10 sự kiện thành phố Đà Nẵng năm 2017

.

Tuần lễ Cấp cao APEC thành công toàn diện; Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng thu hút hơn 1.200 đại biểu tham gia, với tổng số 36 dự án đầu tư, thỏa thuận cho vay, tổng số vốn đạt hơn 35.000 tỷ đồng; thành Điện Hải được công nhận là Di tích quốc gia đặc biệt… là những sự kiện nổi bật của thành phố Đà Nẵng trong năm 2017.

Năm 2017, Đà Nẵng tạo dấu ấn với nhiều sự kiện quan trọng, thúc đẩy bước phát triển mới.  			             Ảnh: ĐẶNG NỞ
Năm 2017, Đà Nẵng tạo dấu ấn với nhiều sự kiện quan trọng, thúc đẩy bước phát triển mới. Ảnh: ĐẶNG NỞ

Trân trọng giới thiệu cùng bạn đọc 10 sự kiện Đà Nẵng nổi bật năm 2017 do Báo Đà Nẵng bình chọn.

1) Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tại Đà Nẵng thành công toàn diện

Lãnh đạo 21 nền kinh tế chụp ảnh chung. Ảnh: apec2017.vn
Lãnh đạo 21 nền kinh tế chụp ảnh chung. Ảnh: apec2017.vn

Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng từ ngày 6 đến 11-11, với sự tham gia của lãnh đạo 21 nền kinh tế và các doanh nghiệp hàng đầu thế giới. Tuần lễ là hoạt động cuối cùng và quan trọng nhất trong Năm APEC 2017, thu hút hơn 10.000 đại biểu, trong đó có 2.000 đại biểu chính thức, 5.000 doanh nghiệp lớn và báo chí quốc tế. Chủ tịch nước Trần Đại Quang chủ trì 4 sự kiện quan trọng tại Tuần lễ Cấp cao APEC gồm: Phiên khai mạc hội nghị thượng đỉnh doanh nghiệp APEC; Lễ đón chính thức, tiệc chiêu đãi các lãnh đạo APEC; Đối thoại cấp cao không chính thức giữa APEC và ASEAN và Hội nghị các nhà lãnh đạo APEC lần thứ 25.

Việc tổ chức thành công toàn diện Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cho thấy khả năng đáp ứng các điều kiện về nhân lực, hạ tầng và sẵn sàng tổ chức các sự kiện mang tầm quốc tế của Đà Nẵng. Sự thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 cho thấy sự đồng thuận của chính quyền và người dân Đà Nẵng, sẵn sàng vượt qua mọi khó khăn, thách thức để hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao. Sự kiện để lại nhiều ấn tượng sâu sắc về Việt Nam phát triển, giàu tính nhân văn, hình ảnh thành phố Đà Nẵng năng động, thanh bình, mến khách; mở ra nhiều cơ hội mới cho đầu tư phát triển thành phố trong những năm đến.

2) Kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trực thuộc Trung ương (1997-2017)

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2017).Ảnh: Văn Nở
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại lễ kỷ niệm 20 năm Đà Nẵng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2017).Ảnh: Văn Nở

Đảng bộ thành phố Đà Nẵng tổ chức trọng thể lễ kỷ niệm 20 năm trực thuộc Trung ương (1-1-1997 - 1-1-2017). 20 năm qua, Đà Nẵng đã vươn lên những tầm cao mới, đạt được vị thế mới, với quy mô kinh tế tăng gấp 2,5 lần, thu nhập bình quân đầu người tăng hơn 14 lần, là thành phố năng động, đổi mới, dám nghĩ, dám làm và đáng sống. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng. Các ngành, lĩnh vực đều có bước phát triển mạnh.

Thành phố đã triển khai nhiều chính sách giàu tính nhân văn như các chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, “Thành phố 4 an”, xây dựng môi trường văn hóa lành mạnh. Trong nhiều năm, các chỉ tiêu về tăng trưởng GDP, Chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh, Chỉ số ứng dụng và phát triển công nghệ thông tin của thành phố đều xếp ở nhóm đầu của cả nước.

Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Đảng bộ, chính quyền thành phố Đà Nẵng phải xác định rõ tầm chiến lược, xây dựng thành một thành phố thông minh, thành phố khởi nghiệp dựa trên các thể chế, cơ chế chính sách, cơ sở hạ tầng hiện đại đồng bộ, nguồn nhân lực chất lượng cao.

Thay vì sao chép lại mô hình đô thị đâu đó, Đà Nẵng cần phải tạo ra sự khác biệt, hay nói cách khác là thực hiện một chiến lược khác biệt, tức là trở thành thành phố độc nhất vô nhị ở Việt Nam và trên thế giới.

3) Đồng chí Trương Quang Nghĩa giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng

Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (bên phải) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (bên trái) tặng hoa chúc mừng đồng chí Trương Quang Nghĩa giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Việt Dũng
Phó Bí thư Thường trực Thành ủy Võ Công Trí (bên phải) và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ (bên trái) tặng hoa chúc mừng đồng chí Trương Quang Nghĩa giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng. Ảnh: Việt Dũng

Ngày 7-10, Ban Tổ chức Trung ương công bố quyết định của Bộ Chính trị phân công đồng chí Trương Quang Nghĩa, Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải tham gia Ban Chấp hành, Ban Thường vụ và giữ chức Bí thư Thành ủy Đà Nẵng, nhiệm kỳ 2015-2020.

Trước đó, Trung ương công bố kết luận kiểm tra, thi hành kỷ luật Ban Thường vụ Thành ủy và các cá nhân liên quan. Sau sự việc này, Đảng bộ, chính quyền và nhân dân thành phố Đà Nẵng đã vượt qua khó khăn, thách thức, tập trung ổn định tư tưởng và tổ chức, bảo đảm không khí, thái độ làm việc tích cực, bảo đảm đúng nguyên tắc, quy định, đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống đoàn kết, đồng thuận, sáng tạo, đột phá; nêu cao tinh thần trách nhiệm, bản lĩnh, tính tiên phong, gương mẫu, quyết liệt để hoàn thành tốt các chỉ tiêu, nhiệm vụ trong năm 2017.

4) Khởi sắc thu hút đầu tư

Đà Nẵng tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: T.LÂN
Đà Nẵng tập trung cải thiện môi trường đầu tư. Ảnh: T.LÂN

Ngày 15-10, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017 được tổ chức nhằm mục đích quảng bá rộng rãi những thông tin mới nhất về nền kinh tế, con người, cơ sở hạ tầng, các ngành tăng trưởng chiến lược và các chính sách ưu đãi của Đà Nẵng đến với cộng đồng các nhà đầu tư trong nước và quốc tế. Diễn đàn thu hút hơn 1.200 đại biểu tham gia, với tổng số 25 dự án được trao giấy chứng nhận đăng ký, cấp quyết định chủ trương đầu tư, thông báo nghiên cứu đầu tư, 11 dự án được trao quyết định cho vay hoặc thỏa thuận cho vay, với tổng số vốn đạt hơn 35.000 tỷ đồng.

Năm 2017, thu hút đầu tư FDI trên địa bàn thành phố khởi sắc với tổng vốn đăng ký 111,9 triệu USD, tăng hơn 6,5 lần so với năm 2016. Đến nay thành phố có tổng số 546 dự án đầu tư FDI với tổng vốn 3,01 tỷ USD. Năm 2017, thành phố cấp phép đầu tư cho 20 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn hơn 25.000 tỷ đồng, đến nay thành phố có hơn 3.000 dự án đầu tư trong nước với tổng vốn trên 97.000 tỷ đồng.

Từ thành công của Tuần lễ Cấp cao APEC 2017, Diễn đàn Đầu tư Đà Nẵng 2017, thành phố Đà Nẵng đã chọn chủ đề năm 2018 là “Năm đẩy mạnh thu hút đầu tư” để tận dụng tốt nhất các cơ hội mang lại từ các sự kiện trên; tạo đà thúc đẩy phát triển kinh tế-xã hội của thành phố.

