Trước hết, xin mượn một câu thơ của Nguyễn Du trong Truyện Kiều để nói về chặng đường 15 năm hoạt động và phát triển của Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng (gọi tắt là Hội).
Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng Huỳnh Văn Hoa thăm gia đình có trẻ em bị tim bẩm sinh. |
Mười lăm năm ấy (2002-2017), xuất phát từ hoàn cảnh thực tế, nhiều trẻ em trên địa bàn thành phố bị bệnh tim bẩm sinh và các bệnh hiểm nghèo khác, cũng như thấu hiểu nỗi bất hạnh của bao phụ nữ nghèo không chỉ có bệnh tật mà còn túng thiếu về kinh tế, nhà ở…, từ đó, Hội ra đời. Đến nay, Hội tròn 15 năm. 15 năm đồng hành, sẻ chia cùng các mảnh đời không được may mắn.
Mười lăm năm ấy, quãng thời gian không dài so với sự lớn mạnh của thành phố, song, có thể nói, ngần ấy năm là ngần ấy những tổ chức, những cá nhân, những bàn tay nhân ái đã đến với các cuộc đời nghèo khó của tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng. Biết bao tấm lòng, bao nhiêu bàn tay đã dang rộng, đón các em, chữa trị bệnh tim bẩm sinh, chia sẻ niềm vui đến trường, đem lại tấm áo mới trong ngày xuân, xua tan đi những giá lạnh của cuộc đời.
Mười lăm năm qua, từ các đồng chí lãnh đạo Hội đến những hội viên cơ sở, thầm lặng mà nhẫn nại, kiên trì và thuyết phục, động viên và nhập cuộc, hướng tới những khó khăn của cộng đồng, thể hiện tinh thần trách nhiệm của mỗi cá nhân với xã hội, nhất là các đối tượng thiệt thòi, trong đó có bệnh nhân ung thư, trẻ em mồ côi, khuyết tật, học sinh có hoàn cảnh khó khăn, những bệnh nhân cần tiếp máu trong chữa bệnh, phụ nữ nghèo ung thư vú, ung thư tử cung… Có thể khẳng định, mục tiêu cao cả của Hội luôn được các cấp, các ngành đồng tình và hưởng ứng.
Còn nhớ, trong 15 năm ấy, sau những trận lũ lịch sử, rồi đến hai cơn bão Xangsane, Chanchu (2006), Hội đã tham mưu cho thành phố những vấn đề về an sinh xã hội, góp phần cho sự phát triển chung của Đà Nẵng thân yêu.
Xin hãy bắt đầu từ hoàn cảnh của nhiều em bị bệnh tim bẩm sinh. Khẩu hiệu của Hội: “Tất cả trẻ em nghèo bị bệnh tim bẩm sinh trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đều được cứu chữa kịp thời”. Từ quyết tâm này, qua khảo sát, Hội nhận ra rằng, có những gia đình quá nghèo, nhiều người mẹ chỉ biết ôm con ngồi khóc, trông chờ vào sự giúp đỡ của cộng đồng. Vì vậy, hơn ai hết, Hội đã chủ động tìm đến, chia sớt khó khăn với các gia đình, hỗ trợ kinh phí phẫu thuật tim cho các cháu. Những hộ nghèo, gia đình chính sách, con quân nhân đang công tác tại biên giới, biển, đảo… được tài trợ 100% kinh phí khám, chữa bệnh. Đến nay, qua 15 năm, chương trình đã tổ chức khám sàng lọc nhằm phát hiện bệnh tim bẩm sinh cho 148.537 em, có gần 900 em được phẫu thuật tim. Tổng số tiền: 37.657.660.000 đồng, trong đó, các nhà tài trợ hỗ trợ: 14.479.560.000 đồng.
Có thể nói, 15 năm qua, chương trình chữa bệnh tim bẩm sinh cho trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng đã đi qua chặng đường đầy khó khăn. Song, cũng đầy tự hào, báo cáo với xã hội, rằng là, đây là chương trình mang ý nghĩa nhân đạo sâu sắc. Nhiều em, sau chữa trị, đã trở lại cuộc sống bình thường, học hành tiến bộ, không ít em học giỏi, đỗ vào các trường đại học, phát huy năng khiếu âm nhạc, hội họa, đem lại niềm vui, niềm hạnh phúc cho gia đình, gia tộc.
Bên cạnh đó, Trung tâm Nuôi dạy trẻ em khó khăn (Làng Hy vọng) còn là tổ ấm của những em mồ côi, khuyết tật, nằm ở độ tuổi từ 6 đến 18. Các năm qua, Làng Hy vọng, đúng như tên gọi, đã trở thành địa chỉ của tình thương và hy vọng. Nhiều lần lãnh đạo Đảng, Nhà nước đến thăm, tặng quà. Gần đây nhất, hai lần Phó Chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh đã đến thăm Làng, gặp gỡ và trò chuyện thân mật với các em, nồng thắm biết bao tình cảm. Nhiều em, từ nơi đây, đã trưởng thành, học lên tại Nhật Bản, Hà Lan, Hoa Kỳ… Hằng năm, vào dịp kỷ niệm Ngày Nhà giáo Việt Nam, từ các chân trời xa xôi, những bức tâm thư viết về thăm Làng, bày tỏ lòng tri ân đối với các cô bảo mẫu, các thầy cô giáo. Thật xiết bao cảm động!
Quan trọng nữa là sự ra đời của Bệnh viện Phụ nữ. Lần đầu tiên tại Đà Nẵng, có một bệnh viện chuyên khoa về phụ nữ, ngoài khám chữa bệnh, còn có chức năng tầm soát ung thư vú, tử cung cho phụ nữ nghèo. Dưới sự chỉ đạo của Hội, hơn 8 năm qua, Bệnh viện Phụ nữ đã triển khai và thực hiện chế độ miễn giảm viện phí cho 10.691 phụ nữ nghèo, phụ nữ bị bệnh ung thư, đang chữa trị tại Bệnh viện Phụ nữ. Số tiền lên đến 6.256.479.011 đồng.
Ý nghĩa hơn, từ sự quan tâm, chỉ đạo của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, Bí thư Thành ủy, Chủ tịch HĐND thành phố, Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh, sự đồng lòng của mọi tầng lớp xã hội, một bệnh viện hiện đại chữa trị ung thư đã ra đời. Tổng kinh phí đầu tư hơn 1.600 tỷ đồng. Khi đến thăm Bệnh viện Ung bướu, đồng chí Phan Diễn, nguyên Thường trực Ban Bí thư, nguyên Bí thư Thành ủy Đà Nẵng đã bày tỏ cảm xúc và ngợi khen về mô hình này. Từ khi đi vào hoạt động đến nay, bệnh viện đã thực hiện chế độ miễn giảm viện phí cho 8.245 người nghèo bị bệnh ung thư đang chữa trị tại bệnh viện với số tiền 7.065.642.881 đồng. Bếp cháo từ thiện của bệnh viện, do Hội phụ trách, đã tổ chức chế biến 1.688.130 suất cháo, phục vụ bệnh nhân, trị giá 6.503.623.399 đồng.
Chương trình hỗ trợ cho phụ nữ và trẻ em nghèo tại cộng đồng cũng gặt hái được những kết quả thiết thực. Sức lan tỏa của chương trình này còn đến tận địa bàn dân cư, những thôn làng, ngõ phố, nơi có những cuộc đời đang cần sự giúp đỡ của cộng đồng, nơi có phụ nữ và trẻ em bị bệnh hiểm nghèo, gia đình gặp hoạn nạn hoặc khó khăn. Tính đến nay, các cấp Hội từ thành phố đến quận, huyện đã trợ cấp hoặc tặng quà: 20.730 suất, trị giá 10.984.780.000 đồng. Gần 500 hội viên, trải từ quận, huyện đến xã, phường, là những địa chỉ nhân đạo, là cầu nối cho những gia đình cần được quan tâm, giúp đỡ. Đa số hội viên của Hội là những cán bộ đoàn thể, chính quyền ở cơ sở, vì thế, sâu sát với đời sống nhân dân, đã kịp thời phát hiện, tư vấn và hướng dẫn đến với Hội để được trợ giúp. Trong mỗi dịp Xuân về Tết đến, để người nghèo có miếng quà tấm bánh, các cấp Hội đã vận động nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp tài trợ, tặng quà. Kết quả: có 11.491 lượt phụ nữ và trẻ em nghèo bất hạnh nhận quà, số tiền 3.969.727.405 đồng.
