Toàn thành phố hiện có 2 trường chuyên biệt (trong đó có 1 trường tư thục) và một trung tâm hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, và hàng chục trường tiểu học, THCS, THPT có học sinh khuyết tật (KT) học tập với tổng số trên 1.800 học sinh. Tuy nhiên, đường đến trường của các em cũng gặp không ít khó khăn do cơ sở vật chất của các trường còn thiếu, nhiều giáo viên chưa được đào tạo chuyên sâu các dạng tật.
Hoạt động nhóm ở Trung tâm Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập giúp học sinh khuyết tật rèn luyện kỹ năng hoạt động nhóm ở ngoài trời. |
Cửa mở rộng, nhưng vẫn thiếu chỗ
Trung tâm (TT) Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập, tiền thân là Trường Phổ thông chuyên biệt (CB) Nguyễn Đình Chiểu nhận can thiệp sớm cho trẻ khiếm thị 1-2 tuổi tại nhà từ năm học 2006-2007. Trước đó, từ năm 2004 trường nhận can thiệp cho trẻ KT trí tuệ, bại não và năm 2012 bắt đầu can thiệp cho trẻ khiếm thính. Đến nay TT nhận tất cả trẻ các dạng tật từ 6 tuổi trở lên học tại trường và hỗ trợ can thiệp cá nhân cho 40 em khác.
Trong số 220 học sinh đang học tại TT, có 70 em học lớp mầm non (tuổi phát triển trí tuệ 0-6 tuổi), còn lại là học sinh tiểu học và THCS. Cô Đặng Thanh Tùng, Phó Giám đốc TT cho biết, với 5 lớp mầm non, mỗi lớp có hai giáo viên đảm trách, thay nhau dạy tiết nhóm và tiết cá nhân 1 cô – 1 trò, nhưng ở 13 lớp tiểu học thì chưa có giáo viên hỗ trợ dạy tiết cá nhân. Đây cũng là một thiệt thòi cho các em bởi nếu có sự hỗ trợ ở tiết cá nhân, sự tiến bộ của các em sẽ tăng lên theo từng ngày.
TT này có khuôn viên khá rộng, các phòng chức năng được xây dựng nhưng chưa thể xem là bài bản, khi phòng tâm vận động thiếu nhiều trang thiết bị cần thiết cho các em tự kỷ học, phòng vi tính xuống cấp. Và cũng như nhiều trường, bệnh viện khác, ở đây không có phòng đo thính lực để có thể kịp thời chỉnh máy trợ thính cho học sinh.
Hiện nay TT có 36 học sinh khiếm thị. Riêng số học sinh KT trí tuệ ngày càng tăng, như trẻ khiếm thính có 35 em, khuyết tật trí tuệ 97 em và đa tật, tự kỷ 41 em. Nếu như trước đây chỉ có 10 học sinh/lớp, thì nay tăng lên 15 em/lớp. Cô Thanh Tùng cho biết có 10 hồ sơ xin học của các em đang phải xếp hàng chờ hẹn, vì TT không đủ chỗ, khó có thể nhận thêm để bảo đảm hiệu quả dạy – học và chăm sóc tốt nhất.
Năm học 2017-2018, Trường CB Tương Lai có số học sinh đông nhất từ trước đến nay: 258 em (so với 182 em năm 2014, 219 em của năm 2015 và 231 em năm 2016) và có khoảng 10 học sinh ra trường mỗi năm. Số học sinh ra trường phần lớn đã trên 18 tuổi, có hành vi bất thường hoặc bệnh chuyển biến nặng, không có khả năng học văn hóa hoặc kỹ năng sống.
Riêng năm học này trường ghi nhận số học sinh KT trí tuệ, tự kỷ tăng cao với 47 hồ sơ, trong đó có 7 em KT thính giác. Nhà trường cũng mới nhận học sinh khiếm thính ở lứa mầm non (3 tuổi), không thể nhận trẻ hội chứng tự kỷ vì thiếu giáo viên.
