Đề nghị tăng cường việc sử dụng hóa đơn điện tử
Chiều 12-11, với 96,7% đại biểu tán thành, Quốc hội biểu quyết thông qua Nghị quyết phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) cùng các văn kiện liên quan.
Đại biểu Nguyễn Thị Kim Thúy (phải) phát biểu thảo luận tại tổ về các dự án Luật. Ảnh: VŨ HƯNG |
Quốc hội quyết nghị phê chuẩn Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương cùng các văn kiện liên quan (tên tiếng Anh là Comprehensive and Progressive Agreement for Trans-Pacific Partnership, sau đây gọi tắt là Hiệp định CPTPP) được ký ngày 8-3-2018 tại thành phố Santiago, Cộng hòa Chile.
Nghị quyết nêu rõ: Áp dụng toàn bộ nội dung của Hiệp định CPTPP, trong đó áp dụng trực tiếp các quy định của Hiệp định CPTPP tại Phụ lục 2. Quốc hội giao Chính phủ, TAND tối cao, Viện KSND tối cao và các tổ chức, cơ quan có liên quan theo thẩm quyền tiến hành rà soát các dự án luật tại Phụ lục 3 và các văn bản pháp luật khác để kiến nghị cơ quan có thẩm quyền sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới kịp thời, bảo đảm tính thống nhất của hệ thống pháp luật, đúng lộ trình thực hiện các cam kết trong Hiệp định CPTPP.
Thủ tướng Chính phủ chịu trách nhiệm phê duyệt, chỉ đạo các cơ quan, tổ chức có liên quan ở Trung ương và địa phương triển khai kế hoạch thực hiện Hiệp định CPTPP; chú trọng đào tạo nguồn nhân lực để bảo đảm tận dụng, phát huy các cơ hội, lợi ích mà Hiệp định CPTPP đem lại; đồng thời xây dựng, triển khai hiệu quả các biện pháp phòng ngừa, xử lý những tác động bất lợi có thể phát sinh trong quá trình thực hiện Hiệp định CPTPP; thông tin, tuyên truyền kịp thời, đầy đủ nội dung Hiệp định để tạo sự thống nhất trong nhận thức, hành động của hệ thống chính trị, doanh nghiệp và người dân về việc Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP. Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành có liên quan hoàn thành thủ tục phê chuẩn Hiệp định CPTPP và thông báo thời điểm có hiệu lực đối với Việt Nam.
Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, các Đoàn đại biểu Quốc hội và các đại biểu Quốc hội trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình giám sát việc thực hiện nghị quyết này.
Sáng 12-11, Quốc hội tiến hành làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi) và dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi) và dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng Đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận về dự án Luật Quản lý thuế (sửa đổi), ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) cho rằng, hiện nay bên cạnh các khoản thuế, phí, thu khác ngân sách Nhà nước (NSNN) do cơ quan Thuế, Hải quan thu còn có một số khoản thu do các cơ quan QLNN khác trực tiếp quản lý thu nhưng tổ chức thu nộp, hạch toán vào NSNN theo các quy định chuyên ngành khác nhau.
Do đó, việc bổ sung phạm vi điều chỉnh đối với các khoản thu khác thuộc NSNN không do cơ quan quản lý thuế quản lý thu tại khoản 2, Điều 1 của dự thảo luật là cần thiết. Về khoản 2, Điều 22 quy định “Trường hợp quyết định của cơ quan quản lý thuế có sự khác biệt với báo cáo kiểm toán về nghĩa vụ thuế thì thực hiện theo quyết định của cơ quan quản lý thuế”, ĐB Nguyễn Bá Sơn cho rằng, quy định này là không phù hợp với Hiến pháp 2013, Luật Kiểm toán Nhà nước 2015 về tổ chức, nhiệm vụ, quyền hạn của Kiểm toán.
ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) đề nghị dự thảo luật cần quy định theo hướng tăng cường việc sử dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; quy định này sẽ giúp thuận lợi cho cơ quan thuế trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình, góp phần giảm thất thu thuế rất lớn. Thảo luận về dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Đầu tư công, ĐB Như Hoa đề nghị xem xét, bổ sung quy định “về lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án đầu tư công” là nội dung cần phải công khai, minh bạch trong đầu tư công quy định tại khoản 1, Điều 14. Liên quan đến nhiệm vụ, quyền hạn của Thường trực HĐND quy định tại Điều 88 của dự thảo luật, là “trong thời gian giữa các kỳ họp HĐND, Thường trực HĐND nói chung và cấp tỉnh nói riêng được phép thực hiện một số nhiệm vụ, quyền hạn liên quan đến đầu tư công được quy định tại Điều 87”, ĐB Như Hoa đề nghị xem xét, cân nhắc để bảo đảm không trái với Luật Tổ chức chính quyền địa phương về thẩm quyền của HĐND và Thường trực HĐND.
