Hai bước ngoặt trong tiến trình phát triển Đà Nẵng

.

Cuộc hồi sinh của vùng đất Quảng Nam-Đà Nẵng nói chung, Đà Nẵng nói riêng, bắt đầu ngay sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30-4-1975, là một chặng đường đấu tranh đầy sự hy sinh và gian khổ của cả dân tộc Việt Nam suốt 117 năm trước đó, kể từ khi thực dân Pháp nổ phát súng đầu tiên ở cửa Hàn, mở đầu cho giai đoạn lịch sử cận đại.

Khánh thành cầu Sông Hàn, ngày 29-3-2000. Ảnh: NHÂN MÙI
Khánh thành cầu Sông Hàn, ngày 29-3-2000. Ảnh: NHÂN MÙI

Nhìn lại tiến trình phát triển đó, dường như lịch sử đã chọn Đà Nẵng làm điểm đi đầu và cũng là nơi bắt đầu cho những bước đi đầy ấn tượng cả trong cuộc chiến chống thực dân Pháp, đế quốc Mỹ và  trong thời kỳ xây dựng và phát triển đất nước.

Đó là ngày 30-8-1858, cửa sông Hàn dậy sóng, khi đội quân kiên cường của nhà Nguyễn đã anh dũng chiến đấu ở thành Điện Hải để chống chọi lại các đợt tấn công khốc liệt của liên quân thực dân Pháp - Tây Ban Nha, buộc chúng phải thoái lui sau 2 năm giằng co khi không đè bẹp được ý chí và quyết tâm của quân và dân xứ Quảng anh hùng.

Đó là ngày 8-3-1965, sau những thất bại nặng nề của chính quyền Sài Gòn, Mỹ mở rộng sự can thiệp vào Việt Nam. Để làm được điều đó, Mỹ trắng trợn đưa quân vào Việt Nam. Dưới sự phê chuẩn của Tổng thống Lyndon B Johnson, những tốp lính Mỹ đầu tiên đổ bộ bãi biển Đà Nẵng, khởi đầu cho cuộc chiến khốc liệt và kéo dài suốt 10 năm sau đó mà chiến thắng cuối cùng thuộc về dân tộc Việt Nam anh hùng. Quân dân Đà Nẵng đã đi đầu trong phong trào dám đánh Mỹ, diệt Mỹ và chiến thắng một cách vẻ vang.

Có thể nói trong cuộc chiến tranh chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, Đà Nẵng được xem như người lính tiên phong chống chọi với kẻ thù hung bạo nhất của thời đại, để từ đó khơi nguồn cho sức mạnh của toàn dân tộc làm nên những chiến thắng vẻ vang nhất trong thế kỷ XX.

… Và khi bước vào giai đoạn xây dựng và phát triển đất nước sau cuộc chiến tranh giải phóng dân tộc đầy hy sinh, gian khổ suốt 117 năm trước đó, quả là một chặng đường biết bao cam go thử thách. Nhưng ý Đảng và lòng dân đã hòa quyện làm nên sức mạnh phi thường.

Khi còn là một thành phố thuộc tỉnh, Đà Nẵng cũng muốn vươn lên nhưng không thể vượt qua những rào cản do cơ chế chính sách của một địa phương thuộc tỉnh.

Cho đến ngày 6-11-1996, kỳ họp thứ 10 Quốc hội khóa IX ra nghị quyết chia tỉnh Quảng Nam-Đà Nẵng để tái lập tỉnh Quảng Nam và thành phố Đà Nẵng trực thuộc Trung ương, Đà Nẵng bắt đầu vươn mình đi lên bằng những nỗ lực không ngừng.

Có thể nói để Đà Nẵng vượt qua những khó khăn, thử thách, vượt qua chính mình, thậm chí phải trả những giá đắt cho sự đổi mới, từng bước tạo nên những thành tựu đầy ấn tượng trong phát triển kinh tế-xã hội, quốc phòng-an ninh cả trước mắt và lâu dài.