Thầy Nguyễn Duy Quy, Hiệu trưởng Trường CB Tương Lai trăn trở: “Đội ngũ giáo viên của nhà trường hiện thiếu 2 giáo viên đứng lớp và 4 giáo viên dạy tiết giáo dục cá nhân; do đó trường không thể tổ chức dạy tiết can thiệp cá nhân.
Trong khi đúng nghĩa của một trường CB là có giáo viên đứng lớp nhóm và giáo viên can thiệp cá nhân thì hiệu quả mới rõ rệt, vì quá trình dạy học này giúp giáo viên phát hiện và dạy theo đặc thù riêng của từng trẻ. Trước đây học sinh thuộc các lớp khiếm thính, tự kỷ, chậm phát triển trí tuệ trung bình có 10 em/lớp, nhưng nay số lượng đông nên ở khối tiểu học mỗi lớp có đến 15 em”.
Ở trường này, năm nay các phòng chức năng đều được tận dụng để chuyển đổi thành phòng dạy âm nhạc và mỹ thuật.
Bên canh đó, nhiều giáo viên cho biết, giáo án của loại hình giáo dục đặc biệt không có mẫu chung, các thầy cô dựa vào dạng tật và đặc thù riêng của từng em để dạy và theo dõi sự tiến bộ, từ đó có sự điều chỉnh trong yêu cầu và đánh giá phù hợp. Hiện nay, khoa Giáo dục đặc biệt của Trường Đại học Sư phạm Đà Nẵng không còn tuyển sinh, các trường đành tuyển giáo viên học ngành sư phạm tiểu học, rồi tự đào tạo giáo dục đặc biệt cho họ.
Lớp cá nhân, trường tư cùng chung tay
Cùng với hệ thống giáo dục công lập, một số trường tư, lớp các nhân… cũng vào cuộc giáo dục trẻ KT. Soeur Nguyễn Thị Tuyết Lan, Hiệu trưởng Trường CB tư thục Thanh Tâm cho biết, hiện trường có 271 em theo học. Riêng trẻ khiếm thính, bại não, tự kỷ, thiểu năng trí tuệ, nhà trường nhận can thiệp từ khi 3 tuổi.
Nếu trẻ khiếm thính sau khi có sự hỗ trợ của máy trợ thính hoặc cấy ốc tai điện tử vẫn không hòa nhập được thì sẽ được dạy theo phương pháp chuyên biệt. Hiện trường có 121 học sinh lớp mầm non, 109 học sinh tiểu học và 31 em học hướng nghiệp. Đặc biệt, nếu phụ huynh có yêu cầu, trẻ ở lớp mầm non có thể nhờ giáo viên can thiệp theo giờ sau giờ học ở trường.
Đà Nẵng hiện cũng có nhiều giáo viên mở lớp dạy cho trẻ tự kỷ tại nhà, tùy theo mức độ nặng nhẹ hay đặc tính riêng biệt của hội chứng tự kỷ. Chị Nguyễn Thị Hồng (đường Nguyễn Trường Tộ, quận Hải Châu), một bà mẹ có con mắc hội chứng tự kỷ nặng đã đi học và nghiên cứu sách vở để dạy cho con, chị cũng dạy cho nhiều bé có hội chứng giống con chị suốt nhiều năm qua.
Hiện lớp của chị có 4 cháu, em nhỏ nhất 12 tuổi, lớn nhất 18 tuổi, đều là những em đã từng xin học nhiều nơi nhưng hội chứng quá nặng, nên chỉ được một thời gian ngắn là bị từ chối, phụ huynh đành “bấu víu” vào chị.
