Quần đảo Hoàng Sa qua nguồn tài liệu lưu trữ tại Pháp - Kỳ 3: Hoàng Sa qua nhật báo Công giáo Thánh giá

.

Báo La Croix do Linh mục Emmanuel d’Alzon sáng lập tại Paris, số đầu tiên ra mắt vào ngày 1-4-1880. Tờ báo này ra mỗi tháng một số và đến ngày 16-6-1883 thì ra hằng ngày. Đây là một trong những tờ báo uy tín và có số lượng độc giả nhiều nhất tại Pháp lúc bấy giờ. Ban đầu, La Croix chỉ tập trung đăng tải các tin tức công giáo thuần túy, nhưng đến năm 1927, sau khi linh mục Leon Merklen được bầu làm Tổng Biên tập, La Croix bắt đầu mở rộng nội dung đăng tải ra nhiều lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

La Croix, No.15664, 15 Mars 1934.
La Croix, No.15664, 15 Mars 1934.

Trong 20.391 số ra (tính đến năm 1944), La Croix cũng đã cho đăng tải khá nhiều bài viết liên quan đến các vấn đề về Hoàng Sa. Đơn cử như bài viết giới thiệu về Hoàng Sa (A propos des Paracels), được đăng ở các số 3527, ngày 29-9-1938, pp.1-2, số 3528, ngày 1-10-1938, pp.1-2, số 3529, ngày 4-10-1938, pp.1-2; số 3530, ngày 6-10-1938, pp.1-2...

Hay ở bài viết “Trên biển Hoa Nam”, số 15664, ngày 15-3-1934, tác giả đã cung cấp cho người đọc những thông tin khá lý thú rằng, Đức Giám mục Jean Louis Taberd trong một công trình nghiên cứu về địa lý Trung Kỳ đã có nhắc tới sự chiếm đóng quần đảo Hoàng Sa của vua Gia Long vào năm 1816.

Vua Gia Long đã sai người cắm cờ trên đảo Hoàng Sa. Triều đình cũng đã chọn ra 70 người dân từ làng Vinh An để thành lập một đơn vị đóng giữ tại đây.

Ít lâu sau, nhiều phái đoàn chính thức của Viện Hải dương học được cử đến thám hiểm quần đảo. Một trong những đoàn ấy đã phát hiện ra một ngôi chùa cổ xưa có khắc chữ An Nam.

Để giữ kỷ niệm về chuyến thám hiểm đó, người ta đã chuyển ra đảo các vật liệu cần thiết và những người thợ để xây dựng một ngôi chùa và một tượng đài mới... Năm 1925, Thượng thư Bộ binh Thân Trọng Huề cũng đã khẳng định trước báo chí rằng, những hòn đảo nhỏ đó đã luôn luôn thuộc về nước An Nam mà không có những ý kiến trái ngược nào...

Căn cứ vào các hiệp ước bảo hộ giữa Pháp và An Nam, thì Pháp có thể khẳng định chủ quyền của quốc gia bảo hộ đối với các hòn đảo này. Nhằm giải thích cho việc Pháp muốn xác lập quyền bảo hộ đối với Hoàng Sa, tờ báo này đưa ra hai lý do là:

Quần đảo Hoàng Sa nằm ở vị trí cửa ngõ Đông Dương, nên Pháp có thể xây dựng ở đây các căn cứ quân sự, tàu ngầm để ngăn chặn các nước khác muốn xâm nhập vào khu vực này.

Một lý do khác để sáp nhập Hoàng Sa là việc xây thêm ít nhất là một ngọn hải đăng, đài quan sát về phía tây của các đảo nhằm tránh cho các tàu thuyền phải đi vòng như trước đây để tránh những luồng nước thường xuyên thay đổi mỗi khi có tàu đi ngang đảo vào ban đêm, hoặc khi thời tiết xấu (1).

Ở bài viết Phosphat và vôi ở đảo Hoàng Sa, số 15840, ngày 9-10-1934, tác giả cũng đã đề cập vấn đề chủ quyền của Việt Nam và những thế mạnh về kinh tế của của quần đảo này. Tác giả viết, năm ngoái, chính phủ Pháp đã đưa ra một thông báo chính thức về việc chiếm đóng một nhóm đảo nhỏ ở khu vực Biển Đông, nằm dọc theo con đường biển từ Sài Gòn đến Hồng Kông.

