Ký sự tháng Giêng

.

Sáng mồng một Tết mở cửa, tháng Giêng ùa vào nhà mang theo màu nắng vàng ruộm, giòn tan và đắm đuối mùi hoa cỏ. Tất cả đều mới toanh và rạng rỡ. Tiếng trẻ con cười khúc khích í ới gọi nhau theo cha mẹ xuất hành đầu năm trong veo như tiếng chuông gió ngân nga. Các cô gái xúng xính áo dài như những nốt nhạc duyên bước đi trên đường phố. Tôi hòa mình vào dòng người đi lễ chùa mà nghe lòng xuân phơi phới.

Du khách cứ thế mà thả lòng mình trôi theo điệu hát hò khoan vọng lên từ khoang thuyền.
Du khách cứ thế mà thả lòng mình trôi theo điệu hát hò khoan vọng lên từ khoang thuyền.

1. Trong tiết trời thanh tân của sáng đầu xuân, rất nhiều gia đình từ nông thôn đến phố thị ở Đà Nẵng đều đi chùa lễ Phật. Bởi lễ chùa đầu năm không chỉ là để ước nguyện, mà còn là thời khắc để con người hòa mình vào cõi tâm linh, bỏ lại sau lưng những vất vả, nhọc nhằn sau một năm dài đăng đẳng. Người ta có thể chọn ngôi chùa nhỏ, bình dị sau lũy tre làng hay đến lễ Phật ở những ngôi chùa được cho là nổi tiếng linh thiêng ở Đà Nẵng. Đây cũng là cách xuất hành đầu năm để mỗi người có thể hòa mình với thiên nhiên, hấp thụ nguyên khí của đất trời chuẩn bị năng lượng dồi dào cho một năm mới vừa chạm ngõ.

Chùa Bảo Minh ở thôn Miếu Bông, xã Hòa Phước, vốn là ngôi chùa nhỏ có từ những năm 1964. Ngày trước chùa tọa lạc ngay ngã ba chợ và cánh đồng làng xanh mướt. Mười năm nay, cánh đồng không còn, thay vào đó là khu dân cư sầm uất và con đường từ Miếu Bông đi Cẩm Lệ được mang tên Phạm Hùng. Dẫu có đổi thay bao nhiêu đi nữa thì ngôi chùa nhỏ ấy vẫn là nơi bình yên cho bà con trong làng tìm đến để lòng mình lắng đọng giữa xô bồ của cuộc sống. Hình ảnh các cụ bà mặc áo dài nền nã, quàng khăn lụa quanh cổ, mái tóc bạc trắng xóa màu thời gian thành kính dâng hương trước tòa tam bảo trong sáng mai hãy còn se se lạnh khiến lòng người ngẩn ngơ như trôi bềnh bồng giữa đôi bờ hư thực.

Ngôi chùa nhỏ của làng đối với những đứa học trò nhà quê như tôi là một thế giới thần tiên có thật trong đời. Đó là những buổi trưa đi học về bụng đói meo ghé chùa ăn chực. Bao giờ sư thầy cũng giúi vào tay mỗi đứa vài quả chuối, nắm xôi hay có khi cả chén cơm nguội chan xì dầu cay cay vị ớt chín. Những ngày ôn thi tốt nghiệp trung học, đại học, mỗi đứa chui vào một góc chùa ngồi “tụng” Văn, Sử, Địa... đến méo mặt rồi lăn ra nền gạch ngủ ngon lành. Tỉnh dậy, trời đã xế tà và tiếng chuông chùa ngân nga trong ráng chiều đỏ rực.

Chiều 14 tháng Giêng leo lên núi Non Nước. Dù bóng chiều đã buông xuống trên ngọn Thủy Sơn, chùa Tam Thai vẫn đông đúc người ra kẻ vào dâng lễ cầu an đầu năm do nhà chùa tổ chức. Điều ngạc nhiên nhất là nhiều khách Tây cũng thành kính thắp hương lễ Phật. Tò mò bắt chuyện, anh Hugh, một du khách đến từ nước Úc xa xôi thú nhận rằng, anh không hiểu nhiều về đạo Phật cho lắm nhưng trước cảnh mọi người thành tâm cầu nguyện, anh cũng muốn dâng nén hương cầu mong bằng an cho cha mẹ mình ở quê nhà.

Hôm gặp mặt đầu năm, cô bạn Phan Minh Nguyệt ở đường Tôn Đức Thắng (quận Liên Chiểu), cho biết năm nay cả nhà cô chọn lễ Phật đầu năm chùa Quán Thế Âm ở Ngũ Hành Sơn thay vì đến ngôi chùa nhỏ gần nhà. Đây không chỉ là một trong những ngôi chùa nổi tiếng linh thiêng ở Đà Nẵng mà còn là nơi có quang cảnh phiêu diêu thoát tục. Thắp một nén nhang kính Phật, xin một quẻ xăm đầu năm, lắng mình trong tiếng chuông chùa… để tắm gội lòng trần. Chỉ có vậy thôi nhưng là một nhu cầu tinh thần không thể thiếu được của nhiều người.

