Nghĩ thêm về bảo tồn và phát huy giá trị bán đảo Sơn Trà

.

Hội thảo quốc tế lần thứ nhất về bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên với chủ đề “Phát triển du lịch tại các vườn quốc gia và khu bảo tồn thiên nhiên” do Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố phối hợp với Trung tâm Bảo tồn đa dạng sinh học Nước Việt Xanh, Trung tâm Con người và Thiên nhiên, nhóm Nghiên cứu-giảng dạy Môi trường và Tài nguyên sinh vật thuộc Đại học Đà Nẵng đồng tổ chức vào ngày 21-7 vừa qua đã thu hút hàng trăm nhà khoa học trong và ngoài nước, cùng những người quan tâm đến du lịch sinh thái và đến số phận của bán đảo Sơn Trà.

Bán đảo Sơn Trà chụp từ trên cao.Ảnh: H.A
Bán đảo Sơn Trà chụp từ trên cao.Ảnh: H.A

Đương nhiên các chuyên gia đến hội thảo là để trao đổi về những vấn đề liên quan tới du lịch sinh thái tại một số vườn quốc gia lớn của đất nước như Cúc Phương, Pù Mát, Phong Nha-Kẻ Bàng… hoặc tại một số khu dự trữ sinh quyển thế giới như Cù Lao Chàm, Cần Giờ…; nhưng do hội thảo diễn ra trên đất Đà Nẵng nên nhiều chuyên gia đã liên hệ với thực tế bán đảo Sơn Trà và nhiều ý tưởng rất mới liên quan tới Sơn Trà được dư luận hết sức chú ý.     

Một trong những ý tưởng được trình bày và thu hút sự quan tâm thảo luận của nhiều đại biểu tại hội thảo này là ý tưởng nâng cấp bán đảo Sơn Trà thành vườn quốc gia trên cơ sở “mở rộng diện tích khu rừng đặc dụng theo hướng bảo đảm diện tích bán đảo Sơn Trà hiện có và kết hợp thêm một phần diện tích biển, nơi có giá trị đa dạng sinh học biển cao như san hô và cỏ biển, cộng với diện tích rừng đặc dụng Nam Hải Vân và hòn Sơn Chà con”(1).

Ý tưởng này gợi nhớ đến câu chuyện Thành Điện Hải vừa được nâng cấp thành di tích quốc gia đặc biệt, nhờ đó có công cụ pháp lý hữu hiệu hơn để ngăn chặn các trường hợp tiếp tục xâm hại tòa thành cổ hơn 200 năm tuổi này, đồng thời để có điều kiện phục vụ tốt hơn việc đưa khách đến tham quan tìm hiểu lịch sử xây dựng tòa thành và cuộc chiến tranh vệ quốc của người Đà Nẵng năm 1858 - cuộc chiến tranh đã mở ra thời cận đại trong lịch sử Việt Nam.   

Nếu bán đảo Sơn Trà được nâng cấp thành vườn quốc gia, chắc chắn cũng sẽ có công cụ pháp lý hữu hiệu hơn để ngăn chặn các trường hợp tiếp tục xâm hại, kể cả các trường hợp xây dựng nhà cao tầng che chắn tầm nhìn, bởi dường như Sơn Trà chỉ chấp nhận một thứ có thể che khuất mình - đó là mây trời. Tuy nhiên, đúng như Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Vườn quốc gia và Khu bảo tồn thiên nhiên Việt Nam Lê Văn Lanh đặt vấn đề:

“Sau này, Sơn Trà, Bà Nà, Bạch Mã, Sông Thanh… sẽ trở thành những vườn quốc gia. Vấn đề đặt ra là việc phát triển du lịch bền vững tại các vườn quốc gia này bằng cách thức nào?” (2). Trở thành di tích quốc gia đặc biệt, có khả năng lượng khách tham quan Thành Điện Hải sẽ tăng gấp mười, thậm chí gấp trăm lần so với hiện nay và đó là điều mà người Đà Nẵng đang mong muốn như một lời tạ lỗi với tiền nhân.

Trong khi đó, khi Sơn Trà trở thành vườn quốc gia, người Đà Nẵng không hề mong đợi lượng khách tham quan bán đảo này cũng tăng vọt lên và qua đó ngành du lịch thành phố sẽ “hái ra tiền”, bởi suy cho cùng Sơn Trà khác với Thành Điện Hải mà cũng khác với cả Cúc Phương, Pù Mát, Phong Nha-Kẻ Bàng…

Thành Điện Hải là một công trình nhân tạo, nếu bị hủy hoại bởi thời gian và bởi chính ý thức của con người thì vẫn có thể trùng tu phục dựng, nhưng Sơn Trà là một cơ thể sống, một không gian sinh tồn khó có thể phục hồi một khi bị tổn thương.

Rồi Cúc Phương, Pù Mát, Phong Nha-Kẻ Bàng… là những vườn quốc gia rộng lớn hơn nhiều so với Sơn Trà, chưa kể Phong Nha-Kẻ Bàng còn có các hang động hàng đầu thế giới; nhưng Sơn Trà lại có những thứ chẳng vườn quốc gia nào có được, cũng có thể gọi là những giá trị đặc hữu, như biển một bên và núi một bên, trên đỉnh Sơn Trà có các cơ sở quân sự là “Mắt thần Đông Dương” nhìn ra biển cả mênh mông ngàn dặm.

