Nằm trong chuỗi sự kiện được tổ chức nhân kỷ niệm 50 năm thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà (10-1967 - 10-2017), ngày 31-7, tại Đà Nẵng, Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam phối hợp với Ban liên lạc Đặc khu ủy Quảng Đà tổ chức hội thảo khoa học “Vai trò Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà (1967-1975)”. Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường và nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận cùng chủ trì hội thảo.
Nguyên Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà Trần Thận (giữa) phát biểu tham luận về “Sự lãnh đạo có tính chiến lược của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với các phong trào, sự kiện tiêu biểu của phong trào cách mạng Quảng Đà”. Ảnh: SƠN TRUNG |
Tham dự hội thảo có nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà Nguyễn Văn Chi; nguyên lãnh đạo chủ chốt của Đặc khu ủy Quảng Đà; các nhân chứng lịch sử từng trực tiếp công tác, chiến đấu tại chiến trường Quảng Đà (1967-1975); đại diện lãnh đạo Quân khu 5, các cơ quan, ban, ngành, các địa phương của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cùng các nhà nghiên cứu lịch sử.
Trình bày đề dẫn, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy Đà Nẵng Đặng Việt Dũng nhấn mạnh, hội thảo cần đánh giá đầy đủ, đúng đắn, sâu sắc hơn, có sức thuyết phục cả về sự lãnh đạo của Trung ương, Khu ủy 5 đối với phong trào cách mạng Quảng Đà; về sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà trên tất cả các mặt công tác nhằm phát huy sức mạnh tổng hợp cho mục tiêu giải phóng quê hương; về ý nghĩa chiến lược của chủ trương sáp nhập và chia tách đơn vị hành chính trong từng thời kỳ lịch sử... Qua đó, tái hiện bức tranh chân thật của lịch sử, góp phần giáo dục truyền thống yêu nước, ý chí độc lập tự chủ, niềm tự hào dân tộc, tình yêu quê hương, đất nước cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân, nhất là các thế hệ trẻ; tạo sự thống nhất cao về ý chí và hành động. Hội thảo phải rút ra từ quá khứ những bài học kinh nghiệm bổ ích trong việc lãnh đạo, chỉ đạo phong trào cách mạng địa phương, song cũng không ngần ngại chỉ ra những hạn chế nhằm phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới hiện nay.
Tại hội thảo, Thiếu tướng Trịnh Đình Thạch, Phó Chính ủy Quân khu 5 trình bày tham luận về “Sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy 5 đối với Đặc khu ủy Quảng Đà trên lĩnh vực quân sự tại chiến trường trọng điểm Quảng Đà”; đồng chí Trần Thận với tham luận “Sự lãnh đạo có tính chiến lược của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với các phong trào, sự kiện tiêu biểu của phong trào cách mạng Quảng Đà”; nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà Nguyễn Văn Chi tham luận về “Vai trò lãnh đạo của Đặc Khu ủy Quảng Đà với Khu 2 Hòa Vang”; nguyên Thứ trưởng Bộ Công an, Thượng tướng Lê Thế Tiệm tham luận về công tác bảo đảm an toàn cho các đồng chí lãnh đạo Đặc khu ủy Quảng Đà của lực lượng an ninh thuộc Ban An ninh Đặc khu Quảng Đà… Ngoài ra, hội thảo còn nhận được 23 tham luận khác.
Các tham luận đã góp phần làm rõ hơn sự lớn mạnh của các lực lượng quân sự, vũ trang, các ngành, các cấp, địa phương… khắp chiến trường Quảng Đà, đồng thời cho thấy công tác xây dựng Đảng trong chiến tranh là một nhiệm vụ cách mạng vô cùng quan trọng, khẳng định một cách thuyết phục về vai trò lãnh đạo to lớn của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với phong trào cách mạng Quảng Đà giai đoạn 1967-1975. Đó cũng là minh chứng về thắng lợi của đường lối, chủ trương đúng đắn và sáng tạo của Đảng ta về chiến lược chiến tranh cách mạng, về xây dựng và phát huy sức mạnh đại đoàn kết toàn dân tộc, về sức sáng tạo của quần chúng nhân dân, nhất là những người lãnh đạo thông minh, với tinh thần yêu nước nồng nàn, hết lòng trọng dân, thương dân; dám nghĩ, dám làm, luôn đi đầu và xả thân vì phong trào cách mạng của quê hương.
