Trên đường đi học về, chàng Nghé lớp 6 - rất yêu thích và đặc biệt có năng khiếu với môn học Lịch sử - thao thao kể cho dì nghe về những sự kiện lịch sử đã được học ở lớp. Nghe xong dì hỏi Nghé: “Thế con có biết giặc Pháp nổ phát súng đầu tiên ở đâu để mở màn chiến dịch xâm lược Việt Nam không?”. Nghé trả lời ngay lập tức: “Dạ bán đảo Sơn Trà của Đà Nẵng mình”. “Ừ, đúng rồi con, là Đà Nẵng mình”.
Chẳng biết từ bao giờ, cụm từ “Đà Nẵng mình” lại trở nên thân thuộc và mang tính “đương nhiên” đối với một gia đình hoàn toàn gốc Bắc như tôi. Ngày ấy, bố mẹ tôi - những sinh viên tốt nghiệp Đại học Sư phạm Ngoại ngữ Hà Nội - được phân công giảng dạy tại Trường Cao đẳng Quảng Nam-Đà Nẵng (nay là Trường Đại học Ngoại ngữ, thuộc ĐH Đà Nẵng).
Và cuộc sống với bao điều mới mẻ đã bắt đầu tại mảnh đất miền Trung thân thương này. Để rồi hôm nay, Đà Nẵng trở thành quê hương thứ hai, trở thành “mảnh đất hóa tâm hồn” đối với mỗi thành viên trong gia đình.
Còn nhớ những tháng ngày học đại học xa nhà, mỗi khi bạn bè hỏi nhà ở đâu, tôi lại tự hào dõng dạc “Ở Đà Nẵng”; mỗi khi chen chúc trong những con phố đông đúc của Sài Gòn, bất chợt nhìn thấy biển số xe 43, trong lòng bỗng thấy ấm áp lạ.
Tôi vẫn nhớ rõ cảm giác lưu luyến thế nào mỗi khi tàu rời bánh khỏi sân ga Đà Nẵng, rồi lo lắng, xót xa khi nghe tin bão mạnh hướng về Đà Nẵng, và cả cảm giác tự hào khi trình chiếu về những hình ảnh đổi thay từng ngày của Đà Nẵng trong ngày bảo vệ khóa luận tốt nghiệp.
Tất cả không chỉ bởi Đà Nẵng đẹp, Đà Nẵng phát triển, Đà Nẵng thanh bình, mà còn bởi, đối với tôi, Đà Nẵng là tuổi thơ, Đà Nẵng là gia đình, Đà Nẵng là tình yêu và sự gắn bó.
Tình yêu của tôi đối với mảnh đất này đến từ những điều rất đơn giản, bình dị như một quán chè nóng vỉa hè có tuổi đời hơn 40 năm, một nụ cười thân thiện của cô hàng xóm mỗi sáng sớm bế con đi dạo “zòng zòng”, một món quà là tờ lịch in dấu ngày trọng đại của tôi được bác nhà bên cẩn thận ép thẳng và trang trí, một cốc nước đường ấm của chị bán rau giúp tôi bớt choáng trong buổi chợ nắng gắt…
Rõ ràng, không chỉ mảnh đất mà con người nơi đây - Người Đà Nẵng - đã góp phần đem đến cho tôi và những người con xa xứ một khái niệm mới nhưng không hề lạ - khái niệm “Đà Nẵng mình”.
“Dì ơi, quê mình không phải ở đây, vậy mình có phải Người Đà Nẵng không dì” - chàng Nghé lại thủ thỉ. Chưa kịp trả lời thì anh tài xế Grab cất tiếng: “Chú cũng không phải quê ở đây nè con”.
Rồi anh kể quá trình anh từ miền Tây ra Đà Nẵng chạy xe, rồi anh cảm thấy yêu thích, gắn bó với nơi này như thế nào, và hiện giờ thì anh đã đón cả vợ con ra “Đà Nẵng mình” sinh sống và lập nghiệp. Tôi cười, chúng ta - đều là Người Đà Nẵng đó con à!
Chỉ cần chúng ta yêu Đà Nẵng, chúng ta gắn bó với Đà Nẵng, chúng ta nỗ lực vì sự phát triển chung nơi đây - thì bất luận chúng ta sinh ra ở đâu, nguyên quán nơi nào - chúng ta đều là Người Đà Nẵng!
Nhờ anh tài xế tắt hệ thống điều hòa khi xe đi vào đường Bạch Đằng - một trong những con đường ven sông đẹp nhất của Đà Nẵng, tôi nhẹ nhàng hạ cửa kính xe để cảm nhận luồng gió sông khoan khoái, mát rượi của một buổi chiều yên ả.
Ngoài kia, nhiều người, từ các cụ, các bác lớn tuổi đến các cô chú, anh chị và cả các bé nhỏ cũng đang thả bộ trên vỉa hè, người thì tranh thủ tập thể dục, người thì dạo bước thư thái sau một ngày làm việc. Ở đây, thời gian dường như lắng đọng để con người cảm nhận rõ hơn nét thanh bình của thành phố.
Cũng có những lúc không tránh khỏi giông bão, nhưng rồi sau mỗi cơn mưa, thành phố lại bừng sáng và quan trọng hơn hết là con người nơi đây vẫn luôn giữ vững một niềm yêu về Đà Nẵng.
Mọi người hay ca ngợi, Đà Nẵng là thành phố đáng sống, là thành phố sống tốt. Có thể sai, có thể đúng - tùy từng quan niệm và tiêu chuẩn đánh giá. Tuy nhiên, với những ai yêu Đà Nẵng, sự “đáng sống” đó không nằm ở những chuẩn mực phát triển nhất định, mà có khi nằm ở những mặt trái tồn tại, để được sống, được hòa mình và được cùng trăn trở, hành động vì tương lai chung.
Sự “đáng sống” đó không chỉ ở khía cạnh tận hưởng, sự “đáng sống” đó thể hiện trong từng giải pháp hiến kế và những hành động thiết thực, ý nghĩa nhất.
Xa xa, tiếng nhạc từ hệ thống loa trên vỉa hè đường Bạch Đằng vọng lại, tôi - người miền Bắc, anh tài xế người miền Tây, và chắc chắn nhiều người xung quanh chúng tôi - với nguyên quán chưa hẳn là Đà Nẵng - cũng đang mỉm cười hòa giọng cùng lời bài hát “Đà Nẵng tôi yêu”:
“Qua năm tháng những gì ta có được
Một chút tự hào, Đà Nẵng của tôi ơi!”
ĐỖ LAN HƯƠNG