Tạo dấu ấn ngoại giao, nâng tầm vị thế Đà Nẵng

.

Cùng với sự phát triển năng động, đột phá của Đà Nẵng sau hơn 20 năm trở thành đô thị trực thuộc Trung ương, công tác đối ngoại Đà Nẵng đã góp phần to lớn vào việc thắt chặt quan hệ hữu nghị, đẩy mạnh phát triển kinh tế, thu hút đầu tư, tạo chuyển biến mạnh mẽ cho tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện của thành phố.

Đóng góp vào thành công chung ấy, kể từ khi được chính thức thành lập vào năm 1997, Sở Ngoại vụ thành phố Đà Nẵng với vai trò nòng cốt và tiên phong trong công tác đối ngoại đã đưa hình ảnh Đà Nẵng đến gần hơn với bạn bè quốc tế. 

Ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Salo (Phần Lan) năm 2012.
Ký kết biên bản ghi nhớ thiết lập quan hệ hợp tác giữa thành phố Đà Nẵng và thành phố Salo (Phần Lan) năm 2012.

Gắn kết tình hữu nghị, phát triển quan hệ hợp tác

Theo Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Quang Minh, chặng đường 20 năm của Sở Ngoại vụ thành phố là sự tiếp nối liên tục của quá trình tiếp cận, trưởng thành và phát triển; không ngừng nỗ lực để hoàn thành tốt trọng trách ở 3 trụ cột: ngoại giao chính trị, ngoại giao kinh tế và ngoại giao văn hóa.

Giai đoạn 1997-2003 được xem là giai đoạn tiếp cận và tích lũy kinh nghiệm tạo nên sức bật cho giai đoạn kế tiếp. Giai đoạn này, hoạt động đối ngoại tập trung vào việc xây dựng, thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với các địa phương trên thế giới; xúc tiến, tiếp nhận các dự án ODA và NGO do chính phủ và các tổ chức quốc tế hỗ trợ trong việc xây dựng cơ sở hạ tầng cơ bản, tạo tiền đề cho quá trình xây dựng và phát triển thành phố.

Giai đoạn 2004-2017 đánh dấu bước trưởng thành và phát triển vượt bậc trong công tác đối ngoại của Đà Nẵng. Với những kinh nghiệm được tích lũy, đội ngũ cán bộ đối ngoại ngày càng chính quy, hiện đại và sự chủ động, nhạy bén trong quá trình hội nhập, ngoại giao chính trị tiếp tục mở rộng, đưa các mối quan hệ hữu nghị, hợp tác đi vào chiều sâu, bền vững với phương châm “Kết nối Đà Nẵng với thế giới”. Hằng năm, thành phố có hơn 400 đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc, trong đó có nhiều đoàn nguyên thủ quốc gia, hoàng gia, các đoàn cấp bộ trưởng, chủ tịch nghị viện các nước.

Bên cạnh đó, ngoại giao văn hóa với các sự kiện, hoạt động văn hóa đối ngoại phong phú, đặc sắc, nổi bật như Lễ hội trình diễn pháo hoa quốc tế, Lễ hội giao lưu văn hóa Việt-Nhật, Đêm giao lưu văn hóa Việt-Hàn, Cuộc đua thuyền buồm vòng quanh thế giới Clipper Rice 2015-2016… thực sự phát huy vai trò là nhịp cầu nối giữa Đà Nẵng và các địa phương trên thế giới, thúc đẩy tăng cường tình đoàn kết, hữu nghị.

Công chức, viên chức Sở Ngoại vụ (hàng phía trước) tham gia phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng.
Công chức, viên chức Sở Ngoại vụ (hàng phía trước) tham gia phục vụ Tuần lễ Cấp cao APEC 2017 tổ chức tại Đà Nẵng.

Ngoại giao kinh tế làm trọng tâm

Bước chuyển rõ nét nhất của giai đoạn 2004-2017 là ngoại giao kinh tế trở thành nhiệm vụ trọng tâm. Việc Sở Ngoại vụ thành phố triển khai Chỉ thị số 41-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng về “Tăng cường công tác đối ngoại kinh tế trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” một cách chủ động, nhạy bén đã giúp Đà Nẵng tranh thủ tối đa nguồn lực bên ngoài phục vụ quá trình phát triển.

