Trong những năm gần đây, cùng với sự phát triển kinh tế-xã hội, nhiều công trình giao thông đã và đang được xây dựng để phục vụ nhu cầu đi lại của nhân dân, đồng thời đáp ứng sự gia tăng không ngừng số lượng các phương tiện tham gia giao thông. Tuy nhiên, hiện nay thành phố đang phải đối mặt với những vấn đề cấp bách trong giao thông. Trong đó, tai nạn giao thông và ùn tắc giao thông trở thành vấn đề nan giải của Đà Nẵng…
Giao thông Đà Nẵng còn nhiều bất cập. |
Trước thực trạng đó, sáng 25-5, Sở Giao thông vận tải (GTVT) thành phố cùng Liên hiệp các Hội Khoa học và Kỹ thuật thành phố tổ chức hội thảo “Phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm thành phố” nhằm tham vấn ý kiến các chuyên gia, hoàn chỉnh phương án phân luồng, hạn chế ùn tắc giao thông. Tại đây, nhiều chuyên gia, nhà khoa học đã hiến kế để Đà Nẵng xứng đáng là đô thị thông minh, với hệ thống giao thông hiện đại…
KTS Tô Văn Hùng, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường (TN&MT) thành phố cho rằng, việc sắp xếp, tổ chức hoạt động đô thị cũng là việc quyết định đến câu chuyện ùn tắc. “Đơn giản như câu chuyện quy định giờ đi làm, chỉ cần có sự lệch pha giữa các chủ thể tham gia giao thông thì cũng giải quyết phân bổ nhu cầu đi lại trên hệ thống giao thông. Việc đánh giá năng lực thực tế của mạng lưới đường phố có một phần rất lớn của việc đậu, đỗ xe trên đường. Nếu giải phóng được toàn bộ làn đường thì năng lực lưu hành sẽ tăng, còn nếu duy trì đậu đỗ xe trên đường thì ùn tắc phải xảy ra”, ông Tô Văn Hùng nói.
Cùng quan điểm, Giám đốc Sở GTVT thành phố Lê Văn Trung cho rằng, để giải quyết vấn nạn này, việc phân luồng lại giao thông khu vực trung tâm thành phố từ nay đến năm 2025 là một trong các giải pháp quan trọng. Trên cơ sở số liệu về nhu cầu đi lại của người dân, Sở GTVT phân tích, đánh giá mạng lưới giao thông hiện trạng, xây dựng mô hình giao thông tổng thể để hỗ trợ quá trình tổ chức phân luồng giao thông (theo không gian, thời gian) nhằm khai thác tối đa hạ tầng giao thông hiện có, hạn chế ùn tắc giao thông, đặc biệt là khu vực trung tâm thành phố.
Hiện nay, hiện tượng ùn tắc giao thông xảy ra chủ yếu vào giờ cao điểm tại các nút giao thông trục chính ở khu vực trung tâm thành phố, có xu hướng gia tăng trên các tuyến đường nối trung tâm thành phố và ngoại đô. Cùng với đó, nguyên nhân ùn tắc là do sự gia tăng phương tiện quá nhanh cộng thêm sự phát triển trên lĩnh vực du lịch đã kéo theo sự gia tăng số lượng lớn xe kinh doanh du lịch tại Đà Nẵng cũng như ở địa phương lân cận lưu thông trên địa bàn thành phố.
Trong đó, các loại xe có kích thước lớn lưu thông vào khu vực trung tâm thành phố giờ cao điểm cũng là nguyên nhân gây ra tình trạng ùn tắc cục bộ, mất an toàn giao thông (ATGT). “Nhiều khu vực được quy hoạch khách sạn, chung cư, văn phòng, khu dịch vụ thương mại... tập trung khu vực trung tâm thành phố nhưng có khoảng lùi ít, không bố trí bãi đỗ xe.
Hạ tầng giao thông thành phố thiếu đất bố trí giao thông tĩnh dẫn đến tình trạng đậu đỗ tràn lan, thu hẹp lòng đường. Ngoài ra, ý thức tham gia giao thông của người dân còn hạn chế”, ông Lê Văn Trung cho biết.
Trong khi đó, theo Đại tá Phan Ngọc Truyền, Trưởng phòng CSGT Công an thành phố, phải có đề xuất với UBND thành phố để kiến nghị HĐND thành phố có lộ trình, bước đi phù hợp đến năm 2020, kiên quyết chuyển một số trường học, bệnh viện ra khỏi trung tâm thành phố để giảm bớt lượng người tập trung. “Chúng ta cần có quy định xe buýt ngoại tỉnh nên dừng ở khu vực ngoại đô để xe buýt trợ giá trung chuyển vào thành phố, tránh chồng lấn, dẫn đến ùn tắc. Đến năm 2025, những xe buýt ngoại tỉnh phải có chỗ đỗ ở khu vực ngoại đô thành phố là hợp lý”, Đại tá Phan Ngọc Truyền đề nghị. Đồng thời, Đại tá Phan Ngọc Truyền cũng cho rằng cần quy định giờ cụ thể loại xe nào được vào trung tâm thành phố, những loại xe nào không được vào; từ đó hạn chế được phương tiện vào trung tâm thành phố.
