Đón lấy cơ hội hàng trăm chiến sĩ cộng sản lần lượt ra tù quay về sau ngày Nhật đảo chính lật Pháp (9-3-1945), Tỉnh ủy Quảng Nam liền phân công đảng viên đi các địa phương xây dựng tổ chức cơ sở Đảng và các tổ chức quần chúng. Với Đà Nẵng, Tỉnh ủy phân công đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ trực tiếp phụ trách, lập lại chi bộ Đảng và tăng cường cán bộ hoạt động cho thành phố.
Chỉ sau một thời gian ngắn, phong trào cách mạng của thành phố đã được phục hồi nhanh chóng. Mặt trận Việt Minh với tên gọi “Việt Minh thành Thái Phiên” được thành lập. Cả 3 khu phố đều có cơ sở cứu quốc. Cơ sở cách mạng được xây dựng trong các công tư sở của thành phố. Ở 19 xã của thành phố đều có tự vệ mật. Lực lượng vũ trang đã có tới 1.500 đội viên gồm 4 đại đội, 3 trung đội và một số tiểu đội trong các công sở lớn.
Lệnh khởi nghĩa của Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh Quảng Nam. (Ảnh tư liệu của Ngô Văn Minh) |
Chiều 15-8-1945, qua một cơ sở của Việt Minh làm trong Sở Hiến binh Nhật ở Đà Nẵng cho biết, phát xít Nhật đã đầu hàng quân Đồng Minh, đồng chí Huỳnh Ngọc Huệ cấp tốc báo tin này cho Tỉnh ủy Quảng Nam đang họp tại xã Tam Xuân (nay thuộc huyện Núi Thành, tỉnh Quảng Nam) biết.
Nhận được thông tin cực kỳ quan trọng này Tỉnh ủy Quảng Nam liền chuyển hẳn sang bàn kế hoạch khởi nghĩa và quyết định khởi nghĩa giành chính quyền, không bị động ngồi chờ lệnh khởi nghĩa của Trung ương.
Riêng với Đà Nẵng và Hòa Vang là hai nơi Nhật đóng quân đông, không thể khởi nghĩa cùng một lúc với các phủ, huyện nên Tỉnh ủy chủ trương phải có kế hoạch riêng để tránh đổ máu trong lúc khởi nghĩa.
Đêm 17-8-1945, Ủy ban bạo động Việt Minh tỉnh Quảng Nam phát đi lệnh khởi nghĩa, kêu gọi: “toàn thể đồng bào ái quốc, tất cả chiến sĩ cứu quốc, các cấp bộ Việt Minh trong toàn tỉnh, hãy võ trang bạo động giành chính quyền về tay nhân dân, hãy xông vào chiếm lĩnh tòa Công sứ, tỉnh đường, các phủ huyện đường, các đồn binh, công thự..., bắt bọn bù nhìn tay sai và bảo an binh đầu hàng nộp khí giới cho cách mạng, diệt trừ bọn Việt gian phản quốc, giành toàn thắng về tay nhân dân”. Cuộc khởi nghĩa giành chính quyền đã diễn ra nhanh gọn ngay trong ngày và đêm 18-8-1945 ở các phủ huyện của Quảng Nam.
Với Đà Nẵng, để tiến hành khởi nghĩa, trước mắt phải giải quyết dứt điểm khởi nghĩa ở Hòa Vang.
Tuy tại Hòa Vang đã có khởi nghĩa giành chính quyền tại hai tổng An Phước và Thái Hòa trong hai ngày 17 và 18-8, nhưng huyện đường Hòa Vang nằm sát nách Đà Nẵng, nếu giải quyết không tốt có thể quân Nhật sẽ can thiệp, dẫn đến đổ máu.
Khi nắm được tin viên Tri huyện Hòa Vang có ý định chờ Việt Minh đến để giao chính quyền, nhận thấy không cần thiết phải đưa quần chúng biểu tình tiến đến huyện đường như đã làm ở các tổng của Hòa Vang, Ủy ban khởi nghĩa Đà Nẵng cử hai đội viên tự vệ, vũ trang bằng súng lục tới huyện đường trao lệnh cho viên Tri huyện, buộc tự giao chính quyền, hạ cờ quẻ ly, treo cờ đỏ sao vàng lên.
Ủy ban khởi nghĩa còn cho tự vệ bí mật bắt nhóm Mai Trọng Tánh, chặn đứng âm mưu giả danh Việt Minh để cướp chính quyền của nhóm thân Nhật này. Những việc này diễn ra nhanh gọn nên quân Nhật không hề hay biết để can thiệp.
Cùng ngày, tại khu Đông, nhân dân Mỹ Khê tiến hành khởi nghĩa giành chính quyền. Tiếp theo là khởi nghĩa giành chính quyền ở các xã ngoại vi thành phố. Đây là phương thức khởi nghĩa từng bộ phận, với chủ ý thăm dò thái độ quân Nhật, để có đối sách tiến hành khởi nghĩa trong nội thị. Qua diễn biến khởi nghĩa cho thấy quân Nhật án binh bất động, không can thiệp.
Ngày 21-8, Tư lệnh Nhật cho viên Đốc lý thành phố dán yết thị và cho xe chạy trong nội thành gọi loa muốn gặp Việt Minh để điều đình. Nhận thấy thời cơ khởi nghĩa đã chín muồi, Ủy ban khởi nghĩa nghĩa Đà Nẵng họp quyết định tiến hành khởi nghĩa vào ngày 23-8-1945.
Tuy nhiên, đến ngày này, đồng chí Lê Văn Hiến, Trưởng ban khởi nghĩa đi Quảng Ngãi vẫn chưa về nên Ủy ban phải chờ. Đến tối 25-8, Ủy ban khởi nghĩa quyết định khởi nghĩa toàn thành phố vào 26-8, khi cuộc họp đang tiếp tục thì đồng chí Lê Văn Hiến trở về, kịp thời tham gia bàn kế hoạch khởi nghĩa.
Vì Ủy ban khởi nghĩa từng công sở, nhà máy, khu phố đã được bố trí sẵn nên theo mật lệnh khởi nghĩa, 8 giờ sáng 26-8-1945, khi tiếng còi tầm cất lên từ Bưu điện thành phố, lực lượng tự vệ, cơ sở cách mạng ở nơi nào tự động treo cờ, giăng biểu ngữ nơi đó, Ủy ban khởi nghĩa ở những nơi đó đọc lệnh khởi nghĩa tuyên bố xóa bỏ bộ máy điều hành cũ, thiết lập ban điều hành mới của cách mạng.
Tại Tòa Đốc lý thành phố, viên Đốc lý được vận động trước nên đã nhanh chóng trao chính quyền cho Ủy ban khởi nghĩa thành phố. Quân đội Nhật do đã được điều đình trước nên giữ thái độ im lặng. Vậy là chỉ trong một tiếng đồng hồ, cuộc khởi nghĩa giành chính quyền ở Đà Nẵng - nơi có đến 5.000 quân Nhật, đã thắng lợi mà không hề gặp sự trở ngại nào.
“Khởi nghĩa là một phương trình mà thông số hết sức không xác định và hằng ngày trị số của nó có thể thay đổi” (V.I. Lênin). Do đó, trong khi khởi nghĩa cần phải ứng biến sao cho phù hợp. Thực tiễn cho thấy, khởi nghĩa ở Đà Nẵng rất linh hoạt, có nét riêng độc đáo. Một là, tiến hành khởi nghĩa nháy ở các vùng phụ cận thành phố để thăm dò trước phản ứng của quân Nhật; có vận động, cảm hóa viên Đốc lý thành phố đứng về phía cách mạng; tạo ra những điều kiện để gây áp lực với quân Nhật, từ đó buộc chúng không can thiệp vào cuộc khởi nghĩa của ta, bảo đảm khởi nghĩa nổ ra được thuận lợi.
Hai là, có sự chuẩn bị kế hoạch chu đáo, thể hiện ở việc xây dựng được cơ sở quần chúng, hình thành được sẵn các ban khởi nghĩa ở từng khu phố, công sở, nhà máy để có thể đồng loạt nổi dậy khi có hiệu lệnh.
Ba là, không theo trình tự tiến hành biểu tình thị uy, rồi dùng lực lượng tự vệ đột nhập tấn công các công sở, hay đưa quần chúng khởi nghĩa tiến thẳng đến chiếm công sở chính quyền địch, tuyên bố giành chính quyền, sau đó chuyển sang giành chính quyền ở những nơi còn lại theo hướng từ trên xuống, hoặc từ dưới cơ sở lên như nhiều tỉnh, thành khác mà đồng loạt nổi dậy tuyên bố giành chính quyền trong từng nhà máy, công sở, khu phố trên cơ sở đã bí mật bố trí sẵn lực lượng, sau đó quần chúng mới xuống đường mừng thắng lợi.
Như vậy tuy diễn ra muộn, khi mọi điều kiện khởi nghĩa đã chín muồi, nhưng phương thức khởi nghĩa của Đà Nẵng vẫn là một đóng góp làm phong phú thêm phương pháp khởi nghĩa của Đảng trong Cách mạng Tháng Tám năm 1945.
PGS, TS NGÔ VĂN MINH