Sở Ngoại vụ đã chủ động triển khai các hoạt động vận động viện trợ như xây dựng các dự án đề nghị sát hợp nhu cầu của nhân dân; tăng cường tiếp xúc, duy trì tốt mối quan hệ với các tổ chức phi chính phủ nước ngoài (PCPNN) đã có; chủ động tìm kiếm, thiết lập quan hệ hợp tác với tổ chức PCPNN mới; giải quyết kịp thời những đề nghị, khó khăn vướng mắc của các tổ chức PCPNN trong quá trình tiếp nhận, triển khai dự án.

Nhờ đó, Đà Nẵng được đánh giá là một trong các địa phương thực hiện hiệu quả công tác vận động viện trợ PCPNN. Kết quả vận động viện trợ toàn thành phố các năm qua luôn được duy trì và đạt mức cao: giai đoạn 2004-2017 đạt hơn 1.578 tỷ đồng, đóng góp đáng kể vào việc thực hiện các chương trình trọng điểm của chương trình “Thành phố 5 không”, “Thành phố 3 có”, chương trình “Thành phố 4 an”.

Riêng dự án nhà ở chống bão vì một thành phố có khả năng chống chịu do Sở Ngoại vụ phối hợp với Hội Liên hiệp Phụ nữ thành phố nghiên cứu lập và vận động Quỹ Rockeffeler Hoa Kỳ tài trợ vinh dự được công nhận là 1 trong 12 sáng kiến tiêu biểu được nhận giải thưởng sáng kiến của Ban Công ước khung của Liên Hợp Quốc về biến đổi khí hậu.

Bên cạnh đó, Sở Ngoại vụ còn xúc tiến hợp tác kinh tế với nhiều đối tác nước ngoài một cách chủ động, tự tin và chắc chắn thông qua hỗ trợ đón tiếp nhiều đoàn doanh nghiệp từ các nước đến tìm hiểu môi trường đầu tư; hỗ trợ các đơn vị của thành phố kết nối với các đối tác nước ngoài; xúc tiến vận động các dự án, chương trình hợp tác kinh tế.

Nổi bật trong giai đoạn 2004-2017 là sự thành lập của Văn phòng đại diện thành phố Đà Nẵng tại Tokyo, Nhật Bản và tính đến nay, văn phòng đã xúc tiến được 89 doanh nghiệp Nhật đầu tư với số vốn hơn 483,5 triệu USD.

Tập thể công chức, viên chức Sở Ngoại vụ Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. 						             (Ảnh do Sở Ngoại vụ cung cấp)
Tập thể công chức, viên chức Sở Ngoại vụ Đà Nẵng ngày càng lớn mạnh và trưởng thành. (Ảnh do Sở Ngoại vụ cung cấp)

Góp phần làm nên thành công Tuần lễ Cấp cao APEC 2017

Năm 2017, Đà Nẵng được cả thế giới quan tâm khi được chọn là nơi tổ chức Tuần lễ Cấp cao (TLCC) APEC 2017 (từ ngày 6 đến 11-11-2017) diễn ra tốt đẹp, đánh dấu thành công rực rỡ của Năm APEC Việt Nam 2017.

Trong 6 ngày diễn ra TLCC, Đà Nẵng đã vinh dự đón tiếp hơn 11.000 đại biểu gồm các nhà lãnh đạo của 21 nền kinh tế thành viên APEC, 3.000 phóng viên báo chí trong nước và quốc tế. Lãnh đạo thành phố cũng đã trực tiếp tiếp xúc với lãnh đạo các doanh nghiệp, tập đoàn đầu tư kinh tế hàng đầu thế giới như: Giám đốc điều hành Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), Chủ tịch Ngân hàng Đầu tư cơ sở hạ tầng châu Á (AIIB), Giám đốc điều hành Coca-Cola Đông Nam Á và một số tập đoàn hàng đầu thế giới đến từ Hoa Kỳ, Nhật Bản, Anh.

Phó Chủ tịch UBND thành phố Nguyễn Ngọc Tuấn nhấn mạnh: “Điều chúng ta đạt được chính là hình ảnh đẹp về con người Đà Nẵng để lại dấu ấn đậm nét trong lòng các đại biểu. Tất cả các tầng lớp nhân dân từ học sinh, sinh viên, nhân viên các cơ sở dịch vụ, tài xế taxi… thể hiện tình yêu đối với thành phố bằng sự nhiệt tình, hiếu khách, thực hiện giao tiếp, ứng xử văn hóa, văn minh; tích cực hưởng ứng tham gia chiến dịch “Nụ cười Đà Nẵng”. Kết quả này có sự đóng góp không nhỏ của Sở Ngoại vụ thành phố; cũng là minh chứng đậm nét về sự trưởng thành của đội ngũ ngành ngoại giao Đà Nẵng”.

