Những khẩu thần công ở thành Điện Hải

.

Cách đây tròn 10 năm, khi thành Điện Hải được mở rộng để xây dựng Bảo tàng Đà Nẵng, tất cả các khẩu súng thần công được phát hiện dưới lòng đất thuộc di tích thành Điện Hải trong những năm 1979, 1993, 2005, 2007 và 2008 đã được phục chế, làm mới để trưng bày trong khuôn viên bảo tàng. Những khẩu thần công này từng được gọi là đại bác của người Việt Nam thời nhà Nguyễn.

Những khẩu thần công trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.
Những khẩu thần công trưng bày tại Bảo tàng Đà Nẵng.

Nằm lặng im ở đây hơn một thế kỷ rưỡi, khi được tìm thấy, hầu hết các khẩu thần công đã bị gỉ sét, gãy phần tai hai bên và trục quay nhưng thân súng hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Thân súng được đúc bằng sắt, gang hoặc đồng. Khẩu to nhất nặng đến hơn 3 tấn, khẩu nhỏ cũng khoảng hơn 1 tấn, đường kính đuôi của khẩu to nhất khoảng hơn 50 cm.

Theo nhận định của Bảo tàng Đà Nẵng, đây là những khẩu thần công trong số 30 khẩu súng thần công còn sót lại ở thành Điện Hải thời vua Thiệu Trị nhà Nguyễn từ những năm 1847 và đã có mặt ở đây cùng với đội quân triều Nguyễn của danh tướng Nguyễn Tri Phương, chễm chệ trên các bệ súng hoặc trên các xe pháo có trục quay, lẫy lừng nhả đạn, góp phần đánh lui hàng chục đợt tấn công của quân Pháp ngay tại cửa sông Hàn.

Tận mắt nhìn thấy hình dáng, cấu tạo và tìm hiểu cách thức mà cha ông ta đã sử dụng thuốc nổ, điểm hỏa để bắn ra những quả đạn hình cầu bằng sắt hoặc gang mới cảm nhận hết sự thông minh, tài trí của người dân Việt Nam thời ấy. Họ đã đánh giặc không chỉ bằng chiến lũy, hầm chông, súng hỏa mai mà bằng cả những khẩu đại bác ra đời từ ý thức yêu nước sâu sắc và tinh thần chống giặc ngoại xâm ngoan cường.

Trên địa bàn Đà Nẵng thời nhà Nguyễn, súng thần công không chỉ được bố trí ở thành Điện Hải mà còn được bố trí ở thành An Hải (bây giờ là khu An Đồn, quận Sơn Trà), pháo đài Phùng Hải và các đồn lũy, pháo đài nằm dọc bờ biển ven vịnh Đà Nẵng, làm thành hệ thống phòng thủ tương đối hoàn chỉnh và khá vững chắc bảo vệ cửa bể Đà Nẵng. Những khẩu đại bác đều được bố trí trên các ụ súng, quay mặt ra phía biển sẵn sàng nghênh chiến với tàu nước ngoài đột nhập.

Có thể nói đây là vũ khí quan trọng nhất thể hiện sức mạnh của quân đội nhà Nguyễn thời đó, như nhận xét của quân Pháp trong lần đầu tiên đặt chân đến xâm lược vịnh Đà Nẵng: “Pháo đài phía tây và các công sự khác đã được sửa lại khá hoàn hảo. Pháo đài này từng được trang bị đại bác cỡ lớn bằng sắt và bằng đồng. Đại bác bằng đồng chiếm số nhiều hơn và nói chung rất đẹp. Các đại bác của đối phương đều vừa mới được đặt trên giá súng cao. Trang bị pháo binh của họ rất hoàn chỉnh và tốt hơn nhiều so với những gì tôi nhìn thấy ở Trung Hoa” (theo tư liệu của Bảo tàng Đà Nẵng).

Ngày 1-9-1858, liên quân Pháp - Tây Ban Nha nổ súng tấn công Đà Nẵng, mở đầu cuộc chiến tranh xâm lược của thực dân Pháp ở Việt Nam. Suốt cuộc chiến đấu bền bỉ kéo dài 18 tháng  (9-1858 đến 3-1860), quân ta dưới sự chỉ đạo tài tình của danh tướng Nguyễn Tri Phương với hệ thống đồn luỹ phòng thủ kiên cố dày đặc kéo dài từ Hải Châu vào đến Phước Ninh, Thạc Gián, Liên Trì, Nghi Xuân đã đẩy lui hàng chục đợt tấn công của liên quân Pháp, buộc chúng phải lùi về cố thủ nhiều tháng trời ở bán đảo Sơn Trà, và sau đó phải quay ra tấn công Huế và mặt trận Gia Định.

Thắng lợi của quân và nhân dân ta ở Mặt trận Đà Nẵng có ý nghĩa lịch sử vô cùng to lớn mà trong đó hệ thống phòng thủ cửa bể với hiệu quả của những khẩu thần công sừng sững uy nghi đã đóng góp một phần không nhỏ. Được biết, Bảo tàng Đà Nẵng đã phục chế được nhiều hệ thống xe pháo có trục quay cơ động để gắn súng thần công, tiến hành bảo dưỡng, bảo quản và trưng bày trong nhà, ngoài trời và trên các pháo đài của 4 góc thành làm nên bộ sưu tập phong phú về súng thần công.

Gần 160 năm trôi qua kể từ ngày đầu đánh Pháp, thành Điện Hải vừa được Thủ tướng Chính phủ công nhận là di tích đặc biệt cấp quốc gia, bộ sưu tập súng thần công tại thành Điện Hải cũng được đề nghị Nhà nước công nhận là “Bảo vật quốc gia”.

Bài và ảnh: HỒNG HẠNH

;
.
.
.
.
.
.