Trong khi đó, dưới góc nhìn của nhà khoa học, PGS. TS Phan Cao Thọ, Hiệu trưởng Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật (ĐH Đà Nẵng) đề nghị, ngày nay hệ thống giao thông thông minh (ITS) phát triển mạnh tại các đô thị trên thế giới. ITS giúp quản lý mạng lưới đường được hiệu quả hơn, điều khiển giao thông được linh hoạt hơn. Do đó, Đà Nẵng cần phải triển khai ứng dụng ngay ITS trong toàn bộ các hoạt động của hệ thống giao thông đô thị.
Tuy nhiên, vì tính chất và quy mô của việc ứng dụng ITS cho các hoạt động này liên quan đến nhiều lĩnh vực kinh tế-xã hội (KT-XH), do vậy phải đặt ra lộ trình ứng dụng theo sự phát triển của KT-XH địa phương, theo sự phát triển của hệ thống giao thông đô thị và cũng bắt đầu từ những ứng dụng đơn giản, hiệu quả, sau đó sẽ phát triển hoàn thiện dần theo công nghệ mới và hiện đại trong kỷ nguyên của cách mạng công nghiệp 4.0…
Bên cạnh những ý tưởng, giải pháp được đưa ra tại hội thảo thì Sở GTVT thành phố đề xuất đến năm 2022 bổ sung tổ chức giao thông một chiều các tuyến đường ngang kết nối. Đặc biệt, Sở GTVT đề xuất triển khai đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng, hoàn chỉnh mạng lưới giao thông thành phố. Báo cáo tại hội thảo, TS Phan Lê Vũ (Sở GTVT thành phố) cho biết, nằm trong kịch bản thứ 4, phương án phân luồng giao thông khu vực trung tâm thành phố, Sở GTVT đưa ra đề xuất bổ sung thêm công trình vượt sông Hàn và hầm qua sân bay; trên cơ sở mô hình được xây dựng và phân tích vào giờ cao điểm cho năm 2025, theo tỷ phần đảm nhận phương thức xe máy 74%, ô-tô 19%, xe buýt 7%... Đây là kịch bản khi đã đưa vào khai thác công trình nút giao thông phía tây cầu Rồng và phía tây cầu Trần Thị Lý.
Theo phân tích, kịch bản này phân bổ hợp lý lưu lượng giao thông phù hợp theo năng lực hạ tầng giao thông các tuyến đường trên toàn mạng lưới, đặc biệt khu vực trung tâm thành phố; giảm được phần lớn các vị trí có nguy cơ ùn tắc giao thông cục bộ vào giờ cao điểm theo nhu cầu giao thông hiện tại và tương lai. Đồng thời, cùng với phát triển hệ thống giao thông công cộng (đạt mục tiêu 15-25% tổng nhu cầu giao thông), hệ thống giao thông thành phố đáp ứng được nhu cầu giao thông đến năm 2030, tầm nhìn đến 2045…
Tại hội thảo sáng 25-5, Sở GTVT cũng kiến nghị UBND thành phố có văn bản chỉ đạo các cơ quan, đơn vị liên quan thường xuyên phối hợp chặt chẽ với Sở GTVT để triển khai bảo đảm các giải pháp của đề án theo Nghị quyết số 102/2017/NQ-HĐND ngày 7-7-2017 của HĐND thành phố. Trong đó, Sở Xây dựng chủ trì, phối hợp UBND các quận, huyện hậu kiểm tra bãi đỗ xe của các công trình thương mại, dịch vụ, nhà hàng, khách sạn,... bảo đảm đúng công năng, diện tích theo đúng giấy phép xây dựng; đồng thời tham mưu UBND thành phố yêu cầu chủ đầu tư các trung tâm thương mại, dịch vụ, các công trình tập trung đông người phải có lộ trình cải tạo, bố trí đầy đủ nơi đỗ xe theo quy định. Sở Du lịch làm việc với các hội, hiệp hội, doanh nghiệp du lịch, lữ hành để sắp xếp, điều phối thời gian đưa du khách đến các điểm du lịch khu vực trung tâm, tránh tập trung cùng một thời điểm gây ùn tắc giao thông, mất trật tự ATGT. |
Bài và ảnh: THÀNH LÂN