Với 447 phiếu tán thành, tương ứng tỷ lệ 92,16%, kỳ họp thứ 6, quốc hội khóa 14 diễn ra sáng 8-11 đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019.
Với 92,16% số phiếu tán thành, quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 2019. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Trong đó, Tổng sản phẩm trong nước (GDP) tăng 6,6-6,8%; Tốc độ tăng giá tiêu dùng (CPI) khoảng 4%; Tổng kim ngạch xuất khẩu tăng 7-8%; Tỷ lệ nhập siêu so với tổng kim ngạch xuất khẩu dưới 3%.
Ngoài ra, Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội khoảng 33-34% GDP; Tỷ lệ hộ nghèo (theo chuẩn nghèo tiếp cận đa chiều) giảm 1-1,5%, riêng các huyện nghèo giảm 4%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%...
Chỉ tiêu lạm phát 4% là phù hợp
Trước đó, làm rõ thêm ý kiến đại biểu Quốc hội về dự thảo Nghị quyết Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2019, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cho biết, chỉ tiêu tăng GDP năm 2019 đã được tính toán trên cơ sở GDP ước thực hiện của năm 2018 đạt và vượt mức 6,7%.
Theo ông Thanh, qua dự báo và các cân đối lớn của nền kinh tế cũng như tham khảo đánh giá của một số tổ chức quốc tế, Chính phủ báo cáo Quốc hội mức tăng GDP 6,6-6,8% cho năm 2019 là bảo đảm tính thận trọng, hài hòa giữa mục tiêu tăng trưởng và kiềm chế lạm phát, tiếp tục tạo nền tảng ổn định kinh tế vĩ mô và giải quyết các vấn đề xã hội.
Lập luận chỉ tiêu về CPI, Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội cho hay, theo nhiều dự báo, sức ép lạm phát ngày càng lớn. Giá dầu thô đang trong xu hướng tăng, tỷ giá, lãi suất và rủi ro trên thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng, ảnh hưởng của xung đột thương mại của một số nước. Trong khi đó lộ trình tính đúng, tính đủ theo cơ chế thị trường đối với giá điện, dịch vụ giáo dục, y tế, tăng lương tiếp tục được thực hiện.
Do vậy, Chỉ tiêu tốc độ tăng giá tiêu dùng khoảng 4% là phù hợp, bảo đảm thận trọng trong kiểm soát lạm phát nhưng cũng không thắt chặt chính sách tiền tệ quá mức, góp phần thực hiện đồng thời mục tiêu giữ ổn định kinh tế vĩ mô và kích thích tăng trưởng.
"Tuy nhiên, cần lưu ý Chính phủ mục tiêu Quốc hội đã giao tại Nghị quyết số 142/2016/QH13 của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020 là phấn đấu kiểm soát lạm phát 3% vào năm 2020," Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội nói thêm.
Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa 14. (Ảnh: Đức Duy/Vietnam+) |
Tăng cường quản lý thu ngân sách nhà nước
Cũng theo Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 3, Ban soạn thảo đã bổ sung các nội dung: Ban hành chiến lược quốc gia về cách mạng công nghiệp lần thứ tư và xã hội hóa xây dựng hệ thống Trung tâm đổi mới sáng tạo để hỗ trợ nghiên cứu phát triển; Ban hành chính sách thu hút đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, đồng thời bổ sung nội dung mở rộng áp dụng thị thực điện tử và đơn phương miễn thị thực cho một số địa bàn trọng điểm.
Trong khi đó, tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 4 cũng bổ sung thêm nội dung như: “Tăng cường công tác quản lý thu ngân sách nhà nước, thực hiện quyết liệt các giải pháp chống thất thu, chuyển giá, trốn thuế, xử lý nợ đọng thuế và triển khai hóa đơn điện tử. Triệt để tiết kiệm chi thường xuyên ngân sách nhà nước dành nguồn lực cho đầu tư phát triển” và “Sớm hình thành các trung tâm tài chính tại các khu đô thị lớn.”
