Lao động nữ (LĐN) là một bộ phận quan trọng của nguồn nhân lực. Tuy nhiên, trên thực tế, ở nhiều nơi, quan hệ lao động còn nổi lên một số vấn đề cho thấy vẫn còn thành kiến về giới trong lao động, việc làm.
Công nhân lao động nữ cần được quan tâm để bảo đảm về thu nhập và chăm sóc sức khỏe. TRONG ẢNH: Chương trình khám, tư vấn sức khỏe cho người lao động trong Tết lao động năm 2017. |
Theo quy định của pháp luật Việt Nam, LĐN được hưởng các quyền, đồng thời có nghĩa vụ như mọi lao động khác. Song, do đặc thù riêng về giới tính, nên LĐN được hưởng một số quyền lợi mang tính đặc thù về giới, như được bảo vệ danh dự, nhân phẩm; bình đẳng với lao động nam trong tuyển dụng và lao động sản xuất; ưu tiên về thời gian làm việc; đào tạo nghề dự phòng; những ưu đãi đặc biệt về điều kiện làm việc; một số quyền khi có thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi; một số quyền khác biệt so với các trường hợp thông thường khi chấm dứt hợp đồng lao động (HĐLĐ).
Hiện nay, những chính sách pháp luật về LĐN khá cụ thể, chi tiết, nhưng qua thực tiễn, việc thực thi pháp luật lao động còn hạn chế. Nhiều doanh nghiệp sử dụng đông LĐN nhưng ít lập kế hoạch đào tạo nghề dự phòng; thỏa ước lao động tập thể có ít nội dung hỗ trợ kinh phí cho phụ nữ nuôi con nhỏ. Việc tổ chức nhà trẻ, lớp mẫu giáo cho con công nhân LĐN không được quan tâm... do tất cả khoản chi đều được hạch toán vào chi phí sản xuất, gây tốn kém cho doanh nghiệp.
Để tiết kiệm chi phí và thời gian, nhiều doanh nghiệp không thực hiện chủ trương này mà chỉ tuyển dụng lao động trẻ, khỏe, có tay nghề để thay thế hoặc sa thải LĐN đã có tuổi, năng suất lao động không cao. Thực tế, phụ nữ gặp nhiều khó khăn hơn so với nam giới khi tìm việc làm và khi có việc, họ phải nhận mức lương thấp hơn và ít phúc lợi hơn so với nam giới làm cùng một công việc.
Nhiều thông báo tuyển dụng khi tuyển dụng lao động đối với LĐN có quy định, như yêu cầu độ tuổi trẻ hơn nam, cam kết thời gian lấy chồng và sinh con cùng với các yêu cầu khác về chiều cao, hình dáng... Những quy định thiếu bình đẳng như thế sẽ liên quan đến hôn nhân và việc sinh con của LĐN.
Một số doanh nghiệp chấm dứt HĐLĐ đối với LĐN có thai và nuôi con nhỏ dưới 12 tháng. Khi hết hạn HĐLĐ thì không giao kết tiếp, trong khi đó Bộ luật Lao động quy định người sử dụng lao động không được đơn phương chấm dứt HĐLĐ với LĐN có thai, nuôi con nhỏ dưới 12 tháng tuổi...
Một bộ phận lao động không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp, thiếu trang bị bảo hộ lao động mặc dù họ đã làm việc thực tế tại doanh nghiệp trên 1 năm, đồng thời phải làm việc trong môi trường ô nhiễm và có nguy cơ cao mắc bệnh nghề nghiệp, nhưng họ không được hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.
Nhiều doanh nghiệp chưa tổ chức khám sức khỏe định kỳ và khám phụ khoa cho chị em... Trong khi đó, việc thanh, kiểm tra, xử lý các vi phạm pháp luật lao động chưa được quan tâm đúng mức, dẫn đến bức xúc của người lao động, nhất là LĐN.
Để bảo đảm bình đẳng giữa phụ nữ và nam giới, Đảng và Nhà nước thực hiện cam kết mạnh mẽ, thể hiện ở việc tham gia hàng loạt công ước quốc tế có liên quan và phản ánh ở hệ thống luật pháp, chính sách của quốc gia từ Hiến pháp đến các bộ luật, luật và văn bản dưới luật.
Từ đó, việc thúc đẩy thực hiện bình đẳng giới cho LĐN là một trong những hoạt động thường xuyên của tổ chức Công đoàn. Năm 2016, Tổng LĐLĐ Việt Nam ban hành kế hoạch triển khai về bình đẳng giới nhằm thực hiện có hiệu quả Chiến lược quốc gia bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020.
Trong đó, tập trung triển khai các nội dung của chương trình hành động Quốc gia về bình đẳng giới giai đoạn 2016-2020, gắn với công tác vận động nữ cán bộ, công chức, viên chức lao động (CBCCVCLĐ) nâng cao năng lực, trình độ, tạo việc làm ổn định, nâng cao vị thế trong gia đình và xã hội; chăm lo tốt hơn quyền và lợi ích hợp pháp, chính đáng của nữ CBCCVCLĐ, góp phần xây dựng tổ chức Công đoàn vững mạnh.
Mục tiêu cụ thể của giai đoạn này là nâng cao trình độ học vấn, chuyên môn, nghiệp vụ tin học, ngoại ngữ, kỹ năng nghề nghiệp nhằm tạo việc làm ổn định cho nữ CBCCVCLĐ, tăng tỷ lệ nữ tham gia vào các vị trí lãnh đạo, quản lý... Cùng với những chủ trương này, LĐLĐ thành phố đẩy mạnh tuyên truyền, giáo dục và tổ chức các hoạt động chăm lo cho LĐN. Đây chính là điều kiện thuận lợi, mở ra nhiều cơ hội mới cho LĐN trong lao động, việc làm.
Bài và ảnh: QUỲNH YÊN