ĐNO - Nguyên nhân và giải pháp để khắc phục tình trạng ngập úng đô thị, khả năng thích ứng của hệ thống thoát nước thành phố với điều kiện thời tiết khắc nghiệt như đợt mưa lớn vừa qua... là vấn đề được tập trung thảo luận trong ngày làm việc thứ 2, kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố khóa IX (nhiệm kỳ 2016 - 2021) diễn ra sáng 18-12, dưới sự điều hành của Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung.
ĐB Tô Văn Hùng phát biểu tại phiên thảo luận |
Tại phiên thảo luận, ĐB Nguyễn Thành Tiến, Trưởng ban Đô thị HĐND thành phố cho rằng, hệ thống thoát nước đô thị thành phố hiện nay có biểu hiện lạc hậu, chưa theo kịp sự phát triển của đô thị, nhiều tuyến chưa phát huy tác dụng, đặc biệt là khả năng thích ứng với điều kiện thời tiết cực đoan như đợt mưa lớn vừa qua.
Theo ĐB Nguyễn Thành Tiến, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên là thành phố chưa dự báo được sự phát triển của đô thị. Quá trình phát triển đô thị đã làm giảm số lượng hồ điều tiết trong thành phố từ 42 hồ còn 30 hồ, tương ứng với diện tích hồ còn khoảng gần 200ha, với dung tích tối đa khoảng 3,5 triệu m3.
Bên cạnh đó, do không thực hiện công tác duy tu, nạo vét trong thời gian dài đồng thời chưa kiểm soát tốt tình trạng xả nước thải lẫn bùn đất thi công ra cống đã gây nên thực trạng tắc cục bộ; thành phố chưa có biện pháp kiểm soát việc xả thải của nhiều dự án lớn, từ đó gây quá tải hạ tầng nước thoát nước, vì vậy chưa thể giải quyết căn cơ vấn đề thoát nước đô thị.
Từ những nguyên nhân trên, ĐB Nguyễn Thành Tiến đề xuất một số giải pháp như: Rà soát đánh giá lại quy hoạch tổng thể hệ thống thoát nước của Đà Nẵng, qua đó nhận diện những khu vực yếu thế, những khu vực phát triển tập trung của đô thị để tập trung bổ sung vào quy hoạch trong thành phố sắp đến, bảo đảm năng lực thoát nước phù hợp đối với khu vực trung tâm cũ của quận Hải Châu và Thanh Khê, cần tiếp tục đầu tư để kết nối hệ thống thoát nước hiện có nhằm tăng khả năng chia sẻ thoát nước mở rộng tiết diện một số tuyến cống chính như Ông Ích Khiêm, Hùng Vương, Hải Phòng, Đống Đa, Phần Lăng đoạn hạ lưu gần ra sông, ra biển, tăng thêm dung tích chứa cho các hồ điều tiết bằng các biện pháp công nghệ mới.
Cần quy hoạch cụ thể về diện tích hồ điều tiết để giải quyết bài toán thoát nước ở từng khu dân cư; xây dựng kế hoạch duy tu, nạo vét định kỳ cho hệ thống thoát nước, kiểm soát việc xả thải thi công phần móng của các công trình xây dựng có lộ trình thay thế đồng bộ các cửa thu nước, kết hợp công tác tuyên truyền để không còn tình trạng rác thải gây tắc nghẽn hệ thống thoát nước.
Nói về thực trạng đồng thời đề xuất một số giải pháp xây dựng thành phố môi trường, ĐB Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên-Môi trường cho biết, hiện nay, bình quân mỗi ngày thành phố xả thải 900-1.000 tấn rác; bình quân nước thải trên 200.000m3/1 ngày, đêm.
Riêng 2 ngày 9 và 10-12, thành phố xảy ra mưa lớn dẫn đến ngập sâu, cục bộ, ảnh hưởng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị, tác động đến đời sống cộng đồng, gây hư hỏng tài sản người dân.
Qua thống kê sơ bộ thiệt hại, hơn 50 khu vực dân cư bị ngập úng, 10 công trình thu gom, thoát nước trong đô thị và cửa xả ven biển bị hư hỏng nặng, xuất hiện nhiều điểm sạt lở, lượng lớn rác thải tấp vào các bãi biển của thành phố. Tổng lượng rác thu gom từ ngày 10 đến 15-12 trung bình từ 1.100-1.200 tấn/ngày.
Từ đó, ĐB Tô Văn Hùng kiến nghị mỗi người dân cần xem bảo vệ môi trường là nhiệm vụ, trách nhiệm của mình, cần sự chung tay của hệ thống chính trị; xã hội hoá, khai thác nguồn lực xã hội đầu tư xây dựng công trình bảo vệ môi trường; tăng cường phân loại rác tại nguồn, xây dựng nhà máy xử lý rác hiện đại, nâng cấp hệ thống thoát nước, xử lý nước thải; dự báo, thiết lập hệ thống dữ liệu, quy hoạch, phân cấp, hoàn thiện hệ thống văn bản; giám sát quan trắc tự động, thanh tra, kiểm tra...
Liên quan đến vấn đề thoát nước đô thị, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, việc mưa quá lớn gây ngập úng là điều không tránh khỏi. Tuy nhiên, Chủ tịch HĐND thành phố cũng chỉ ra nguyên nhân xuất phát từ việc chưa bảo đảm tính đồng bộ, như chỗ có máy bơm thì không có nước ngập, chỗ ngập lại không có máy bơm; mùa nắng thì làm thủ tục, mùa mưa đem ra thi công cũng là nguyên nhân dẫn đến ngập úng; liệu có sử dụng hiệu quả 83 tỷ đồng ngân sách để nạo vét hệ thống thoát nước mỗi năm; ý thức người dân còn hạn chế trong việc xả thải…
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị UBND xem lại hệ thống xử lý nước thải, bố trí vốn xử lý bất cập, cân đối nguồn vốn ưu tiên để xử lý hệ thống xả thải.
Kết luận phiên thảo luận, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị các ngành, các cấp tiếp thu các ý kiến đóng góp của các đại biểu HĐND thành phố nhằm giải quyết những bất cập, hạn chế như: Cần sớm chấm dứt tình trạng xây dựng trong năm học mới; nâng cao chất lương y tế phường, xã; có những quyết sách để ngành y tế đáp ứng được nhu cầu khám, chữa bệnh của người dân thành phố và trong khu vực.
Bên cạnh đó, ngành chức năng cần rà soát việc nợ BHXH, kiên quyết xử lý những doanh nghiệp nợ BHXH, không để xảy ra điểm nóng về nợ BHXH; có giải pháp mang tính khả thi hơn, ưu tiên nguồn lực thực hiện các dự án cải thiện môi trường.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị Thường trực HĐND thành phố, các ban của HĐND tăng cường công tác giám sát trong quá trình triển khai nhiệm vụ của các ngành.
Tin và ảnh: ĐẶNG NỞ - TRÂM ANH