Sớm xúc tiến các thủ tục đầu tư nhà máy đốt rác phát điện

.

Hiện nay, các sở, ngành đang tham mưu cho UBND thành phố quy định rõ các điều kiện ràng buộc Liên danh Công ty CP Môi trường Việt Nam và Công ty Everbright International (Hồng Kông) trước khi cấp giấy chứng nhận đầu tư nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn. Dự án có mức đầu tư hơn 100 triệu USD từ vốn tự có của doanh nghiệp và vốn vay.

Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện do doanh nghiệp đề xuất đầu tư tại bãi rác Khánh Sơn.
Phối cảnh nhà máy đốt rác phát điện do doanh nghiệp đề xuất đầu tư tại bãi rác Khánh Sơn.

Năm 2010 và 2014, Công ty CP Môi trường Việt Nam được UBND thành phố cấp giấy chứng nhận đầu tư lần đầu và điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư đối với dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải rắn nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn (phường Hòa Khánh Nam, quận Liên Chiểu) với tổng diện tích hơn 9,5ha.

Theo đó, giai đoạn 1 của dự án đã được công ty triển khai xây dựng trên diện tích 2ha và đưa vào vận hành từ tháng 10-2014 với nhà xưởng, nhà văn phòng, trạm điện, 3 dây chuyền phân loại rác có tổng công suất 650 tấn/ngày, 1 dây chuyền sản xuất dầu PO, 1 dây chuyền sản xuất gạch block không nung, 1 lò đốt chất thải, 1 dây chuyền sản xuất viên đốt công nghiệp… Đối với giai đoạn 2 của dự án (7,5ha), công ty đã tiếp nhận xử lý rác từ cuối tháng 7-2015 đến giữa tháng 1-2016 với công suất 200 tấn/ngày (đã xử lý hơn 7.000 tấn rác).

Từ ngày 14-1-2016 đến nay, công ty không tiếp nhận rác để xử lý và chưa triển khai đầu tư các hạng mục để hoàn thành giai đoạn 2 của dự án. Đến giữa tháng 3-2019, Công ty CP Môi trường Việt Nam đề nghị UBND thành phố và các sở, ngành xem xét cấp giấy chứng nhận đầu tư điều chỉnh theo hướng đầu tư công nghệ đốt rác phát điện của Công ty Everbright International.

Theo báo cáo của Công ty Everbright International với UBND thành phố, hiện công ty đã và đang xây dựng 54 dự án, vận hành 57 dự án đốt rác phát điện ở các nước: Đức, Ba Lan, Singapore, Trung Quốc… và 1 nhà máy đốt rác phát điện tại thành phố Cần Thơ. Công nghệ đốt rác phát điện của công ty có ưu điểm là khói thải sau xử lý đạt tiêu chuẩn châu Âu 2010, đáp ứng tiêu chuẩn Việt Nam; nước rỉ rác sau xử lý được tái sử dụng toàn bộ; tiết kiệm năng lượng và giảm phát thải CO2; mỗi tấn rác sinh hoạt có thể cung cấp sản lượng điện hơn 260kWh; tồn tại hài hòa với môi trường và người dân xung quanh…

Ông Nguyễn Văn Tuấn, Giám đốc Công ty CP Môi trường Việt Nam cho hay: “Chúng tôi triển khai đầu tư 2 module đốt rác phát điện có công suất đốt hơn 1.000 tấn rác/ngày, tổng kinh phí đầu tư hơn 100 triệu USD bằng nguồn vốn của tự có và vốn vay. Chúng tôi bảo đảm tỉ lệ tro xỉ sau đốt còn lại dưới 18% (thấp hơn yêu cầu của thành phố), nhưng được sử dụng làm gạch vì không chứa các chất gây ô nhiễm môi trường; tỷ lệ tro bay chỉ còn dưới 3% và được thu gom để làm bột xi-măng. Trước mắt, đơn giá xử lý rác sẽ áp dụng tạm thời đơn giá mà UBND thành phố đã phê duyệt trước đây cho công ty là 17,3 USD/tấn rác. Chúng tôi tuân thủ các điều kiện ràng buộc của thành phố khi điều chỉnh giấy chứng nhận đầu tư. Chúng tôi cũng sẵn sàng đầu tư nâng tổng công suất xử lý rác lên 1.500 tấn/ngày, đáp ứng yêu cầu xử lý rác của thành phố trong những năm đến”.

Ông Đặng Quang Vinh, Chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ môi trường thành phố cho hay, công nghệ đốt rác phát điện có nhiều ưu điểm và đã được Ngân hàng Phát triển Châu Á (ADB) nghiên cứu, đề xuất là phù hợp với thành phố Đà Nẵng. Theo dự báo, bãi rác Khánh Sơn chỉ còn có khả năng chôn lấp hơn 260 ngày, nhưng tiến độ triển khai các công trình nâng cấp, mở rộng bãi rác Khánh Sơn rất chậm. Mặt khác, vào đầu tháng 3-2019, ADB có công văn gửi đến thành phố cho rằng, hình thức đầu tư dự án Khu liên hợp xử lý chất thải rắn Đà Nẵng tại xã Hòa Nhơn (huyện Hòa Vang) theo hình thức đối tác công-tư (PPP) là không khả thi và đề nghị được phân tích, tư vấn đầu tư theo Luật Đầu tư của Việt Nam.

Như vậy, việc đầu tư một nhà máy đốt rác phát điện tại bãi rác Khánh Sơn là rất cấp bách để bảo đảm xử lý rác khi không còn nơi chôn lấp trong một vài năm tới... “Chúng tôi đã tham quan một số nhà máy đốt rác phát điện của Công ty Everbright International, đặc biệt là tại thành phố Cần Thơ và thấy rằng, công nghệ xử lý cũng như các yêu cầu kỹ thuật, thông số đầu ra, chi phí xử lý rác… mà thành phố đặt ra được nhà đầu tư này đáp ứng. Vì thế, đề nghị UBND thành phố chỉ đạo các sở, ngành khẩn trương đề xuất các thủ tục liên quan đến đầu tư module đốt rác phát điện đầu tiên với công suất 650 tấn rác/ngày bảo đảm tiến độ khởi công vào tháng 10-2019 và hoàn thành, vận hành nhà máy vào tháng 4-2021 theo đề nghị của nhà đầu tư”, ông Đặng Quang Vinh đề nghị.

Trong khi đó, ông Nguyễn Đình Tuấn, Phó Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư thông tin, sau khi lấy ý kiến của các sở, ngành, đơn vị liên quan, Sở Kế hoạch và Đầu tư thống nhất đề nghị UBND thành phố xem xét việc cho Công ty CP Môi trường Việt Nam triển khai giai đoạn 2 của dự án Đầu tư xây dựng khu liên hợp xử lý chất thải rắn sinh hoạt, công nghiệp và chất thải nguy hại tại bãi rác Khánh Sơn (đầu tư nhà máy đốt rác phát điện) vì các lý do cấp bách; đồng thời giao Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm giám sát dự án theo quy định.

Bài và ảnh: HOÀNG HIỆP

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.