Dường như tháng Giêng là tháng của lễ Phật. Người ta đi chùa không chỉ giới hạn trong ba ngày Tết mà kéo dài đến hết rằm tháng Giêng. Theo phong tục, rằm tháng Giêng được gọi là Tết Thượng nguyên, nằm trong 3 cái rằm lớn trong năm: “Rằm tháng Giêng ai siêng thì quảy, rằm tháng Bảy kẻ quảy người không, rằm tháng Mười mười người mười quảy”. Là ông bà xưa nói cho có vần vè vậy thôi, chứ rằm nào cũng quảy cả. Tháng Giêng còn là ngày hướng thiên cầu phúc, ngày rằm đầu tiên trong năm mới.

2. Người ta nói “tháng Giêng là tháng ăn chơi”, ở một góc nhìn nào đó, quả chẳng sai chút nào. Mới vừa hết ba ngày Tết thì các làng xã đã rục rịch vào hội. Theo lời rủ rê, mời mọc của một người bạn làm công tác văn hóa ở quận Liên Chiểu, sáng mồng 9 tháng Giêng, tôi phóng xe máy đi dự hội đua thuyền trên sông Thủy Tú. Dòng sông trong xanh ngút ngàn bờ bãi. Từ cầu Nam Ô nhìn xuống, những thuyền đua như những mũi tên tre phóng vun vút xuyên qua làn nước bạc trong tiếng hò reo phấn khích của dân làng trên bờ. Bỗng một người phụ nữ trung niên, nói giọng miền biển chắc nịch hồ hởi quay sang tôi hét to: “Đội nhà tui thắng r…ồ…i…!”. Ôi chao, cái cảm giác hả hê, bung xõa đến cảnh giới tột cùng của cuộc đua đầy cảm xúc mới tuyệt vời làm sao. Cứ như mọi muộn phiền tiêu tan, sức lực tràn trề bất tận.

Hôm sau chạy xe lên xem Hội làng Túy Loan. Mái đình cổ xưa rêu phong mấy trăm năm bỗng giật mình thức giấc trong tiếng trống hội thùng thình. Sân đình óng ả trong nắng xuân và rộn ràng với hội thi gói bánh tét, tráng mì, các trò chơi dân gian, đua ghe truyền thống… Đêm hát hò khoan được tổ chức tối hôm trước trên dòng sông nước lớn. Dòng người đổ về nghe hát ngồi chật cả khoảng đất trống ven bờ rồi tràn lên cả con đường nhựa vẫn còn hâm hấp nóng. Nam thanh nữ tú áo xiêm là lượt hiện ra trong đêm xuân mượt mà. Khách du cứ thế mà thả lòng mình trôi theo điệu hát hò khoan vọng lên từ khoang thuyền. Có cảm giác trăng thượng tuần như chiếc thuyền nhỏ chở câu hát quê hương lênh đênh cuối trời. Phiêu lắm! Lúng liếng lắm!

Không chỉ là một đô thị hiện đại, trẻ trung, Đà Nẵng vẫn còn lưu giữ trong lòng những lễ hội truyền thống mà ít nơi nào có được. Như cách nói của ông bạn chuyên gia lễ hội của tôi thì lễ hội đình làng Hòa Mỹ được tổ chức hằng năm vào dịp 12 tháng Giêng đích thực là “Hội làng giữa phố”, sau lan dần sang 3 làng bạn cùng phường Hòa Minh. Năm nay, làng Hòa Phú đăng cai tổ chức “Hội làng giữa phố Hòa Minh” lần thứ 7. Hồn làng vẫn được neo giữ đâu đó giữa phố thị đông đúc qua tiếng trống khai hội đầu năm, qua miếng trầu cánh phượng, câu hát bài chòi lý lơi hay đơn giản chỉ là trò chơi đập om, kéo co truyền thống…

Nhiều người con Đà Nẵng xa quê, dẫu có bận bịu cách ấy cũng tranh thủ về quê mấy ngày để đi hội làng. Đôi khi chỉ để gặp lại bà con tộc họ, ăn tô mì Quảng, uống bát nước chè xanh, nghe câu hát hò khoan… là thỏa mãn lắm rồi. Xong lại tất bật quay về nơi quê người với bao vọng tưởng, luyến lưu: Hội làng còn một đêm nay. Gặp em còn một lần này nữa thôi… (Nguyễn Bính)

3.  Xuân khứ, xuân lai, xuân bất tận…, có lẽ đó là tinh thần của những tín đồ mê họp lớp, họp tổ, họp xóm, họp nhóm, thậm chí cả họp giới (phụ nữ, nông dân, thanh niên) cấp xóm đầu năm. Mà đã họp tân niên là cụng ly chúc mừng tơi tả và đặc biệt là không thể thiếu lời ca tiếng hát. Thế là xóm trên hát, xóm dưới ca, xóm giữa tưng bừng nhạc. Thôi thì đủ loại từ boléro đến nhạc chế, nhạc sàn…Với sự trợ giúp của loa thùng kẹo kéo, nông thôn bây giờ không khác chi một vũ trường kéo dài từ trước Tết cho đến hết tháng Giêng. Đến nỗi, người bạn Việt kiều Pháp của tôi về quê ăn Tết mấy ngày đã than thở rằng, tưởng về quê tìm lại chút không khí Tết xưa ai dè bị “cưỡng bức” nghe hát đến sầu khổ!

