Với tinh thần xung kích của tuổi trẻ, những năm qua, Hội Thầy thuốc trẻ (TTT) thành phố đã có nhiều hoạt động cụ thể, thiết thực hướng về cơ sở, tham gia tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng.
Các y, bác sĩ trẻ tận tình khám, chữa bệnh cho người dân. |
Tháng 5 vừa qua, Hội TTT phối hợp cùng Hội Liên hiệp Thanh niên thành phố tổ chức Ngày hội “Thầy thuốc trẻ làm theo lời Bác, tình nguyện vì sức khỏe cộng đồng” năm 2018 tại xã Hòa Liên (huyện Hòa Vang). Hơn 50 thầy thuốc trẻ là các y, bác sĩ và điều dưỡng đến từ các bệnh viện trên địa bàn thành phố đã tham gia khám bệnh, cấp thuốc miễn phí cho hơn 500 gia đình chính sách và người cao tuổi.
Nghe tin có đoàn bác sĩ trẻ tình nguyện đến xã khám bệnh, phát thuốc miễn phí, ngay từ sáng sớm, bà con ở xã Hòa Liên đã tranh thủ tập trung trước Trạm Y tế xã. Cụ ông Nguyễn Hữu Phước (80 tuổi, thôn Quan Nam 4) chia sẻ: “Bình thường chúng tôi có bệnh nặng lắm mới đi khám, vì già rồi đi xa rất vất vả. Nay có các bác sĩ đến tận nơi để khám và phát thuốc, bà con chúng tôi mừng lắm, sáng sớm mọi người đã rủ nhau đi”.
Theo chân đoàn bác sĩ trẻ đến xã, chúng tôi mới cảm nhận được hết ý nghĩa sâu sắc của chuyến đi tình nguyện. Khoác trên mình màu áo blouse trắng, những thầy thuốc trẻ vui vẻ, phấn khởi với nhiệm vụ của mình. Hơn 7 giờ sáng, đoàn đã có mặt tại UBND xã để trao quà cho các gia đình chính sách, người cao tuổi. Công việc trao quà được tiến hành nhanh chóng để tập trung vào việc khám bệnh. 8 giờ, mọi người nhanh chân qua Trạm Y tế để tranh thủ sắp xếp bàn đón tiếp bệnh nhân, lắp đặt máy móc, trang thiết bị khám chữa bệnh, phân loại thuốc... Hơn 9 giờ, tiết trời bắt đầu oi bức, người dân đến mỗi lúc một đông, mặc cho những tấm lưng ướt đẫm mồ hôi, các y, bác sĩ trẻ vẫn nhẹ nhàng, niềm nở, người viết phiếu khám, người đo huyết áp, người siêu âm, người phát thuốc cho bà con…
Mặc dù đi lại khó khăn do già yếu, nhưng bà Ngô Thị Nẩm (75 tuổi, thôn Hiền Phước) vẫn cố gắng đến sớm để được các bác sĩ tư vấn, khám chữa bệnh. Cụ Nẩm cho biết: “Bà già rồi, không biết ghi phiếu khám, các bác sĩ nhiệt tình và thân thiện lắm, không những chỉ dẫn tận tình, khám bệnh cẩn thận mà còn hướng dẫn cách uống thuốc rất chu đáo”. Cầm túi thuốc vừa được các y, bác sĩ phát, bà Nguyễn Thị Lẫn (80 tuổi, thôn Vân Dương 1) nghẹn ngào: “Trước đây, tôi bị viêm phế quản, đi khám ở Bệnh viện đa khoa Liên Chiểu nhưng lên đó xa và rất tốn kém. Con út bận đi làm nên không có thời gian chở đi khám lại. Hết thuốc, tôi ho liên tục và tức ngực... Nay nhờ các bác sĩ đến tận nơi khám cẩn thận, hướng dẫn cách sử dụng thuốc, tôi mừng lắm”.
Hiểu được sự khó khăn của bà con nghèo nơi đây, bác sĩ Nguyễn Hoàng Khánh (Khoa Nội tim mạch, Bệnh viện Đà Nẵng) chia sẻ: “Những chuyến tình nguyện đến các xã khó khăn hay vùng núi hẻo lánh, tận mắt chứng kiến điều kiện tiếp cận dịch vụ y tế của người dân nơi đây đã khơi gợi nhiều cảm xúc nghề nghiệp trong chúng tôi, thôi thúc chúng tôi cống hiến hơn nữa, phục vụ vì cộng đồng”.
Với các đoàn viên thanh niên, việc tham gia hoạt động tình nguyện tại cộng đồng đã ăn sâu vào tâm trí họ. Chính vì vậy, chỉ cần Hội TTT hay Đoàn Thanh niên phát động thì họ sẵn sàng tham gia. Mới về công tác tại Khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Đà Nẵng chưa lâu, nhưng chị Lê Thị Bé (27 tuổi) đã nhiều lần tình nguyện tham gia khám bệnh ở những xã khó khăn, vùng sâu, vùng xa. Chị chia sẻ: “Được tiếp xúc với người dân, tôi thấy mình có những trải nghiệm bổ ích cả về cuộc sống lẫn kiến thức chuyên môn. Tôi nghĩ các hoạt động như thế rất thiết thực, là cơ hội để các thầy thuốc trẻ thể hiện trách nhiệm của mình với cộng đồng”.
Bác sĩ Trần Xuân Tín, Phó Chủ tịch Hội TTT thành phố, cho biết, Hội TTT đã quy tụ được các y, bác sĩ có trình độ chuyên môn tốt, nhiệt tình trong công tác Đoàn, sẵn sàng vì cuộc sống cộng đồng. Hằng năm, Hội thường xuyên phối hợp với Hội Liên hiệp Thanh niên, Đoàn khối Các cơ quan thành phố tổ chức khám, chữa bệnh, tình nguyện vì cộng đồng mỗi quý 1 lần ở những vùng sâu, vùng xa của thành phố Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam và cả những tỉnh, thành xa hơn với kinh phí khám, phát thuốc, tặng quà lên đến hàng trăm triệu đồng mỗi chuyến. Qua các đợt khám bệnh đó, nhiều người dân được phát hiện bệnh kịp thời và được giới thiệu đến các cơ sở y tế chuyên khoa để điều trị. “Những hoạt động tình nguyện mang lại cơ hội tầm soát bệnh cho người dân. Và cũng là dịp để các y, bác sĩ trẻ nâng cao chất lượng khám chữa bệnh, rèn luyện y đức, cổ vũ tinh thần sống đẹp, nhân ái vì sức khỏe cộng đồng”, bác sĩ Tín nói.
Bài và ảnh: THU THẢO