5) Thu ngân sách vượt 11,9%

Biểu đồ thu - chi ngân sách Đà Nẵng năm 2017. Đồ họa: ANH CHUNG
Biểu đồ thu - chi ngân sách Đà Nẵng năm 2017. Đồ họa: ANH CHUNG

Năm 2017, công tác thu ngân sách toàn thành phố đạt kết quả ấn tượng. Tổng thu ngân sách ước thực hiện 23.379,3 tỷ đồng, đạt 111,9% dự toán HĐND giao, bằng 112,1% dự toán Trung ương giao. Từ kết quả trên, thu cân đối thành phố được hưởng theo phân cấp là 14.386,491 tỷ đồng, bằng 119% dự toán HĐND giao. Tổng chi ngân sách năm 2017 là 15.805,1 tỷ đồng, bằng 114% dự toán HĐND giao. Trong đó, chi đầu tư phát triển ước thực hiện 7.748,893 tỷ đồng; chi thường xuyên ước thực hiện 7.191,185 tỷ đồng, bằng 107% dự toán HĐND giao.

Đặc biệt, năm 2017 đánh dấu đà tăng trưởng mạnh mẽ của ngành du lịch. Tổng thu du lịch ước đạt 19.403 tỷ đồng, tăng 20,6% so với năm 2016, đạt 104,9% kế hoạch năm 2017. Tổng lượt khách tham quan, du lịch đến Đà Nẵng ước đạt 6,6 triệu lượt, tăng 19% so với năm 2016; đạt 104,8% kế hoạch năm 2017; trong đó khách quốc tế ước đạt 2,3 triệu lượt, tăng 36,8% so với năm 2016, đạt 114,7% kế hoạch năm 2017, khách nội địa ước đạt 4,3 triệu lượt, tăng 11,3% so với năm 2016, đạt 100,1% kế hoạch năm 2017…

6) Nhiều chuyển biến từ “Thành phố 4 an”

Với sự vào cuộc quyết liệt, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí.                      Ảnh: NGỌC PHÚ
Với sự vào cuộc quyết liệt, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm; tai nạn giao thông giảm cả 3 tiêu chí. Ảnh: NGỌC PHÚ

Năm 2017, với sự vào cuộc quyết liệt của các ngành, các cấp, các địa phương và cả hệ thống chính trị từ thành phố đến cơ sở, chương trình “Thành phố 4 an” đã đạt được những kết quả hết sức tích cực. Theo đó, trong lĩnh vực an ninh trật tự đã được kéo giảm, trật tự an toàn giao thông được bảo đảm.

Trong năm 2017, thành phố đã lắp đặt 11.555 camera, vận động nhân dân lắp đặt 22.600 camera giám sát an ninh trật tự, an toàn giao thông; tai nạn giao thông đã giảm sâu cả 3 tiêu chí. Thành phố đã cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện an toàn vệ sinh thực phẩm cho 4.815/4.895 cơ sở quản lý, đạt 98%.

Đối với công tác an sinh xã hội, các thành phần kinh tế trên địa bàn thành phố ước tạo việc làm cho 32.500 lao động.

Hoàn thành Đề án hỗ trợ sửa chữa, xây dựng nhà ở cho các gia đình có công cách mạng với kinh phí hơn 43 tỷ đồng, 1.430 căn nhà được sửa chữa, xây mới, đạt 107,9% kế hoạch; bên cạnh đó bảo đảm chi trả thường xuyên cho gần 22.000 đối tượng chính sách với kinh phí gần 400 tỷ đồng/năm; hoàn thành việc giải quyết các hồ sơ tồn đọng, nâng cấp sửa chữa các mộ, nghĩa trang liệt sĩ. Thực hiện mục tiêu giảm nghèo và “Không có hộ đặc biệt nghèo”, đã có 265.000 lượt người, hộ thụ hưởng với kinh phí 320 tỷ đồng.

