Quan điểm thứ 2 ở Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nêu “Xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng phải trên cơ sở thay đổi căn bản mô hình phát triển kinh tế, chú trọng phát triển theo chiều sâu kết hợp với phát triển theo chiều rộng một cách hợp lý, coi nguồn lực trong nước là nền tảng và quyết định, nguồn lực nước ngoài là quan trọng. Nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới như thí điểm xây dựng chính quyền đô thị kiến tạo phát triển, kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp”. Có thể nói đây là chiến lược trọng tâm cho phát triển của Đà Nẵng.
Đà Nẵng cần thay đổi căn bản mô hình phát triển kinh tế theo quan điểm Nghị quyết số 43-NQ/TW. Ảnh: THÀNH LÂN |
Tăng trưởng đã sau “thời kỳ vàng”
Thật vậy, kết quả 15 năm xây dựng và phát triển thành phố theo Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” cho thấy thời gian qua, Đà Nẵng đã trải qua các quá trình chuyển đổi rất thành công theo chiều rộng, đã cơ bản tạo lập được nền tảng cho việc chuyển đổi theo chiều sâu trên các mặt kinh tế, xã hội và quản trị đô thị trên con đường phát triển sắp tới.
Về kinh tế, Đà Nẵng đã chuyển đổi khá nhanh từ cơ cấu kinh tế “công nghiệp - dịch vụ - nông nghiệp” sang cơ cấu kinh tế “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”, cùng với đó là việc dịch chuyển lực lượng lao động từ khu vực nông nghiệp sang công nghiệp và dịch vụ, từ lao động trong khu vực phi chính thức sang lao động trong khu vực chính thức(1). Khu vực dịch vụ chiếm 60,6% trong cơ cấu GRDP và hơn 64,1% số lao động đang làm việc trong nền kinh tế của Đà Nẵng(2). Chuyển dịch cơ cấu kinh tế, cơ cấu lao động, cùng với tốc độ đô thị hóa cao chính là thế mạnh góp vào tăng trưởng GRDP luôn cao hơn bình quân chung cả nước trong những năm qua.
Về xã hội, Đà Nẵng đã chuyển đổi từ thành phố có mức thu nhập thấp, dưới 500 USD vào năm 1997, lên mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD hiện nay.
Về quy hoạch phát triển đô thị, Đà Nẵng cũng vượt lên và đạt kết quả nổi bật, quy mô đô thị được mở rộng hơn 4 lần, quản lý đô thị khá tốt. Không phải ngẫu nhiên mà Đà Nẵng được chọn là địa điểm tổ chức Tuần lễ Cấp cao APEC - dấu ấn cho vị thế đối ngoại và sự phát triển của Việt Nam.
Tuy nhiên báo cáo kết quả 15 năm thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW cũng chỉ ra, tăng trưởng kinh tế-xã hội sau “thời kỳ vàng”, với tăng trưởng GRDP bình quân các năm 1997-2002 đạt 10,53%/năm(3); giai đoạn 2003-2013 đạt 11,5%/năm(4), trong những năm gần đây đã có dấu hiệu sút giảm, GRDP năm 2014 tăng 9,28%; năm 2015 tăng 9,8%; năm 2016 tăng 9,04%; năm 2017 tăng 7,03%; năm 2018 tăng 7,86%(5). Đặc biệt, sự giảm tốc này diễn ra quá sớm (chỉ sau khoảng 10 năm) nếu như so với chu kỳ bùng nổ của nhiều thành phố mới trong khu vực.
Ví dụ, kinh tế Thượng Hải tăng trưởng 10%/năm trong khoảng 20 năm liền; kinh tế đặc khu Thâm Quyến 1981-1993 khoảng 40%/năm; 2001-2005 khoảng 15-16%/năm; 5 năm trở lại đây khoảng 10%/năm sau khi quy mô GDP lên tới trên 200 tỷ USD; trong khi quy mô GRDP của Đà Nẵng năm 2018 khoảng hơn 4 tỷ USD. Về hạ tầng và đô thị, những yêu cầu ngày càng khắt khe hơn của một thành phố “đẳng cấp quốc tế” đang đặt ra nhiều thách thức mới cho Đà Nẵng, nhất là các ý tưởng cần chú trọng đến tính thông minh, tính nhân văn, tính bền vững, tính kết nối, tính vượt trội của các đô thị phát triển hiện nay trên toàn cầu.
Do vậy, một trong những chiến lược trọng tâm cho phát triển lần này, Nghị quyết số 43-NQ/TW đặt ra yêu cầu Đà Nẵng cần “thay đổi căn bản mô hình phát triển”, thực hiện đồng thời là ba quá trình chuyển đổi lớn về mặt kinh tế, xã hội và quản trị đô thị trên con đường phát triển, cụ thể:
Về kinh tế, Đà Nẵng cần thực hiện chuyển đổi từ các ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng thấp sang những ngành, lĩnh vực có giá trị gia tăng cao; từ những dịch vụ “bình dân” là chủ yếu sang những dịch vụ “đẳng cấp” là chủ yếu; từ lao động có kỹ năng trung bình sang lao động có kỹ năng cao và tầng lớp lãnh đạo, quản lý.