Giám đốc Sở Ngoại vụ Lâm Quang Minh chia sẻ: “Ý thức tầm quan trọng và ý nghĩa của việc được chọn là thành phố tổ chức TLCC APEC 2017, Sở Ngoại vụ Đà Nẵng đã tập trung toàn lực, tích cực phối hợp với cơ quan Trung ương, địa phương chuẩn bị cho sự kiện.

Không chỉ hoàn thành tốt vai trò cầu nối, bảo đảm việc trao đổi thông tin đầy đủ, thông suốt, kịp thời; Sở Ngoại vụ còn tham mưu, kết nối thành công ý tưởng, yêu cầu công năng của từng sự kiện trong TLCC đối với việc thiết kế, xây dựng và hoàn thiện từng công trình cụ thể.

Đồng thời, Sở Ngoại vụ đã tuyển chọn, phối hợp tổ chức nhiều đợt tập huấn chuyên sâu cho lực lượng liên lạc viên, tình nguyện viên và tham gia công tác quản lý cũng như tạo mọi điều kiện thuận lợi để đội ngũ này yên tâm hoàn thành nhiệm vụ.

Đặc biệt, với vai trò đơn vị đầu mối, liên tục trong 6 tháng từ cuối tháng 4 đến tháng 11-2017, Sở Ngoại vụ đã liên hệ với 20 nền kinh tế để vận động việc tham gia đóng góp tượng. Từ đó hiện thực hóa ý tưởng xây dựng Công viên APEC tại Đà Nẵng ở phía tây cầu Rồng. Đối với Sở Ngoại vụ, TLCC APEC Việt Nam 2017 đã mang đến những trải nghiệm quý giá về mặt chuyên môn và đặc biệt là các mối quan hệ rộng rãi, nối dài với các đối tác trong và ngoài nước, thực sự tạo động lực mới cho Sở Ngoại vụ có thể tự tin gánh vác những trọng trách đối ngoại mới cùng thành phố”.

Thời gian chính là thước đo của sự trưởng thành. 20 năm qua, thành phố Đà Nẵng với những bước phát triển mạnh mẽ đã mang diện mạo của một thành phố trẻ trung, năng động và hiện đại của cả nước, được bạn bè quốc tế và du khách đánh giá cao.

Trong tiến trình đó, công tác đối ngoại thành phố cũng trải qua một chặng đường không ngừng trưởng thành, hoàn thiện, góp phần quan trọng vào việc “kết nối Đà Nẵng với thế giới”, mở cửa hội nhập với khu vực để tranh thủ nguồn lực thúc đẩy sự phát triển thành phố.

Khép lại chặng đường 20 năm, công tác đối ngoại đang bước tiếp một chặng đường phát triển mới hứa hẹn nhiều dấu ấn và thành công mới. Chắc chắn sẽ có không ít những thách thức và thời cơ phía trước nhưng với quyết tâm, bản lĩnh, bề dày kinh nghiệm và sự nhạy bén của những người làm công tác đối ngoại, tin tưởng rằng hoạt động đối ngoại Đà Nẵng tiếp tục mang về những “quả ngọt” trên con đường dựng xây và phát triển thành phố.

Với những thành tích xuất sắc, hằng năm Sở Ngoại vụ được UBND thành phố tặng bằng khen, cờ thi đua hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Đặc biệt, Sở Ngoại vụ vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba vào năm 2007, Huân chương Lao động hạng nhì vào năm 2012. Bộ Ngoại giao tặng nhiều bằng khen và các phần thưởng cao quý khác của các bộ, ban, ngành Trung ương.
Tiến trình hội nhập quốc tế toàn diện đã góp phần định vị Đà Nẵng vững chắc hơn trên bản đồ khu vực và quốc tế. Tính đến nay, Đà Nẵng đã thiết lập quan hệ hữu nghị, hợp tác với 39 địa phương thuộc 19 quốc gia, vùng lãnh thổ với 80 thỏa thuận quốc tế được ký kết. Đây là tiền đề và cơ sở quan trọng cho việc hợp tác trên tất cả các lĩnh vực kinh tế - xã hội, giao lưu nhân dân. Hiện nay, thành phố đã có vị trí tương xứng trong khu vực, thể hiện vai trò quan trọng trong hợp tác Hành lang kinh tế Đông-Tây (EWEC) và có vị thế nổi bật tại các thị trường chiến lược như: Nhật Bản, Hàn Quốc, Hoa Kỳ, Đài Loan, Singapore.

Nam Bình - Trâm Anh

;
.
.
.
.
.