Tiếp sức cho người lao động

.

Có mặt khá sớm tại hội chợ việc làm do Sở LĐ-TB&XH thành phố phối hợp với huyện Hòa Vang tổ chức vào đầu tháng 3-2019, một nhóm 5 chị ở xã Hòa Bắc cứ rụt rè, đứng tần ngần ngay trước cổng. Sau hồi lâu quan sát, cả nhóm quyết định vào hội trường và chia nhau đi đọc các bảng thông báo tuyển dụng lao động với tiêu chuẩn khá dễ dàng.

Người lao động huyện Hòa Vang tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm 2019.
Người lao động huyện Hòa Vang tìm kiếm cơ hội việc làm tại Ngày hội việc làm 2019.

Đến lúc này, chị Nguyễn Thị Hạnh mới tâm sự: “Tụi tui nghe xã thông báo từ tuần trước và động viên là cố gắng đi để tìm kiếm cơ hội việc làm cho mình nhưng vẫn lo vì những người như chúng tôi chỉ biết làm nông và đi rừng thôi”.

Còn chị Lê Thị Bích - người đi cùng nhóm - sau một hồi tìm hiểu thông tin và hỏi trực tiếp nhà tuyển dụng, hồ hởi: “Tôi đếm sơ, riêng ở mục tuyển lao động phổ thông, tạp vụ đã tuyển gần 500 việc làm, tha hồ lựa chọn”.

Không có con số chính xác, nhưng theo thống kê nhanh tại chỗ của Ban tổ chức thì tại hội chợ việc làm lần này, gần 1.000 người đến tìm hiểu thông tin tuyển dụng, trong đó 400 người tham gia phỏng vấn trực tiếp ngay tại hội chợ.

Theo ông Bùi Nam Dũng, Phó Chủ tịch UBND huyện Hòa Vang, đây là những con số hết sức ý nghĩa khi điạ phương có khoảng 75.000 người đang trong độ tuổi lao động; trong khi đó khá nhiều dự án triển khai trên địa bàn huyện đã xáo trộn việc làm của người dân khi diện tích đất nông nghiệp bị giảm để nhường đất cho các dự án, các doanh nghiệp sản xuất công nghiệp, dịch vụ.

Thời gian qua, chính quyền địa phương luôn tạo cơ hội việc làm cho người dân thông qua các chương trình giới thiệu việc làm do các hội, đoàn thể giới thiệu; đồng thời, triển khai các mô hình sản xuất kinh doanh, huy động các nguồn vốn để giúp người dân tự tạo ra việc làm cho chính mình. Đây là hướng đi mới của huyện trong việc giúp người dân có việc làm.

Tiêu biểu, năm qua, xã Hòa Nhơn xóa được 123 hộ nghèo nhờ triển khai nhiều mô hình sản xuất hiệu quả, như: trồng rau sạch tại vùng rau Thạch Nham Tây, Ninh An, Phước Hưng giúp 35 hộ dân tham gia với thu nhập trung bình từ 4-5 triệu đồng/lao động/tháng; mô hình nuôi gà thả vườn có 20 hộ tham gia, cải thiện đáng kể kinh tế gia đình.

Điều đáng ghi nhận là Hòa Vang luôn sẵn sàng mở cửa tiếp nhận những mô hình làm ăn mới để giúp người dân có thêm cơ hội việc làm cho mình. Với sự hỗ trợ 170 triệu đồng từ UBND huyện, địa phương đã hỗ trợ người dân trồng thí điểm các loại hoa treo. Đến nay, khá nhiều người dân bắt đầu tiếp cận được kỹ thuật trồng các loại hoa treo, như; hoa chuông, hoa dạ anh thảo...

Tận dụng không gian chung quanh nhà và mỗi ngày bỏ ra khoảng vài chục phút chăm sóc, người dân có thể tăng thu nhập vài triệu đồng/tháng.  Đặc biệt, thời gian qua, huyện Hòa Vang đã trở thành địa phương nhận được sự đánh giá khá cao của Quỹ bảo trợ trẻ em thành phố, các tổ chức xã hội trong và ngoài nước trong việc tiếp nhận và sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ.

Trong những tháng đầu năm 2019, Quỹ bảo trợ trẻ em thành phố và Tổ chức Cứu tế thế giới Úc đã tặng huyện 40 con dê giống cho 20 hộ để chăn nuôi. Trước đó, 2 đơn vị này đã tặng cho nông dân Hòa Vang 250 con gà và thức ăn cho một số hộ nuôi để cải thiện kinh tế gia đình.

Với nhiều kênh huy động, mô hình kinh tế mới được triển khai, tận dụng tốt nguồn hỗ trợ từ bên ngoài và đặc biệt là bước đầu tạo nên một thị trường lao động kịp thời cung cấp đầy đủ thông tin đến người dân, đã giúp rất nhiều lao động có việc làm, nhiều hộ gia đình có thêm nghề mới cải thiện đời sống. Nhờ vậy, từ năm 2000 đến 2017, huyện giảm được 20.000 hộ nghèo.

Riêng năm 2018, huyện đạt được mục tiêu giảm 900 hộ nghèo, đạt 100% kế hoạch đề ra. Tuy nhiên, điều đáng mừng là địa phương không dừng lại ở kết quả này mà đang hướng đến sự bền vững bằng việc tạo thêm nhiều việc làm, mô hình kinh tế mới để người dân có sự lựa chọn phù hợp trên con đường “xóa nghèo” cho mình.

Bài và ảnh: Thanh Vân

;
;
.
.
Liên kết hữu ích
.
.
.