Bằng nỗ lực và ý chí của người lính Cụ Hồ, những thương binh ở quận Liên Chiểu vươn lên trong phát triển kinh tế, trở thành những tấm gương tiêu biểu không chỉ ở địa phương mà toàn thành phố và toàn quốc.
Ông Võ Văn Kỉnh. |
Ông Nguyễn Văn Đức (SN 1954) là thương binh ¾, nạn nhân chất độc da cam, trú tổ 10 phường Hòa Hiệp Nam. Năm 17 tuổi, ông tham gia cách mạng. Qua 4 năm hoạt động tại Khu 1 cánh Bắc Hòa Vang, trong một lần đi công tác ở vùng B Đại Lộc, bị địch phục kích, ông bị thương, đạn xuyên nát cả khuỷu tay. Ông được đưa ra miền Bắc điều trị, rồi qua Trung Quốc chữa vết thương, sức khỏe phục hồi, nhưng trong người mang thương tích vĩnh viễn. Sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông chuyển ngành, tham gia quản lý ngành lâm nghiệp và nghỉ hưu trước tuổi năm 1993.
Cũng trong năm 1993, bằng nỗ lực của bản thân cùng sự chung sức của gia đình, ông Đức thành lập Công ty TNHH Lâm nghiệp Hải Vân, hoạt động trong lĩnh vực trồng rừng, chế biến lâm sản, sản xuất ván ép nhân tạo. Từ khi thành lập với số vốn khoảng 400 triệu đồng, đến nay công ty có số vốn hiện lên đến 17,5 tỷ đồng.
Công ty của ông Đức hiện giải quyết việc làm cho khoảng 100 lao động, với mức thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng, trong đó 90% là lao động địa phương. Đa số lao động đều có hoàn cảnh khó khăn, là thương binh, bệnh binh, người khuyết tật, con gia đình chính sách. Suốt 17 năm nay, ông Đức kết hợp với Trại tạm giam Hòa Sơn tổ chức dạy nghề, hướng nghiệp cho những nghi phạm tại đây; công ty sẵn sàng tiếp nhận họ vào làm việc sau khi mãn hạn. Ngoài ra, ông Đức thường xuyên đóng góp quỹ tình nghĩa, giúp đỡ hộ khó khăn xây, sửa nhà, hỗ trợ học sinh nghèo hiếu học, ủng hộ Bệnh viện Ung bướu, ủng hộ khu dân cư, quỹ vì người nghèo… nhiều triệu đồng. Ông đã được Trung ương và địa phương tặng nhiều bằng khen, giấy khen vì có thành tích tiêu biểu trong hoạt động sản xuất kinh tế cũng như an sinh xã hội.
Cũng như ông Đức, ông Võ Văn Kỉnh (SN 1940, ở phường Hòa Hiệp Bắc) là thương binh 2/4 (mất sức 61%). Trong chiến tranh, ông Kỉnh bị địch phục kích, đạn xuyên qua mặt, một mắt bị hỏng. Vợ ông, bà Lê Thị Hậu, là thương binh 4/4, cựu tù Côn Đảo. Ông Kỉnh tham gia cách mạng từ năm 1964, giữ chức Chánh Văn phòng Đảng ủy Khu 1 cánh Bắc Hòa Vang. Qua nhiều năm công tác trong bộ máy quản lý huyện Hòa Vang (cũ), năm 1987, ông nghỉ hưu theo chế độ. “Thời đấy, chúng tôi không nghĩ đến chuyện chờ đợi, ỷ lại vào sự hỗ trợ của Nhà nước, mà luôn tìm cách bươn chải, kiếm sống. Trở về địa phương, hai vợ chồng tôi lên núi chặt củi về bán để lấy ngắn nuôi dài, trồng rừng và cây ăn trái. Cứ thế, cuộc sống dần qua những khó khăn, con cái dần trưởng thành, có cái ăn chứ cũng không giàu có gì. Năm 1991, tôi làm đơn xin nhận khoán 5ha rừng tại núi Đá Bạt và 1ha đất nông nghiệp do xã Hòa Hiệp (cũ) cấp để trồng cây ăn quả, đào ao nuôi cá, chăn nuôi gia cầm…”, ông Kỉnh cho hay.
Trang trại của ông Kỉnh hằng năm giải quyết được hơn 100 lao động thời vụ. Hai người thương binh già vẫn ngày ngày chăm nom trang trại với đủ thứ cây trồng ăn trái, rừng keo lá tràm lên tuổi thứ 3. Cứ đến mùa sản xuất, ông bà lại cùng những nhân công thuê lao vào công việc, dù đã ở tuổi “thất thập cổ lai hy”, bản thân mang đầy thương tích…
Trong khi đó, ông Nguyễn Đức Cử (SN 1952, trú tổ 33A phường Hòa Khánh Bắc) được biết đến với những chương trình từ thiện suốt chục năm qua: nồi cháo tình thương tại Bệnh viện Tâm thần Đà Nẵng từ năm 2008 đến nay; lớp học tình thương dịp hè; hay ủng hộ gần 100 triệu đồng để xây nhà sinh hoạt cộng đồng… Ông Cử mang trên mình thương tật tỷ lệ 57%, bị nhiễm chất độc da cam. Từ năm 1970, ông vào chiến trường miền Nam, chiến đấu tại miền Tây Nam bộ. Đến năm 1973, ông bị thương, đến 1975 chuyển ngành và nghỉ hưu vào năm 1993.
Cuộc sống gia đình lúc mới về hưu gặp nhiều khó khăn, ông Cử phải vay mượn tiền bạn bè để kinh doanh phế liệu. Năm 2002, ông thành lập Công ty TNHH Đức Công kinh doanh vận chuyển hàng hóa và vật liệu xây dựng có vốn điều lệ ban đầu 4 tỷ đồng. Công ty làm ăn phát đạt, ông nghĩ đến những hoàn cảnh khó khăn cần giúp đỡ. “Từ thực tế gia đình, chứng kiến nhiều mảnh đời bất hạnh, hậu quả chiến tranh vẫn còn nặng nề đối với nhiều người, tôi và gia đình đã chủ động trích một phần thu nhập để giúp đỡ những gia đình thương binh, liệt sĩ và nhiều hoàn cảnh ngặt nghèo khác trong xã hội. Sự hỗ trợ của mình chỉ là hạt muối bỏ biển, chỉ mong sao họ vượt qua lúc ngặt nghèo nhất”, ông Cử tâm sự.
Với những đóng góp và hoạt động công tác tại địa phương trong vai trò tổ trưởng tổ dân phố, ông Cử đã được tặng nhiều danh hiệu cao quý từ cấp Trung ương đến thành phố, quận, phường. Sắp tới, ông sẽ tham dự hội nghị biểu dương những thương binh tiêu biểu toàn quốc tại Hà Nội.
Thế hệ những thương binh như ông Đức, ông Kỉnh, ông Cử… tuổi đã bước qua sườn dốc bên kia cuộc đời. Nhưng với họ, ý chí và tấm lòng vẫn luôn vượt qua mọi thử thách của thời gian để tự nuôi bản thân, gia đình và đóng góp vào sự phát triển của cộng đồng, xã hội. Họ là thương binh “tàn nhưng không phế”.
Bài và ảnh: TRỌNG HUY