Đến nay gần tròn 10 năm thành phố thực hiện đề án “Xây dựng Đà Nẵng - Thành phố môi trường”, ban hành theo Quyết định số 41/2008/QĐ-UBND của UBND thành phố ngày 21-8-2008. Theo đó, Đà Nẵng có nhiều mô hình, phong trào, việc làm thiết thực được nhân rộng và thực hiện quyết liệt để vươn đến mục tiêu thành phố môi trường vào năm 2020.
Từ kinh phí xã hội hóa, phường Hải Châu 1 (quận Hải Châu) tiến hành treo, đặt hơn 1.000 giở hoa trên vỉa hè đường Bạch Đằng và Trần Phú. |
Cứ vào sáng sớm, nhiều người đi trên đường Nguyễn Văn Thủ và Cao Xuân Dục (phường Thuận Phước, quận Hải Châu) không khỏi ngạc nhiên khi thấy gần 10 người cùng quét và thu gom rác thải, lá cây trên vỉa hè, mặt đường cho ngày mới sạch, đẹp. “Không chỉ thường xuyên quét trên vỉa hè và lòng đường vào mỗi buổi sáng sớm, có nhiều ngày các anh, chị như: Lê Thị Hồng Thanh, Lê Đình Đạt, Đỗ Thanh Duy, Đặng Công, Ngô Thị Sự, Trần Thị Ba… còn quét đường vào buổi chiều khi lá cây rụng xuống quá nhiều. Việc quét đường và vỉa hè ban đầu là việc làm hằng ngày của các đảng viên, sau lan tỏa sang các đối tượng quần chúng, cả người hành nghề kéo xe bò thuê với hoàn cảnh rất khó khăn lại là thành viên tích cực giữ gìn vệ sinh môi trường đường phố”, ông Phạm Công Lương, Bí thư Chi bộ khu dân cư (KDC) Bình Phước 1, phường Thuận Phước bày tỏ.
Qua tìm hiểu, đây là một trong những KDC tích cực và tham gia hiệu quả các mô hình, phong trào như: phân loại rác thải sinh hoạt tại hộ gia đình, tổ dân phố không rác, tuyến đường văn minh đô thị… Bà Lê Thị Hà, Phó Chủ tịch UBND phường Thuận Phước cho hay, người dân trên địa bàn phường ngày càng chủ động thực hiện công tác bảo vệ môi trường, trong đó việc dọn vệ sinh xung quanh nhà ở và đường phố đã trở thành thói quen của nhiều hộ dân.
Nhiều tổ dân phố gần đây đã bảo đảm yêu cầu xây dựng tuyến đường xanh - sạch - đẹp, tình hình vệ sinh môi trường trên địa bàn phường có nhiều chuyển biến rõ nét, dần đi vào nền nếp, góp phần giúp Thuận Phước đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường” vào cuối năm 2017... “Mặc dù tiêu chí đánh giá cao hơn rất nhiều nhưng với ý thức, tinh thần chủ động cao của người dân cùng sự nền nếp trong thực hiện các hoạt động bảo vệ môi trường, chúng tôi tin chắc sẽ tiếp tục đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường” trong năm 2018”, bà Lê Thị Hà nhấn mạnh.
Theo UBND quận Hải Châu, để tiến đến mục tiêu xây dựng quận môi trường, địa phương đang tích cực triển khai phân loại rác thải từ hộ gia đình, thu gom chất thải rắn xây dựng, duy trì ra quân phong trào “Ngày chủ nhật xanh - sạch - đẹp”, “Sáng thứ bảy hành động vì môi trường” nhằm đưa cả 13 phường đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường” trong năm 2018. “Việc tích cực hưởng ứng, tham gia bảo vệ môi trường không chỉ mang lại không gian và giá trị sống trong lành, mà còn nâng cao mức sống. Chẳng hạn, chỉ riêng việc thu hồi phế liệu từ phân loại rác thải ở hộ gia đình ở các phường, nhất là phường Thuận Phước, hằng năm có thêm khoản kinh phí từ 400-500 triệu đồng/phường để chăm lo an sinh xã hội. Tính chung 13 phường, mỗi năm có thêm từ 6,5 - 7 tỷ đồng để hỗ trợ những người mắc bệnh hiểm nghèo, hộ có hoàn cảnh khó khăn, học sinh mồ côi… Đó chính là những ý nghĩa, giá trị rất lớn mà người dân được thụ hưởng trên lộ trình xây dựng quận môi trường và thành phố môi trường”, ông Lê Anh - Chủ tịch UBND quận Hải Châu nhìn nhận.
