Thời gian qua, nhiều hoạt động trợ giúp người khuyết tật (NKT) như: hỗ trợ dụng cụ chỉnh hình, cho vay vốn, sửa nhà được triển khai trên địa bàn thành phố Đà Nẵng giúp hàng trăm người vượt qua mặc cảm, vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Sau khi được hỗ trợ chiếc chân giả mới, chị Trần Thị Tâm Hiền (trái) có điều kiện đi lại dễ dàng hơn, thuận tiện trong công việc. |
Năm 12 tuổi, trong một lần đi học, chị Trần Thị Tâm Hiền (phường An Hải Đông, quận Sơn Trà) bị vướng phải vật liệu nổ còn sót lại trong chiến tranh nên mất đi đôi chân. Sau khi lấy chồng cũng là NKT, cuộc sống của chị càng khó khăn hơn khi hai vợ chồng không có nghề nghiệp ổn định, thu nhập chủ yếu từ công việc làm hàng mã. Anh chị còn phải nuôi mẹ chồng thường xuyên đau ốm. Đến tháng 10-2017, chị được Hội NKT thành phố Đà Nẵng huy động nguồn hỗ trợ thay chân giả. “Bây giờ được hỗ trợ lắp chân giả rồi, công việc giao hàng của tôi cũng thuận lợi hơn. Thu nhập khoảng 5 triệu đồng/tháng tạm chi tiêu trong gia đình”, chị Hiền chia sẻ.
Chân bị yếu từ nhỏ nên mọi sinh hoạt hằng ngày của anh Nguyễn Đăng Thời (phường Hòa Thọ Tây, quận Cẩm Lệ) cũng gặp nhiều khó khăn. Vừa rồi, anh được Hội NKT thành phố Đà Nẵng vận động hỗ trợ nẹp chân. “Trước đây, tui rất ngại phải di chuyển, ít khi đi bộ và toàn nhờ vợ chở đi. Bây giờ, tui đã đi bộ được hơn 100 mét và giao tiếp với mọi người, thăm bạn bè rất vui vì có nẹp rồi, chân không yếu nữa”, anh Thời bộc bạch.
Thành phố Đà Nẵng hiện có khoảng gần 12.000 NKT. Trong đó, tỷ lệ NKT có việc làm ổn định trên địa bàn thành phố không nhiều, chỉ khoảng 4.000 người, số còn lại chưa có việc làm hoặc bệnh tật, sức khỏe kém, không có khả năng lao động. Ông Trương Công Nghiêm, Chủ tịch Hội NKT thành phố Đà Nẵng cho biết, được sự tài trợ của Ủy ban Chữ thập đỏ quốc tế, năm 2017, Hội đã kết nối hỗ trợ lắp dụng cụ trợ giúp (nẹp, chân tay giả, giày tất chỉnh hình…) cho NKT các tỉnh từ Quảng Ngãi đến Quảng Bình. Tính đến nay đã có 233 người được hỗ trợ dụng cụ từ chương trình này, trong đó Đà Nẵng có 108 người nhận hỗ trợ với trị giá mỗi loại từ 3-6 triệu đồng. Đồng thời, Hội còn huy động các nhà hảo tâm hỗ trợ 15 xe lăn, 20 xe lắc giúp NKT di chuyển và sinh hoạt thuận tiện hơn. “Vẫn còn rất nhiều NKT có hoàn cảnh khó khăn cần được hỗ trợ để lắp chân tay, có thêm dụng cụ nhằm thuận tiện hơn trong sinh hoạt và hòa nhập cộng đồng. Tuy nhiên, nhiều người còn tự ti và nhận thức về dụng cụ chỉnh hình chưa cao nên chưa sẵn sàng sử dụng dụng cụ”, ông Nghiêm nói.
Không chỉ được lắp chân tay giả, NKT tại thành phố Đà Nẵng còn được hỗ trợ bằng những chính sách khá nhân văn. Đơn cử như chính sách học nghề, tạo việc làm, phiên chợ việc làm và tuyển sinh học nghề dành cho NKT do Sở Lao động-Thương binh và Xã hội tổ chức định kỳ. Hay như việc thiết kế có lối đi riêng hoặc các điều kiện cần thiết tại các công trình công cộng, dịch vụ xã hội, kể cả các nhà hàng, khách sạn, khu vui chơi, giải trí mới tại thành phố Đà Nẵng để NKT có thể tiếp cận và sử dụng. Quỹ quay vòng không lãi suất của Hội NKT thành phố Đà Nẵng mặc dù nguồn vốn cố định nhỏ (150 triệu đồng) nhưng chỉ trong năm qua đã cho 47 lượt NKT được vay không lãi suất với số tiền vay từ 4-5 triệu đồng giúp NKT có vốn làm ăn, tăng thu nhập. Nhiều NKT còn được Hội NKT thành phố giới thiệu vào làm việc tại các đơn vị như: Công ty TNHH Trường Minh, Công ty TNHH Kinh doanh tổng hợp Ân Điển, khu nghỉ dưỡng Pullman Đà Nẵng, khách sạn Mercure... Cũng là NKT vận động, ông Trương Công Nghiêm khẳng định, chỉ cần được trợ giúp và vượt qua mặc cảm tự ti, NKT có thể làm được nhiều việc nuôi sống bản thân và có ích cho cộng đồng.
Bài và ảnh: KIM NGÂN