● Phấn đấu tăng trưởng GDP 6,7% trong năm 2018
Ngày 28-12, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chủ trì hội nghị trực tuyến với các địa phương, tập trung thảo luận những giải pháp triển khai nhiệm vụ kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018. Đến dự có Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Chủ tịch nước Trần Đại Quang, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Thị Kim Ngân.
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa và Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đồng chủ trì điểm cầu Đà Nẵng.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát biểu chỉ đạo hội nghị. Ảnh:TTXVN |
Xây dựng Chính phủ liêm chính, hiệu lực, hiệu quả
Phát biểu chỉ đạo hội nghị, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh, trong năm 2017, dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, đất nước ta vẫn tiếp tục phát triển nhanh và khá toàn diện trên hầu hết các lĩnh vực. Về kinh tế-xã hội, lần đầu tiên sau nhiều năm, toàn bộ 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra được hoàn thành và hoàn thành vượt mức.
Về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, kiện toàn hệ thống chính trị, đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu, tiêu cực, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Đảng và Nhà nước ta đã lãnh đạo, chỉ đạo, làm nhiều lần, làm quyết liệt từ nhiều năm nay, nhưng thời gian gần đây càng được đẩy mạnh hơn bao giờ hết và bước đầu đạt được nhiều kết quả cụ thể, tích cực, được nhân dân đồng tình, ủng hộ.
Các vụ án tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp đã được làm rất kiên quyết, nghiêm minh, theo đúng quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước, kể cả đối với cán bộ lãnh đạo cao cấp của Đảng, cán bộ đương chức và cán bộ đã nghỉ hưu. Tổng Bí thư cũng nêu rõ những khó khăn, thách thức cần giải quyết trong thời gian tới.
Về phương hướng, nhiệm vụ năm 2018, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu xác định rõ và thực hiện đúng vị trí, vai trò, chức năng và mối quan hệ của Nhà nước - thị trường và xã hội phù hợp với kinh tế thị trường; bảo đảm định hướng xã hội chủ nghĩa; tăng cường và giữ vững vai trò lãnh đạo của Đảng.
Kinh tế Nhà nước giữ vai trò chủ đạo; kinh tế tư nhân là một động lực quan trọng của nền kinh tế. Kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là một bộ phận của nền kinh tế, được khuyến khích, tạo điều kiện phát triển. Doanh nghiệp Nhà nước giữ vị trí then chốt và là một lực lượng vật chất quan trọng của kinh tế Nhà nước.
Kinh tế Nhà nước, kinh tế tập thể cùng với kinh tế tư nhân là nòng cốt để phát triển một nền kinh tế độc lập, tự chủ. Đi cùng với đó là triển khai quyết liệt, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ hơn nữa trong việc cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất lao động, sức cạnh tranh của nền kinh tế. Coi đây là nhiệm vụ cơ bản, trọng yếu trong thời gian tới.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chỉ đạo tiếp tục đẩy mạnh và làm tốt hơn nữa công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị, đặc biệt là xây dựng Chính phủ, chính quyền các địa phương thật sự trong sạch, liêm chính, vững mạnh, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
Làm tốt hơn nữa công tác cán bộ để lựa chọn, bố trí những cán bộ thực sự có đức, có tài, liêm chính, tâm huyết, thật sự vì Đảng, vì dân vào các vị trí lãnh đạo của bộ máy Nhà nước. Kiên quyết đấu tranh loại bỏ những người tham nhũng, hư hỏng; chống mọi biểu hiện chạy chức, chạy quyền, ưu ái tuyển dụng người thân, không đủ tiêu chuẩn.