Còn đối với quận Thanh Khê, đây là quận đầu tiên của thành phố xây dựng và triển khai đề án xây dựng quận môi trường (từ năm 2010) với mục tiêu thực hiện đạt các tiêu chí quận môi trường vào năm 2020. Năm 2017, đã có 50% số hộ tiểu thương tại các chợ sử dụng túi nilon thân thiện môi trường, 7/10 phường đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường”… Năm 2018, cả 10 phường trên địa bàn quận đều đăng ký và thực hiện đạt chuẩn “Phường thân thiện môi trường”.
Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho biết, đến cuối năm 2017, có 5/10 chỉ tiêu của đề án “Xây dựng Đà Nẵng - thành phố môi trường” được thực hiện gồm: chỉ số ô nhiễm không khí, bình quân diện tích không gian xanh đô thị trên đầu người, tỷ lệ hộ dân sử dụng nước sạch, tỷ lệ nước thải sinh hoạt đô thị được xử lý, tỷ lệ thu gom chất thải rắn sinh hoạt tại các quận nội thành. Tuy nhiên, hiện tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt phân loại và tái chế chỉ mới đạt 10% (chưa tính đến tái sử dụng chất thải rắn xây dựng và chất thải rắn công nghiệp). Việc thu gom rác theo giờ mới chỉ thực hiện trên 51 tuyến đường và 1 KDC trên địa bàn thành phố. Việc kiểm soát ô nhiễm do sử dụng túi nilon chỉ dừng ở công tác tuyên truyền. Bụi và tiếng ồn trong khu đô thị và khu công nghiệp còn đáng quan ngại; tỷ lệ ca áp dụng hỏa táng chỉ đạt 3,9%; tỷ lệ che phủ rừng đạt 44%. Nhiều điểm nóng ô nhiễm môi trường chưa được xử lý dứt điểm như: Âu thuyền Thọ Quang, Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng, sông Phú Lộc, bãi rác Khánh Sơn...
Theo đó, năm 2018 phải bảo đảm 85% nước thải được thu gom và xử lý trước khi thải ra môi trường, trong đó 70% nước thải xử lý đạt yêu cầu; đồng thời giám sát chặt chẽ các nguồn thải vào các lưu vực sông Hàn, sông Phú Lộc, sông Cu Đê và ven biển thành phố, kể cả nguồn thải từ các phương tiện giao thông thủy; từng bước thay thế sử dụng nước ngầm, trước mắt chú trọng đến khu vực Ngũ Hành Sơn và Sơn Trà, tỷ lệ tái sử dụng nước đối với nguồn thải từ hoạt động lưu trú ven biển đạt 15%; thu gom, xử lý 100% tổng lượng chất thải rắn xây dựng trong đô thị phát sinh…
Năm 2018, UBND thành phố giao Sở Tài nguyên và Môi trường tiếp tục có kế hoạch liên quan đến công tác đầu tư vào lĩnh vực môi trường. UBND các quận, huyện cân đối, bảo đảm mức chi sự nghiệp môi trường không dưới 1% tổng chi cân đối của ngân sách Nhà nước trong dự toán ngân sách hằng năm của các địa phương. Ưu tiên thực hiện các nhiệm vụ ngăn ngừa, kiểm soát ô nhiễm môi trường; cân đối tăng kinh phí sự nghiệp môi trường cho các phường, xã theo yêu cầu và tình hình thực tế... Các địa phương đẩy mạnh triển khai các nội dung đề án xây dựng quận, huyện môi trường; đồng thời rà soát, điều chỉnh nội dung, mục tiêu của đề án phù hợp với tình hình thực tế và định hướng về công tác bảo vệ môi trường của thành phố, bảo đảm hoàn thành quận, huyện môi trường trong năm 2018.
Trên địa bàn thành phố còn 3 điểm nóng môi trường cần giải quyết triệt để. Khu công nghiệp Dịch vụ thủy sản Đà Nẵng và âu thuyền Thọ Quang, Trạm xử lý nước thải Ngũ Hành Sơn đã và đang được đầu tư xử lý ô nhiễm. Riêng bãi rác Khánh Sơn, Sở Tài nguyên và Môi trường đang tiếp tục đề xuất các giải pháp và lộ trình xử lý nhằm giải quyết dứt điểm tình trạng ô nhiễm tại bãi rác cũng như đẩy nhanh các thủ tục, để triển khai sớm khu liên hợp xử lý chất thải rắn tại Hòa Nhơn. |
Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP