Chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14 đến ngày 25-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.
Trong sự kiện lịch sử ấy, Mặt trận Việt Minh (tiền thân của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam ngày nay) đóng vai trò quan trọng trong việc tập hợp, đoàn kết toàn dân đấu tranh giành thắng lợi của cách mạng và xây dựng Nhà nước dân chủ, của dân, do dân và vì dân cho đến ngày nay.
Ngày 19-8-1945, hàng vạn nhân dân Hà Nội đã xuống đường biểu tình, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền. (Ảnh tư liệu) |
Ngày 18-11-1930, Ban Thường vụ Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương ra chỉ thị thành lập Hội Phản đế đồng minh - hình thức tổ chức đầu tiên của Mặt trận Dân tộc thống nhất Việt Nam.
Trải qua nhiều giai đoạn cách mạng, Mặt trận Dân tộc thống nhất đã có nhiều hình thức, tổ chức với tên gọi khác nhau nhưng đều tập trung vào nhiệm vụ tập hợp, đoàn kết các tầng lớp, các giai cấp trong xã hội đấu tranh chống chế độ phản động thuộc địa, đòi hòa bình, tự do, dân chủ và áo cơm, tiến lên giải phóng dân tộc ra khỏi ách đô hộ của thực dân.
Năm 1940, quân Nhật kéo vào Đông Dương, thực dân Pháp đầu hàng và làm tay sai cho phát xít Nhật. Mặt trận Dân tộc thống nhất chống phát xít Nhật với tên gọi Việt Nam Độc lập đồng minh được thành lập gọi tắt là Việt Minh được thành lập.
Ngày 4-6-1945, Tổng bộ Việt Minh triệu tập Hội nghị cán bộ và tuyên bố chính thức thành lập Khu Giải phóng Việt Bắc. Tại đây, ngày 16-4-1945, Tổng bộ Việt Minh lập ra Ủy ban Dân tộc giải phóng, tổ chức các lớp huấn luyện, tập dượt cho nhân dân nắm chính quyền.
Từ ngày 13-8 đến ngày 15-8-l945, Hội nghị toàn quốc của Đảng họp tại Tân Trào để quyết định phát động khởi nghĩa khi thời cơ đang đến, và thông qua 10 chính sách lớn của Việt Minh. Ngày 14-8-1945, Tổng bộ Việt Minh ra lời Hiệu triệu quốc dân đồng bào nêu rõ: “Phát xít Nhật đã đầu hàng Anh, Mỹ, Nga, Tàu...
Trước cơ hội có một không hai ấy, toàn thể dân tộc ta phải đem hết lực lượng, dùng hết can đảm, bao quanh đạo quân Giải phóng Việt Nam, tung xương máu ra đánh đuổi giặc Nhật, đòi lấy tự do, hạnh phúc cho nhân dân”.
Ngày 16-8-1945, tại đình Tân Trào (tỉnh Tuyên Quang), Đại hội đại biểu quốc dân (Quốc dân Đại hội Tân Trào) chính thức khai mạc. Đại hội tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng Cộng sản Đông Dương và Tổng bộ Việt Minh; đồng thời nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, lấy cờ đỏ sao vàng năm cánh (cờ của Mặt trận Việt Minh) làm Quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca (của nhạc sĩ Văn Cao) làm Quốc ca và cử ra Ủy ban Giải phóng dân tộc Việt Nam (tức Chính phủ lâm thời) do lãnh tụ Hồ Chí Minh làm Chủ tịch.
Cuộc Tổng khởi nghĩa bắt đầu từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945 giành được thắng lợi ở nông thôn đồng bằng miền Bắc, đại bộ phận miền Trung, một phần miền Nam và các thị xã Bắc Giang, Hải Phòng, Hà Tĩnh, Hội An.
Sáng 19-8-1945, theo lời kêu gọi và thực hiện chỉ thị của Việt Minh, Hà Nội vùng dậy dưới rừng cờ đỏ sao vàng, hàng nghìn nông dân, công nhân, dân nghèo với vũ khí thô sơ, cùng với hàng vạn quần chúng nhân dân ở khu vực ngoại thành xuống đường tiến thẳng về Nhà hát thành phố tham gia cuộc mít-tinh biểu thị tinh thần cách mạng.