Tăng cường phòng, chống, phát hiện, xử lý nghiêm các vụ việc tham nhũng, tiêu cực, vi phạm pháp luật; đẩy nhanh tiến độ điều tra, truy tố, xét xử các vụ việc nghiêm trọng, xã hội quan tâm; thu hồi tối đa tài sản bị chiếm đoạt, thất thoát.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng yêu cầu quan tâm hơn nữa đến phát triển có hiệu quả văn hóa, xã hội, chăm lo cải thiện đời sống nhân dân. Tập trung thực hiện các biện pháp giảm nghèo bền vững, bảo đảm an sinh xã hội, phúc lợi xã hội; ưu tiên nguồn lực phát triển vùng có điều kiện kinh tế-xã hội khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số và vùng bị thiên tai, chịu ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, nước biển dâng. Khuyến khích phát triển nhà ở xã hội.
Thực hiện nghiêm quy định về an toàn, vệ sinh lao động; an toàn, vệ sinh thực phẩm. Thường xuyên quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng nông thôn mới, phát triển phong trào toàn dân đoàn kết, xây dựng gia đình văn hóa mới. Đẩy mạnh việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 9 khóa XI về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh việc kiên quyết, kiên trì giữ vững độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ của Tổ quốc; bảo đảm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội; thực hiện có hiệu quả công tác đối ngoại và hội nhập quốc tế.
Lãnh đạo thành phố tham dự hội nghị trực tuyến của Chính phủ tại điểm cầu Đà Nẵng. Ảnh: SƠN TRUNG |
Đạt và vượt 13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra
Phát biểu tại hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định tăng trưởng kinh tế đạt mức 6,81% trong năm 2017 là mức tăng trưởng cao nhất trong nhiều năm qua. Cùng với tăng trưởng kinh tế, cả nước có 127.000 doanh nghiệp được thành lập mới. Điều này khẳng định niềm tin của xã hội, nhà đầu tư ngày càng được củng cố. Các lĩnh vực văn hóa, thể thao, y tế đạt được nhiều kết quả tốt. Việt Nam tổ chức thành công APEC 2017, góp phần nâng cao vị thế đất nước trên trường quốc tế. Trong năm 2017, nhiều vụ đại án tham nhũng được đưa ra xét xử tạo được niềm tin của nhân dân vào Đảng, Nhà nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Mọi cấp, mọi ngành phải không ngừng nỗ lực phấn đấu, đề cao trách nhiệm cá nhân người đứng đầu, đi sát địa phương, cơ sở. Phát huy sự năng động của mỗi địa phương, thiết kế hạ tầng cơ sở để tạo liên kết vùng kinh tế, chuỗi giá trị. Thường xuyên đôn đốc, kiểm tra, đánh giá tình hình, theo dõi sát diễn biến và chỉ đạo xử lý linh hoạt, kịp thời. Tập trung rà soát, đối thoại, hoàn thiện chính sách, quyết liệt giảm chi phí, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh. Cả hệ thống chính trị đã vào cuộc cả trong phát triển kinh tế-xã hội, bảo đảm an sinh xã hội, bảo vệ môi trường, cũng như phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai. Thủ tướng nêu phương châm 10 chữ của Chính phủ năm 2018 là: “Kỷ cương, Liêm chính, Hành động, Sáng tạo, Hiệu quả”.
