* Đề nghị doanh nghiệp nâng cấp công nghệ, giảm gây ô nhiễm môi trường
Phát biểu kết luận tại cuộc họp giao ban quý 1-2019 với Thường trực HĐND các quận, huyện chiều 28-3, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị các Ban HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động giám sát, tăng cường công tác phối hợp giải quyết các vấn đề bức xúc, nổi cộm mà cử tri quan tâm.
Liên quan đến những kiến nghị của Thường trực HĐND các quận, huyện về tình hình nợ tiền sử dụng đất của các hộ tái định cư, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung cho rằng, thời gian qua, lãnh đạo thành phố liên tục kiến nghị với Chính phủ và các bộ, ngành Trung ương để tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho nhân dân.
Trong khi chờ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị Thường trực HĐND các quận, huyện chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tại địa phương thường xuyên tuyên truyền, vận động, giải thích cho nhân dân được biết chủ trương chung của thành phố, vận động hộ nào chưa quá hạn thì trả trước để lấy giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hộ nào đã quá hạn phải chờ ý kiến chỉ đạo của Trung ương.
Bên cạnh đó, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị các Ban HĐND thành phố và Thường trực HĐND quận, huyện tiếp tục giám sát tình trạng quản lý đất nông nghiệp không còn sản xuất được, chủ động làm việc với các đơn vị có liên quan, tham mưu, đề xuất Thường trực HĐND thành phố có ý kiến thống nhất với UBND thành phố để có phương án giải quyết hiệu quả nhất, tránh lãng phí nguồn tài nguyên lớn.
Đối với việc mở các lối xuống biển theo kiến nghị của quận Ngũ Hành Sơn, quận Thanh Khê, Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung khẳng định, đây là chủ trương nhất quán của lãnh đạo thành phố. Vì vậy, Ban Đô thị phối hợp với Thường trực HĐND quận Ngũ Hành Sơn và quận Thanh Khê giám sát, đôn đốc các đơn vị có liên quan thực hiện nghiêm túc để sớm hoàn thành các lối xuống biển đúng thời gian cam kết, trường hợp còn chậm trễ, phải có chế tài xử lý theo quy định.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung đề nghị các Ban HĐND và Thường trực HĐND các quận, huyện tiếp tục phát huy hiệu quả hoạt động, tăng cường công tác phối hợp giải quyết và giám sát các vấn đề bức xúc, nổi cộm của cử tri, như: giám sát những dự án chậm triển khai, tình trạng xây dựng trái phép; công tác quy hoạch, đầu tư, hiệu quả khai thác kinh tế ở các khu công nghiệp cũng như các thiết chế văn hóa cơ sở; giám sát tình trạng tín dụng đen và các dịch vụ kinh doanh có điều kiện; giám sát công tác triển khai quy hoạch và giám sát hiệu quả, chất lượng việc phân cấp tại các địa phương.
Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung giao Văn phòng HĐND thành phố tổng hợp đầy đủ, phân loại cụ thể từng nội dung, kiến nghị để Thường trực HĐND thành phố chuyển UBND thành phố xem xét, giải quyết; chọn lọc nội dung bức xúc, nổi cộm; tham mưu Thường trực HĐND thành phố thực hiện chương trình “HĐND với cử tri lần thứ 5” dự kiến tổ chức trong tháng 5-2019 và phục vụ các phiên thảo luận, chất vấn tại kỳ họp HĐND thành phố giữa năm 2019.
Trong quý 1-2019, Thường trực HĐND thành phố đã tăng cường các hoạt động giám sát việc bảo đảm an ninh trật tự, chăm lo đời sống nhân dân, công tác đền ơn đáp nghĩa, an sinh xã hội trước, trong và sau Tết Kỷ Hợi 2019 được cử tri và nhân dân đánh giá cao.
Đồng thời, Thường trực HĐND thành phố triển khai giám sát tiến độ thực hiện 67 dự án, công trình trọng điểm; triển khai thực hiện các nội dung nghị quyết, cam kết chất vấn, thông báo kết luận của HĐND, Thường trực HĐND thành phố còn tồn đọng từ đầu nhiệm kỳ đến nay và các kiến nghị của cử tri thành phố chưa được giải quyết dứt điểm, nhất là vấn đề nước sạch, nước thải, ngập úng, xử lý chất thải rắn, vệ sinh môi trường, ùn tắt và tai nạn giao thông; tội phạm và tệ nạn xã hội...
Bên cạnh đó, Thường trực HĐND thành phố tổ chức giám sát chuyên đề năm 2019 về “Công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và hiệu quả hoạt động các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn thành phố”. Các Ban HĐND thành phố đã triển khai giám sát 4 chuyên đề: “Công tác quy hoạch, đầu tư xây dựng, quản lý, vận hành các thiết chế văn hóa - thể thao”; “Việc thực hiện Đề án tăng cường vận tải công cộng kết hợp với kiểm soát sử dụng phương tiện cơ giới cá nhân tham gia giao thông, kiểm soát và điều tiết hợp lý các phương tiện vận tải vào trung tâm thành phố”; “Thực trạng và giải pháp ngăn chặn tình trạng tín dụng đen và tệ nạn ma túy”.
