Những năm tháng hào hùng của Văn phòng Khu ủy 5

.

Đúng vào dịp kỷ niệm 44 năm Ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước (30-4-1975 - 30-4-2019), Văn phòng Khu ủy 5 vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Các đồng chí nguyên là cán bộ Văn phòng Khu ủy 5 đều chung niềm phấn khởi: “Danh hiệu này là niềm tự hào lớn lao của tập thể cán bộ, chiến sĩ và nhân viên Văn phòng Khu ủy 5”.

Khánh thành bia lưu niệm Văn phòng Khu ủy 5. Ảnh: TTXVN
Khánh thành bia lưu niệm Văn phòng Khu ủy 5. Ảnh: TTXVN

Trong sự nghiệp đấu tranh giải phóng dân tộc, đặc biệt là trong giai đoạn “đánh cho Mỹ cút, đánh cho ngụy nhào”, cán bộ, chiến sĩ và nhân viên Văn phòng Khu ủy 5 đã vượt qua muôn vàn gian khổ, hy sinh, đem hết tâm trí, sức lực, xương máu, toàn tâm, toàn ý phục vụ đắc lực cho Khu ủy giành hết thắng lợi này đến thắng lợi khác cho đến ngày toàn thắng.

Không quên những ngày gian khó

Những năm tháng hào hùng ấy vẫn chưa bao giờ nguôi đối với ông Nguyễn Văn Giai, nguyên cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp của Văn phòng Khu ủy 5. Theo hồi ức của ông, Văn phòng Khu ủy 5 lúc cao điểm có 12 cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp phục vụ, trong đó nhiều cán bộ làm nhiệm vụ thư ký của các Ủy viên Thường vụ. Không phải đánh nhau trực tiếp với địch nhưng nhiệm vụ của cán bộ nghiên cứu, tham mưu cho lãnh đạo Khu ủy 5 về đường lối kháng chiến, đánh bại âm mưu của địch và nhiều công tác khác rất quan trọng.

Ông Giai tâm sự: “Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công (còn gọi là Năm Công) có lúc nói đùa ví von đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp như “quân sư” thời phong kiến. Nhưng ông Võ Chí Công rất nghiêm túc đánh giá vai trò, nhiệm vụ của chúng tôi và thường xuyên động viên chúng tôi nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi có một “đặc ân” là không được phân công đi cõng gạo từ giáp ranh vùng địch về căn cứ, bởi có những giai đoạn rất ác liệt. Chuyến cõng gạo muối nào từ đồng bằng lên cũng có tổn thất, hy sinh. Có những bao gạo về đến căn cứ đỏ thắm máu đồng đội. Chúng tôi hiểu Bí thư Khu ủy 5 không muốn để tổn thất đội ngũ cán bộ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp nhưng hình ảnh những bao gạo thấm máu đồng đội luôn thôi thúc chúng tôi quyết tâm hoàn thành mọi nhiệm vụ lãnh đạo Khu ủy và Văn phòng Khu ủy 5 giao phó”.

Ông Giai kể, trong công tác nghiên cứu, tổng hợp, tham mưu cho lãnh đạo, Văn phòng Khu ủy 5 luôn nhớ lời dặn của anh Sâm (tên thật là Lê Trọng Khoan) - Chánh Văn phòng Khu ủy 5 lâu nhất.

“Anh Sâm luôn nhấn mạnh cái “thần” trong văn bản: nghiên cứu một văn kiện của khu, của Trung ương mà không nắm được cái thần của văn kiện là nghiên cứu hời hợt; tham mưu viết cái chỉ thị, nghị quyết mà không làm nổi cái “thần” của văn bản là giản đơn, cạn cợt. Lời anh nói tuy ngắn gọn nhưng là bài học sâu sắc, là nhiệm vụ mà chúng tôi phải nỗ lực đáp ứng yêu cầu của các lãnh đạo Khu ủy 5”, ông Giai hồi tưởng.

Đánh máy đến khi bạc giấy than

Ông Khuông Văn Bông, Chủ nhiệm Ban Liên lạc Văn phòng Khu ủy 5, nguyên là cán bộ văn thư-lưu trữ của Văn phòng Khu ủy 5. Quê tỉnh Thái Nguyên, ông Bông nhập ngũ khi còn rất trẻ và hành quân vượt Trường Sơn vào thẳng chiến trường Khu 5 chiến đấu. Kinh qua nhiều vị trí công tác từ bảo vệ đến văn thư cho lãnh đạo Tỉnh ủy Bình Định, ông được rút về làm cán bộ văn thư - lưu trữ của Văn phòng Khu ủy 5.

Nhiệm vụ văn thư - lưu trữ thời chiến rất nặng nề khi vừa đánh máy các văn bản chỉ thị, nghị quyết của Khu ủy 5, vừa bảo đảm việc lưu trữ tài liệu đi và đến được an toàn. Nguồn giấy pơ-luya, giấy than sử dụng để đánh văn bản phải mua từ vùng địch chuyển lên căn cứ không phải lúc nào cũng sẵn, nhất là những thời điểm địch tăng cường đánh phá, ngăn chặn đường tiếp tế của ta.