Khẳng định vai trò to lớn của Đặc khu ủy Quảng Đà
Dưới sự lãnh đạo trực tiếp của Đặc khu ủy Quảng Đà, quân và dân Quảng Đà đã mở cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, đánh mạnh vào các cơ quan đầu não của địch ở đô thị Đà Nẵng và các thị xã, thị trấn, tiêu diệt nhiều sinh lực và phương tiện chiến tranh của địch. Tiếp đó, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, với các chiến dịch X1, X2, quân dân toàn Đặc khu đã liên tiếp tiến công địch, góp phần cùng quân, dân miền Nam và cả nước giáng một đòn quyết định, buộc Mỹ phải ngồi vào bàn đàm phán tại hội nghị Paris và tính đến việc giảm dần quân Mỹ trên chiến trường miền Nam.
Từ năm 1969-1972, Đặc khu ủy Quảng Đà kiên cường trụ bám, lãnh đạo, chỉ đạo nhân dân liên tiếp tiến hành đấu tranh chống chính sách bình định, lấn chiếm của Mỹ - ngụy. Từ trong gian lao thử thách, dưới tầm bom đạn, lực lượng quân sự, chính trị và nhân dân của Quảng Đà không ngừng lớn mạnh, tạo được thế đứng chân vững chắc ở miền núi, đồng bằng và nông thôn, góp phần thắng lợi trong việc buộc đế quốc Mỹ phải ký kết Hiệp định Paris ngày 27-1-1973.
Ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, dưới sự lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà, phong trào đấu tranh giành dân, giành đất thu được nhiều kết quả quan trọng. Quân và dân Quảng Đà đã đánh nhiều trận quyết định, tiêu biểu nhất là diệt cứ điểm Thượng Đức - một hệ thống cứ điểm kiên cố án ngữ ở phía tây nam Đà Nẵng, để mở đường cho quân ta tiến về giải phóng Đà Nẵng.
Chiến thắng dồn dập của quân và dân ta trên khắp chiến trường miền Nam cuối năm 1974 đầu năm 1975 làm cho quân địch suy sụp, thế và lực của ta mạnh lên gấp nhiều lần, tạo thời cơ chiến lược để Trung ương Đảng quyết định giải phóng miền Nam trong năm 1975. Với khí thế tấn công thần tốc, trưa ngày 29-3-1975, Đà Nẵng được giải phóng. Đặc khu ủy Quảng Đà xây dựng kế hoạch bảo vệ nguyên vẹn thành phố, bảo vệ tài sản, tính mạng của dân, đồng thời tiếp tế, cứu trợ không để dân đói.
Sau giải phóng, chấp hành Nghị quyết số 245-NQ/TW ngày 20-9-1975 của Bộ Chính trị về việc bỏ khu, hợp nhất tỉnh, ngày 4-10-1975, UBND Cách mạng Lâm thời khu Trung Trung bộ ra Quyết định số 119/QĐ về việc hợp nhất tỉnh Quảng Nam và Đặc khu Quảng Đà thành tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng.
Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Đặc khu ủy viên Quảng Đà Nguyễn Văn Chi phát biểu tham luận về vai trò lãnh đạo của Đặc khu ủy Quảng Đà đối với Khu II Hòa Vang. Ảnh: SƠN TRUNG |
Phát huy bài học dựa vào dân trong sự nghiệp đổi mới
Phát biểu kết luận hội thảo, Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí và Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường cùng cảm ơn những ý kiến phát biểu tại hội thảo của các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử về những vấn đề tâm huyết, những luận giải có căn cứ khoa học và thực tiễn về huy động sức dân, dựa vào dân, về tâm và tầm của người lãnh đạo, về đoàn kết nội bộ, đoàn kết nhân dân hướng đến mục tiêu cao cả nhất là quyền lợi của dân tộc, là lý tưởng của Đảng. Tất cả những ý kiến này sẽ giúp Thường trực Thành ủy Đà Nẵng và Tỉnh ủy Quảng Nam hiện nay nhận thức rõ hơn giá trị của các bài học lịch sử nhằm lãnh đạo, chỉ đạo tốt hơn công cuộc xây dựng quê hương trong tình hình hiện nay.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Đà Nẵng Võ Công Trí cho rằng, hội thảo khoa học là một sự kiện chính trị, tư tưởng quan trọng của thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong năm 2017. Đây cũng là thông điệp của hai địa phương là nhìn về quá khứ, chắt lọc từ các trang sử vàng thấm đẫm máu và nước mắt của cha ông nhằm rút ra những bài học lịch sử giá trị, ngõ hầu “xây dựng tương lai bằng việc định vị giá trị của quá khứ trên nền thực trạng hiện tại”, để phát triển thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế ngày càng lớn mạnh hơn.