Trong hành trình đó, Đà Nẵng đã có hai bước ngoặt lớn với hai nghị quyết của Bộ Chính trị.

Đó là, sau 6 năm trở thành đơn vị hành chính trực thuộc Trung ương, năm 2003, cả tập thể Bộ Chính trị đã vào thăm Đà Nẵng và làm việc với lãnh đạo thành phố để lắng nghe những ý kiến, nguyện vọng và mục tiêu, biện pháp để phát triển kinh tế- xã hội, quốc phòng-an ninh cho trước mắt và lâu dài.

Nghị quyết số 33-NQ/TW của Bộ Chính trị “Về xây dựng và phát triển thành phố Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước” đã thật sự trở thành một động lực mạnh mẽ cho Đà Nẵng suốt 15 năm sau đó.

Đây là giai đoạn Đà Nẵng đã tạo dựng nên cơ sở hạ tầng khá đồng bộ. Cơ cấu kinh tế chuyển dịch nhanh theo hướng “dịch vụ - công nghiệp - nông nghiệp”. Năng lực cạnh tranh của nền kinh tế được cải thiện, môi trường đầu tư thông thoáng, chú trọng phát triển các ngành, sản phẩm có hàm lượng công nghệ cao, tạo giá trị gia tăng lớn và có lợi thế cạnh tranh.

Công tác quy hoạch phát triển được thực hiện tốt, tốc độ đô thị hóa diễn ra nhanh, xây dựng kết cấu hạ tầng, chỉnh trang đô thị tạo được dấu ấn rõ nét, quy mô đô thị mở rộng. Nhiều công trình trọng điểm hoàn thành đưa vào sử dụng, nhất là giao thông, tạo nền tảng thúc đẩy phát triển các ngành, lĩnh vực khác, vừa làm thay đổi cơ bản diện mạo đô thị thành phố theo hướng văn minh, hiện đại; tăng cường kết nối, thông thương, phát triển kinh tế của miền Trung.  

Thành phố đã kịp thời định hướng phát triển nhanh, khá toàn diện trên lĩnh vực thương mại, bước đầu đảm nhận vai trò trung tâm phát luồng bán buôn đối với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên. Hạ tầng du lịch được tập trung đầu tư, hình thành nhiều khu du lịch, tour, tuyến, sản phẩm, từng bước liên kết và tạo không gian kinh tế du lịch thống nhất toàn vùng.

Nhằm khai thác tiềm năng kinh tế biển, gắn với bảo vệ an ninh và chủ quyền biển đảo, thành phố đã đầu tư xây dựng, nâng cấp, hiện đại hóa kết cấu hạ tầng kỹ thuật phục vụ kinh tế biển như: cảng biển, khu công nghiệp dịch vụ chế biến thủy sản, cảng cá, âu thuyền trú bão, các khu du lịch cao cấp và các tuyến đường ven biển.  

Văn hóa-xã hội của thành phố có bước phát triển khá. Chính sách an sinh xã hội đạt kết quả tốt, thực hiện có hiệu quả chương trình “Thành phố 5 không, 3 có”. Quy mô và chất lượng giáo dục và đào tạo, khoa học và công nghệ, y tế được mở rộng và nâng cao.

Thành phố đã ưu tiên đầu tư, phối hợp, phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, dạy nghề, từng bước khẳng định vai trò, vị trí của Đà Nẵng là trung tâm giáo dục-đào tạo nguồn nhân lực lớn của Vùng và cả nước…

Đời sống vật chất và tinh thần của nhân dân được cải thiện rõ rệt. Chính trị, xã hội ổn định, quốc phòng an ninh được tăng cường. Công tác xây dựng Đảng, hệ thống chính trị có nhiều cố gắng và đạt nhiều kết quả tích cực.  