Nhờ vậy, đã giúp đỡ cho 5.687 hộ vươn lên thoát nghèo, đạt tỷ lệ 129,2% so với kế hoạch giao, đến cuối năm 2017, thành phố cơ bản hoàn thành mục tiêu không còn hộ nghèo chính sách người có công.

7) Khánh thành nhiều công trình trọng điểm

Công trình hầm chui đường Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Minh Sơn
Công trình hầm chui đường Điện Biên Phủ-Lê Độ-Nguyễn Tri Phương. Ảnh: Minh Sơn

Trong năm, nhiều công trình trọng điểm của thành phố khánh thành, đưa vào sử dụng. Đây cũng là những công trình phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC. Trong đó, có nút giao thông phía tây cầu Sông Hàn có chiều dài hầm 255m, tổng mức đầu tư hơn 137 tỷ đồng. Thông xe kỹ thuật công trình hầm chui nút giao thông Điện Biên Phủ - Nguyễn Tri Phương có chiều dài 409 mét, với tổng số vốn đầu tư 120 tỷ đồng.

Cùng với đó, để chuẩn bị hạ tầng phục vụ APEC, Trung ương bổ sung kinh phí hơn 400 tỷ đồng cho công tác đầu tư cải tạo cơ sở vật chất hiện có như Trung tâm Hội chợ và triển lãm, Cung thể thao Tiên Sơn, Trung tâm Hành chính, chỉnh trang 30 tuyến đường phố. Các doanh nghiệp thực hiện  nhiều công trình hạ tầng quan trọng như: Nhà ga quốc tế và mở rộng sân đỗ máy bay tại Sân bay quốc tế Đà Nẵng; nâng cấp Khu nghỉ dưỡng InterContinental; đầu tư xây dựng mới Khu du lịch khách sạn Sheraton, Cung hội nghị quốc tế Ariyana…

8) Chấn chỉnh quản lý đô thị, đầu tư xây dựng

Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa bị xử phạt và đình chỉ thi công vì vi phạm trật tự xây dựng. 			Ảnh: P.V
Dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa bị xử phạt và đình chỉ thi công vì vi phạm trật tự xây dựng. Ảnh: P.V

Trong năm, trên địa bàn thành phố xảy ra nhiều trường hợp xây dựng trái phép: dự án Khu du lịch sinh thái Biển Tiên Sa trên bán đảo Sơn Trà; tổ hợp khách sạn và căn hộ cao cấp Central Coast; các hạng mục xây dựng trái phép ở công trình tổ hợp khách sạn Mường Thanh và căn hộ chung cư cao cấp Sơn Trà, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn; công trình xây dựng không phép của Công ty TNHH Liên Hợp Thế Duy tại phường Hòa Xuân, quận Cẩm Lệ; và nhiều dự án, công trình đang thi công xây dựng vi phạm về đấu nối xả thải vào hạ tầng thoát nước...

Trước tình hình này, Ban Thường vụ Thành ủy ban hành Chỉ thị số 21-CT/TU về việc tăng cường lãnh đạo, quản lý trật tự xây dựng, an toàn lao động trên địa bàn Đà Nẵng. UBND thành phố và Sở Xây dựng ban hành các văn bản tăng cường quản lý đô thị và trật tự xây dựng trên địa bàn nhằm chấn chỉnh, xử lý kịp thời các trường hợp vi phạm. UBND thành phố cũng ban hành đề án kiện toàn tổ chức và hoạt động của đội kiểm tra quy tắc đô thị quận, huyện  và phường.

