịch bệnh của hệ thống y tế; giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế, đặc biệt là cân đối về tài chính-ngân sách Nhà nước; đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế, gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng lực nội tại, tính tự chủ, khả năng chống chịu và tính thích ứng của nền kinh tế; củng cố, phát huy và tạo lập các động lực tăng trưởng mới trong trung hạn và dài hạn. Quyết liệt và đẩy nhanh tiến độ thực hiện các đột phá chiến lược, chương trình phục hồi và phát triển kinh tế-xã hội, 3 chương trình mục tiêu quốc gia, các dự án xây dựng hệ thống kết cấu hạ tầng đồng bộ, hiện đại, nhất là các dự án quan trọng, trọng điểm quốc gia; đẩy mạnh xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ gắn với chủ động, tích cực hội nhập quốc tế sâu rộng, thực chất, hiệu quả.

Ảnh: PHÚC NHÂN
Ảnh: PHÚC NHÂN

Thứ hai, tạo chuyển biến trong xây dựng mô hình và phương thức quản trị quốc gia, quản trị địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi thay, phát triển nhanh và sâu rộng. Ngày nay, dưới tác động của cuộc cách mạng khoa học - công nghệ lần thứ tư, nền kinh tế thế giới đã có sự đổi căn bản ở tầng sâu sản xuất vật chất, kéo theo sự thay đổi kết cấu kinh tế, cơ cấu xã hội; cùng với đó kinh tế thị trường càng phát triển gắn với toàn cầu hóa, sự xuất hiện đa chủ thể và đề cao sự hợp tác giữa các chủ thể, cả công và tư, cả trong nước và quốc tế tham gia giải quyết các vấn đề của cộng đồng, tập thể. Giờ đây, mô hình và phương thức quản lý xã hội theo kiểu truyền thống- Nhà nước duy nhất quyết định và làm mọi việc, phải đổi thay theo hướng là một thành tố đóng vai trò cụ thể hóa tầm nhìn, định hướng phát triển, kiến tạo thể chế cho sự phát triển, tạo luật chơi, sân chơi và cả người chơi phù hợp trong hành trình phát triển quốc gia; chia sẻ và tham gia có trách nhiệm giải quyết các vấn đề an ninh, giữ gìn hòa bình thế giới. Dĩ nhiên, ở Việt Nam đó là Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa, Nhà nước tạo lập và từng bước hoàn thiện thể chế, cơ chế để người dân có thể giám sát chính quyền thông qua việc tăng cường tính công khai, minh bạch và trách nhiệm giải trình; thực hiện phân cấp, phân quyền trong quản trị quốc gia, quản trị địa phương, bảo đảm vừa thống nhất, vừa phát huy tính chủ động, linh hoạt; cải thiện khả năng chống chịu, sức đề kháng trước những “thất bại của thị trường”; là bộ máy tinh gọn - “Chính phủ số, hiện đại, cạnh tranh hiệu quả”; bảo đảm hiệu lực quản lý công nghiệp hóa, hiện đại hóa, bảo vệ tài nguyên, môi trường.

Thứ ba, chủ thể cầm quyền có giải pháp hợp lý tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực. Đối với mọi quốc gia, tài lực và vật lực luôn là thứ hữu hạn, chỉ có tiềm năng trí tuệ của con người- khi càng sử dụng, càng có thể thăng hoa, phát triển. Vì vậy, ngày nay động lực của mọi động lực là phát huy nguồn lực con người, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao. Theo đó, Nhà nước có trách nhiệm tạo lập môi trường để một mặt, khích lệ khát vọng vươn lên của mọi cá nhân, tổ chức, thu hút được nhân tài và để họ biết cách làm giàu cho mình, đóng góp cho đất nước; mặt khác, thực hành các giải pháp tạo lập, sử dụng có hiệu quả các nguồn lực có thể. Đặc biệt, ưu tiên đầu tư tạo chuyển biến thực sự từ giáo dục, đào tạo; khoa học - công nghệ đến chăm sóc thể chất, sức khỏe; từ xác lập và củng cố hệ giá trị văn hóa, con người Việt Nam, đến việc bảo lưu, đồng thời chủ động chọn lọc các giá trị văn minh của nhân loại, mang đến sự bùng nổ năng lực bản chất người. Khuyến khích phát triển các mô hình khởi nghiệp trên lĩnh vực kinh tế tri thức, kinh tế số, ứng dụng khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số, chuyển đổi xanh. Chính quyền các cấp tính toán hợp lý để tạo lập nguồn lực công đủ sức thực hiện đầu tư táo bạo, tạo những cú hích cho sự bứt phá trong những lĩnh vực thuộc ưu thế của quốc gia, của từng địa phương.

"Quán triệt và tập trung thực hiện hiệu quả các quyết sách của Đảng, của Nhà nước, từng bước vượt khó, hoàn thành kế hoạch phát triển kinh tế- xã hội năm 2023, tạo tiền đề để hoàn thành mục tiêu phát triển những năm tiếp theo. Tạo chuyển biến trong xây dựng mô hình và phương thức quản trị quốc gia, quản trị địa phương, đáp ứng yêu cầu đổi thay, phát triển nhanh và sâu rộng. chủ thể cầm quyền có giải pháp hợp lý tạo động lực cho sự phát triển bền vững trong điều kiện khan hiếm các nguồn lực".

Thứ tư, trên cơ sở nâng cao sức mạnh nội sinh, khẳng định vị thế quốc gia, cần tăng cường các hoạt động đối ngoại, hội nhập quốc tế sâu rộng, toàn diện, gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển. Thực thi đường lối đối ngoại mềm dẻo, linh hoạt nhưng có tính nguyên tắc để bảo vệ trước hết, trên hết lợi ích quốc gia, dân tộc và không làm phương hại lợi ích của các quốc gia, dân tộc khác. Đưa quan hệ với các đối tác đi vào chiều sâu, hiệu quả, bền vững hơn. Chủ động trước những diễn biến ngày càng xấu hơn của an ninh toàn thế giới, nhất là ở khu vực châu  Á - Thái Bình Dương. Đồng thời triển khai kịp thời, chủ động phòng chống nguy cơ xung đột, chiến tranh từ sớm, từ xa; tăng cường tiềm lực quân sự, đủ sức mạnh răn đe cần thiết; củng cố vững chắc thế trận quốc phòng toàn dân có chiều sâu chiến lược; tăng cường thông tin phân tích, bình luận, đánh giá nhằm định hướng dư luận một cách đúng đắn, lành mạnh, không nhường trận địa cho những thông tin phiến diện, những cách nhìn lệch lạc, thậm chí xuyên tạc chính sách, đường lối đối nội, đối ngoại của Đảng và Nhà nước.

PGS. TS HỒ TẤN SÁNG


[1] Đảng Cộng sản Việt Nam, Văn kiện Đại hội XIII, Nxb Chính trị quốc gia Sự thật, HN,2021,

tr 103-104

[2]  Ntr, tr112

;
;
.
.
.
.
.