Rẽ trái từ đường bê-tông vắt ngang qua thôn Dương Lâm 2 (xã Hòa Phong) vào xóm An Dương, Phó ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang Dương Tấn Đạt đưa tôi đến bên bờ một vạt ruộng nằm ở đầu khu dân cư.
Thấy chúng tôi, hai vợ chồng ông Huỳnh Tấn Quang đang loay hoay dưới ruộng bước lên cất tiếng chào. Biết tôi muốn tìm đến địa điểm mà các chiến sĩ Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm (thuộc C2 Khu II Hòa Vang) hy sinh trong trận đánh có tên là “Cắm cờ giữ đất” diễn ra ngày 28-1-1973, đúng một ngày sau khi Hiệp định Paris được ký kết, ông Quang vui vẻ chỉ đường.
Các ông Dương Tấn Đạt, Huỳnh Tấn Quang (từ phải qua) trên vạt ruộng sẽ xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm và phối cảnh Bia chiến tích (ảnh nhỏ). |
Cách vạt ruộng đầu khu dân cư chưa đầy 20 mét là nhà ông Nguyễn Phẩm, nơi có hầm chiến đấu của 3 chiến sĩ cuối cùng của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm hy sinh trong trận đánh ác liệt nói trên.
Ông Đạt đi quanh một vòng rồi quay lại nói với tôi: “Do khu vườn nhà ông Phẩm hiện nay quá hẹp nên sau khi bàn bạc lấy ý kiến bà con nhân dân, kể cả Ban liên lạc C2, lãnh đạo huyện thống nhất chọn vạt ruộng đầu khu dân cư để vừa xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm, vừa làm khu công viên mi-ni cho cả xóm”.
Đứng trên địa điểm nay mai sẽ xây dựng bia chiến tích, ông Đạt chỉ tay nói “phía bắc là nơi đóng trụ sở của xã Hòa Thượng (nay là xã Hòa Phong), phía nam là đồn Dương Mẹo, cạnh đó là cơ quan quận Hiếu Đức (cũ)”.
Ngày đó, khi xảy ra trận đánh giữa Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm với địch, nơi đây chỉ có 6 hộ dân nằm heo hút giữa đồng không mông quạnh của làng Dương Lâm, nay là thôn Dương Lâm 2. Do đây là vùng giáp ranh giữa hai thôn An Tân và Dương Lâm nên người ta ghép hai địa danh này thành xóm An Dương một cách trọn vẹn nghĩa tình.
Theo tài liệu của Ban liên lạc C2, Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm tiền thân là Trung đội nữ trực thuộc Huyện đội Hòa Vang, được thành lập vào đầu năm 1967. Ban đầu trung đội gồm 30 cán bộ, chiến sĩ, do chị Trần Thị Sốt làm Trung đội trưởng, chị Trần Thị Nguyệt làm Chính trị viên; tất cả chiến đấu trong đội hình H16 (C2) cho đến ngày 5-10-1967.
Gần 5 năm sau, tháng 2-1972, để đáp ứng nhu cầu diệt ác phá kèm trong tình hình mới, Chỉ thị của Khu ủy Khu II - Khu đội 2 tái thành lập Trung đội nữ gồm 28 người, do chị Nguyễn Thị Xuân Mai làm Trung đội trưởng.
3 tháng sau, Trung đội nữ đổi tên thành Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm, mang tên một nữ du kích đất Mỹ Tho hy sinh năm 1970 và được Chính phủ Cách mạng lâm thời Cộng hòa miền Nam Việt Nam truy tặng Huân chương Quân công giải phóng hạng ba cùng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân giải phóng vào ngày 20-9-1971.
Đêm 27-1-1973, ngay sau khi Hiệp định Paris được ký kết, quân ta tiêu diệt trung đội nghĩa quân tại khu đồn Dương Lâm 2, chốt chặn các mục tiêu và cắm cờ giữ đất, thu toàn bộ vũ khí, điện đài, quân trang, quân dụng của địch.
Theo nhật ký chiến trường của nguyên Đại đội trưởng Khu II C2 Hòa Vang Trần Chiến Chinh, ngày 28-1-1973, địch huy động một đại đội của Tiểu đoàn 143 địa phương quân, 3 trung đội nghĩa quân có máy bay, xe tăng, pháo binh yểm trợ, tấn công vào điểm chốt của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm.