Thành phố có nhiều cách làm mới, sáng tạo trong chỉ đạo, điều hành, trong công tác cán bộ, xây dựng nguồn nhân lực, quan tâm cải cách hành chính, huy động được sức mạnh tổng hợp, phát huy được vai trò của người đứng đầu, dám nghĩ, dám làm, dám chịu trách nhiệm…

Tuy nhiên, Đảng và Nhà nước đòi hỏi Đà Nẵng phải vươn lên tầm cao mới, mạnh mẽ hơn, sáng tạo hơn, phải trở thành đầu tàu của cả khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Vì thế, ngày 24-1-2019, Bộ Chính trị ban hành Nghị quyết số 43-NQ/TW về xây dựng và phát triển TP. Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, mong muốn Đà Nẵng trở thành đô thị lớn, sinh thái và thông minh, là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới sáng tạo và thành phố biển đáng sống đạt đẳng cấp khu vực châu Á vào năm 2045.

Đây thật sự là động lực, là điểm nhấn và cũng là trách nhiệm lớn lao mà Đà Nẵng phải hành động để chứng minh là nơi từng “đứng đầu” những cột mốc quan trọng trong tiến trình phát triển của lịch sử dân tộc.

Để cụ thể hóa Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, Đà Nẵng đã đề ra các chương trình hành động cụ thể như: thu hút đầu tư; xây dựng thành phố thông minh; chính quyền điện tử; nơi có phong trào khởi nghiệp hàng đầu của đất nước; điểm đến du lịch đa dạng và  hấp dẫn; nơi có cuộc sống an bình cho mọi người dân…

Ảnh: TRUNG THU
Ảnh: TRUNG THU

Như Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa trong một bài viết về Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đã nhấn mạnh: Với nghị quyết này, Đà Nẵng sẽ phát triển bền vững hơn trong thời gian tới, với mục tiêu xây dựng Đà Nẵng trở thành đô thị lớn theo hướng sinh thái, thông minh, có hạ tầng kỹ thuật và hạ tầng xã hội bảo đảm cho một thành phố biển năng động, đầy sức cạnh tranh, hiện đại ở tầm vực quốc tế; trở thành trung tâm du lịch, thương mại, tài chính, logistics, công nghiệp công nghệ cao, công nghệ thông tin, công nghiệp hỗ trợ ở khu vực và là trung tâm hội nghị quốc tế; là địa bàn giữ vị trí chiến lược quan trọng về quốc phòng-an ninh của khu vực và cả nước; một động lực phát triển của Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung và khu vực miền Trung-Tây Nguyên.

Nhưng để đưa Nghị quyết số 43-NQ/TW của Bộ Chính trị thành hiện thực trong cuộc sống trước mắt cũng như đến năm 2045, là trách nhiệm lớn lao của Đảng bộ, chính quyền và nhân dân Đà Nẵng. Đà Nẵng phải tiếp tục đổi mới mạnh mẽ, toàn diện hơn nữa; phải đối mặt với những cam go, thử thách, cả khó khăn, thất bại; thậm chí phải trả giá cho những sai lầm khuyết điểm… để tiếp tục tạo nên kết quả đáng tự hào trên tinh thần vì một Đà Nẵng thân yêu, vốn có truyền thống đi đầu trong những bước ngoặt mang tính lịch sử của dân tộc Việt Nam.

Những gì mà Đà Nẵng đã và đang làm được trong chặng đường vừa qua, nhất là với bài học hàng đầu về “sự đồng thuận giữa ý Đảng, lòng dân”, chúng ta có quyền hy vọng Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị sẽ là luồng sinh khí mới, khơi nguồn cho sức mạnh tinh thần phát triển và  huy động tiềm lực vật chất để Đảng bộ, chính quyền, nhân dân thành phố biến các mục tiêu đặt ra thành hiện thực trong cuộc sống, góp phần xây dựng đất nước Việt Nam giàu đẹp hơn như mong muốn của Bác Hồ kính yêu.

Tuyết Minh

;
;
.
.
.
.
.