Đặc biệt, Sơn Trà là nơi quần cư của voọc chà vá chân nâu và duy chỉ Sơn Trà mới phải gánh vác sứ mệnh bảo vệ hàng trăm nữ hoàng linh trưởng quý hiếm đang đối diện với nguy cơ tuyệt chủng cao, đứng thứ hai trong sách đỏ của Tổ chức Bảo tồn thiên nhiên quốc tế về các loài động vật hoang dã bị đe dọa.

Cho nên không phải ngẫu nhiên mà một số chuyên gia dự hội thảo, trong đó có PGS. Miki Yoshizumi (Đại học Ritsumeikan, Nhật Bản) giới thiệu kinh nghiệm của Chính phủ cộng đồng tự trị quần đảo Balearic ở Tây Ban Nha về thu thuế sinh thái như một trong các phương pháp tiềm năng khi áp dụng cho bán đảo Sơn Trà: Balearic đã ban hành thuế sinh thái, thu từ những du khách đến tham quan chỉ với
1 EUR/người để chi phí “tập trung vào việc giảm thiểu thiệt hại môi trường do ngành du lịch gây ra”(3).

Ở đây tôi chú ý đến mục đích chi hơn là mục đích thu: tiền thu được là để tập trung chi vào việc giảm thiểu thiệt hại môi trường do ngành du lịch gây ra, chứ không phải để góp phần tăng trưởng kinh tế du lịch, để ngành du lịch “hái ra tiền” - vẫn có thể “hái ra tiền” từ du khách nhưng là ở chỗ khác chứ không phải ở ngay bán đảo Sơn Trà!  

Tuy nhiên, để thực sự giảm thiểu những thiệt hại môi trường do ngành du lịch gây ra thì thu thuế sinh thái cũng mới chỉ là một cách, thậm chí không phải tối ưu, trước hết bởi Đà Nẵng không có chế độ tự trị như Balearic nên không thể tùy tiện đặt ra một khoản thuế mới và điều quan trọng hơn là thu thuế sinh thái vẫn chưa thể hạn chế được lượng khách lên Sơn Trà hằng ngày - tác nhân chính gây thiệt hại môi trường ở bán đảo này.

Cho nên Phó Giám đốc Sở Du lịch Trần Chí Cường có lý khi nói rằng: “Quan trọng nhất vẫn là kiểm soát khách lên xuống, đi đâu, làm những gì ở trên bán đảo Sơn Trà thì mới bảo đảm được công tác bảo tồn, gìn giữ và phát triển rừng vì hiện nay chưa có phương án quản lý khách lên bán đảo Sơn Trà; do đó

ưu tiên trước mắt hiện nay là xây dựng phương án quản lý du khách lên xuống bán đảo Sơn Trà”(4).
Theo tôi, đã đến lúc Đà Nẵng nên nghĩ đến khả năng đưa ra hạn ngạch/quota cho lượng du khách hằng ngày được lên tham quan bán đảo Sơn Trà.

Khi thành phố Dubrovnik của Croatia quyết tâm đưa ra hạn ngạch cho số du khách được lưu lại là 4.000 người cùng lúc, Thị trưởng thành phố Mato Frankovic đã trả lời trong một cuộc phỏng vấn hồi năm 2017 rằng Dubrovnik không hề muốn một lượng du khách quá tải, và họ quan tâm tới chất lượng du lịch hơn là số lượng. “Chúng tôi có thể mất tiền vào 2 năm tiếp theo, có thể lên tới

1 triệu EURO bằng cách cắt giảm lượng khách du lịch. Nhưng trong tương lai, chúng tôi sẽ đạt được hơn nhiều số đó. Chúng tôi xứng đáng là một điểm đến du lịch với chất lượng hàng đầu”(5). Cách nghĩ của người đứng đầu Dubrovnik rất phù hợp với tư duy “quý hồ tinh bất quý hồ đa” truyền thống của ông cha chúng ta.

Và người Đà Nẵng cũng nên ngẫm nghĩ về câu nói của chuyên gia hải dương học Thái Lan Thon Thamrongnawasawat cảnh báo rằng: “Du lịch rất quan trọng, nhưng chúng ta cần bảo tồn môi trường cho các thế hệ tương lai, cho sinh kế tương lai”(6).

Bùi Văn Tiếng

1, 2 và 4: Báo Đà Nẵng điện tử ngày 23-7-2018.

3: Xem Kỷ yếu hội thảo quốc tế “Bảo tồn đa dạng sinh học và phát triển bền vững khu vực miền Trung-Tây Nguyên” lần thứ nhất, trang 47.

5Dẫn theo T.Long: Tin được không, những điểm đến nổi tiếng này chỉ muốn “đuổi” khách du lịch, Việt Nam Mới, ngày 11-7-2018.

6:  Dẫn theo Hải Anh: Nhiều đảo hạn chế khách du lịch, Sài Gòn Đầu Tư, ngày 29-3-2018

;
.
.
.
.
.
.