Qua 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị về xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong thời kỳ công nghiệp hóa, hiện đại hóa, Đà Nẵng đã chuyển dịch cơ cấu từ khu vực có năng suất thấp (khu vực Nông nghiệp) sang khu vực có năng suất cao (khu vực Dịch vụ và Công nghiệp) khá nhanh; các chỉ số phát triển con người, mức sống dân cư, bảo vệ môi trường sinh thái luôn duy trì ở mức tốt. GRDP bình quân đầu người năm 2018 ước đạt 82,8 triệu đồng (3.677 USD), gấp gần 7 lần năm 2003 và 1,45 lần cả nước, đạt cao so với Vùng kinh tế trọng điểm miền Trung 1,42 lần và đạt khá so với một số địa phương tương đồng và năng động cả nước.
Cần xây dựng đội ngũ cán bộ tài năng, tâm huyết, nhiệt tình cống hiến vì mục tiêu phát triển thành phố. Trong ảnh: Cán bộ bộ phận một cửa ở quận Ngũ Hành Sơn hướng dẫn người dân đến giải quyết thủ tục hành chính. Ảnh: Trọng Hùng |
Tổng kết Nghị quyết 33-NQ/TW, ngoài những hạn chế đã được Bộ Chính trị chỉ ra thì Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa XII) về xây dựng và phát triển Đà Nẵng đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 cũng đã đề cập về hạn chế của yếu tố “con người” là: “Chất lượng cán bộ, nhất là ở cấp cơ sở chưa đáp ứng được yêu cầu” và “Công tác xây dựng Đảng còn nhiều hạn chế, khuyết điểm, nhất là trong công tác cán bộ”.
Vấn đề con người, nhất là công tác cán bộ (ở cả lĩnh vực công và tư) đều rất quan trọng cho sự phát triển cũng như việc triển khai những quyết sách của một quốc gia, một vùng lãnh thổ hay một doanh nghiệp.
Chủ tịch Hồ Chí Minh rất coi trọng vai trò của con người, Người luôn khẳng định quan điểm coi con người (đặc biệt là đội ngũ cán bộ) là trung tâm của sự phát triển, “cán bộ là cái gốc của mọi công việc”, “Công việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém”, tư tưởng đó vẫn còn nguyên giá trị; yếu tố “con người” sẽ là chìa khóa thành công cho Đà Nẵng trong quá trình triển khai thực hiện Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Để phát triển thành phố Đà Nẵng theo hướng đô thị sinh thái, hiện đại, thông minh, mang tầm quốc tế và có bản sắc riêng, hơn lúc nào hết, Đà Nẵng cần có cơ chế, chính sách thu hút, đào tạo, bồi dưỡng và sử dụng nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng yêu cầu của cuộc cách mạng công nghiệp lần thứ tư, gắn với mục tiêu mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đặt ra, tập trung vào 3 trụ cột lớn cho phát triển Đà Nẵng trong thời gian tới, đó là phát triển về du lịch, công nghiệp công nghệ cao, phát triển một thành phố cảng biển, với 5 lĩnh vực mũi nhọn: Du lịch, dịch vụ chất lượng cao gắn với bất động sản nghỉ dưỡng; cảng biển, hàng không gắn với dịch vụ logistics; công nghiệp công nghệ cao gắn với xây dựng đô thị sáng tạo khởi nghiệp; công nghiệp công nghệ thông tin, điện tử viễn thông gắn với kinh tế số; sản phẩm nông nghiệp công nghệ cao và ngư nghiệp.
Trước hết, chúng ta cần phải có những quyết sách đồng bộ, kịp thời trong công tác cán bộ, thực hiện tốt tiến trình đổi mới mô hình và nâng cao chất lượng tăng trưởng, năng suất lao động và sức cạnh tranh của nền kinh tế nhằm đưa Đà Nẵng trở thành thành phố sự kiện, là trung tâm thu hút các sự kiện tầm cỡ quốc tế.