Về dự án Luật Phòng, chống tác hại của rượu, bia, ĐB Nguyễn Thị Kim Thúy (Đà Nẵng) đề nghị nên lấy tên gọi là “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng rượu, bia” hoặc “Luật Phòng, chống tác hại của lạm dụng đồ uống có cồn” với lý do hướng trọng tâm vào hành vi của người sử dụng. Liên quan đến quy định tại khoản 3, Điều 20 về việc “Không được bán rượu, bia trên mạng Internet”, ĐB Kim Thúy cho rằng, thực hiện Nghị định số 105/2017/NĐ-CP về kinh doanh rượu, trong đó có quy định việc “Không được bán rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên qua Internet” cho đến nay đã được 1 năm nhưng chưa có bất kỳ đánh giá nào để đo lường tính thực thi của nghị định.
ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) đề nghị nên bổ sung quy định “Cấm ép người khác uống rượu, bia” vào các hành vi bị nghiêm cấm tại Điều 5 của dự thảo luật, vì thực tế hiện nay, việc ép uống rượu, bia diễn ra khá phổ biến và đã mang lại nhiều hệ lụy. ĐB Kim Yến cho rằng, dự thảo luật chưa quan tâm nhiều đến việc quản lý, kiểm soát việc sản xuất, mua bán rượu thủ công, trong khi đó, thời gian qua nhiều vụ ngộ độc do rượu thủ công mang lại gây bức xúc, hoang mang trong dư luận. Đến ngày 31-12-2022 mới hoàn thành việc tổng kiểm tra chất lượng rượu sản xuất thủ công trên phạm vi toàn quốc quy định tại khoản 2, Điều 16 là quá chậm, cần quy định rút ngắn lộ trình này.
Thảo luận về dự án Luật Thi hành án hình sự (sửa đổi), ĐB Kim Thúy cho rằng, Điều 25 và Điều 37 của dự thảo luật quy định về thi hành quyết định hoãn, tạm đình chỉ chấp hành án phạt tù; tuy nhiên 2 điều luật này chưa quy định về trường hợp người được hoãn, tạm đình chỉ chuyển nơi cư trú sẽ giải quyết như thế nào. Đây là “khoảng trống” pháp luật chưa được quy định dẫn đến quá trình theo dõi, quản lý đối tượng này gặp khó khăn trong việc tiếp tục xem xét việc cho hoãn, tạm đình chỉ; nhất là phụ nữ có thai hoặc có con nhỏ dưới 36 tháng tuổi, người bị bệnh nặng.
Giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng Sáng 12-11, với 89,48% đại biểu tán thành, Quốc hội đã thông qua Nghị quyết điều chỉnh kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020. Quốc hội quyết nghị điều chỉnh tăng tổng mức vốn nước ngoài kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 từ 300.000 tỷ đồng lên tối đa 360.000 tỷ đồng, đồng thời điều chỉnh giảm tương ứng vốn vay trong nước để đáp ứng yêu cầu giải ngân đối với những dự án sử dụng vốn nước ngoài; điều chỉnh giảm nguồn vốn cho các dự án quan trọng quốc gia 10.000 tỷ đồng (từ 80.000 tỷ đồng xuống 70.000 tỷ đồng). Quốc hội cho phép sử dụng nguồn dự phòng chung của Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020 trên cơ sở bảo đảm khả năng cân đối vốn đầu tư của ngân sách nhà nước hằng năm và giữ mức trần đầu tư công 2 triệu tỷ đồng (không bao gồm nguồn tăng chi đầu tư phát triển do tăng thu ngân sách địa phương và thay đổi cơ chế đối với nguồn vốn để lại đầu tư cho Tập đoàn Dầu khí quốc gia Việt Nam, Tập đoàn Công nghiệp - Viễn thông Quân đội được đưa vào cân đối trong ngân sách Nhà nước từ năm 2019), giữ tỷ lệ bội chi, chỉ tiêu an toàn nợ công đã được Quốc hội quyết định. Đối với vốn cân đối ngân sách địa phương, Quốc hội cho phép các địa phương được giao kế hoạch đầu tư công hằng năm nguồn vốn trong cân đối ngân sách địa phương trên cơ sở khả năng thu thực tế, bảo đảm không tăng mức bội chi của ngân sách địa phương hằng năm, triển khai tổng kết vào cuối kỳ Kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2016-2020.B.T |