Lạc quan để vượt qua nỗi đau

.

Trong căn nhà nhỏ của Mẹ Việt Nam Anh hùng (VNAH) Đặng Thị Nhờ (khu dân cư Đông Hải, phường Hòa Hải, quận Ngũ Hành Sơn), ở vị trí trang trọng nhất là tấm Bằng Mẹ VNAH cùng 2 tấm Bằng Tổ quốc ghi công ghi danh liệt sĩ và nhiều hình ảnh mẹ lưng còng nhưng miệng lúc nào cũng cười tươi.

102 tuổi, mẹ Nhờ vẫn kể rành rọt từng mốc thời gian của cuộc đời mình. Mẹ cho biết mình sinh năm 1916, tại xã Hòa Hải, huyện Hòa Vang (trước đây) trong gia đình có truyền thống cách mạng lâu đời. Chồng là ông Mai Văn Gạo, một cơ sở cách mạng tin cậy của các tổ chức hoạt động bí mật.

Mẹ có 8 người con, trong đó 2 người là liệt sĩ, gồm chị Mai Thị Hai và anh Mai Văn Ba. Tháng 7-1970, trong một đêm mưa trái mùa, mẹ như chết lặng khi nhận tin người con đầu Mai Thị Hai bị thương nặng. Ngay trong đêm, mẹ cùng tổ chức đưa chị Hai về căn hầm bí mật trong nhà để chăm sóc nhưng vết thương quá nặng trong khi thuốc thang thiếu thốn nên mẹ đành đứt ruột nhìn con gái trút hơi thở cuối cùng trên tay mình.

Nỗi đau chưa dứt thì 3 năm sau mẹ lại như chết đi lần nữa khi người con trai thứ hai là anh Mai Văn Ba cũng hy sinh ngay trên mảnh đất Hòa Hải anh hùng. Gần 5 năm với 3 lần chịu tang chồng và hai người con, mọi người ai cũng lo lắng mẹ sẽ không chịu nổi cú sốc quá lớn, thế nhưng mẹ lại lao vào hoạt động không biết mệt mỏi.

Căn hầm bí mật trong nhà mẹ trở thành căn cứ vững chắc cho các chiến sĩ, bản thân mẹ còn là người vận chuyển nhu yếu phẩm cho cách mạng. Ở “điểm nóng” nào mẹ cũng tham gia bất kể ngày đêm, và bao giờ mẹ cũng là người tiên phong hoạt động với nụ cười thường trực. Trước sự ngỡ ngàng của mọi người, mẹ chỉ trả lời đơn giản: “Cứ lạc quan mà sống!”.

Nụ cười tươi thường trực trên môi Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhờ.
Nụ cười tươi thường trực trên môi Mẹ Việt Nam Anh hùng Đặng Thị Nhờ.

Theo chị Phạm Thị Bườn, con dâu út đã ở với mẹ trên 30 năm nay, có lẽ nhờ sự lạc quan mà mẹ vượt qua nỗi đau mất chồng, con, vượt qua khó khăn nuôi con khôn lớn. Cuộc đời mẹ trở thành tấm gương cho con cháu noi theo.

Chỉ mới 2 năm nay con cháu trong nhà mới “cấm” mẹ đi lượm củi, nấu cơm, trồng rau vì mẹ đã quá lớn tuổi, còn những năm trước mẹ vẫn tự lao động. Mẹ cũng chính là “từ điển sống” về lịch sử cách mạng của vùng đất Hòa Hải. Mọi cột mốc quan trọng của địa phương, nhất là trong thời chiến tranh mẹ đều nhớ và kể vanh vách.

Không những vậy, mẹ còn “cập nhật” kiến thức bằng cách thường xuyên tham dự những chương trình của quận tổ chức cho Mẹ VNAH đi tham quan các di tích lịch sử ở nhiều tỉnh, thành trên cả nước để về kể cho con cháu nghe.

Bà Trần Thị Bèo, hàng xóm của mẹ tỏ ra rất tự hào khi được sống gần một người tuyệt vời như mẹ: “Mẹ già rồi nhưng gặp ai cũng vui vẻ cười tươi, ai hỏi chi cũng chỉ giúp tận tình. Nếu ai có chuyện buồn thì nghe mẹ khuyên bảo sẽ giải tỏa được ngay”.

Trả lời cho câu hỏi điều gì khiến mẹ luôn giữ được sự yêu đời, mẹ nói với giọng sang sảng trong tiếng cười giòn tan: “Truyền thống gia đình mẹ vậy rồi, tính riêng bên chú và bên bác cũng có một người chị và hai người em đã được Nhà nước phong tặng danh hiệu Mẹ VNAH. Phải lạc quan mới vượt qua được khó khăn. Mẹ rất mừng khi thấy vùng đất này ngày một phát triển, thành phố Đà Nẵng ngày càng giàu đẹp. Như vậy thì chồng, con mẹ cũng an lòng nằm xuống”.

Bài và ảnh: THANH VÂN

;
.
.
.
.
.
.