9) Thành Điện Hải được công nhận Di tích quốc gia đặc biệt

Súng thần công được quân dân ta sử dụng để giữ thành Điện Hải, chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược năm Mậu Ngọ (1858).  Ảnh: VĂN THÀNH LÊ
Súng thần công được quân dân ta sử dụng để giữ thành Điện Hải, chống liên quân Pháp - Tây Ban Nha xâm lược năm Mậu Ngọ (1858). Ảnh: VĂN THÀNH LÊ

Thủ tướng Chính phủ ký Quyết định số 2082/QĐ-TTg công nhận thành Điện Hải là Di tích quốc gia đặc biệt. Trước đó, chính quyền Đà Nẵng quyết định di dời, giải tỏa 80 hộ dân sinh sống xung quanh bờ tường phía tây, dừng hẳn công trình xây dựng Trung tâm Lưu trữ ở phía bắc; phê duyệt luận chứng kinh tế, kỹ thuật trùng tu, tôn tạo và phục hồi thành Điện Hải thành hai giai đoạn (giai đoạn 1 từ 2017-2019, giai đoạn 2 từ 2019-2021) để phát huy giá trị đặc biệt của di tích này.

Trong năm, UBND thành phố Đà Nẵng phối hợp UBND tỉnh Thừa Thiên Huế tổ chức lễ công bố và đón nhận bằng Di tích cấp quốc gia Hải Vân quan; tiến hành các giải pháp bảo vệ và phát huy giá trị di tích này.

Cùng với đó, các thiết chế văn hóa đã được đầu tư, trùng tu trước đó như Thư viện Khoa học tổng hợp Đà Nẵng, Bảo tàng Mỹ thuật, Bảo tàng Điêu khắc Chăm, Bảo tàng Lịch sử… phát huy sự năng động trong hoạt động chuyên môn, tổ chức nhiều sự kiện thu hút người dân và du khách. 

Bảo tàng Đà Nẵng ước đón 200.000 lượt khách tham quan; Bảo tàng Điêu khắc Chăm đón 307.000 lượt khách; Bảo tàng Mỹ thuật ước đón khoảng 12.000 lượt khách; tổng số lượt bạn đọc, mượn sách tại Thư viện Khoa học tổng hợp ước cả năm 785.388 lượt, tăng 259,2% so với năm 2016…

10) Sắp xếp tổ dân phố, giảm đơn vị sự nghiệp công lập

Đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tham dự kỳ họp thứ 4 biểu quyết thông qua nghị quyết về sắp xếp, thu gọn tổ dân phố. Ảnh: Quốc Khải
Đại biểu HĐND thành phố khóa IX, nhiệm kỳ 2016-2021 tham dự kỳ họp thứ 4 biểu quyết thông qua nghị quyết về sắp xếp, thu gọn tổ dân phố. Ảnh: Quốc Khải

Kỳ họp thứ 4 HĐND thành phố khóa IX, diễn ra từ 5 đến 7-7-2017 đã thông qua tờ trình về việc sắp xếp lại tổ dân phố. Theo đó, trước khi sắp xếp, trên địa bàn thành phố có 5.749 tổ dân phố. Sau khi sắp xếp lại, hiện nay toàn thành phố có 2.784 tổ dân phố, giảm hơn 50% tổ dân phố so với trước đó. Việc sắp xếp lại tổ dân phố nhằm bảo đảm quy định hiện hành và hiệu quả hoạt động tại khu dân cư; tạo điều kiện để thực hiện hiệu quả chương trình “Thành phố 4 an”, xây dựng văn hóa văn minh đô thị và thành phố môi trường.

Cùng với sáp nhập các đơn vị sự nghiệp công lập của ngành giáo dục, các ban quản lý dự án đã thực hiện, theo Đề án sắp xếp, đổi mới tổ chức và hoạt động các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giai đoạn 2017-2020, từ nay đến năm 2020, thành phố giảm 21 đơn vị sự nghiệp công lập; trong đó giảm do sáp nhập, hợp nhất, giải thể 15 đơn vị, chuyển sang công ty cổ phần 6 đơn vị. Đến năm 2020, thành phố giảm ít nhất 2.000 biên chế trong các đơn vị sự nghiệp công lập. Ước tính, sau khi đề án triển khai mỗi năm ngân sách thành phố tiết kiệm khoảng 200 tỷ đồng.

;
.
.
.
.
.