Đẩy nhanh sang giai đoạn phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo
Tại hội thảo về ý tưởng phát triển Đà Nẵng, một số tham luận đã dẫn ra Báo cáo năng lực cạnh tranh toàn cầu của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF), nêu lên một thực tiễn của 3 giai đoạn phát triển tăng dần dựa trên các phương thức phát triển khác nhau có thể vận dụng vào định hướng phát triển của Đà Nẵng:
Giai đoạn đầu tiên là giai đoạn phát triển dựa vào gia tăng nguồn lực, chủ yếu là lao động có kỹ năng thấp và tài nguyên thiên nhiên. Các nền kinh tế nằm trong giai đoạn này có thu nhập bình quân đầu người nhỏ hơn 2.000 USD.
Giai đoạn thứ hai là giai đoạn phát triển dựa vào nâng cao hiệu quả, khi các yếu tố như: giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông; thị trường hàng hóa hiệu quả; thị trường lao động hiệu quả; thị trường tài chính phát triển; năng lực áp dụng công nghệ sẵn có; thị trường trong nước và quốc tế rộng lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng. Các nước nằm trong giai đoạn này có mức thu nhập bình quân đầu người trong khoảng 3.000-8.999 USD.
Giai đoạn thứ ba là giai đoạn phát triển dựa vào đổi mới sáng tạo, khi các yếu tố như: sản xuất được các sản phẩm khác biệt và sáng tạo ra những sản phẩm và công nghệ mới, đóng vai trò quan trọng. Các nước nằm trong giai đoạn này có mức thu nhập bình quân đầu người cao hơn 17.000 USD(6).
Với mức thu nhập bình quân đầu người đạt trên 3.000 USD hiện nay, Đà Nẵng đã bước vào giai đoạn thứ hai của quá trình phát triển: tăng trưởng chủ yếu dựa trên gia tăng hiệu quả. Trong giai đoạn này, các yếu tố như: giáo dục và đào tạo ở cấp sau phổ thông; thị trường hàng hóa hiệu quả; thị trường lao động hiệu quả; thị trường tài chính phát triển; năng lực áp dụng công nghệ sẵn có; thị trường rộng lớn, đóng vai trò hết sức quan trọng và phải đi vào chiều sâu hơn trên cơ sở phát triển hợp lý về chiều rộng.
Về xã hội, trong giai đoạn tới, Đà Nẵng cần thúc đẩy quá trình chuyển đổi từ một đô thị với tầng lớp trung lưu lớp dưới là chủ yếu sang một đô thị với tầng lớp trung lưu lớp trên là chủ yếu. Đà Nẵng cần phải trở thành thành phố “đáng sống với chiều sâu thực sự” thay vì chỉ là một thành phố “đáng đến” hay “đáng du lịch”. Chiều sâu của thành phố đáng sống phải là khả năng thu hút nguồn lực lưu động trên phạm vi toàn cầu, nhất là thu hút và giữ chân được: 1) các doanh nghiệp đến tổ chức các hoạt động kinh doanh, 2) những người giỏi/có khả năng đến làm việc, và 3) những người khá giả đến ở. Đà Nẵng phải thu hút và giữ chân được ba đối tượng này để có nguồn lực mới cho phát triển nhanh, trở nên thịnh vượng.
Để làm được điều này nghị quyết cũng chỉ rõ, thành phố phải nhận thấy rõ những điểm nghẽn phát triển cần phải vượt qua trên con đường đến, “nhận diện và phát huy tốt các động lực tăng trưởng mới”, chuyển đổi từ phương thức quản trị đô thị truyền thống, ít dựa vào công nghệ, sang phương thức quản trị đô thị thông minh; thí điểm chính quyền đô thị thông minh, kiến tạo phát triển nhằm điều hành tốt hệ thống kinh tế và xã hội, kết nối được các chủ thể từ người dân, các cộng đồng với khối doanh nghiệp, “kết nối và liên kết vùng, phát triển khu vực kinh tế tư nhân, công nghệ cao, đổi mới sáng tạo và khởi nghiệp” hướng tới tăng trưởng nhanh, đổi mới sáng tạo và tiến bộ.
PHẠM QUÝ
(1) Khi mới tách tỉnh thì chỉ có khoảng 1/3 lực lượng lao động làm trong ngành dịch vụ và con số này đến thời điểm 2013 đã khoảng 60%. Lao động nông nghiệp từ 25% năm 2003 giảm còn 7% vào năm 2018.
(2) Báo cáo sơ khởi, Tr.3
(3) Báo cáo Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội Đà Nẵng đến năm 2020, Tr.43-44
(4) Tờ trình số 12 của Ban Thường vụ Thành ủy, ngày 4-10-2013 về Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị
(5) Theo Báo cáo kinh tế-xã hội các năm 2015, 2016, 2017, 2018 của Đà Nẵng. Số liệu của TCTK, tăng trưởng GRDP của Đà Nẵng năm 2017 đạt 8,48%. Giai đoạn 2011-2015 tăng trưởng bình quân GRDP đã tụt xuống còn 9,7%/năm.
(6) Tổng hợp tư vấn báo cáo ý tưởng quy hoạch phát triển Đà Nẵng .