Kết luận phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019 diễn ra ngày 31-5, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với “tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại cuộc họp. Ảnh: VGP |
Lưu ý về các rủi ro, thách thức bên ngoài khó lường, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ áp lực lạm phát vẫn hiện hữu, nếu chúng ta không khéo kiểm soát, không khéo phối hợp chính sách và truyền thông, giải tỏa tâm lý lạm phát thì khả năng CPI bình quân tăng vượt 4% năm 2019 có thể xảy ra.
Nêu một số định hướng điều hành vĩ mô thời gian tới, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh quyết tâm hoàn thành tất cả các chỉ tiêu năm 2019, tăng trưởng GDP phấn đấu đạt 6,8%, kiểm soát lạm phát dưới 4% với “tinh thần là thắng không kiêu, bại không nản, không lùi bước trước khó khăn, thách thức của toàn cầu”.
Trước rủi ro bên ngoài, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giao Bộ Công thương chủ trì, tiếp tục theo dõi, bám sát, cập nhật và đánh giá đầy đủ tác động của căng thẳng thương mại Mỹ - Trung, đưa ra các giải pháp, kịch bản kịp thời, phù hợp, trong đó có giải pháp đa dạng hóa thị trường, tập trung phát triển thị trường trong nước… Các bộ, ngành liên quan phải quan tâm phát triển doanh nghiệp công nghệ, tìm và mời các doanh nghiệp công nghệ lớn của thế giới vào đầu tư tại Việt Nam…
Ngân hàng Nhà nước là đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá, dự báo tác động của thị trường tài chính, tiền tệ quốc tế đối với tỷ giá, lãi suất để có giải pháp kịp thời; tiếp tục tăng dự trữ ngoại hối, tạo bước đệm chống chọi với cú sốc bên ngoài. Các bộ, ngành, cơ quan phải tìm động lực tăng trưởng mới và “phải xem lại Diễn đàn Kinh tế tư nhân vừa qua chú trọng giải pháp nào để đưa vào cuộc sống, từ đất đai, công nghệ, chuỗi giá trị, thúc đẩy xuất khẩu, các dự án lớn thế nào, những vướng mắc nào cần tháo gỡ. Phải giảm lãi suất ở mức độ nào mà rất nhiều đại biểu Quốc hội nói cần nghiên cứu việc giảm lãi suất”, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc lưu ý Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quan tâm vấn đề này.
Nhấn mạnh việc ổn định kinh tế vĩ mô, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ không tăng giá dịch vụ công dồn dập vào một thời điểm, tăng cường truyền thông, giám sát hành vi thao túng giá, bảo đảm kiểm soát lạm phát theo đúng mục tiêu đề ra. Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính tiền tệ quốc gia phải tăng dày các cuộc họp đánh giá, phân tích.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đề nghị tiếp tục phân tích vấn đề mà Quốc hội thảo luận ngày 31-5 là đánh giá tác động đa cấp của việc tăng giá điện, xăng dầu, đánh giá biểu giá, phương thức tính giá để đề xuất giải pháp phù hợp hơn, nhất là đối với người dân, cần tăng cường truyền thông, hạn chế bức xúc. Bộ Tài chính, mà trước hết là Ủy ban Chứng khoán Nhà nước, làm đầu mối tiếp tục theo dõi, đánh giá thị trường chứng khoán, tăng cường đánh giá, theo dõi dòng vốn đầu tư, nhất là đầu tư gián tiếp qua kênh thị trường chứng khoán để kiểm soát rủi ro, tình trạng chảy vốn và rủi ro lan truyền. Các bộ, ngành, địa phương đẩy mạnh nghiên cứu, chủ động tăng năng lực tiếp cận khai thác hiệu quả cách mạng công nghiệp 4.0 vào lĩnh vực, công việc của mình. Đẩy mạnh tiến độ chính quyền điện tử, đồng thời quan tâm, tạo điều kiện, nhất là xây dựng hành lang pháp lý, định hướng hỗ trợ doanh nghiệp tăng năng lực ứng dụng kinh tế số…
Nhấn mạnh nâng cao chất lượng thể chế, chính sách, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, cần cắt giảm điều kiện kinh doanh không cần thiết theo đúng tiến độ, chất lượng đề ra; không cắt giảm hình thức, không để lợi ích nhóm chi phối. Các Bộ: Công an, Giao thông vận tải, Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban An toàn giao thông quốc gia, các địa phương có giải pháp quyết liệt nhằm giảm thiểu các vấn nạn, các tồn tại trong lĩnh vực xã hội mà người dân, báo chí phản ánh nhiều như bạo lực học đường, gian lận thi cử, bảo đảm kỳ thi sắp tới trong sạch, minh bạch, thành công. Bộ Giáo dục và Đào tạo có phương án chặt chẽ; các địa phương chủ động, phải chịu trách nhiệm trước Đảng, Nhà nước, nhân dân về chất lượng kỳ thi, bảo đảm an toàn tuyệt đối. Thủ tướng đặc biệt lưu ý việc phòng chống dịch tả lợn châu Phi với tinh thần “chống dịch như chống giặc”; có phương án bảo đảm không thiếu hụt nguồn cung thịt cho người dân cũng như có phương án tái đàn, nuôi gia súc, gia cầm khác.
Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra đất đai tại Đà Nẵng Cung cấp thông tin cho báo chí tại buổi họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 5-2019, Phó Tổng Thanh tra Chính phủ Bùi Ngọc Lam cho biết, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước (TP. Đà Nẵng). “Trong thời gian gần nhất, chúng tôi sẽ ban hành, công bố kết luận này”, ông Bùi Ngọc Lam nhấn mạnh. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, liên quan đến cuộc thanh tra việc quản lý và sử dụng đất đai tại bán đảo Sơn Trà và Khu đô thị quốc tế Đa Phước, Thanh tra Chính phủ đã nhận được văn bản của Đoàn đại biểu Quốc hội TP Đà Nẵng đề nghị cho biết thông tin, tiến độ thanh tra. “Chúng tôi đã có công văn phúc đáp đoàn Đại biểu Quốc hội TP. Đà Nẵng”, Phó Tổng Thanh tra Bùi Ngọc Lam hcho biết. Theo Phó Tổng Thanh tra Chính phủ, bán đảo Sơn Trà có vị trí đặc biệt, gắn với nhiều yếu tố: An ninh - quốc phòng, môi trường sinh thái, rừng, đất đai, đầu tư xây dựng cơ bản gắn với sự phát triển kinh tế xã hội của TP Đà Nẵng. Sau khi hoàn thành dự thảo kết luận thanh tra, Thanh tra Chính phủ đã làm việc với TP. Đà Nẵng để nghe các đơn vị báo cáo giải trình. Phó Thủ tướng Thường trực Trương Hòa Bình cũng có 2 cuộc họp với các bộ, ngành có liên quan như Bộ Công an, Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Xây dựng, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn…. để bàn những giải pháp được đặt ra. “Hiện, Thanh tra Chính phủ đã hoàn thiện dự thảo kết luận thanh tra và thời gian gần nhất sẽ ban hành, công bố kết luận này”, Phó Tổng Thanh Bùi Ngọc Lam tra nhấn mạnh. (Theo TTXVN) |
Theo Chinhphu.vn