Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể trả lời phỏng vấn về những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giao thông vận tải sẽ thực hiện trong năm 2020.
Dự án đường cao tốc Bắc-Nam. (Ảnh: Việt Hùng/Vietnam+) |
Năm 2020 là năm cuối cùng thực hiện Kế hoạch kinh tế-xã hội 5 năm 2016-2020, đồng thời là năm tiến hành Đại hội Đảng các cấp tiến tới Đại hội Đảng lần thứ XIII. Đặc biệt năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN.
Với dấu mốc ý nghĩa này, phóng viên TTXVN Việt Nam đã có cuộc phỏng vấn Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Nguyễn Văn Thể xung quanh những nhiệm vụ trọng tâm mà ngành giao thông vận tải sẽ thực hiện trong năm 2020.
- Năm 2020, Việt Nam đảm nhận vai trò Chủ tịch ASEAN với nhiều hoạt động quan trọng sẽ diễn ra; trong đó có ngành giao thông vận tải. Vậy Bộ Giao thông Vận tải đã có những chuẩn bị gì cho những hoạt động trên, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Cuối năm 2019, Bộ Giao thông Vận tải đã tổ chức thành công Hội nghị Bộ trưởng Giao thông Vận tải ASEAN cùng với 3 đối tác là Nhật Bản, Hàn Quốc và Trung Quốc.
Đây là sự chuẩn bị tốt của ngành giao thông vận tải cho các hoạt động của Việt Nam trong năm 2020 khi đóng vai trò là Chủ tịch ASEAN 2020.
Năm 2020, Bộ Giao thông Vận tải sẽ chủ trì cùng một số đơn vị và một số nước trong khu vực để tổ chức các hội nghị chuyên đề về giao thông vận tải nhằm tăng cường kết nối các nước trong khu vực, giữa các nước trong khu vực với các đối tác.
Đặc biệt, chúng tôi mong muốn ký được Hiệp định thư với Liên minh châu Âu (EU) về khai thác Thương quyền 5 (Quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ nước thứ hai để chở đến nước thứ ba và quyền nhận hành khách, hàng hóa, thư tín từ nước thứ ba để chở đến nước thứ hai trong Công ước Chicago). Qua đó giúp tăng cường vận tải hàng không giữa các nước ASEAN với các nước EU.
Khi ký được Hiệp định thư này không chỉ giúp tự do hóa thị trường hàng không khu vực mà thông qua cơ chế hợp tác này, các hãng hàng không có thể mở rộng mạng đường bay tới các khu vực khác trên thế giới.
Đối với hoạt động hàng không của Việt Nam, đây sẽ là cơ hội phát triển đột phá hơn nhiều, tạo điều kiện cho các nhà đầu tư, du khách đến Việt Nam nhanh hơn, thuận lợi và tốt hơn.
- Diện mạo hệ thống kết cấu hạ tầng giao thông thời gian qua có những chuyển biến tích cực, đóng góp quan trọng cho sự phát triển kinh tế-xã hội. Tuy nhiên trong bối cảnh nguồn lực ngân sách còn hạn chế, Bộ Giao thông Vận tải có những giải pháp nào thu hút nguồn vốn cho lĩnh vực giao thông vận tải, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Hiện nay, Bộ Giao thông Vận tải cùng với các bộ, ngành, đặc biệt là Bộ Kế hoạch và Đầu tư đang tham mưu cho Chính phủ sớm ban hành Luật Đầu tư theo hình thức đối tác công tư (Luật PPP). Đây là Bộ Luật được kỳ vọng sẽ tạo đột phá cho nhiều lĩnh vực; trong đó có lĩnh vực giao thông vận tải.
Khi có cơ sở pháp lý cho hình thức hợp tác công tư, chúng ta sẽ công khai, minh bạch được các chính sách để thu hút thêm các nguồn lực cho phát triển hạ tầng nói chung, hạ tầng giao thông nói riêng.
Chúng tôi hy vọng giai đoạn tới, với các quy định của Luật PPP Việt Nam sẽ huy động được nhiều nguồn lực; trong đó có nguồn lực trong nước, nguồn lực của doanh nghiệp, của người dân thông qua các hình thức huy động vốn như: trái phiếu công trình, trái phiếu Chính phủ…
Sân bay Tân Sơn Nhất. (Ảnh: Huy Hùng/TTXVN) |
Trong lĩnh vực giao thông, chúng tôi đặc biệt quan tâm đến hệ thống quốc lộ; trong đó có hệ thống đường cao tốc. Mặc dù hệ thống đường quốc lộ đã có gần 25.000km nhưng hệ thống này có đặc thù bị đô thị hóa với lượng nhà cửa ở hai bên đường rất lớn, dẫn đến không phát huy được tốc độ, hạn chế việc đi lại của nhân dân, đặc biệt là vấn đề an toàn giao thông khó đảm bảo.
Do đó, giải pháp đầu tư xây dựng các đường cao tốc đang được ưu tiên. Chỉ có hệ thông đường cao tốc mới khai thác tốt được tốc độ, kết nối các trung tâm kinh tế, vùng miền, các khu công nghiệp được nhanh chóng, thuận tiện, đảm bảo an toàn giao thông. Bộ Giao thông Vận tải kỳ vọng, khi Luật PPP được ban hành sẽ huy động được nhiều nguồn lực cho phát triển hệ thống đường cao tốc.
