Thỏa ước lao động tập thể: Góp phần bảo vệ quyền lợi người lao động

Bài cuối: Đón đầu Hiệp định CPTPP

.

Việt Nam là một trong 11 nước tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (gọi tắt là Hiệp định CPTPP). Trong bối cảnh này, việc tăng cường tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn, từ đó thương lượng, ký thỏa ước lao động tập thể (TƯLĐTT) với các điều khoản có lợi hơn cho người lao động (NLĐ) là việc làm rất cần thiết, giúp bảo vệ và giữ chân NLĐ ổn định tại doanh nghiệp. 

Nhờ sự đồng hành, chăm lo, bảo vệ của tổ chức Công đoàn, công nhân lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu đang làm việc.
Nhờ sự đồng hành, chăm lo, bảo vệ của tổ chức Công đoàn, công nhân lao động yên tâm làm việc, cống hiến. Trong ảnh: Công nhân Công ty TNHH Kiến trúc và Thương mại Á Châu đang làm việc.

Chủ động tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp thành lập tổ chức Công đoàn, từ đó thương lượng, ký TƯLĐTT với các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ là việc làm hết sức cần thiết, giúp giữ chân NLĐ.

Có thể thấy, khi tham gia Hiệp định CPTPP, việc cạnh tranh giữa các ngành, lĩnh vực, các doanh nghiệp trong và ngoài nước là không tránh khỏi, từ đó, tạo nên nhiều xáo trộn trong lực lượng lao động, ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất, kinh doanh. Do đó, TƯLĐTT được xem là giải pháp hữu hiệu trong bối cảnh này.

TƯLĐTT giúp người sử dụng lao động (NSDLĐ) và NLĐ có những điều khoản ràng buộc nhau. Bên cạnh đó, thỏa ước nhóm doanh nghiệp sẽ tạo ra “mức sàn” chung cho các doanh nghiệp cùng tham gia thỏa ước nhóm, cân bằng lợi ích, chế độ giữa các doanh nghiệp, hạn chế tình trạng NLĐ bỏ việc, “nhảy việc” giữa các doanh nghiệp cùng ngành.

Hiệp định CPTPP thúc đẩy tăng trưởng kinh tế và nhiều lợi ích xã hội, tạo ra khoảng 17.000 - 27.000 việc làm từ năm 2020. Tham gia CPTPP không chỉ tạo thêm số lượng việc làm mà còn hứa hẹn sẽ đem lại điều kiện làm việc, mức lương tốt hơn cho NLĐ.

Mặc dù mức việc làm tạo ra chỉ bằng 1/2 so với TPP, nhưng CPTPP tạo cơ hội mới cho cả NLĐ và doanh nghiệp, góp phần nâng cao mức sống của NLĐ, giảm nghèo, thúc đẩy tăng trưởng bền vững. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), CPTPP giúp Việt Nam giảm được gần 1 triệu người thuộc diện đói nghèo.

CPTPP đặt ra các yêu cầu và tiêu chuẩn cao về minh bạch hóa, các quy định về bảo hộ sở hữu trí tuệ, đưa ra cơ chế giải quyết tranh chấp có tính ràng buộc và chặt chẽ. Do vậy, tham gia hiệp định này không tránh khỏi những khó khăn khi phải đáp ứng đầy đủ những chuẩn mực về chất lượng hàng xuất khẩu, cạnh tranh nguồn lao động chất lượng cao...

Cạnh tranh tăng lên khi tham gia CPTPP có thể làm cho một số doanh nghiệp lâm vào tình trạng khó khăn, kéo theo đó là khả năng thất nghiệp trong một bộ phận lao động sẽ xảy ra.

Theo Chủ tịch Công đoàn Khu công nghệ cao và các khu công nghiệp Đinh Thị Thanh Hà, vai trò của Công đoàn các cấp trong việc thương lượng để tiến tới ký kết TƯLĐTT là rất quan trọng và không thể phủ nhận được.

Trong bối cảnh Việt Nam tham gia Hiệp định CPTPP, việc tăng cường ký thỏa ước giúp Công đoàn Việt Nam tiếp tục khẳng định được vai trò đại diện cho NLĐ của mình; khẳng định tôn chỉ, mục đích của tổ chức Công đoàn Việt Nam là luôn luôn chăm lo, hướng đến lợi ích tốt nhất cho NLĐ.

Theo bà Hà, khi tham gia Hiệp định CPTPP, việc ký TƯLĐTT sẽ rất cần thiết. Bởi xu thế chung của thị trường lao động là thỏa thuận về mặt tiền lương, điều kiện làm việc, phúc lợi. Nếu trong doanh nghiệp không có TƯLĐTT thì NLĐ rất khó được thụ hưởng các phúc lợi tốt hơn.

Các bản thỏa ước chính là sự thỏa thuận giữa NSDLĐ và NLĐ dựa trên điều kiện, quy mô của doanh nghiệp; quan điểm của chủ doanh nghiệp; vai trò của Công đoàn; nhu cầu của NLĐ và điều kiện kinh doanh thực tiễn để đưa ra các chế độ phúc lợi tốt hơn, chăm lo tốt hơn cho NLĐ để NLĐ gắn bó hơn với doanh nghiệp.