Để tiết kiệm, cán bộ văn thư - lưu trữ sử dụng dùng vải xoa bề mặt giấy than cho đều mực để sử dụng được nhiều lần, đánh máy cho đến khi tờ giấy bạc màu không ra rõ chữ mới thôi. Những văn bản mật sau khi đánh máy, giấy than phải được đốt ngay trước sự chứng kiến của Chánh Văn phòng Khu ủy 5.

Căn cứ Văn phòng Khu ủy 5 di chuyển liên tục để tránh địch dò tìm, đánh phá nên mỗi lần di chuyển, cán bộ văn thư - lưu trữ rất vất vả vận chuyển, bảo đảm an toàn các hòm thiếc chứa tài liệu lưu trữ. Nhờ vậy, nhiều tài liệu quý được lưu giữ an toàn cho đến sau 30-4-1975 và Văn phòng Khu ủy 5 chuyển giao đầy đủ về Văn phòng Trung ương Đảng.

Đài đến đâu, B52 đến đó

Một bộ phận quan trọng phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo của Văn phòng Khu ủy 5 là Ban Thông tin vô tuyến điện (TTVTĐ) Khu ủy 5. Đây là đơn vị có trọng trách duy trì mạch máu thông tin liên lạc hai chiều giữa Khu ủy 5 với Trung ương Đảng, Trung ương Cục miền Nam, các tỉnh ủy thuộc Khu 5 và các đơn vị tiền phương phục vụ chiến dịch.

Ông Nguyễn Văn Anh, nguyên cán bộ Ban TTVTĐ từ năm 1960 kể, do tính chất đặc biệt của ngành TTVTĐ rất dễ bị địch dùng phương tiện do thám sóng nên Ban TTVTĐ luôn đóng xa cơ quan Văn phòng Khu ủy 5 bởi đài vô tuyến điện luôn là mục tiêu dò tìm để đánh bom hủy diệt. Địch cũng đánh giá được việc hủy diệt các đài vô tuyến điện là chặn đứng sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy 5 trên toàn chiến trường Khu 5. Do đó, Ban TTVTĐ liên tục di chuyển vị trí đóng quân và phải tự bảo đảm các hoạt động từ hành quân, xây dựng doanh trại cho đến hậu cần đời sống.

Có những lúc, đơn vị dừng chân chưa dựng xong lán trại, nhận được tin báo địch sẽ đánh phá lại lập tức di chuyển đến vị trí khác. Tuy nhiên, không phải lần nào cũng may mắn, Ban TTVTĐ từng chịu tổn thất lớn.

Đó là đêm 23-8-1965, tại khu rừng Phương Đông, huyện Trà My, tỉnh Quảng Nam, máy bay B52 của địch đã rải bom trúng vị trí đóng quân của ta làm 10 người của Ban TTVTĐ hy sinh, 2 người bị thương, 3 máy vô tuyến bị phá hủy. Ngày 12-7-1968, tại căn cứ A8 Tây Quảng Đà, máy bay địch dội bom trúng cụm điện đài làm hy sinh 2 người, trong đó có ông Trần Đoàn là Trưởng Ban TTVTĐ lúc bấy giờ.

Ngoài ra, nhiều cán bộ, chiến sĩ của ban đã hy sinh trên đường đi công tác do bị địch phục kích, mưa lũ cuốn trôi hoặc không vượt qua được các cơn bạo bệnh giữa rừng sâu, núi thẳm. Chiến tranh ác liệt, nhưng cán bộ, chiến sĩ Ban TTVTĐ luôn vượt lên khó khăn, gian khổ, không ngại hy sinh để giữ vững mạch máu thông tin liên lạc của Khu ủy 5 thông suốt liên tục cho đến ngày toàn thắng.

Có thể khẳng định, trong chiến dịch Xuân 1975 lịch sử ở Khu 5, Văn phòng Khu ủy 5 đã phục vụ đắc lực và kịp thời cho sự chỉ đạo của Thường vụ Khu ủy. Chỉ đạo đến đâu là phục vụ ngay đến đó, không quản ngày đêm, khó khăn vất vả. Thường vụ có ý kiến là Văn phòng thảo điện, cơ yếu mã hóa và điện đài chuyển đi ngay, không hề chậm trễ, sai sót. Đây có thể nói là đợt phục vụ tốt nhất trong những năm kháng chiến chống Mỹ của Văn phòng Khu ủy 5.

Tháng 10-1948, Chủ tịch Hồ Chí Minh cử ông Phạm Văn Đồng (sau này là Thủ tướng) vào Nam Trung Bộ để lãnh đạo kháng chiến chống thực dân Pháp. Để giúp việc cho lãnh đạo, tháng 10-1948, bộ phận Văn phòng đồng chí Bí thư bắt đầu hình thành.

