Tăng cường quản lý đảng viên đi làm ăn xa

.

Những năm gần đây, tại Hòa Vang, số đảng viên đi làm ăn xa nơi cư trú có xu hướng tăng, ảnh hưởng không nhỏ đến việc đánh giá chất lượng đảng viên hằng năm cũng như nâng cao năng lực lãnh đạo và sức chiến đấu của tổ chức Đảng ở cơ sở. Làm thế nào để giữ mối liên hệ hai chiều giữa chi bộ và đảng viên là vấn đề đang được Huyện ủy và các tổ chức cơ sở Đảng trực thuộc quan tâm tìm biện pháp giải quyết.

Các đảng viên chi bộ thôn An Châu, xã Hòa Phú tham khảo các thông tin báo chí, ấn phẩm tuyên truyền hằng tháng.
Các đảng viên chi bộ thôn An Châu, xã Hòa Phú tham khảo các thông tin báo chí, ấn phẩm tuyên truyền hằng tháng.

Khó duy trì sinh hoạt Đảng

Anh Nguyễn Phú Lâm (thuộc Chi bộ thôn An Châu, xã Hòa Phú) vào Đảng năm 2009 và hiện đang được chi bộ xét đồng ý cho rời khỏi nơi cư trú vào Nam làm ăn trong vòng 12 tháng. Tuy nhiên, theo yêu cầu của chi bộ, đảng viên Nguyễn Phú Lâm phải cam kết giữ mối liên hệ với nơi cư trú mới cũng như nơi anh làm việc để báo cáo với chi bộ khi về sinh hoạt kỳ cuối năm. Anh Lâm cho biết: “Tôi dự định sẽ vào làm cho một công ty điện tử nước ngoài, do nơi công tác mới không có tổ chức Đảng nên việc sinh hoạt Đảng sẽ không thực hiện được. Vì vậy, tôi mong muốn tổ chức Đảng tạo điều kiện để khi về lại quê nhà vẫn được tham gia sinh hoạt và làm tròn trách nhiệm, nghĩa vụ của một đảng viên”.

Một trường hợp khác là anh Phùng Minh An - đảng viên Chi bộ thôn Cẩm Toại Tây, xã Hòa Phong cũng rời quê đi làm từ năm 2013. Hiện anh An đang làm việc cho một công ty linh kiện điện tử ở quận Liên Chiểu. “Năm 2011, tôi vinh dự được kết nạp vào Đảng. Kinh tế gia đình gặp khó khăn nên tôi phải đi làm xa nhà nhưng tôi có xin phép chi bộ. Tôi vẫn đóng đảng phí đầy đủ, thường xuyên liên hệ với chi ủy để báo cáo và nắm tình hình. Dù xin phép 6 tháng mới về sinh hoạt một lần nhưng tôi tranh thủ, nếu rảnh là về tham gia sinh hoạt”, anh An cho biết.

Theo Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phú Nguyễn Ngọc Hải, toàn Đảng bộ xã có 205 đảng viên và 5 chi bộ thôn, trong đó có khoảng 10% đảng viên đi làm ăn xa. Là xã miền núi, đời sống của nhân dân còn nhiều khó khăn nên không tránh khỏi việc đảng viên phải “ly hương” tìm việc làm, tăng thu nhập. “Khó khăn trong công tác quản lý đảng viên đi làm xa là vì họ không có việc làm ổn định, không có địa chỉ cụ thể, nên khó có xác nhận của chính quyền địa phương, tổ chức Đảng nơi họ làm việc. Vì vậy, việc đánh giá, phân loại cuối năm rất khó”, ông Hải cho hay.

Theo bà Phan Thị Thu Hồng, Phó Bí thư Đảng ủy xã Hòa Phong, Đảng bộ xã hiện có khoảng 10% đảng viên đi khỏi nơi cư trú, khó duy trì sinh hoạt Đảng đẩy đủ theo quy định. Để tạo điều kiện cho đảng viên miễn sinh hoạt theo quy định của Trung ương, Đảng ủy xã hướng dẫn những trường hợp đi làm ăn xa làm đơn xin miễn sinh hoạt trong thời gian rời khỏi nơi cư trú, đồng thời Đảng ủy cũng đề nghị cấp ủy cơ sở cần quan tâm, theo dõi đảng viên để nắm tâm tư, nguyện vọng cũng như gia cảnh của từng người, kịp thời hướng dẫn làm các thủ tục theo đúng quy định. “Một số đảng viên có đơn xin miễn sinh hoạt nhưng trong quá trình đi làm ăn xa đã không liên hệ với cấp ủy, chi bộ tại quê nhà, đến kỳ sinh hoạt cuối năm thì không có bản tự kiểm điểm và bản nhận xét nơi công tác nên gây nhiều khó khăn trong công tác quản lý”, bà Hồng cho biết.

Tạo việc làm, phát triển kinh tế địa phương

Theo ông Lê Trung Thắng, Trưởng ban Tổ chức Huyện ủy Hòa Vang, năm 2016, toàn Đảng bộ huyện kết nạp 162 đảng viên, bồi dưỡng 283 đối tượng Đảng; nâng tổng số đảng viên đến nay lên 4.160 người, trong đó có gần 30% đảng viên đi làm ăn xa dài hạn. Đảng viên đi làm xa dài hạn được miễn công tác và sinh hoạt, việc đánh giá, xếp loại vì vậy lại càng khó khăn. Có những trường hợp đảng viên đi làm ăn tới 2-3 năm mới về địa phương; có khi không tham dự kỳ họp nào và họ cũng không tham gia thực hiện nhiệm vụ song vẫn đóng đảng phí và các loại quỹ khác đầy đủ. Đây cũng là vấn đề khiến nhiều chi bộ lúng túng.

Theo Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy Nguyễn Thanh Hùng, để giảm dần số lượng đảng viên đi làm ăn xa, giải pháp đầu tiên có tính căn bản, lâu dài là các cấp ủy Đảng cần tập trung lãnh đạo, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội ở vùng nông thôn để nông dân và các đảng viên có việc làm, ổn định cuộc sống. Sự ra đời của nhiều vùng sản xuất nông nghiệp công nghệ cao trên địa bàn huyện cũng là giải pháp hữu hiệu giúp nhiều lao động có việc làm với mức thu nhập ổn định ngay tại địa phương.

“Ngoài việc tập trung phát triển kinh tế, thời gian qua, Huyện ủy cùng các tổ chức cơ sở Đảng đã đẩy mạnh các biện pháp quản lý đảng viên đi làm ăn xa chặt chẽ hơn; đặc biệt là tăng cường sự phối hợp giữa tổ chức Đảng nơi đảng viên sinh hoạt với tổ chức Đảng nơi đảng viên đến làm việc, cư trú. Đồng thời, tập trung đánh giá bằng những thông tin nắm bắt được qua các kênh thông tin từ gia đình, người thân, các mối quan hệ của đảng viên”, ông Hùng nhấn mạnh.

Bài và ảnh: HOÀNG THIÊN

;
.
.
.
.
.