Trong 15 năm đó, nhiều đơn vị, doanh nghiệp, nhiều tấm lòng hảo tâm đã đến với Hội. Điển hình: Trung tâm Y tế Cedars - Sinai Medical Center, Project Cure, Tổ chức Trả lại tuổi thơ, Tổ chức nhân đạo Hoa Sen (Hoa Kỳ), Hội giao lưu văn hóa Nhật - Việt, Công ty TNHH Bia Heineken, Công ty CP Cao su Sài Gòn Kymdan, Công ty Xi-măng Hải Vân, Công ty CP Trung Nam, Ngân hàng SHB, Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV), Ngân hàng Liên Việt, Ngân hàng NN&PTNT Việt Nam, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam, Hội Giáo dục - Chăm sóc sức khỏe cộng đồng Việt Nam, Tập đoàn FPT, Tổ chức AOG (Úc), Quỹ Hiểu về trái tim, Quỹ tài trợ VinaCapital Foundation, Viện Tim Thành phố Hồ Chí Minh, Bệnh viện Việt Đức, Bệnh viện Trung ương Huế, Bệnh viện Đà Nẵng, Bệnh viện Phụ sản - Nhi Đà Nẵng, Bệnh viện Y dược TP. Hồ Chí Minh, Bệnh viện Nhi đồng 2, các chùa, các tu viện, thánh thất, Việt kiều đang định cư tại nước ngoài...
Bên cạnh việc vận động tài trợ để thực hiện các chương trình mục tiêu, Hội còn thành lập Trại chăn nuôi Nhơn Sơn, quy mô hàng nghìn con lợn, con gà nhằm mục đích tạo ra nguồn thu và nguồn thực phẩm ổn định.
Để có được kết quả như ngày hôm nay, tự đáy lòng, với tình cảm chân thành, chúng ta bày tỏ lòng biết ơn về sự đóng góp to lớn của đồng chí Nguyễn Bá Thanh, nguyên Chủ tịch Hội, người dày công xây dựng Hội, đã ra đi và để lại muôn vàn tình cảm cho người nghèo. Chúng ta biết ơn các đồng chí lãnh đạo Hội, nhiệm kỳ I và II, đã kề vai sát cánh, không quản ngại khó khăn, dành thời gian và công sức cho Hội như đồng chí Phạm Đình Hào, Trần Chí Thành, Nguyễn Thị Vân Lan, Trịnh Lương Trân, Phan Thị Mười và các ủy viên Ban Chấp hành, Ban Thường vụ các khóa.
Nhìn lại chặng đường mười lăm năm qua, với phương châm: “Tất cả vì những mảnh đời bất hạnh”, Hội đã đi qua một chặng đường, như đánh giá của đồng chí Đặng Việt Dũng, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy đã phát biểu tại Đại hội đại biểu nhiệm kỳ III (2016-2021), ngày 27-10-2016, như sau:
“Bằng trái tim và tấm lòng nhân hậu vì những mảnh đời bất hạnh, các chương trình nhân đạo, miễn phí do Hội điều hành đã đem lại niềm vui, hạnh phúc cho nhiều gia đình nghèo, đem lại cơ hội học hành, vui chơi cho các em thiếu nhi kém may mắn, đưa đến cơ hội tiếp cận dịch vụ y tế hiện đại cho bệnh nhân, phụ nữ khó khăn, góp phần quan trọng cùng với nhân dân thành phố hoàn thành các mục tiêu của chương trình an sinh xã hội, đưa Đà Nẵng trở thành một trong số ít các địa phương thực hiện sáng tạo các chương trình nhân đạo”.
Thời gian đến, phát huy những thành tích đạt được, bên cạnh sự quan tâm, tạo điều kiện thuận lợi của Thành ủy, HĐND, UBND, Ủy ban MTTQ Việt Nam, các sở, ban, ngành, hội, đoàn thể, về phần mình, Hội sẽ nhân rộng, nâng cao kết quả đã đạt, nỗ lực đưa các chương trình mục tiêu của Hội đi vào chiều sâu, tạo sự lan tỏa, góp phần xây dựng Đà Nẵng trở thành một thành phố văn minh, hiện đại, an bình.
Huỳnh Văn Hoa - Chủ tịch Hội Bảo trợ Phụ nữ và Trẻ em nghèo bất hạnh thành phố Đà Nẵng