Theo dự thảo nghị quyết của Chính phủ về nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2018, có 4 trọng tâm trong chỉ đạo điều hành, 9 nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm với 59 nhiệm vụ, giải pháp cụ thể. Trong đó, phấn đấu tăng trưởng GDP đạt 6,7%, kiểm soát tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4%; tập trung thực hiện quyết liệt và đồng bộ 3 đột phá chiến lược; tạo chuyển biến rõ nét và thực chất trong cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế; bảo đảm an sinh xã hội, cải thiện đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân…
Đà Nẵng kiến nghị 8 nội dung Báo cáo tại hội nghị, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ khẳng định: Đà Nẵng cơ bản giữ vững sự phát triển ổn định, một số lĩnh vực phát triển tốt, có điểm nhấn. Môi trường đầu tư kinh doanh tiếp tục được cải thiện. Đặc biệt, Đà Nẵng đã góp phần tổ chức thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tạo dấu ấn đối ngoại cho cả nước và động lực, cơ hội mới cho thành phố phát triển. Đà Nẵng kiến nghị Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ trong năm 2018 cho tổ chức sơ kết 5 năm thực hiện Kết luận số 75-KL/TW của Bộ Chính trị (khóa XI) và 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX), 2 năm thực hiện Nghị định số 144/2016/NĐ-CP của Chính phủ, qua đó kiến nghị một số cơ chế, chính sách cũng như tháo gỡ khó khăn cho một số dự án trên địa bàn thành phố; kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành chỉ đạo, phối hợp triển khai các dự án, công trình mang tính chất động lực liên vùng đã nêu trong Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị, quyết định của Thủ tướng, các bộ, ngành về di dời ga đường sắt, xây dựng cảng Liên Chiểu, Làng đại học Đà Nẵng, mở rộng hầm đường bộ Hải Vân, đẩy nhanh tiến độ các đường cao tốc; dự án đường hành lang kinh tế Đông Tây 2, dự án khơi thông sông Cổ Cò... Đề nghị Chính phủ cho phép Đà Nẵng lập quy hoạch khu kinh tế ven biển Đà Nẵng bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển các khu kinh tế ven biển Việt Nam đến năm 2020; đề nghị Chính phủ sớm có kết luận cuối cùng về bán đảo Sơn Trà nhằm tháo gỡ vướng mắc cho doanh nghiệp; đề nghị Chính phủ và Thanh tra Chính phủ xem xét giải quyết kiến nghị của thành phố về việc cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất ghi sai thời hạn sử dụng nay phải thu hồi và cấp lại có thời hạn đang gây phản ứng lớn của người dân, doanh nghiệp. Đề nghị khẩn trương truy bắt Vũ “nhôm” Kiến nghị với Chính phủ, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cho biết trong nhiều năm qua, nhất là thời gian gần đây, dư luận Đà Nẵng rất quan tâm, bức xúc về vụ việc của ông Phan Văn Anh Vũ (còn gọi là Vũ “nhôm”) và đây là vụ việc làm ảnh hưởng đến uy tín của địa phương. Gần đây các cơ quan chức năng đã vào cuộc xử lý ông Vũ. Tuy nhiên, dư luận Đà Nẵng cho rằng các vụ việc nổi cộm về ông Vũ tại Đà Nẵng chủ yếu liên quan đến đất đai, bất động sản. Song, quyết định khởi tố chỉ nói liên quan đến làm lộ bí mật Nhà nước. Do đó, trong một thời gian dài đối tượng đã có đủ thời gian để xử lý các vấn đề liên quan đến tài sản, đất đai, chứng cứ. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị các cơ quan chức năng sớm tạm dừng và truy xét các giao dịch bất động sản của cá nhân ông Vũ, các doanh nghiệp có vốn góp của ông Vũ và người có liên quan, các giao dịch chuyển nhượng nghi vấn để thuận lợi cho việc xử lý vụ án sau này. Đà Nẵng kiến nghị Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an tăng cường chỉ đạo truy bắt đối tượng Phan Văn Anh Vũ, khẩn trương thanh tra, điều tra sớm xử lý các vụ việc liên quan đến Phan Văn Anh Vũ. Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ cũng kiến nghị Thủ tướng và Bộ Thông tin và Truyền thông chỉ đạo các cơ quan báo chí đưa thông tin đúng bản chất vụ việc của ông Phan Văn Anh Vũ, cũng như kết luận của Ủy ban Kiểm tra Trung ương liên quan đến sai phạm của Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng; không để các đối tượng xuyên tạc, nhằm bôi xấu, bôi nhọ lãnh đạo Trung ương và địa phương, gây ảnh hưởng xấu đến dư luận. |
SƠN TRUNG