Ông Khanh cho hay, Ban soạn thảo đã tiếp thu và bổ sung nội dung “Nâng cao khả năng tiếp cận đất đai và hiệu quả sử dụng nguồn lực đất đai, khắc phục tình trạng chồng chéo, thiếu thống nhất giữa các quy định của pháp luật liên quan đến đất đai” cũng như “Kiểm soát chặt chẽ việc cho phép chuyển đổi mục đích sử dụng đất theo đúng quy định của pháp luật về đất đai, nhất là đất lúa, đất rừng phòng hộ, đặc dụng” và “Tăng cường điều tra cơ bản tài nguyên và môi trường biển” trong dự thảo Nghị quyết lần này.
Làm rõ thêm nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 8, ông Khanh nói, Ban soạn thảo đã bổ sung các nội dung về Bảo tồn, gìn giữ giá trị văn hóa dân tộc thiểu số. Từng bước cải thiện nâng cao giá trị đạo đức xã hội, nâng cao chất lượng phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa và Quản lý hoạt động tín ngưỡng, tôn giáo...
Trong khi tại nhóm nhiệm vụ, giải pháp thứ 9 đã bổ sung nội dung “Triển khai nhanh cấp mã số công dân, xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia liên thông trong các lĩnh vực. Ứng dụng công nghệ tiên tiến để nâng cao năng lực quản lý đô thị, hiệu quả quản lý nhà nước, nâng cao chất lượng phục vụ nhân dân.”
Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội Vũ Hồng Thanh cũng chia sẻ, một nội dung được bổ sung trong dự thảo Nghị quyết là “Ngăn chặn hiệu quả hoạt động tín dụng đen, quản lý chặt chẽ đối với dịch vụ thu nợ, đòi nợ thuê".
* Đoàn Đà Nẵng tham gia thảo luận về Luật Kiến trúc và Luật Giáo dục (sửa đổi)
Phó Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Nguyễn Bá Sơn phát biểu tại thảo luận tổ. |
Sáng 8-11, Quốc hội tiến hành làm việc tại tổ để thảo luận về dự án Luật Kiến trúc. Đoàn đại biểu Quốc hội (ĐBQH) thành phố Đà Nẵng tham gia thảo luận ở tổ 5 cùng Đoàn ĐBQH các tỉnh: Sơn La, Ninh Bình và Tây Ninh. Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn ĐBQH thành phố Đà Nẵng Trương Quang Nghĩa chủ trì phiên thảo luận.
Tham gia thảo luận, ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cân nhắc quy định tại khoản 3, Điều 3 dự thảo luật “Công trình kiến trúc là một hoặc tổ hợp công trình, hạng mục công trình, nội ngoại thất, cảnh quan không gian được thiết kế và thi công xây dựng theo thiết kế kiến trúc”; bởi nếu hiểu như vậy thì các công trình xây dựng dân gian xưa nay, các công trình kiến trúc cổ xây dựng mà không có thiết kế kiến trúc thì không được xem là công trình kiến trúc là không hợp lý.
Liên quan đến quy định thu hồi chứng chỉ hành nghề kiến trúc (Điều 23), ĐB Nguyễn Bá Sơn đề nghị bổ sung việc thu hồi đối với các trường hợp thường xuyên vi phạm về chuyên môn kỹ thuật theo kết luận của các cơ quan có thẩm quyền.
Ngoài ra, ĐB Nguyễn Bá Sơn đặt vấn đề rất bức xúc hiện nay là trong quá trình trùng tu di tích hoặc thiết kế mới các công trình có yếu tố truyền thống như đình, chùa, miếu…, hiện tượng làm sai lệch các quy ước kiến trúc truyền thống khá phổ biến.
Ví dụ như chùa Việt Nam nhưng mang nét chùa Trung Quốc, Nhật Bản; các linh vật như rồng, phượng, nghê, rùa… có hình hài kỳ dị. Dù bất cứ lý do gì đều là hành động gây tổn hại giá trị truyền thống Việt. Do vậy, cần có quy định chặt chẽ về quy trình thẩm định, thi công, hậu kiểm đối với các công trình mang đậm yếu tố truyền thống, đồng thời, phải có chế tài thật nghiêm khắc.
