Qua hơn 2 năm hoạt động, Quỹ trợ vốn công nhân, viên chức, lao động nghèo (gọi tắt là Quỹ trợ vốn) do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố khởi xướng đã mở ra nhiều cơ hội để công nhân, viên chức, lao động (CNVCLĐ) được tiếp cận nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi, phát triển kinh tế gia đình, xây dựng, sửa chữa nhà, mua sắm vật dụng cần thiết, góp phần cải thiện cuộc sống.
Nhờ nguồn vốn vay từ quỹ trợ vốn, chị Phan Thị Diễm (quận Cẩm Lệ) phát triển vườn rau sạch, giúp tăng thêm thu nhập cho gia đình. |
Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo của LĐLĐ thành phố được thành lập và đi vào hoạt động từ tháng 7-2017. Tính đến ngày 30-6-2019, đã có 1.052 lượt CNVCLĐ tại 281 Công đoàn cơ sở được vay vốn với lũy kế tổng số tiền đã quay vòng giải ngân là 30 tỷ 295 triệu đồng. Biết đến Quỹ trợ vốn của LĐLĐ thành phố, cuối tháng 12-2017, chị Phan Thị Diễm (SN 1988), đoàn viên Công đoàn Công ty TNHH MTV Đại Phước Long (quận Cẩm Lệ) làm hồ sơ xin vay vốn để phát triển vườn rau sạch trong khu đất của gia đình.
Khoảng 1 tuần sau, hồ sơ của chị Diễm được thông qua. Chị Diễm đến ngân hàng nhận tiền giải ngân 30 triệu đồng. Có vốn, chị Diễm cùng gia đình bắt tay vào cải tạo khu vườn, mua sắm vật dụng làm vườn, chuẩn bị giống, phân bón. Trên mảnh vườn rộng hơn 300m2, gia đình chị Diễm trồng các loại rau xanh, bầu, bí; làm giàn trồng gấc, khổ qua. Khoảng 2 tháng sau, gia đình chị Diễm thu hoạch lứa rau quả đầu tiên và tái sản xuất các lứa tiếp theo.
Mùa nào thức ấy, khu vườn nhà chị Diễm luôn đầy ắp rau xanh, hoa màu, cho thu nhập đều đặn. “Nguồn thu nhập từ vườn rau tuy không quá lớn nhưng ổn định, tuần nào cũng có. Từ số tiền bán rau, hoa màu, một phần tôi chi tiêu trong gia đình, phần còn lại để trả dần tiền vay vốn. Từ ngày vay vốn, phát triển vườn rau, kinh tế gia đình cũng ổn định, khấm khá hơn trước”, chị Diễm nói.
Tháng 7-2017, chị Hà Thị Thơm, giáo viên Trường Mầm non Mẫu Đơn (quận Thanh Khê) làm hồ sơ vay vốn và là một trong những người đầu tiên tiếp cận nguồn vốn vay của Quỹ trợ vốn LĐLĐ thành phố. Nhờ số tiền 30 triệu đồng vay từ Quỹ trợ vốn, chị Thơm làm thêm phần mái hiên, mở rộng gian trước cho ngôi nhà đang ở. Hằng tháng, từ thu nhập của hai vợ chồng, chị Thơm trả khoảng hơn 1,6 triệu đồng/tháng và trả hết sau 2 năm. Mới đây, do nhu cầu sửa chữa nhà trước mùa mưa bão, chị Thơm vay mới 30 triệu đồng và trả dần trong 2 năm. Với số tiền vay được, chị Thơm lợp lại mái tôn đã rỉ sét, tô chống thấm tường. “Thu nhập của hai vợ chồng tôi hằng tháng không nhiều nên việc có một khoản tiền lớn để sửa chữa nhà là ngoài khả năng. Nhờ có Quỹ trợ vốn của LĐLĐ thành phố mà những CNVCLĐ khó khăn như chúng tôi có điều kiện vay vốn với lãi suất thấp để phục vụ nhu cầu cuộc sống”, chị Thơm chia sẻ.
Bà Văn Thị Thúy Hằng, Giám đốc Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo cho biết, tùy theo nhu cầu sử dụng của CNVCLĐ, Quỹ trợ vốn có 2 gói vay phù hợp với nhu cầu của mỗi người. Cụ thể, gói vay hỗ trợ hoạt động sản xuất kinh doanh, tạo việc làm tăng thêm thu nhập cho hộ gia đình CNVCLĐ nghèo với số tiền 20 triệu đồng trong thời hạn 12 tháng. Gói vay hỗ trợ cải thiện về chỗ ở và gói vay hỗ trợ cải thiện phương tiện sinh hoạt với số tiền 30 triệu đồng trong thời hạn 24 tháng. Cũng theo bà Hằng, từ khi CNVCLĐ gửi hồ sơ xin vay vốn đến khi được giải ngân diễn ra chỉ trong vòng 1 tuần, tạo điều kiện cho người vay tiếp cận vốn nhanh chóng, không phải chờ đợi lâu. Bên cạnh đó, thời gian giải ngân phụ thuộc vào thời điểm nhận lương, tạo điều kiện thuận lợi cho người vay trả dần tiền vay hằng tháng.
Quỹ trợ vốn CNVCLĐ nghèo có lãi suất thấp (0,55%/tháng) và giảm dần hằng tháng theo số tiền gốc còn nợ. Nhờ đó đã tạo điền kiện thuận lợi cho nhiều đoàn viên, người lao động tiếp cận được nguồn vốn vay với lãi suất ưu đãi để tạo thêm việc làm giúp tăng thu nhập; sửa chữa nhà, mua sắm phương tiện, vật dụng cần thiết để cải thiện cuộc sống, góp phần thực hiện chủ trương giảm nghèo của thành phố giai đoạn 2016-2020.
Điểm đặc biệt của Quỹ trợ vốn là ngoài các khoản góp trả nợ hằng tháng, người vay tiền còn thực hiện tiết kiệm bắt buộc 1% trên tổng số vốn vay/tháng và thực hiện tiết kiệm trong suốt chu kỳ hoàn trả. Số tiền tiết kiệm này sẽ được rút khi người vay kết thúc hợp đồng vay vốn. Nhờ thực hiện tiết kiệm bắt buộc, sau khi trả hết tiền vay, người vay được nhận lại một khoản tiền giúp trang trải chi phí cuộc sống; đồng thời giúp CNVCLĐ nâng cao ý thức tiết kiệm, tăng tích lũy cho bản thân và gia đình.
Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG