Tập huấn ToT cho cán bộ quản lý, tư vấn chương trình OCOP

.

Sáng 30-11, tại Đà Nẵng, Văn phòng Điều phối Nông thôn mới Trung ương (thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) phối hợp với Trường Cao đẳng Lương thực - Thực phẩm tổ chức chương trình tập huấn ToT cho lãnh đạo, cán bộ quản lý, tư vấn Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) các cấp của 19 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh phát biểu khai mạc chương trình tập huấn. Ảnh: PV
Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh phát biểu khai mạc chương trình tập huấn. Ảnh: PV

Phát biểu khai mạc chương trình, Phó Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương Phương Đình Anh khẳng định, chương trình OCOP là hướng đi đúng đắng để xây dựng và thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn. Sau 5 năm triển khai, chương trình OCOP khẳng định sự phù hợp với định hướng phát triển nông nghiệp của Việt Nam. Theo đó, nhiều chủ thể nâng cao được năng lực sản xuất, có sự tăng trưởng rõ rệt, gia tăng về doanh thu với những sản phẩm chất lượng, mang đặc điểm địa phương; tạo ra sự kết nối, thương hiệu và giá trị của cộng đồng. Vì vậy, trong quá trình thực hiện công tác, quản lý, các đơn vị cần lưu ý để không làm lệch giá trị và bản chất của chương trình OCOP.

Trong giai đoạn 2021-2025, việc triển khai chương trình OCOP đặt ra vấn đề hình thành vùng nguyên liệu tại chỗ; cần nâng cao được giá trị sản phẩm địa phương, thúc đẩy và phát huy được giá trị cộng đồng. Đặc biệt, chú trọng đến vấn đề xây dựng câu chuyện sản phẩm OCOP bởi đây là yếu tố then chốt tác động đến giá trị của sản phẩm.

Hơn 130 cán bộ quản lý, tư vấn tham gia chương trình tập huấn trong sáng 30-11. Ảnh: PV
Hơn 130 cán bộ quản lý, tư vấn tham gia chương trình tập huấn trong sáng 30-11. Ảnh: PV

Chương trình tập huấn diễn ra từ ngày 30-11 đến ngày 2-12. Tại chương trình, các cán bộ quản lý, tư vấn được giới thiệu các nội dung cơ bản của chương trình OCOP; bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP; phát triển chuỗi giá trị sản phẩm OCOP gắn với vùng nguyên liệu địa phương; các vấn đề về sở hữu trí tuệ, kiến thức về an toàn thực phẩm và xúc tiến quảng bá sản phẩm OCOP... Bên cạnh đó, các đại biểu còn được tham quan thực tế một số mô hình OCOP điển hình

Báo cáo tại tập huấn cho biết, đến nay, toàn quốc có 10.323 sản phẩm OCOP từ 3 sao trở lên với 5.361 chủ thể. Chương trình đã khơi dậy tiềm năng, thế mạnh của các địa phương về sản phẩm đặc sản, ngành nghề nông thôn; từng bước chuyển đổi sản xuất quy mô nhỏ sang sản xuất theo hướng liên kết chuỗi giá trị khép kín, gắn với vai trò của các HTX, doanh nghiệp; góp phần tạo việc làm cho lao động, thúc đẩy phát triển kinh tế nông thôn, đặc biệt là phát huy vai trò của phụ nữ và đồng bào dân tộc thiểu số; bảo tồn và phát huy các làng nghề truyền thống, giá trị văn hóa để phát triển kinh tế và du lịch nông thôn.

PV

;
;
.
.
.
.
.
Yến sào LifeNest