Liên quan đến quy chế quản lý kiến trúc nông thôn, ĐB Võ Thị Như Hoa (Đà Nẵng) nêu, theo quy định hiện hành thì ở nông thôn hiện chưa có quy định về quản lý kiến trúc; đồng thời, pháp luật xây dựng cũng không quy định phải cấp giấy phép xây dựng.
Do đó, lâu nay việc xây dựng là tự phát, ngẫu hứng, không theo một trật tự nào và việc quản lý xây dựng gặp rất nhiều khó khăn. Chính vì vậy, việc quy định về quản lý kiến trúc và cấp phép xây dựng ở khu vực nông thôn là rất cần thiết. ĐB Như Hoa đề nghị rà soát để sửa đổi, bổ sung Luật Xây dựng có nội dung liên quan nói trên để bảo đảm sự đồng bộ của hệ thống pháp luật, tạo cơ chế để quản lý hoạt động xây dựng tại khu vực nông thôn.
Điều 17 quy định về phát triển nghề nghiệp liên tục, ĐB Như Hoa đề nghị giải thích rõ thuật ngữ “phát triển nghề nghiệp liên tục” để thống nhất cách hiểu, cách áp dụng. Khi đã đặt ra yêu cầu về phát triển nghề nghiệp liên tục phải quy định rõ nếu không đáp ứng yêu cầu này thì sẽ xử lý như thế nào; cần có chế tài cụ thể kèm theo nhằm đảm bảo tính lôgic về nội dung của quy định.
Chiều cùng ngày, QH tiếp tục thảo luận ở tổ về dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Tại kỳ họp thứ 5, QH khóa XIV đã tiến hành thảo luận dự án luật này, theo đó Quốc hội đã thống nhất mở rộng phạm vi sửa đổi, bổ sung Luật Giáo dục và đổi tên dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục thành dự án Luật Giáo dục (sửa đổi). Dự thảo Luật Giáo dục (sửa đổi) trình QH lần này gồm có 10 chương với 121 điều.
Liên quan đến giáo dục mầm non quy định tại Điều 21 của dự thảo luật, ĐB Ngô Thị Kim Yến (Đà Nẵng) cho rằng những năm gần đây, bạo hành trẻ em xảy ra trong nhà trường ngày một nhiều, có những sự việc xảy ra khiến dư luận hết sức bức xúc, xót xa. Do đó, ĐB Kim Yến đề nghị phải hết sức quan tâm đến trẻ em dưới 5 tuổi, bên cạnh việc nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phải gắn với đó là việc bảo vệ trẻ. Đồng thời, theo ĐB Kim Yến, quy định giáo viên mầm non phải “có bằng tốt nghiệp cao đẳng sư phạm” tại điểm a, khoản 1, Điều 72 dự thảo luật là không phù hợp; cần xem xét lại vấn đề này để bảo đảm phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội hiện nay.
Về học phí (Điều 97), ĐB Kim Yến bày tỏ ý kiến ủng hộ với chủ trương, quy định là đối với trẻ em mầm non 5 tuổi ở cơ sở giáo dục dân lập, tư thục; học sinh tiểu học, THCS trường tư thục được Nhà nước hỗ trợ tiền học phí cho cơ sở giáo dục dân lập, tư thục. Tuy nhiên, ĐB Kim Yến đề nghị cần có quy định cụ thể về lộ trình thực hiện để bảo đảm tính khả thi.
Liên quan đến Chương trình giáo dục phổ thông, sách giáo khoa (Điều 30), ĐB Nguyễn Bá Sơn (Đà Nẵng) đề nghị cần có quy định, định nghĩa rõ về “Sách giáo khoa”; bởi vì hiện nay có quá nhiều loại sách và quá nhiều nhà biên soạn, phát hành trên thị trường. Điều này ít nhiều đã gây khó khăn cho phụ huynh, học sinh trong việc lựa chọn sách và thiếu tính thống nhất.
TTXVN - VŨ HƯNG