Kỷ niệm 50 năm cuộc Tổng tấn công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968

Ngày ấy, trên chiến trường Quảng Nam-Đà Nẵng - Bài 5: Chiến dịch X1, X2 ở Quảng Đà

.

Sau Tết Mậu Thân 1968, Mỹ, ngụy tuyên truyền “đã quét Cộng quân ra khỏi các đô thị”, “đẩy Cộng quân trở về rừng”... Để tiếp tục tấn công địch và củng cố niềm tin của nhân dân, Đặc khu ủy Quảng Đà liên tiếp mở các chiến dịch X1 và X2, giáng cho địch những đòn đau, đập tan luận điệu xuyên tạc của kẻ thù.

Cựu chiến binh Lê Công Thạnh.
Cựu chiến binh Lê Công Thạnh.

Chiến dịch X1 diễn ra từ ngày 1 đến 27-5-1968 với sự tấn công hàng loạt mục tiêu trên khắp chiến trường Quảng Đà. Trong đó, pháo binh ta liên tục trút bão lửa vào các căn cứ địch tại Đà Nẵng, gây khiếp đảm quân thù ngay trong sào huyệt của chúng.

CCB Lê Công Thạnh, 91 tuổi, ở phường Thạch Thang (quận Hải Châu), nguyên Phó Chính ủy Mặt trận 4 Quảng Đà, kể lại: một trong những trận đánh mở đầu Chiến dịch X1 và đạt hiệu quả cao là trận cối 82 của ta bố trí tại sân nhà thờ tộc Lê ở khu vực Khái Đông (nay thuộc phường Hòa Quý, quận Ngũ Hành Sơn) bắn vào các đồn bốt địch tại cầu Biện, Bình Kỳ, Non Nước... Khu vực Khái Đông hồi đó thuộc vùng địch kiểm soát, nhưng hàng trăm du kích và dân công đã bí mật vận chuyển đạn ban đêm về cất giấu an toàn và phục vụ chu đáo cho bộ đội đánh địch. Khi cối 82 giáng xuống đầu thù, bọn Mỹ, ngụy hoảng sợ, không xác định được “pháo binh Cộng sản” từ đâu bắn đến, hàng trăm tên xâm lược và lính đánh thuê bị đền tội trong trận pháo kích này.   

Đặc biệt, quân ta đã cải tiến tên lửa (thường gọi là tên lửa ĐKB), bắn không có bệ phóng, làm nên sự kỳ diệu trên chiến trường Quảng Đà. Tên lửa cải tiến  được bố trí tại khu vực Đồng Xanh - Đồng Nghệ, Khu 3 Hòa Vang và một số vị trí khác để bắn vào sân bay Đà Nẵng, sân bay Nước Mặn và nhiều mục tiêu quan trọng trong thành phố. Tên lửa ĐKB (18kg/quả) kết lại thành từng giàn hàng trăm quả, đặt trên bệ phóng tự tạo trên mặt đất với góc bệ phóng đã được tính toán tỉ mỉ và nối với nhau bằng dây điện. Từ vị trí an toàn, pháo thủ dùng nút điện kích nổ. Mỗi lần bắn, hàng trăm quả tên lửa bay tới mục tiêu, tạo nên tiếng hú rất to, làm quân thù khiếp sợ. Các sân bay địch bị ta đánh nhiều lần, phá hủy nhiều máy bay. Trong khi đó, mọi sự phản pháo của địch đều vô hiệu, vì tại nơi bắn ra không có vũ khí cũng chẳng có đối phương!

 Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc.
Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc.

Với tinh thần tiến công liên tục, ta mở tiếp Chiến dịch X2 (từ 22 đến 25-8-1968), tấn công đồng loạt trên toàn chiến trường Quảng Đà, trong đó trọng điểm là thành phố Đà Nẵng. Bên trong thành phố, các đơn vị biệt động tấn công Quân vụ thị trấn, Đài Phát thanh ngụy, bốt cảnh sát Hoàng Diệu..., đồng thời tổ chức nhiều trận đánh trừ gian diệt ác. Tiêu biểu như chiến công diệt tên cảnh sát trưởng xã Hòa Cường giữa ban ngày, ngay cạnh nhiều cơ quan, đồn bốt của địch. Còn ở vùng ven đô, bộ đội tấn công hầu hết các căn cứ địch, liên tục đánh phá giao thông, ngăn chặn sự vận chuyển của địch, tiêu diệt hàng ngàn tên địch, phá hủy hàng vạn phương tiện chiến tranh.

Đại tá Nguyễn Xuân Ngọc, 81 tuổi, ở phường Hòa Phát (quận Cẩm Lệ), nguyên Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Đặc công 89 Đà Nẵng kể: trong Chiến dịch X2, Tiểu đoàn 89 đảm nhiệm tấn công Chi khu Hòa Vang (nay là Trung tâm Hành chính quận Cẩm Lệ), 2 đồn địch ở cầu Đỏ (đầu cầu phía nam và đầu cầu phía bắc) và trận địa pháo Mỹ trên đồi Dương Lý (nay thuộc xã Hòa Nhơn, huyện Hòa Vang). Trong đêm 22-8, đơn vị đã tiến công, làm chủ Chi khu Hòa Vang, diệt gọn 2 đồn địch ở cầu Đỏ, rồi triển khai đội hình chốt giữ trận địa. Từ sáng ngày 23-8, toàn tiểu đoàn chuyển sang đánh địch phản kích. Các chiến sĩ đặc công gan góc chờ địch đến thật gần mới nổ súng, tiêu diệt nhiều bộ binh và xe tăng địch, bẻ gãy hàng chục đợt phản kích của chúng.

Tại Khu 3 Hòa Vang, Tiểu đoàn 1 Quảng Đà phối hợp với du kích xã Hòa Hải, tấn công tiêu diệt 1 tiểu đoàn biệt kích, làm chủ khu vực Non Nước trong 3 ngày, rồi chủ động rút quân, bảo toàn lực lượng. Ở phía bắc Đà Nẵng, quân ta tập kích sân bay Xuân Thiều, đánh đồn Quan Nam, phục kích địch trên đường đèo Hải Vân...

Không chỉ riêng ông Thạnh hay ông Ngọc, mà nhiều nhân chứng lịch sử cùng khẳng định: Chiến dịch X1 và Chiến dịch X2 đã làm rúng động hệ thống phòng thủ của Mỹ, ngụy, đập tan luận điệu tuyên truyền xuyên tạc của địch từ sau Tết Mậu Thân 1968, củng cố và giữ vững niềm tin của nhân dân đối với sự nghiệp cách mạng.

Bài và ảnh: LÊ VĂN THƠM

;
.
.
.
.
.
.