Thời gian qua, công tác phối hợp giữa Phòng Tài nguyên - Môi trường quận Thanh Khê với các tổ chức chính trị - xã hội, đoàn thể trên địa bàn quận trong công tác bảo vệ môi trường đã đem lại những kết quả khả quan, thu hút sự quan tâm ủng hộ và tham gia nhiệt tình của các cấp, ngành và cộng đồng dân cư.
Túi xách, mũ nón, nước rửa chén... được các hội viên Hội LHPN quận Thanh Khê tự làm thu hút sự quan tâm của người dân. |
Mô hình phân loại chất thải rắn sinh hoạt (CTRSH) tại nguồn trên địa bàn quận đã được triển khai từ nhiều năm nay, nhưng trong năm 2019 được đẩy mạnh. Theo quy định chung của thành phố, CTRSH được phân thành 4 nhóm: CTRSH tái sử dụng, tái chế (rác tái chế); CTRSH nguy hại từ hộ gia đình; CTRSH còn lại và CTRSH kích thước lớn, chất thải xây dựng của hộ gia đình (được quy định và hướng dẫn riêng). Các trang thiết bị lưu chứa CTRSH tại nguồn được khuyến khích sử dụng loại túi đựng sử dụng nhiều lần, mỗi gia đình được phát lần đầu 1 túi; các khu vực công cộng sử dụng thùng đựng 2 ngăn và có dán nhãn bên ngoài. Thiết bị chứa CTRSH phải phù hợp để thực hiện việc thu gom, vận chuyển.
Theo ông Nguyễn Ngọc Hội, Tổ trưởng tổ dân phố 35, phường Tân Chính, quận Thanh Khê, từ nhiều năm nay, việc phân loại CTRSH được người dân trong tổ dân phố hưởng ứng mạnh mẽ, mỗi sáng thứ bảy hằng tuần tổ chức thu gom tập trung. Gần đây, CTRSH nguy hại từ hộ gia đình như bóng điện hư hỏng, pin... cũng được người dân phân loại riêng để thuận tiện cho việc tiêu hủy. Bản thân ông Hội, gia đình luôn cố gắng làm gương, dễ bề kêu gọi người dân tham gia. “Đã đến lúc mỗi người dân chung tay bảo vệ môi trường. Nhưng nói thì dễ, làm rất khó. Vì thế, tôi cho rằng cần đẩy mạnh tuyên truyền, tổ chức các ngày hội như “đổi rác lấy quà” thường xuyên hơn, tạo sự thu hút người dân”, ông Hội nói.
Phong trào bảo vệ môi trường trong các cấp Hội Phụ nữ cũng diễn ra sôi động, phong phú. Chị Bùi Thị Mỹ Hạnh, Chủ tịch Hội LHPN phường Vĩnh Trung (quận Thanh Khê) chia sẻ, với các phong trào bảo vệ môi trường, sự khéo léo của các chị em được phát huy tối đa. Từ những bìa các-tông, giấy báo... các chị có thể tạo thành những sản phẩm thông dụng như: giỏ xách, khay đựng bánh kẹo, hộp đựng bút...; từ những bao bì ni-lông đã qua sử dụng, các chị có thể tái chế thành mũ đội, túi xách... “Tái chế rác thải thành những vật dụng dùng hằng ngày, phải nghĩ đến việc làm sao đẹp mắt, tiện dụng thì mới khuyến khích hội viên sử dụng hoặc bán được. Do đó, đôi khi chúng tôi mất khá nhiều công sức, thời gian để làm và rất vui vì sản phẩm được đón nhận”, chị Hạnh chia sẻ.
Bà Lê Thị Thu Huệ, Chủ tịch Hội LHPN quận Thanh Khê cho biết, mới đây, Hội LHPN thành phố đã bố trí các thùng rác cảnh quan về quận nhằm thu gom rác thải nhựa. Sau khi khảo sát, Hội LHPN quận nhận thấy tuyến đường du lịch Nguyễn Tất Thành khá phù hợp để đặt các thùng rác này. Hiện nay, việc theo dõi, quản lý, thu gom khi rác đầy được UBND phường, Hội LHPN phường cùng phối hợp thực hiện. Dù chỉ là hành động nhỏ, nhưng đã góp phần cải thiện tình trạng rác thải nhựa (chủ yếu các loại chai, lon nước giải khát bị khách du lịch, người dân vứt bừa bãi trên tuyến đường này trong thời gian qua).
Ông Lê Trung Minh Tân, Trưởng phòng Tài nguyên-Môi trường quận Thanh Khê cho biết thêm, hiện nay số lượng rác thải sinh hoạt tại thành phố Đà Nẵng chiếm khoảng 1.100 tấn/ngày, với khối lượng rác thải lớn như vậy đã kéo theo nhiều hệ lụy như nạn ô nhiễm môi trường sống, sự quá tải nơi chứa của bãi rác Khánh Sơn. Vì vậy, việc phân loại rác thải tại nguồn để bán cho các cơ sở kinh doanh phế liệu hoặc các quầy thu đổi, giúp giảm thiểu lượng chất thải sinh hoạt, đồng thời tiết kiệm tài nguyên, mang lại lợi ích cho người dân. Hơn nữa, hiện nay với việc sử dụng các loại rác thải nhựa như chai lọ nhựa, bao bì, ni-lông... trong sinh hoạt hằng ngày và khi thải ra môi trường xung quanh đã gây ô nhiễm và ảnh hưởng đến môi trường nước, đất gây nguy hại đến đời sống con người và các sinh vật trong lòng đại dương... Vì vậy, thời gian qua, quận Thanh Khê đã thực hiện nhiều giải pháp đồng bộ nhằm thay đổi trong lối sinh hoạt, đặc biệt là ý thức của người dân.
Để triển khai có hiệu quả việc phân loại CTRSH tại nguồn, quận Thanh Khê đưa ra lộ trình thực hiện theo 3 giai đoạn: năm 2019, phấn đấu đạt 100% hộ gia đình, cá nhân, cơ quan, đơn vị, trường học... trên địa bàn được tiếp cận chủ trương, hướng dẫn thực hiện phân loại chất thải rắn sinh hoạt; 70% số hộ gia đình, cá nhân thực hiện thường xuyên việc phân loại CTRSH tại nguồn; 90% các cơ quan hành chính quận, phường và trường học tổ chức thực hiện kế hoạch; hình thành được sơ đồ mạng lưới các điểm thu gom, tập kết CTRSH tại từng phường, bảo đảm vệ sinh và hoạt động hiệu quả. Giai đoạn 2020-2022, tiếp tục triển khai, nâng cao chất lượng thực hiện kế hoạch phân loại; triển khai phân loại nhóm CTRSH kích thước lớn, chất thải rắn xây dựng. Và giai đoạn 2023-2025 sẽ hoàn thành kế hoạch phân loại CTRSH, đồng thời, tổ chức đánh giá, tổng kết kế hoạch, xây dựng kế hoạch cho giai đoạn mới.
“Nhiệm vụ trọng tâm năm 2019 về phân loại chất thải rắn tại nguồn là 10/10 phường thuộc quận bảo đảm theo tiến độ thành phố giao; hình thành tổ chức mạng lưới thu gom, vận chuyển phù hợp đối với các loại chất thải sau phân loại; đồng thời, phấn đấu hoàn thành mục tiêu về tỷ lệ CTRSH được tái sử dụng, tái chế đạt ít nhất 10% vào cuối năm 2019, 12% vào năm 2020 và 15% vào năm 2025”, ông Tân cho biết.
Bài và ảnh: NGỌC HÀ