Nói đúng hơn, đây chính là một phần mở rộng của thuộc địa chúng ta, bởi vì những hòn đảo này từ rất lâu đã thuộc về vương quốc An Nam... Quần đảo Hoàng Sa có khoảng 130 đảo lớn nhỏ, lớn nhất trong số đó là đảo Boisée... Việc đầu tiên mà chính phủ Pháp nên làm là đặt một ngọn hải đăng với vai trò là để bảo vệ các nhà hàng hải.

Vấn đề này đã được thảo luận vào năm 1899, khi ông Doumer đang là Toàn quyền Đông Dương, nhưng không được thực hiện. Hy vọng rằng sự sơ suất này của chính quyền thuộc địa Pháp sẽ sớm được sửa chữa, vì thực ra nó không thuộc về trách nhiệm của chúng tôi. Các hòn đảo ở Hoàng Sa không phải là nơi lý tưởng cho việc sinh sống bởi sự khan hiếm của nguồn tài nguyên và sự khắc nghiệt của thời tiết...

Đã có một khoảng thời gian khá dài, các hòn đảo này là điểm đến của cả ngư dân Trung Quốc và An Nam. Họ đến đây bằng những con thuyền nhỏ để săn bắt rùa và đánh cá. Trong khoảng một tháng, những người ngư dân sẽ bắt được khoảng từ 120 đến 150 con rùa và các loại thủy sản khác như cá, ngọc trai...

Nguồn lợi từ Hoàng Sa có thể mang lại sự quan tâm lớn nhất là thu hoạch phân chim. Trên thực tế, các đảo nhỏ, đặc biệt là ở những cánh rừng, là nơi trú ẩn về đêm cho toàn bộ quần thể chim trên đảo. Vì thức ăn của chúng chủ yếu là cá nên phân của chúng chứa nhiều axit photphoric, tích lũy trong nhiều thế kỷ, tạo nên các lớp dày hơn một mét.

Các lớp phân chim này thường trộn lẫn với cát, san hô và vụn cây theo tỷ lệ 20 đến 25% cho lớp trên cùng và 40% cho lớp tiếp theo... Theo nhiều cách ước tính khác nhau, sẽ có khoảng vài triệu tấn phosphate (2).

Ngày 6-7-1938, La Croix đăng tải thông tin về việc “Pháp đã thành lập đội cảnh sát trên quần đảo Hoàng Sa”. Theo đó, để trả lời câu hỏi cho những địa điểm (hòn đảo) đã được ủy quyền cho chính quyền bảo hộ Pháp trên quần đảo Hoàng Sa, tờ báo này đã khẳng định khu vực này thuộc về vương quốc An Nam và nó đã được xác lập chủ quyền từ những thế kỷ trước đó.

Để bảo đảm an toàn cho việc điều hướng trong các khu vực này, Chính phủ Đông Dương đã lắp đặt hệ thống đèn cố định, trạm TSF và trạm thời tiết. Để thực hiện việc giám sát, Chính phủ Đông Dương đã gửi đến đảo Hoàng Sa một đội cảnh sát thông qua một chiếc thuyền thương mại (3).

Ở số ra ngày 14-7-1938, La Croix tiếp tục khẳng định: “Cần nhắc lại rằng quần đảo Hoàng Sa là một nhóm các đảo nhỏ và đá ngầm nhô trên mặt nước có vị trí nằm ở phía nam đảo Hải Nam, đối diện với Đông Dương và vừa mới đây có một ít lính Đông Dương được gởi tới đây để bảo vệ trạm phát sóng TSF và ngọn hải đăng mà chính quyền Pháp đã xây dựng trên miền đất này và hơn nữa, đảo này thuộc về thuộc địa của chúng tôi” (4).

TS. DƯƠNG THANH MỪNG

(Bảo tàng Đà Nẵng)

(1) “Dans la mer de Chine”, La Croix, No.15664, 15 Mars 1934, pp.3.

(2) “Les Paracels et le phosphate de chaux”, La Croix, No.15840, 9 Otobre 1934, pp.4.

(3) “La France a installé des détachements de police dans les îles Paracels”, La Croix, No.16997, 6 juillet 1938, pp.2.

(4) “Les îles Paracels n’ont pas reçu de matériel de guerre”, La Croix, No.17004, 14 juillet 1938, pp.1

 

;
.
.
.
.
.
.