Người nghiện chưa tự giác và quyết tâm cai nghiện, cơ chế chính sách còn bất cập, người sau cai khó vay vốn làm ăn... là những vướng mắc được nêu tại hội nghị sơ kết 3 năm thực hiện Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy của Thủ tướng Chính phủ, do Bộ LĐ-TB&XH tổ chức tại Đà Nẵng ngày 31-7.
Cho vay giải quyết việc làm cho người sau cai nghiện ma túy hiện vẫn còn gặp khó khăn. TRONG ẢNH: Học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, Đà Nẵng. |
Đề án đổi mới công tác cai nghiện ma túy đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 ở Việt Nam với mục tiêu giảm số cơ sở cai nghiện bắt buộc, tăng cơ sở cai nghiện tự nguyện, thành lập tối thiểu 30 cơ sở cai nghiện tự nguyện dân lập.
Chậm đổi mới chất lượng
Theo thông tin từ Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH), sau 3 năm thực hiện đề án này, cả nước chuyển đổi được 123 trung tâm chữa bệnh - giáo dục - lao động xã hội xuống thành 105 cơ sở cai nghiện tự nguyện, cơ sở cai nghiện đa chức năng; giảm 18 cơ sở do giải thể hoặc chuyển đổi sang làm nhiệm vụ khác; tăng tỷ lệ người nghiện được điều trị, cai nghiện bằng các hình thức đạt 50% so với số người nghiện có trong hồ sơ quản lý và tăng số điểm tư vấn tại cộng đồng từ 35 lên 240 điểm. Tuy nhiên, số người tham gia điều trị cai nghiện tự nguyện mới đạt 20% so với chỉ tiêu của đề án.
Theo ông Nguyễn Xuân Lập, Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội, kết quả trên một phần do cơ chế chính sách về công tác cai nghiện chưa đồng bộ, còn bất cập. Chẳng hạn, các quy định giữa Luật Phòng, chống ma túy và Luật Xử lý vi phạm hành chính và các văn bản hướng dẫn thi hành chưa thống nhất dẫn đến lúng túng trong thực hiện.
Ông Lê Văn Khánh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng: “Việc phê duyệt đề án chuyển đổi ở các địa phương mới chuyển đổi về hình thức, còn chất lượng dịch vụ chưa đáp ứng được nhu cầu của người nghiện”. Cũng theo ông Khánh, việc quản lý người nghiện tại các cơ sở cai nghiện nói chung và cai nghiện tự nguyện nói riêng mang tính mệnh lệnh hành chính, điều kiện sinh hoạt hạn chế, chất lượng dịch vụ tư vấn, trị liệu tâm lý, hành vi chưa cao...
Riêng tại Đà Nẵng, qua 3 năm thực hiện chủ trương đổi mới công tác cai nghiện ma túy, thành phố đã huy động cả hệ thống chính trị vào cuộc. Phó Chủ tịch UBND thành phố Hồ Kỳ Minh cho biết, thành phố đã ban hành chính sách hỗ trợ 100% chi phí điều trị cắt cơn, giải độc cho người cai nghiện ma túy, thêm 200% lương cơ bản cho bác sĩ và 150% lương cơ bản cho cán bộ có bằng đại học, cao đẳng và 100% lương cơ bản cho số cán bộ còn lại của cơ sở cai nghiện tập trung... Chỉ trong 3 năm qua, thành phố cảm hóa, giáo dục cho hơn 300 người nghiện từ bỏ ma túy; tổ chức lập hồ sơ quản lý hoặc áp dụng các biện pháp cai nghiện đối với hơn 2.400 lượt người, trong đó cai nghiện tại gia đình và cộng đồng trên 500 trường hợp. Tuy nhiên, cũng như nhiều đô thị có tốc độ phát triển cao, người nghiện mới thường xuyên gia tăng và ngày càng trẻ hóa. Công tác xử lý người nghiện, lập hồ sơ và tổ chức cai nghiện cũng gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn đầu thực hiện Luật Xử lý vi phạm hành chính.
Theo ông Lê Minh Hùng, Chi cục trưởng Chi cục Phòng, chống tệ nạn xã hội thành phố Đà Nẵng, chính sách cai nghiện hiện hành chỉ mới chú trọng đến việc cắt cơn theo hướng điều trị sinh hóa, chứ chưa quan tâm đúng mức đến điều trị tâm lý, phục hồi hành vi, nhân cách và giải quyết các vấn đề xã hội sau cai nghiện. Một số trung tâm y tế quận, huyện chưa được trang bị đầy đủ cơ sở vật chất và cán bộ y tế chủ yếu kiêm nhiệm nên việc thực hiện quy trình điều trị cắt cơn giải độc chưa bảo đảm.
Rào cản trong vay vốn
Ông Nguyễn Xuân Lập cho biết, việc giải ngân cho vay vốn theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ trong 6 tháng đầu năm nay ở nhiều tỉnh, thành phố thí điểm còn chậm do công tác tuyên truyền chưa đến được với đối tượng cần vay. “Các đối tượng chưa tự tin vay vốn là một thực tế. Tổ tiết kiệm và vay vốn nhiều nơi lo ngại đối tượng không hoàn vốn nên lưỡng lự xét duyệt cho vay. Một số nơi chưa tư vấn cho người vay về sử dụng, quản lý vốn... để làm ăn hiệu quả”, ông Lập nói.
Theo thông tin tại hội nghị, việc cho vay vốn đối với người nhiễm HIV, sau cai nghiện ma túy, người bán dâm hoàn lương... còn nhiều hạn chế. Từ tháng 1 đến tháng 6-2017 mới chỉ có 10/15 tỉnh, thành phố giải ngân cho 55 cá nhân, hộ gia đình vay vốn với hơn 1,4 tỷ đồng. Đà Nẵng cũng là 1 trong 15 tỉnh, thành phố tổ chức thí điểm cho người nghiện vay vốn. Từ năm 2016 đến nay, Đà Nẵng giải ngân 700 triệu đồng cho 30 đối tượng sau cai vay vốn làm ăn. Ông Lê Minh Hùng cho biết, vẫn còn một số người sau cai tại thành phố chưa mạnh dạn vay vốn để làm ăn.
Trong khi đó, ông Lê Đức Hiền, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội cho rằng, nguyên nhân khiến tỷ lệ giải ngân thấp là các đối tượng mặc cảm, tự ti, không muốn công khai tình trạng của mình để làm hồ sơ vay vốn. “Đa số các đối tượng trên thường có sức khỏe kém, trình độ học vấn thấp nên việc hỗ trợ vay vốn ở cơ sở còn khó khăn. Bởi vậy, một số có nhu cầu vay vốn nhưng chưa đưa ra được phương án sản xuất, kinh doanh khả thi nên khó khăn trong việc làm thủ tục vay. Một số khác muốn được vay nhưng không có gia đình đứng ra bảo lãnh nên không tiếp cận được nguồn vốn vay”, ông Hiền nói. Ngoài ra, theo ông Hiền, khó khăn còn ở ngay khâu bình xét cho vay của các địa phương.
Theo ông Nguyễn Tường Long, Chi cục trưởng Chi cục phòng, chống tệ nạn xã hội tỉnh Lào Cai, nên nâng mức vay lên 30 triệu đồng/cá nhân và 50 triệu đồng/hộ gia đình; đồng thời đơn giản hóa thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi cho nhóm người yếu thế được tiếp cận nguồn vốn nhiều hơn. Chính sách hỗ trợ vốn cho doanh nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh khi họ sử dụng lao động là người sau cai nghiện cũng cần được quan tâm.
Bài và ảnh: PHƯƠNG TRÀ