Cuộc mít-tinh biến thành cuộc biểu tình vũ trang tiến vào chiếm Phủ Khâm sứ, trại lính Bảo An và các cơ sở của chính phủ bù nhìn. Tại Huế, ngày 25-8, hàng ngàn người tụ tập trước cửa Ngọ Môn chứng kiến lễ thoái vị và bàn giao ấn kiếm cho Việt Minh của vua Bảo Đại. Tại miền Nam, ngày 25-8-1945, Việt Minh mà Thanh niên Tiền phong làm nòng cốt tổ chức biểu tình và giành chính quyền tại Sài Gòn.
Như vậy, chỉ trong vòng 12 ngày, từ ngày 14-8 đến ngày 25-8-1945, dưới sự lãnh đạo của Đảng và ngọn cờ của Việt Minh, hơn 20 triệu nhân dân ta từ Bắc đến Nam đã tiến hành cuộc Tổng khởi nghĩa Cách mạng Tháng Tám thành công.
Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình lịch sử, Hà Nội, Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc Tuyên ngôn độc lập, khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Ngày nay, việc học tập kinh nghiệm, vận dụng sáng tạo và phát huy những thành quả của Mặt trận Việt Minh để tăng cường và đổi mới công tác Mặt trận Tổ quốc Việt Nam trong giai đoạn cách mạng hiện nay rất quan trọng. Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả hệ thống chính trị nước ta cần tập trung giải quyết một số vấn đề như sau:
Thực tiễn đã chỉ ra bài học sâu sắc, mang tính quy luật là bất kỳ công việc gì muốn thực hiện thành công nhất thiết phải có sự đoàn kết. Cách mạng muốn tiến lên càng phải xây dựng khối đại đoàn kết vững chắc.
Vì vậy, Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa vai trò đại diện, bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng, hợp pháp của nhân dân; trên cơ sở đó, động viên, phát huy tốt hơn nữa vai trò tiên phong của giai cấp công nhân, tiềm năng to lớn của giai cấp nông dân, đội ngũ trí thức và doanh nhân, không ngừng tăng cường khối liên minh giữa công nhân, nông dân và tầng lớp trí thức làm nền tảng cho khối đại đoàn kết toàn dân; tạo mọi điều kiện thuận lợi để nhân dân phát huy khả năng sáng tạo, đóng góp tích cực vào sự phát triển của đất nước. Mặt trận cần phát huy dân chủ, bảo đảm sự bình đẳng tôn trọng, xóa bỏ mặc cảm về quá khứ, thành phần giai cấp.
Với vai trò là cầu nối giữa Đảng với nhân dân, cơ sở chính trị của chính quyền nhân dân, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tích cực vận động nhân dân tham gia xây dựng Đảng, xây dựng chính quyền, củng cố hệ thống chính trị ngày càng vững mạnh.
Để làm được điều này, Mặt trận cần thực hiện tốt hơn nữa chức năng giám sát và phản biện xã hội; tích cực vận động nhân dân tham gia có hiệu quả vào nhiệm vụ đấu tranh, phòng chống tham nhũng, lãng phí hiện nay, góp phần làm cho tổ chức Đảng và bộ máy chính quyền các cấp thực sự trong sạch, vững mạnh. Mặt trận phải chịu trách nhiệm trước nhân dân về những đại biểu cơ quan dân cử yếu kém mà mình đã lựa chọn giới thiệu; đồng thời chủ động đóng góp ý kiến với Đảng và Nhà nước trong việc hoạch định cơ chế, chính sách.
Mặt trận Tổ quốc Việt Nam cần tiếp tục đổi mới nội dung và phương thức hoạt động theo hướng sâu sát với dân, hướng về cơ sở tạo sự đồng thuận xã hội, góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; tiếp tục đóng góp hiệu quả vào việc nghiên cứu lý luận và tổng kết thực tiễn về đường lối cách mạng Việt Nam giai đoạn mới; về xây dựng Nhà nước của nhân dân, do nhân dân và vì nhân dân. Mặt trận phải tự mình vươn lên bằng cách xây dựng tổ chức mình thực sự vững mạnh để có đủ điều kiện thực hiện nhiệm vụ của mình.
PGS. TS LÊ BÁ TRÌNH
Nguyên Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam