Hỗ trợ người sau cai

.

Thời gian qua, thành phố đã có nhiều hoạt động hỗ trợ, động viên, tạo việc làm giúp người sau cai hòa nhập cộng đồng, trở thành người có ích cho xã hội.

Người sau cai nghiện tham gia trao cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.
Người sau cai nghiện tham gia trao cơm từ thiện cho bệnh nhân nghèo tại một bệnh viện trên địa bàn thành phố Đà Nẵng.

Nghe lời bạn bè rủ rê nên H. (33 tuổi, ở phường Tam Thuận, quận Thanh Khê) sa vào con đường nghiện ma túy đã gần chục năm nay. Người thân khuyên can, bạn bè xa lánh nên H. đã nhiều lần muốn từ bỏ nhưng rồi vẫn “ngựa quen đường cũ”, chỉ đến khi H. trải qua 4 năm cai nghiện và học nghề tại Cơ sở xã hội Bầu Bàng, mọi thứ mới thay đổi. “Các anh chị, cô chú ở địa phương đã bảo ban tôi rất nhiều. Cha mẹ cũng đã khổ nhiều vì tôi. Tôi sẽ cố gắng sống thật tốt để thành người có ích”, H. chia sẻ.

Anh Nguyễn Nam Thắng, cán bộ chuyên trách công tác phòng chống tệ nạn xã hội ở phường Tam Thuận, người đã 3 lần đón H. trở về từ trung tâm cai nghiện chia sẻ, ban đầu khi tiếp cận để giúp đỡ H, anh chỉ gặp sự lảng tránh, bất hợp tác. “Mưa dầm thấm lâu”, sau một thời gian tiếp cận, động viên, H. đã coi anh như bạn và nhận ra sai lầm. Một gia đình nhỏ với vợ và đứa con bé bỏng cũng đã trở thành động lực, tiếp thêm sức mạnh để H. vượt qua khó khăn, trở về nẻo thiện. Bây giờ, H. đã có một tổ ấm hạnh phúc cùng công việc ổn định tại một công ty may trên địa bàn.

Còn với K. (28 tuổi, ở xã Hòa Sơn, huyện Hòa Vang), vốn tính ham chơi, K. nhanh chóng nghe theo bạn bè xấu rủ rê lún sâu vào ma túy. Để có tiền đáp ứng những cơn thèm thuốc, K. đã trộm cắp, thậm chí lấy luôn cả những vật dụng trong nhà để mang đi bán. Sau khi được gia đình đưa vào Cơ sở xã hội Bầu Bàng để cai nghiện tự nguyện, K. trở về với quyết tâm, mong muốn làm lại cuộc đời.

Nhưng rồi, sau 4 năm, K. tái nghiện. Lần này, gia đình đã đăng ký cho K. cai nghiện tại cộng đồng. Sau khi được hỗ trợ cắt cơn tại bệnh viện, K. còn được các cán bộ đoàn thể đến nhà động viên chia sẻ. Nhờ nguồn vốn vay từ địa phương, K. chăn nuôi heo, gà và mang về thu nhập kha khá cho gia đình, đồng thời không tái nghiện.

Ông Lương Vĩnh Thái, Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội thành phố cho biết, hiện nay toàn thành phố có khoảng hơn 752 người đang được quản lý sau cai nghiện tại nơi cư trú, trong đó số người có việc làm là 465 người, chiếm tỷ lệ 62%. Định kỳ, các đơn vị đều tổ chức kiểm danh, kiểm diện, kiểm tra đột xuất đối với người có nguy cơ tái nghiện. Cuối quý, ban chỉ đạo phường, xã cùng cán bộ đoàn thể được phân công theo dõi, giúp đỡ, giáo dục người sau cai nghiện tiến hành họp, kiểm điểm, nhận xét về quá trình rèn luyện, tu dưỡng của người sau cai nghiện.

Theo ông Thái, thời gian qua, các địa phương đã có nhiều hoạt động hỗ trợ người sau cai. Đơn cử như quận Hải Châu hỗ trợ học nghề và giải quyết việc làm cho 59 lượt đối tượng đang quản lý sau cai; quận Thanh Khê giúp 50 người đang quản lý sau cai và cai nghiện tại gia đình, cộng đồng số tiền hơn 23 triệu đồng; quận Sơn Trà hỗ trợ kinh phí cho 6 đối tượng nghiện ma túy tham gia mô hình cảm hóa giáo dục, học nghề và định hướng nghề nghiệp với số tiền 60 triệu đồng...

Để người sau cai nghiện ổn định cuộc sống, tránh xa tệ nạn xã hội, UBND thành phố vừa hỗ trợ đợt 2 cho 72 người và đợt 3 cho 30 người cai nghiện ma túy thành công từ 5 năm trở lên không tái nghiện số tiền 10 triệu đồng/người. Bên cạnh đó, người sau cai còn được hỗ trợ vay vốn ưu đãi theo hộ gia đình với định mức vay và lãi suất vốn vay ưu đãi; hỗ trợ sinh kế, phương tiện, công cụ làm ăn, tư vấn nghề…

Bài và ảnh: HƯƠNG SEN

;
;
.
.
.
.
.