Nguy cơ mất cân bằng giới tính

.

Dân số Đà Nẵng thời gian qua có dấu hiệu mất cân bằng giới tính, trên ngưỡng tự nhiên khi tỷ số giới tính giai đoạn 2011-2015 dao động từ 107-110 bé trai/100 bé gái.

Mới đây, tại phường Phước Mỹ (quận Sơn Trà), buổi nói chuyện chuyên đề về mất cân bằng giới tính khi sinh do địa phương tổ chức đã thu hút khá đông chị em đến tham gia. Các chị em được nghe những câu chuyện, lồng ghép các kiến thức về mất cân bằng giới tính khi sinh; tình trạng dư thừa nam giới trong độ tuổi kết hôn có thể dẫn tới tan vỡ cấu trúc gia đình.

Cán bộ một phường trên địa bàn quận chia sẻ, chị em vẫn biết việc lựa chọn giới tính khi sinh là không nên và sinh nhiều sẽ ảnh hưởng sức khỏe, tuy nhiên, cũng do nhiều áp lực từ phía chồng, gia đình chồng nên đành chấp nhận. Hơn nữa, ở các địa phương miền biển, tâm lý thích con trai để nối nghiệp vẫn còn nặng.

Trước đó, tại phường Thọ Quang (quận Sơn Trà) cũng diễn ra buổi nói chuyện chuyên đề nhằm cung cấp kiến thức cho phụ nữ mang thai, sức khỏe sinh sản… Cuối năm vừa qua, tại Trường THPT Cẩm Lệ và Trung tâm Giáo dục thường xuyên thành phố số 3, Trung tâm Dân số-Kế hoạch hóa gia đình phối hợp với Quận Đoàn Cẩm Lệ tổ chức truyền thông dân số - sức khỏe sinh sản với chủ đề “Đầu tư cho trẻ em gái vị thành niên là đầu tư cho tương lai bền vững”…

Như vậy, hàng loạt các hoạt động truyền thông đã được tổ chức nhằm tuyên truyền, nâng cao nhận thức về giới tính khi sinh, về tỷ lệ sinh cho người dân. Thực tế hiện nay, nhiều người do cố gắng đẻ con trai nên ở một số địa phương, tỷ lệ sinh con thứ 3 vẫn còn cao. Đơn cử như ở quận Cẩm Lệ. Chỉ trong 6 tháng đầu năm 2017, toàn quận có 725 ca thì có 64 ca là sinh con thứ 3, chiếm hơn 8,8%. Một cán bộ dân số trên địa bàn quận cho biết, có trường hợp cả hai vợ chồng đã đồng ý đình sản nhưng anh chồng đi công tác xa nên không thể ký giấy lại đành tạm hoãn, hay có trường hợp chồng đồng ý nhưng vợ không đồng ý hoặc ngược lại gây khó khăn cho công tác này.

Theo Quỹ Dân số Liên Hợp Quốc tại Việt Nam, nếu không có các biện pháp can thiệp kịp thời, dự tính đến năm 2050, Việt Nam sẽ có từ 2,3-4,3 triệu nam giới không tìm được vợ để kết hôn. Việc thiếu hụt nữ giới cũng khiến xã hội phải đối mặt với hàng loạt các vấn đề như: nạn buôn bán phụ nữ, xâm hại tình dục, trọng nam khinh nữ, nam giới không lấy được vợ…

Giảm dần tình trạng mất cân bằng giới tính khi sinh là việc làm cần thiết và cấp bách. Nhằm làm giảm tốc độ gia tăng tỷ số giới tính khi sinh, bảo đảm cân bằng giới tính trong tương lai, góp phần nâng cao chất lượng dân số, thành phố vừa ban hành kế hoạch thực hiện Đề án kiểm soát mất cân bằng giới tính khi sinh, giai đoạn 2016-2020, với kinh phí dự kiến trên 6,6 tỷ đồng. Đề án này nhằm giảm tốc độ tăng tỷ số giới tính khi sinh dưới mức 0,3% điểm phần trăm/năm, để tỷ số này dưới mức 112 vào năm 2020.

Tuy nhiên, để thực hiện được đề án này, cần phải nâng cao công tác truyền thông để người dân nhận thức về nguy cơ của việc mất cân bằng giới tính, không tham gia vào việc lựa chọn giới tính khi sinh. Mặt khác, cũng cần khắc phục tình trạng ở nhiều khu dân cư, tổ dân phố, tổ trưởng tổ dân phố hầu như khoán trắng việc tuyên truyền, thực hiện công tác dân số cho các cộng tác viên. Đồng thời, cần phải đầu tư nguồn lực, kinh phí cho hoạt động dân số-kế hoạch hóa gia đình, tăng cường quản lý; kiểm soát các trung tâm, đơn vị y tế công lập, tư thục để phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi lựa chọn giới tính thai nhi, xử lý vi phạm theo quy định của pháp luật.

KIM NGÂN

;
.
.
.
.
.