Trong quý 1-2019, HĐND thành phố tiếp nhận và xử lý 120 đơn, thư; tổ chức tiếp công dân hằng tháng theo quy định của pháp luật. Đồng thời, sau kỳ họp thứ 9 HĐND thành phố, Thường trực HĐND thành phố tổng hợp, rà soát, thống nhất với Ủy ban MTTQ Việt Nam thành phố chuyển 55 kiến nghị của cử tri trên các lĩnh vực đến UBND thành phố để xem xét, giải quyết theo thẩm quyền.
* Cùng ngày, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Minh Trung chủ trì buổi làm việc giữa đoàn giám sát HĐND thành phố với Công ty CP Đầu tư Sài Gòn- Đà Nẵng (SDN) về công tác quy hoạch, đầu tư, quản lý và hiệu quả hoạt động của Khu công nghiệp (KCN) Hòa Khánh mở rộng và KCN Liên Chiểu.
Theo báo cáo của SDN, đến nay, KCN Hòa Khánh mở rộng đã thu hút 20 dự án FDI và 13 dự án trong nước với tổng vốn đăng ký đầu tư 310 triệu USD. 33 doanh nghiệp (DN) thuê 36 lô đất để hoạt động với diện tích đã cho thuê là 101,1ha (chiếm 93,5%), diện tích còn có thể cho thuê là 7,05ha. Các DN đã tạo việc làm thường xuyên cho 3.200 lao động và hàng ngàn lao động mùa vụ.
Các DN hoạt động trong KCN Hòa Khánh mở rộng chủ yếu có công nghệ tiên tiến với các ngành nghề như: điện tử, lắp ráp ô-tô, logistics nên tác động đến môi trường không nhiều và các DN đều hoàn thành đánh giá tác động môi trường trước khi đi vào hoạt động. Tất cả các DN đều đã thực hiện đấu nối vào mạng lưới thu gom nước thải của KCN và đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung…
Hiện nay, tại KCN Hòa Khánh mở rộng chỉ có duy nhất Công ty CP Ecico là đã dừng hoạt động nhưng cho thuê kho bãi trái phép. SDN đề nghị các cơ quan chức năng xử lý phát mãi toàn bộ tài sản trên đất thuê, thanh toán công nợ cho SDN và tạo điều kiện thu hồi đất để cho các DN khác thuê thực hiện dự án, tránh lãng phí đất trong KCN.
Trong khi đó, KCN Liên Chiểu thu hút 3 dự án FDI và 22 dự án trong nước với tổng vốn đầu tư 423 triệu USD. Các DN tạo việc làm thường xuyên cho hơn 3.700 lao động và hàng ngàn lao động mùa vụ. Tất cả các DN đang hoạt động tại KCN Liên Chiểu đã đấu nối vào mạng lưới thu gom nước thải của KCN và đưa về xử lý tại Trạm xử lý nước thải tập trung.
Các DN có phát sinh khói bụi như: Công ty Thép Đà Nẵng, Công ty Xi-măng Hải Vân đã có cải tiến công nghệ để giảm phát sinh khí thải ra môi trường xung quanh. Hiện có 2 DN là Công ty TNHH Dây cáp điện Việt Á và Công ty TNHH Thịnh Phú không còn hoạt động, nhưng cho đơn vị khác thuê lại nhà xưởng. SDN đề nghị các đơn vị chức năng hỗ trợ thu hồi đất của Công ty TNHH Dây cáp điện Việt Á; yêu cầu Công ty TNHH Thịnh Phú chấm dứt việc cho thuê nhà xưởng trái phép và điều chỉnh giá thuê đất, phí sử dụng hạ tầng để thanh toán công nợ cho SDN; đồng thời, sớm hoàn thành công tác giải tỏa đền bù đối với phần diện tích nằm trong ranh giới KCN Liên Chiểu, nhưng chưa giải tỏa. SDN cũng đề nghị cho các DN đầu tư các ngành nghề sản xuất công nghệ cao, công nghệ sạch vào 2 KCN được hưởng ưu đãi đầu tư…
Các thành viên của đoàn giám sát đã trao đổi thêm với lãnh đạo SDN về tình trạng gây ô nhiễm môi trường của một số nhà máy ở KCN Liên Chiểu cũng như các vướng mắc về giải phóng mặt bằng; qua đó, đề nghị SDN phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường thường xuyên kiểm tra, nhắc nhở và thực hiện các giải pháp nâng cấp công nghệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Các thành viên cũng đề nghị SDN tiếp tục thông tin, đề xuất các giải pháp quản lý cũng như thu hút DN đầu tư các nhà xưởng sản xuất ở các KCN để đoàn giám sát tổng hợp, trình HĐND thành phố trong kỳ họp sắp đến.
ĐẶNG NỞ - HOÀNG HIỆP