Bán đảo Sơn Trà có hơn 1.300 cá thể voọc chà vá chân nâu

.

Thông tin tại Hội thảo công bố kết quả nghiên cứu hiện trạng quần thể voọc chà vá chân nâu và giải pháp bảo tồn loài tại bán đảo Sơn Trà, do Liên hiệp các hội Khoa học và Kỹ thuật (KH&KT) Đà Nẵng phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh (GreenViet) tổ chức chiều 22-5 cho biết, tại bán đảo Sơn Trà hiện có khoảng 1.335 cá thể voọc chà vá chân nâu sống tập trung thành 237 đàn trên diện tích 30km2.

Từ năm 2016, voọc chà vá chân nâu được Liên minh Bảo tồn Thiên nhiên quốc tế (IUCN) xếp vào danh sách loài cực kỳ nguy cấp. Trong Sách Đỏ Việt Nam, voọc chà vá chân nâu xếp vào loài quý, hiếm được ưu tiên bảo tồn. Trên thế giới, voọc chà vá chân nâu chỉ còn 1.300 đàn, phân bố ở Lào và Việt Nam.

Ngoài ra, bán đảo Sơn Trà còn sở hữu hệ sinh thái rừng tự nhiên gắn liền với biển, là nơi duy nhất ở Việt Nam hội tụ những giá trị sinh thái trong lòng một đô thị hiện đại. Kết quả nghiên cứu của các nhà khoa học đã khẳng định Sơn Trà có 985 loài thực vật bậc cao có mạch, gần 300 loài động vật có xương sống ở cạn. Khu vực biển xung quanh bán đảo Sơn Trà còn có hệ sinh thái san hô và cỏ biển quan trọng, với 191 loài san hô cứng tạo rạn, 72 loài rong biển và 3 loài cỏ biển.

Ông Huỳnh Phước, Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT thành phố nhìn nhận, bán đảo Sơn Trà là nơi dễ dàng nhất trên thế giới có thể quan sát voọc chà vá chân nâu tự nhiên. Theo phân hạng của IUCN, loài đứng thứ 4/7 trong thang danh sách đỏ các loài có nguy cơ tuyệt chủng. Tuy nhiên, sự bùng nổ của các hoạt động phát triển, đặc biệt là du lịch trong những năm gần đây đã tạo nên những áp lực lớn, đe dọa sự bền vững sinh cảnh sống của voọc chà vá chân nâu. Ông Phước cũng khẳng định: Cần có những nghiên cứu đầy đủ, chính xác và khoa học nhất về loài voọc chà vá chân nâu tại bán đảo Sơn Trà để đưa ra các giải pháp bảo tồn loài phù hợp.

Tại hội thảo, nhiều ý kiến cho rằng, voọc chà vá chân nâu ở bán đảo Sơn Trà đang chịu nhiều tác động như: nguy cơ suy giảm diện tích vùng sống do quy hoạch các dự án phát triển du lịch sinh thái; việc xây dựng hạ tầng giao thông trên bán đảo Sơn Trà gây chia cắt vùng sống; nguy cơ gia tăng nạn săn bắn, bẫy bắt khi phát triển du lịch thiếu kiểm soát; nguy cơ truyền bệnh từ người sang khỉ và voọc qua việc cho động vật ăn; hạn chế trong công tác kiểm soát hoạt động con người trên bán đảo...

Vì vậy, để bảo vệ voọc chà vá chân nâu, ông Bùi Văn Tuấn, Trưởng phòng Nghiên cứu khoa học (GreenViet) đề xuất, cần tăng cường giám sát hoạt động của du khách tại các trạm gác các điểm ra vào bán đảo Sơn Trà; dừng và loại bỏ các dự án phát triển trong vùng phân bố quan trọng của voọc chà vá chân nâu ở phía bắc bán đảo Sơn Trà; giám sát và ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt, phá rừng làm mất môi trường sống của voọc tại các khu vực quy hoạch dự án phát triển. Đồng thời, lắp các biển hiệu cảnh báo tại các điểm có voọc đi qua đường và giám sát việc tự do đi lại của con người trên các tuyến đường có nhiều voọc phân bố; nâng cao nhận thức cho du khách trong việc ứng xử với động vật hoang dã trên bán đảo Sơn Trà như không cho động vật ăn, không vứt rác bừa bãi...

Cũng theo ông Tuấn, về lâu dài, cần thực hiện các chương trình giám sát, theo dõi biến động và tình trạng phân bố của quần thể voọc; nghiên cứu về sự đa dạng di truyền (DNA) để đánh giá sự suy giảm nguồn gen do ảnh hưởng của giao phối cận huyết; nghiên cứu sức chứa của bán đảo Sơn Trà đối với quần thể voọc chà vá chân nâu; kiểm soát chặt chẽ việc tái thả các loại khỉ tịch thu được trong các vụ vi phạm động vật hoang dã vào bán đảo Sơn Trà nhằm giảm thiểu nguy cơ lây nhiễm bệnh; phục hồi các sinh cảnh sống của voọc...

THANH TÌNH

;
.
.
.
.
.