Chúng ta cần ban hành các chủ trương, quyết sách linh hoạt, táo bạo trong công tác cán bộ, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao; cần nhanh chóng nghiên cứu xây dựng, hiện thực hóa chủ trương của Bộ Chính trị để các cơ chế đặc thù sớm được áp dụng vào thực tiễn phát triển của Đà Nẵng; cần có sự cho phép của Trung ương để Đà Nẵng tự chủ và phân bổ về biên chế, con người làm việc trong bộ máy hành chính, phù hợp với mô hình quản lý đô thị ở từng lĩnh vực nhằm bảo đảm nguồn nhân lực thực hiện nhiệm vụ chính trị, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao, đồng thời đảm bảo thực hiện quy định về quản lý biên chế, giải quyết tình trạng hợp đồng lao động trong cơ quan hành chính song không tăng tổng biên chế được Chính phủ giao. Cùng với đó là cơ chế chi trả tiền lương phải vượt trội hơn, không thể theo hệ số chung như hiện nay, nhằm có cơ hội thu hút nhân tài, giữ chân nguồn nhân lực chất lượng cao.
Một trong những vấn đề mang tính căn bản và chiều sâu của thành phố đáng sống là dựa vào khả năng thu hút nguồn nhân lực lưu động trên phạm vi toàn cầu, nhất là thu hút và giữ chân được người tài, cùng các doanh nghiệp đến với Đà Nẵng để tìm cơ hội đầu tư, kinh doanh, sản xuất và sinh sống. Vì vậy, Đà Nẵng phải tạo ra môi trường sống tốt, thân thiện, hài hòa; có cơ chế, chính sách đầu tư thông thoáng, cởi mở, có điều kiện làm việc, sản xuất, kinh doanh thuận lợi, bình đẳng,…
Có thế Đà Nẵng mới thu hút và giữ chân được các đối tượng này, có thêm các nguồn lực mới cho sự phát triển nhanh, bền vững theo định hướng của Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị. Đó là chưa kể, cần hướng đến việc xây dựng Đà Nẵng trở thành một vùng đô thị (tương tự như vùng đô thị Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh) bao gồm chuỗi đô thị từ Lăng Cô, Điện Bàn, Hội An mà hạt nhân lan tỏa là đô thị Đà Nẵng, thì vấn đề con người, về nguồn nhân lực, nhất là nhân lực trong lĩnh vực công là vô cùng quan trọng.
Chúng ta tạo cơ chế, chính sách thông thoáng giúp cho nhà đầu tư tìm thấy cơ hội của họ tại Đà Nẵng, mà cũng chỉ có như vậy Đà Nẵng mới có nhiều dư địa để phát triển trên 5 lĩnh vực mũi nhọn mà Nghị quyết 43-NQ/TW đã đề ra.
Để thu hút các chuyên gia giỏi về với Đà Nẵng ở cả lĩnh vực công và tư, nếu chúng ta chỉ chú trọng đến việc tìm cách mời gọi, có chính sách giữ chân người tài thì vẫn chưa đủ. Trong nhiều ý kiến của các nhà đầu tư nước ngoài, từng góp ý cho Đà Nẵng, rằng yếu tố “nhân tài” vẫn là cái cần cho sự phát triển theo định hướng trong tương lai của Đà Nẵng.
Theo ông Takizawa, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Đà Nẵng thì cần có môi trường sống tốt, hạ tầng đô thị văn minh, hiện đại, vì: “Nếu người Đà Nẵng có môi trường sống tốt thì thành phố sẽ thu hút được nhiều nhân lực chất lượng cao và nhà đầu tư”.
Tương tự ý kiến trên, ông Philip Tan, Giám đốc điều hành Tập đoàn Quy hoạch Surbana Jurong cũng cho rằng: “Đà Nẵng cần thu hút dân cư, nhân tài, muốn vậy cần nhà ở, cơ hội việc làm”. Điều đó cho thấy, vấn đề con người luôn là chìa khóa cho sự thành công của mỗi doanh nghiệp và cũng như mỗi địa phương, nhất là nhân lực chất lượng cao, vấn đề then chốt để chúng ta thực hiện thành công Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Sau 15 năm thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW, chúng ta nhận ra rằng: Việc thiếu hụt các chuyên gia, nguồn nhân lực chất lượng cao tại một số lĩnh vực; chất lượng nguồn nhân lực và đội ngũ trí thức khoa học chưa ngang tầm với yêu cầu phát triển; thiếu cán bộ có chuyên môn sâu, cán bộ đầu ngành có trình độ cao để tổ chức thực hiện các nhiệm vụ có tính liên ngành, liên vùng đang trở thành vấn đề cần chú ý và là điểm nghẽn cho phát triển của Đà Nẵng.