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí định hướng những việc cụ thể cần làm. Theo đó, từ việc thành lập Đặc khu Quảng Đà gợi lên suy nghĩ về việc trong lãnh đạo, điều hành, Đảng bộ và chính quyền thành phố cần thường xuyên quan tâm, xem xét cơ chế, chính sách, vạch ra những chủ trương mới cho phù hợp với thực tiễn và mạnh dạn đề xuất với Trung ương để có sự thay đổi cần thiết hoặc cho chủ trương để thực hiện, nhất là xin các cơ chế đặc thù để phát huy lợi thế, tương xứng vai trò là trung tâm kinh tế, văn hóa - xã hội của khu vực miền Trung - Tây Nguyên. Trong đó, thành phố Đà Nẵng cần đóng vai trò chủ động, tạo sự liên kết vùng có hiệu quả, trước hết là với tỉnh Quảng Nam anh em, để tận dụng lợi thế của từng địa phương nhằm phát triển chung cả Quảng Nam và Đà Nẵng.
Thành phố Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam cần phối hợp, đặt hàng cho các nhà khoa học, các nhân chứng lịch sử chủ chốt để tiến hành nghiên cứu, tổng kết phong trào đấu tranh chính trị, phong trào đô thị, công tác xây dựng Đảng trong chiến tranh, nhất là những vấn đề có tính lý luận và thực tiễn; tiếp tục đầu tư nghiên cứu làm sáng tỏ thêm sự kiện, phong trào, nhân vật lịch sử tiêu biểu trong giai đoạn 1967-1975... Từ đó, có thể đánh giá đúng thực chất hơn lực lượng chính trị trong kháng chiến chống Mỹ (nhân sĩ, trí thức, văn nghệ sĩ; học sinh, sinh viên, biệt động thành, thành phần thứ ba…) nhằm phát huy bài học xây dựng khối đại đoàn kết dân tộc, tinh thần hòa hợp dân tộc và sức mạnh đồng thuận của quần chúng nhân dân.
Hai địa phương cần đánh giá đầy đủ, toàn diện hơn về vị trí chiến lược, ý nghĩa lịch sử của căn cứ Hòn Tàu - nơi Đặc khu ủy Quảng Đà từng đứng chân chỉ đạo chiến tranh suốt thời kỳ 1968-1975. Sắp tới, cần xây dựng tại nơi này một di tích lịch sử như một địa chỉ đỏ, biểu trưng cho truyền thống vẻ vang, hào hùng của quân và dân Quảng Đà, đồng thời định hướng phát huy di tích Hòn Tàu gắn với phát triển du lịch văn hóa - lịch sử - sinh thái, kết nối với các điểm du lịch trong tỉnh Quảng Nam, thành phố Đà Nẵng và khu vực miền Trung- Tây Nguyên.