Người dân quê mình vốn rất xuê xoa, nếu được nhắc nhở, góp ý cũng được trả lời bằng điệp khúc: Tết mà... Một năm có ba ngày xuân chớ mấy, vui chơi ít bữa cho thoải mái rồi đi làm… Nếu không vừa ý mà làm căng quá, e xảy ra xích mích xóm làng, thậm chí đổ máu. Thôi thì gồng mình nghe nhạc miễn phí hay sơ tán đâu đó cho đỡ đau đầu nhức óc.

Về quê ăn Tết như một dòng chảy hằng năm của những người đi làm ăn xa xứ đổ về quê hương, họ mạc. Nó không chỉ là cách neo đậu trái tim của mỗi người đối với mảnh vườn xưa mà còn động lực để người ta mạnh mẽ hơn, ấm áp hơn khi sống ở đất khách. Làm ăn cả năm khi về rủng rỉnh ít tiền, trong khi nàng xuân hãy còn đủng đỉnh chưa muốn dời gót ngọc thì tháng Giêng như cơ hội để người ta chơi nốt ngày xuân. Thế là tụ tập gầy sòng. Ban đầu chỉ là chơi cho vui, sau đến sát phạt suốt ngày đêm. Cả năm cày cuốc cực nhục nơi đất khách về quê nướng hết ba ngày xuân. Đã vậy còn lý sự cùn, rằng các cụ ngày xưa còn chơi suốt cả ba tháng Giêng, hai, ba nữa là!

Mong cầu bình an trong năm mới.
Mong cầu bình an trong năm mới.

Thực ra cái vụ cờ bạc, rượu chè trong ngày xuân của các cụ ngày xưa là cờ bạc, rượu chè văn minh, trí tuệ và đậm chất nghệ sĩ. Ví như chơi bài chòi đã không mang tính ăn thua mà còn được ngồi chòi, nghe hát nữa. Rượu thì độc ẩm, đối ẩm từng chén mắt trâu. Vừa uống vừa ngắm hoa, ngắm trăng sao, biết đến bao giờ mới say. Chao ơi, ngẫm cái sự ăn chơi của các cụ ngày xưa quả là một cuộc trình diễn ngẫu hứng mang tính triết lý và nghệ thuật cao vời vợi.

Nhắc đến trăng lại nhớ đến Tết Nguyên tiêu và chuyện lễ chùa rằm tháng Giêng. “Lễ cả năm không bằng rằm tháng Giêng”, vì vậy người ta tranh nhau đi chùa lễ Phật vào cái rằm đầu tiên trong năm gây ra ít nhiều hệ lụy cho cửa thiền. Những cảnh phản cảm đã được nhiều nhà chùa trên địa bàn thành phố có biện pháp khắc phục. Những du khách tham quan chùa Linh Ứng (quận Sơn Trà) mang quần ngắn hoặc váy ngắn được nhà chùa cử người hướng dẫn choàng váy quây trước khi vào lễ. Hay như mỗi thiện nam tín nữ chỉ được thắp một nén nhang để tránh khói hương nghi ngút gây hỏa hoạn. Năm nay, ở các chùa lớn, nhỏ trên thành phố Đà Nẵng đều tổ chức cầu an chung cho phật tử và khách phương xa. Không có tình trạng dâng sao giải hạn. Ai có lòng hoan hỷ cúng dường tùy tâm không nhất thiết có một giá nhất định như tình trạng một số chùa phía Bắc gần đây được báo chí phản ánh.

Trong một lần đàm đạo với sư thầy Thích Huệ Nghĩa ở chùa Bảo Minh, tôi đã ngộ ra một điều rằng: Việc xấu nếu có đến với mỗi người là do mình đã gieo tạo trước đó, vậy nên hãy vui vẻ nhận sẽ thấy không còn đau khổ nữa. Muốn tránh điều không may, từ hôm nay hãy gieo nhân tốt đẹp, thiện lành. Đó là tự kiến tạo bình an cho mình chứ chẳng cần phải lặn lội chùa này, phủ nọ cầu xin…

Tháng Giêng rồi cũng tàn. Mùa xuân rồi cũng qua… Hãy để tháng Giêng như một đóa duyên lành nở thắm trước thềm năm mới Mạc vị xuân tàn hoa lạc tận. Đình tiền tạc dạ nhất chi mai… (Mãn Giác Thiền sư).

Bài và ảnh: Như Hạnh
 

;
;
.
.
.
.
.