Chính điểm nghẽn đó cũng tác động đến công tác phối hợp, chỉ đạo, điều hành giữa các cấp, các ngành và địa phương, làm giảm sự năng động, sáng tạo của cơ sở. Kết quả thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Đà Nẵng cũng đã chỉ ra rằng: “Công tác cán bộ tuy có nhiều đổi mới nhưng có lúc, có nơi còn bị động, chưa đáp ứng nhu cầu thực tiễn, thiếu các chuyên gia đầu ngành, thiếu cán bộ có tính chuyên nghiệp cao, năng lực vượt trội”. Một số cấp ủy, người đứng đầu chưa làm tốt công tác lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả các nghị quyết, chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.
Vì vậy, để thực hiện tốt Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị, ngoài việc sẽ tập trung xây dựng và phát triển 3 trụ cột lớn với 5 lĩnh vực mũi nhọn như đã nêu ở phần trên, Đà Nẵng phải thực sự chú trọng đến việc thu hút, sử dụng đội ngũ cán bộ tài năng, tâm huyết, nhiệt tình cống hiến vì mục tiêu phát triển thành phố nhằm giúp lãnh đạo thành phố điều hành một cách hiệu quả các mục tiêu đã đề ra.
Bởi trong việc phối hợp với các bộ, ngành của Trung ương trong việc ban hành các cơ chế mới cho Đà Nẵng, mà không có người “biết việc”, có khả năng “đeo bám” ngay từ đầu việc tham mưu chính sách cho đến khi việc ban hành được chính sách ấy là sẽ gặp khó khăn, vì “độ trễ” từ chủ trương đến chính sách được áp dụng thường là rất lớn.
Nếu các ngành, các cấp, các lĩnh vực trọng điểm mà Nghị quyết 43-NQ/TW đề ra mà không có những cán bộ am hiểu, dám nghĩ, dám làm thì không thể thực hiện một cách trôi chảy và hiệu quả được. Nếu các mục tiêu chiến lược của Đà Nẵng theo tinh thần Nghị quyết 43-NQ/TW không được tổ chức thực hiện, kiểm tra, giám sát, tổng kết, kịp thời phát hiện những vướng mắc để tham mưu cho lãnh đạo thành phố tìm hướng giải quyết thì khó lòng đạt được kết quả như mong muốn… Tất cả những điều ấy đều xuất phát từ yếu tố “con người” và thành hay bại đều do “con người”. Điều này đã được chúng ta rút ra sau 15 năm chúng ta thực hiện Nghị quyết 33-NQ/TW của Bộ Chính trị.
Mục tiêu mà Nghị quyết 43-NQ/TW của Bộ Chính trị đề ra là đến năm 2045, Đà Nẵng sẽ trở thành đô thị lớn, sinh thái, thông minh và là trung tâm khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo và thành phố biển đáng sống, đạt đẳng cấp khu vực châu Á, một thương hiệu quốc tế về điểm đến, điểm sống và làm việc; là hạt nhân phát triển, đầu tàu hội nhập của miền Trung và Tây Nguyên; có vị trí, vai trò to lớn hơn đối với sự nghiệp phát triển của đất nước và góp phần nâng cao vị thế của Việt Nam trên trường quốc tế.
Để có được một Đà Nẵng như mong muốn ấy, hơn lúc nào hết, chúng ta cần phải xây dựng và giữ gìn sự đoàn kết, phát huy sức mạnh đồng thuận để đạt được các mục tiêu với tầm nhìn dài hạn, thực hiện tốt các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, của thành phố, xây dựng và sử dụng một cách hiệu quả, đúng người, đúng việc, hình thành một đội ngũ cán bộ “có tầm”, có tâm huyết, có quyết tâm chính trị và khát vọng phát triển; trong thực hiện công vụ thì luôn dám nghĩ, dám làm, biết đặt lợi ích của cộng đồng lên trên lợi ích cá nhân, biết tự kiềm chế những tham vọng cá nhân đời thường cho sự phát triển đi lên của thành phố.
Đặc biệt là cần có những người tiên phong, là đầu tàu dẫn dắt ở các mục tiêu trọng điểm - một trong những nhân tố quan trọng, mang tính quyết định, tạo động lực to lớn, thúc đẩy và cổ vũ cho sự nghiệp xây dựng và phát triển Đà Nẵng trong giai đoạn mới.
TRẦN ĐÌNH HỒNG, Ủy viên Ban Thường vụ, Trưởng ban Tuyên giáo Thành ủy