Từ 8 giờ sáng đến 15 giờ chiều, tổ phản kích trên 20 đợt tấn công của địch, tiêu diệt và làm bị thương hàng trăm tên địch và giữ vững được trận địa. Sau đó, một số điểm chốt rút về Nam Thành, Khương Mỹ, riêng tổ của chị Nguyễn Thị Xuân Mai vẫn kiên cường giữ chốt, trung đội chỉ còn lại 3 cán bộ, chiến sĩ nữ (Nguyễn Thị Xuân Mai, Hồ Thị Vân, Ông Thị Nguyệt).
Địch tập trung tấn công vào điểm chốt do chị Mai chỉ huy. Các chị đã chiến đấu đến viên đạn cuối cùng, diệt thêm hàng chục tên địch. Nhưng do tương quan lực lượng giữa ta và địch quá chênh lệch nên sau 5 đợt phản kích, các chị hết đạn, đành đập gãy súng và anh dũng hy sinh.
Cuốn Lịch sử Đảng bộ xã Hòa Phong (giai đoạn 1954 - 1975), tập 2, có ghi ở trang 172: “Khi bọn ngụy chiếm được chốt, tên đại úy chỉ huy nhìn thấy xác 3 chiến sĩ gái nằm trên trận địa, vừa tức tối vừa khâm phục thốt lên “Cả một tiểu đoàn Việt Nam Cộng hòa mà chịu thua 3 con Việt cộng”.
Trận đánh “Cắm cờ giữ đất” của Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm đã gây được tiếng vang trên các mặt trận. Bộ Tư lệnh Mặt trận 4 Quảng Đà đánh giá cao chiến công này và tặng danh hiệu “Tổ chiến đấu anh dũng Nguyễn Thị Xuân Mai”.
Để ghi công các chiến sĩ nữ năm xưa và giáo dục truyền thống cho các thế hệ mai sau, Huyện ủy, UBND huyện Hòa Vang đồng ý chọn địa điểm và đầu tư kinh phí gần 2 tỷ đồng để xây dựng Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm.
Ông Quang cho biết, khi bà con quanh vùng nhận được thông tin công trình lịch sử - văn hóa này sắp xây dựng ngay trên làng quê mình, ai cũng mừng vui ra mặt.
“Gần 20 năm nay, hằng năm đến ngày 23 tháng Chạp là bà con trong xóm cùng chung tay đóng góp kẻ ít người nhiều mua cái thủ, sắm thêm hương hoa trà quả để cúng 3 vị nữ chiến sĩ hy sinh trong trận đánh khốc liệt năm 1973 cùng với các vị nhiều nơi khác chết vì bom đạn chiến tranh không nơi nương tựa. Chừ sắp có chỗ đàng hoàng để thắp nén hương tưởng niệm các vị, ai cũng phấn khởi hết”, ông Quang lạc quan nói.
Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang đang phối hợp với Ban liên lạc C2 trong việc soạn thảo nội dung bia. Các bước chuẩn bị đã đâu vào đó, trong nay mai, Bia chiến tích Trung đội nữ Lê Thị Hồng Gấm sẽ được hình thành ngay trên chiến trường xưa, ghi dấu ấn một thời hào hùng của những chiến sĩ nữ năm xưa.
Vài nét về 3 đồng chí hy sinh cuối cùng vào ngày 28-1-1973 1. Nguyễn Thị Xuân Mai: sinh năm 1949; quê Điện Tiến, Điện Bàn; công tác tại Khu II Hòa Vang từ 1968 - 1973. 2. Hồ Thị Vân: sinh năm 1954; quê Hòa Tiến, Hòa Vang; công tác tại Khu II Hòa Vang từ 1971 - 1973. 3. Ông Thị Nguyệt: sinh năm 1957; quê Hòa Châu, Hòa Vang; công tác tại Khu II Hòa Vang từ 1972 - 1973. (Nguồn: Ban Tuyên giáo Huyện ủy Hòa Vang) |
Bài và ảnh: VIÊN PHÚC QUÂN