Cách đây 50 năm, trong bối cảnh và tâm thế “động viên những nỗ lực lớn lao của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân, ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh chống Mỹ-ngụy của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”, tháng 10-1967, Khu ủy Khu 5 quyết định sáp nhập tỉnh Quảng Đà và thành phố Đà Nẵng thành Đặc khu Quảng Đà. Đồng chí Hồ Nghinh được Thường vụ Khu ủy 5 chỉ định làm Bí thư Đặc khu ủy Quảng Đà. Lúc này, Đặc khu Quảng Đà chia Đà Nẵng thành 3 quận (Quận I, Quận II, Quận III), chia Hòa Vang thành 3 khu (Khu I, Khu II, Khu III) và các huyện, thị xã gồm: Hội An, Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên, Đông Giang, Nam Giang, Tây Giang. Việc thành lập Đặc khu ủy Quảng Đà là vấn đề có tính chiến lược nhằm kết hợp chặt chẽ và phát huy cao độ sự hỗ trợ giữa 3 vùng chiến lược: đô thị - nông thôn đồng bằng - miền núi; là sự kết hợp của 3 thứ quân: bộ đội chủ lực - bộ đội địa phương - dân quân du kích; giữa 3 mũi giáp công: chính trị - quân sự - binh địch vận, trong đó tập trung chủ yếu cho trọng điểm đô thị Đà Nẵng - mục tiêu của cuộc tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân - 1968 sau đó. Trích đề dẫn hội thảo |
* Nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương, nguyên Đặc Khu ủy viên Quảng Đà Nguyễn Văn Chi: Cuộc chiến đấu của “biệt động thành” lặng lẽ, hiểm nguy Khu II Hòa Vang là một vùng ven - vành đai chiến lược phía nam thành phố Đà Nẵng, gắn kết với vùng Điện Bàn, Đại Lộc, Duy Xuyên ác liệt, góp phần quan trọng lấy nông thôn bao vây thành thị theo chủ trương của Đặc khu ủy Quảng Đà. Trong thời kỳ 1967-1975, những lớp lớp học sinh, sinh viên trở thành biệt động, cuộc chiến đấu của “biệt động thành” lặng lẽ, hiểm nguy, có ai biết trong lòng địch, họ là những chiến sĩ kiên trung, diệt ác ôn, rải truyền đơn, treo cờ giải phóng ngay trong sào huyệt chúng; có bao người bị địch bắt tù đày, tra tấn dã man, nhưng không hề khai báo; có những đồng chí hy sinh nhưng mãi mãi Tổ quốc không công nhận là liệt sĩ, đó là lực lượng biệt động thành, họ hoạt động đơn tuyến dùng toàn mật danh, chẳng ai biết quê hương của họ là đâu, tên gì, con của ai… * Thượng tướng Lê Thế Tiệm, nguyên Thứ trưởng Bộ Công an: Vượt qua muôn vàn thử thách Cuộc kháng chiến chống Mỹ, đặc biệt là giai đoạn 1967-1975, cực kỳ ác liệt, hy sinh nhưng lực lượng an ninh Đặc khu Quảng Đà đã vượt qua muôn vàn thử thách, không quản ngại gian khổ, sẵn sàng xả thân để bảo vệ Đảng, bảo vệ sự nghiệp cách mạng, kiên cường bám đất, bám dân, đấu tranh quyết liệt chống bọn tình báo, gián điệp, bình định, gom dân, chiến tranh tâm lý, chiêu hồi của địch, đã góp phần đập tan bộ máy kìm kẹp của Mỹ - ngụy, đánh thắng chiến tranh gián điệp, giải phóng quê hương, tiến tới giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước. * Nhà nghiên cứu Nguyễn Đình An, nguyên Ủy viên Ban Tuyên huấn Quảng Đà: Giữ ngọn lửa thời kỳ Đặc khu ủy Quảng Đà Trong những ngày này, nghĩ về thời kỳ cực kỳ máu lửa đó, tôi nhớ khôn nguôi các đồng chí đã hy sinh trong quá trình chống Mỹ, cứu nước, Ban Tuyên huấn Đặc khu Quảng Đà đã hy sinh tổn thất nhiều lắm… Làm sao kể hết, nhớ hết những hy sinh lớn lao của anh em chúng ta trong thời kỳ Đặc Khu ủy Quảng Đà. Tôi chỉ thầm cầu mong thế hệ con cháu mình sẽ không phải đi qua, phải gánh vác những cuộc chiến tranh. Nhưng dù không được trải nghiệm, rèn luyện trong những thử thách của cuộc chiến tranh, những lớp trẻ sau này vẫn giữ, vẫn có ý chí, khí phách, ngọn lửa của thời kỳ Đặc khu ủy Quảng Đà. Tôi tin rằng, có những giá trị ấy thì họ sẽ làm được những gì mà lịch sử giao phó, cũng như thế hệ thời Đặc khu ủy Quảng Đà đã có được lời đáp sáng tạo cho những câu hỏi lớn của thời đại, nửa thế kỷ trước. |
S.TRUNG