Đây là tiền thân của Văn phòng Xứ ủy Trung Kỳ, Văn phòng Liên Khu ủy, Văn phòng Liên Khu ủy 5 và sau này là Văn phòng Khu ủy 5. Văn phòng Khu ủy 5 có nhiệm vụ nghiên cứu, tham mưu, tổng hợp, phục vụ sự lãnh đạo, chỉ đạo của Khu ủy, trực tiếp là Thường vụ Khu ủy, Văn phòng Khu ủy 5 quan hệ chặt chẽ và trực tiếp với Văn phòng Trung ương Đảng, tỉnh ủy các tỉnh của Khu 5.

Anh Năm Công: Người dẫn dắt Văn phòng Khu ủy 5 trưởng thành

Trong hồi ký “Văn phòng Liên Khu ủy 5: 1945-1975”, cố Phó Chánh Văn phòng Khu ủy 5 Phan Đấu từng viết về cố Bí thư Khu ủy 5 Võ Chí Công (còn gọi là Năm Công): Anh là lãnh đạo có tác phong sâu sát công việc, người từng trải có nhiều kinh nghiệm công tác hoạt động bí mật nên đối với công tác văn phòng, từ tổ chức bộ máy đến bố trí nhân sự, anh đã có gợi ý để các đồng chí chủ chốt của Văn phòng bàn bạc thực  hiện.

Lúc mới hình thành cơ quan Liên khu ủy, những năm đầu, anh nhắc nhở anh em chú ý chọn địa điểm đóng cơ quan, việc đi lại từ cơ quan đến trạm giao thông liên lạc trung tâm phải tổ chức thế nào để bảo đảm bí mật, không để dấu vết khác thường, địch phát hiện.

Trong công tác văn phòng, anh đặc biệt quan tâm bộ phận nghiên cứu, tổng hợp. Trong hoàn cảnh khó khăn, gian khổ, anh nhắc các đồng chí lãnh đạo quan tâm bồi dưỡng cán bộ nghiên cứu.

Mỗi lần chiến tranh chuyển giai đoạn, nhất là các bước ngoặt lịch sử, anh triệu tập cán bộ nêu vấn đề, vạch rõ âm mưu thủ đoạn của địch, đối sách của ta, giải đáp những thắc mắc trong thực tế nhằm nâng cao nhận thức cho cán bộ để phục vụ nghiên cứu, tổng hợp tình hình. Anh thường lưu ý cán bộ nghiên cứu phải liên hệ thực tế, tìm hiểu người trong cuộc, gặp gỡ cấp chỉ đạo để nắm chắc tình hình, đối chiếu, phân tích rút ra kết luận.

Trong cơ quan Văn phòng Khu ủy 5, anh tạo nền nếp cho cán bộ phục vụ, mỗi khi có cán bộ các tỉnh, đơn vị về cơ quan phải được báo trước cho anh để anh tự đến thăm hỏi và bàn công tác. Có lúc nào sơ suất để các đồng chí ở tỉnh về mà anh không biết trước, các đồng chí ở tỉnh trực tiếp đến trước gặp anh thì cơ quan bị phê bình là không chu đáo.

Nguyễn Tất Thắng

Niềm tự hào vang mãi!

Kính tặng Văn phòng Khu ủy 5 và các bạn chiến đấu

Hai bờ mi khép chặt
Cho chiến khu hiện về
Cho thời gian trở lại
Cho ký ức tràn về!

Giành giật từng tấc đất
Phi, pháo từ Biển Đông
Quân thù vây năm mặt
Cả dưới đất trên không
Mỹ thiếu gì vũ khí
Ngụy không ít đô-la
Ba đời Tổng thống Mỹ
Đường hầm không lối ra!

Toàn thắng còn chưa đến
Tuổi xuân trôi qua nhanh
Thuyền mong ngày gặp bến
Vào lửa! Kiếm hòa bình!
Cuộc trường chinh đã trọn
Máu tô thắm cờ hồng
Bắc Nam vui thống nhất
Hạnh phúc thắm non sông!

Nhà nước phong Anh hùng
Cho Văn phòng Khu ủy
Nhận thư mời rưng rưng
Nhớ thương bao đồng chí!

Nghiêng mình, nén tâm nhang
Anh Năm Công kính mến (*)
Chào mừng các Già làng
Tình quân - dân trời biển!

Hôm nay họp nơi đây
Hẹn nhiều lần gặp lại
Lòng bồi hồi ngất ngây
Niềm tự hào vang mãi!

N.T.T

(*) Anh Năm Công là đồng chí Võ Chí Công, Bí thư Khu ủy 5 trong chống Mỹ, sau là Chủ tịch Hội đồng Nhà nước.

SƠN TRUNG
 

;
;
.
.
.
.
.