Ngoài chức năng dạy chuyên biệt ở trường, từ năm 2013, Trường CB tư thục Thanh Tâm tiến hành các chương trình phát triển giáo dục hòa nhập tại 2 trường ở quận Sơn Trà và 5 trường ở quận Ngũ Hành Sơn, tùy theo nhu cầu cần hỗ trợ thực tế tại các trường học có học sinh KT theo học. Khi năm 2016 trường có 10 em ra học hòa nhập, năm 2017 có 6 em học hòa nhập.
Sự hỗ trợ gồm hỗ trợ chuyên môn cho giáo viên, trang bị và hỗ trợ kiến thức cho phụ huynh. Mục tiêu là xây dựng năng lực và chuyển giao kỹ thuật để giáo viên làm việc với học sinh. Các trường có học sinh học hòa nhập cũng giảm mục tiêu cho học sinh KT, ví dụ như trẻ khiếm thính chỉ cần biết tính toán và viết, trong khi kỹ năng đọc và giao tiếp còn hạn chế.
TT Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập cũng tiến hành hỗ trợ các trường hiện có học sinh KT đang theo học hòa nhập, bằng cách truyền phương pháp, mục tiêu và tài liệu cho giáo viên đứng lớp; ngoài ra còn hỗ trợ cho ban giám hiệu các trường, giáo viên chủ nhiệm, giáo viên đứng lớp và phụ huynh, đặt ra mục tiêu giúp học sinh KT tiến bộ.
5 năm qua, TT có 8 học sinh theo học hòa nhập. Hiện toàn thành phố có 10 phòng nguồn ở 10 trường tiểu học thuộc 7 quận, huyện (riêng quận Liên Chiểu, huyện Hòa Vang và quận Hải Châu mỗi quận có 2 phòng nguồn), mỗi tháng giáo viên từ TT sẽ đến hỗ trợ 1 buổi tại phòng nguồn.
Phòng này được xây dựng ở những trường có từ 10, 15 trẻ KT theo học, các trường chỉ có vài học sinh sẽ đến tham gia chung. Toàn thành phố có khoảng 80/100 trường tiểu học có học sinh KT học hòa nhập. TT Hỗ trợ phát triển giáo dục hòa nhập hiện có 20 học sinh THCS, THPT được thầy cô hỗ trợ trong việc học. Hay một số học sinh của TT đang học tại Trường Đại học Duy Tân, Trường Đại học Ngoại ngữ (Đại học Đà Nẵng) và Trường Cao đẳng Văn hóa nghệ thuật được giáo viên hỗ trợ trong việc làm bài thi.
Có một thực tế mà các trường CB đang gặp khó, là nhiều phụ huynh đến xin học cho con khi các bé đã 5, 6 tuổi hoặc lớn hơn, trong khi các trường đang hạ tuổi đón trẻ đến học xuống 3 tuổi để có thể can thiệp tốt nhất về mặt giáo dục. Các phụ huynh cho biết từ khi phát hiện con bị KT, họ đều cho con can thiệp ở BV. Trong khi đó, nếu được can thiệp song song về mặt y tế (ở BV) và mặt giáo dục (ở trường học) thì có thể mức độ tiến bộ của các bé sẽ tốt hơn, nhất là trong giai đoạn vàng dưới 6 tuổi. Song, nhiều bác sĩ cho rằng, có thể tuổi sinh học của các bé lớn, nhưng tuổi nghe, tuổi nhận thức còn thấp (0-1 tuổi nghe/5, 6 tuổi sinh học) thì việc để các bé đến trường cũng không hiệu quả. |
Hiện toàn thành phố có 282 trẻ KT mầm non học ở các trường CB, 94 trẻ mầm non học hòa nhập; 354 học sinh tiểu học KT học ở các trường CB, 751 học sinh tiểu học KT học hòa nhập; 278 học sinh KT học cấp THCS và 47 học sinh KT học cấp THPT. Nguồn: Sở Giáo dục-Đào tạo Đà Nẵng |
Bài và ảnh: Hoàng Nhung