Còn theo Chủ tịch LĐLĐ quận Hải Châu Trần Thanh Bình, vai trò của Công đoàn trong thời kỳ nào cũng rất quan trọng, đặc biệt là trong bối cảnh Việt Nam gia nhập Hiệp định CPTPP. Khi tham gia Hiệp định CPTPP, để giữ chân, thu hút được NLĐ, Công đoàn các cấp cần có nhiều nỗ lực hơn nữa trong việc chăm lo, bảo vệ cho NLĐ mà việc thương lượng, ký TƯLĐTT với nhiều điều khoản có lợi hơn cho NLĐ là một giải pháp hữu hiệu.

Tháng 5-2019, tại hội nghị chuyên đề giới thiệu “Hiệp định CPTPP - Thời cơ và thách thức đối với tổ chức Công đoàn Việt Nam” do Liên đoàn Lao động (LĐLĐ) thành phố tổ chức, Phó Chủ tịch Tổng LĐLĐ Việt Nam Ngọ Duy Hiểu đã chỉ ra những cơ hội và thách thức của Việt Nam khi tham gia Hiệp định CPTPP. Theo ông Ngọ Duy Hiểu, khi tham gia Hiệp định CPTPP, ngoài thị trường lao động trong nước, NLĐ Việt Nam có cơ hội tiếp cận với thị trường lao động 10 nước khác cùng tham gia hiệp định.

Cơ hội việc làm không chỉ gói gọn các doanh nghiệp trong nước mà mở rộng ra các doanh nghiệp nước ngoài. Đây là điều thuận lợi cho NLĐ, nhưng lại là thách thức đối với thị trường lao động trong nước, ảnh hưởng trực tiếp đến nền kinh tế. Nếu các doanh nghiệp trong nước không chăm lo tốt cho NLĐ thì tình trạng chuyển việc, “nhảy việc” là điều dễ hiểu.

Bên cạnh những thách thức khi gia nhập Hiệp định CPTPP, sự phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 có những tác động lớn đến NLĐ nói riêng và nền kinh tế trong nước nói chung.

Để theo kịp sự phát triển mạnh mẽ trong thời đại 4.0, các công ty, doanh nghiệp trong nước cần tăng cường các hoạt động giáo dục, đào tạo, hỗ trợ NLĐ học tập, trau dồi hiểu biết, kinh nghiệm, kỹ năng; giúp NLĐ nắm bắt kịp thời các tiến bộ khoa học kỹ thuật.

Các lớp tập huấn giúp nâng cao trình độ, ngoại ngữ, kỹ năng, tay nghề cho NLĐ là điều cần thiết trong bối cảnh gia nhập Hiệp định CPTPP và cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Theo Phó Chủ tịch LĐLĐ thành phố Hoàng Hữu Nghị, so với mặt bằng chung cả nước, tỷ lệ doanh nghiệp có tổ chức Công đoàn của Đà Nẵng ký TƯLĐTT chiếm tỷ lệ cao.

Các doanh nghiệp dần nhận ra sự quan trọng, cần thiết của TƯLĐTT và ngày càng gia tăng các điều khoản có lợi hơn cho NLĐ. Tuy nhiên, bên cạnh những doanh nghiệp ký TƯLĐTT, nhiều doanh nghiệp chưa nhận ra lợi ích của TƯLĐTT nên chưa thực sự quan tâm.

Một số doanh nghiệp vì lợi ích trước mắt mà không quan tâm, chăm lo cho NLĐ, vi phạm các quy định pháp luật về lao động nói chung, nợ tiền bảo hiểm xã hội nói riêng đã nảy sinh những mâu thuẫn, tranh chấp trong quan hệ lao động.

“Hiện nay, còn nhiều doanh nghiệp không hiểu TƯLĐTT là gì, mặc dù theo quy định của pháp luật đây là điều bắt buộc phải có, được quy định cụ thể tại Điều 73 của Bộ luật Lao động năm 2012”, ông Nghị nói.

Ông Hoàng Hữu Nghị cho rằng, để mở rộng hơn nữa việc ký TƯLĐTT, Công đoàn các cấp cần tăng cường tuyên truyền, phân tích cho NSDLĐ thấy được lợi ích, hiệu quả của TƯLĐTT; nêu rõ việc ký TƯLĐTT là thực hiện theo đúng quy định của pháp luật. Khi thương lượng ký TƯLĐTT cần chú trọng chất lượng, hiệu quả, đáp ứng nhu cầu bức thiết của NLĐ tại cơ sở, trên nguyên tắc tôn trọng, bình đẳng, chia sẻ, cảm thông vì lợi ích chung.

Bên cạnh đó, LĐLĐ thành phố sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp trong việc chăm lo cho NLĐ; ghi nhận, vinh danh những doanh nghiệp vì NLĐ, là cầu nối giữa NLĐ và NSDLĐ. Đây là giải pháp để bảo đảm sản xuất bền vững và phát triển khi Hiệp định CPTPP có hiệu lực trong những năm đến.

Bài và ảnh: LAM PHƯƠNG

;
;
.
.
.
.
.