- Thời gian qua, lĩnh vực đường sắt và hàng không xảy ra một số vụ việc liên quan đến an toàn giao thông và an toàn bay. Vậy trong thời gian tới, Bộ Giao thông Vận tải làm gì để chấn chỉnh trong hai lĩnh vực này, thưa Bộ trưởng?
Bộ trưởng Nguyễn Văn Thể: Về đường sắt, dự án nâng cấp, cải tạo kết cấu hạ tầng tuyến đường sắt Hà Nội-Thành phố Hồ Chí Minh với kinh phí khoảng 7.000 tỷ đồng đã được Bộ Giao thông Vận tải trình Chính phủ xem xét, kỳ vọng sẽ cải thiện năng lực chạy tàu của ngành đường sắt cũng như nâng cao an toàn chạy tàu.
Cụ thể, trong dự án này sẽ có nhiều công trình nâng cấp các điểm giao cắt đồng mức giữa đường bộ với đường sắt, qua đó hạn chế được các vụ va chạm giữa phương tiện đường bộ với đường sắt. Bên cạnh đó, dự án sẽ đầu tư thêm nhiều thiết bị cảnh báo tự động thông qua hệ thống đèn hiệu, hệ thống loa… trên hệ thống đường sắt.
Đồng thời với đường sắt hiện hữu, Bộ Giao thông Vận tải đang nghiên cứu xây dựng dự án đường sắt tốc độ cao Bắc-Nam. Dự án nếu được xây dựng sẽ đảm bảo gần như tuyệt đối các vấn đề liên quan đến an toàn giao thông đường sắt.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ phối hợp chặt chẽ hơn với các địa phương có đường sắt chạy qua nhằm hạn chế, không để phát sinh thêm các điểm giao cắt mới với đường sắt, tăng cường trách nhiệm đối với địa phương.
Các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến ngành đường sắt được ban hành thời gian qua đều có các quy định về trách nhiệm với các đơn vị, tổ chức, cá nhân tại các địa phương nếu để phát sinh thêm các điểm giao cắt mới với đường sắt.
Về hàng không, thời gian qua cũng đã xảy ra một số vụ liên quan đến việc uy hiếp an toàn bay. Về thực trạng sử dụng thiết bị bay như flycam, Chính phủ đã giao Bộ Quốc phòng nghiên cứu các giải pháp quản lý chặt những phương tiện này nhằm đảm bảo an toàn bay cho các tàu bay.
Liên quan đến một số vụ sơ suất kỹ thuật của hãng hàng không, Bộ Giao thông Vận tải đã chỉ đạo các đơn vị tham mưu, đơn vị quản lý chuyên ngành; trong đó có Cục Hàng không Việt Nam đề ra các giải pháp cho vấn đề này. Ví dụ, khi tuyển phi công mới cần nắm rõ được trình độ, kinh nghiệm để đảm bảo các phi công được các hãng hàng không tuyển dụng đều đảm bảo yêu cầu.
Bên cạnh đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ có giải pháp tăng cường năng lực của đội ngũ kỹ thuật các hãng hàng không. Theo nguyên tắc, trước mỗi chuyến bay, đội ngũ kỹ thuật của mỗi hãng bay có trách nhiệm kiểm tra toàn diện xem có đảm bảo tiêu chuẩn để được bay hay không.
Như vậy, đội ngũ kỹ thuật có vai trò rất lớn trong việc đảm bảo an toàn bay. Nếu trình độ của đội ngũ này cao sẽ hạn chế được mức thấp nhất những sơ suất về mặt kỹ thuật.
Cùng với đó, Bộ Giao thông Vận tải sẽ xử lý nghiêm những hành vi vi phạm liên quan đến các hãng hàng không, cụ thể như phi công để xảy ra vi phạm thì các hãng hàng không sẽ bị xử lý trước tiên.
Về phía cơ quan nhà nước chuyên ngành, Cục Hàng không Việt Nam sẽ tăng cường kiểm tra quy trình, kiểm tra thực tế năng lực kỹ thuật…để giảm nguy cơ tiềm ẩn mất an toàn bay…
Sắp tới có một số hãng hàng không mới ra đời, đây là tín hiệu khá tích cực, đem lại nhiều lợi ích cho người dân như chất lượng dịch vụ sẽ được nâng lên, giá vé sẽ giảm…
Tuy nhiên, đi cùng với đó sẽ tiềm ẩn việc thiếu hụt nguồn nhân lực hàng không, áp lực cho hạ tầng ngành hàng không. Do đó, Bộ Giao thông Vận tải đã yêu cầu mỗi một hãng hàng không khi đưa một tàu bay mới vào khai thác phải đảm bảo đủ đội ngũ phi công, cán bộ kỹ thuật. Chỉ khi đảm bảo đầy đủ các yêu cầu này mới cấp phép cho máy bay hoạt động.
Theo Vietnam+