Tập trung các giải pháp ngăn chặn tội phạm ma túy

.

Chiều ngày 23-12, Thành ủy Đà Nẵng tổ chức hội nghị sơ kết 5 năm thực hiện Chỉ thị số 37-CT/TU ngày 20-8-2014 của Ban Thường vụ Thành ủy về “Tiếp tục tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo công tác phòng, chống tội phạm và tệ nạn ma túy trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”. Dự hội nghị có Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy, Trưởng đoàn đại biểu Quốc hội thành phố Trương Quang Nghĩa; Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ; Chủ tịch HĐND thành phố Nguyễn Nho Trung; Phó Chủ tịch UBND thành phố Lê Trung Chinh.

Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ dự hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ
Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Thành ủy Trương Quang Nghĩa (trái) và Phó Bí thư Thành ủy, Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ dự hội nghị. Ảnh: NGỌC PHÚ

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ ghi nhận những kết quả đạt được của các ngành, các cấp trong việc thực hiện Chỉ thị số 37 của Thành ủy và cho rằng Đà Nẵng là địa phương tiên phong trong công tác đấu tranh phòng chống ma túy và nhiều chính sách lớn như: “Thành phố 5 không - 3 có”; Chỉ thị số 37-CT/TU và Chỉ thị 24-CT/TU của Thành ủy về “Tiếp tục đẩy mạnh công tác phối hợp giúp đỡ các gia đình có hoàn cảnh đặc biệt nghèo, học sinh bỏ học và thanh thiếu niên hư, vi phạm pháp luật trên địa bàn thành phố Đà Nẵng”; nhiều giải pháp, chính sách hỗ trợ người sau cai nghiện…

Tuy nhiên, theo Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ, trong 5 năm qua, tình hình tội phạm có liên quan đến ma túy diễn biến phức tạp với số vụ việc được phát hiện, số người nghiện tăng mạnh so với 5 năm trước. Điều này cho thấy công tác phòng chống ma túy còn gặp nhiều khó khăn, phức tạp.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ đề nghị lực lượng công an làm nòng cốt phối hợp với lực lượng biên phòng, hải quan triển khai đồng bộ, quyết liệt nhiều giải pháp để đấu tranh ngăn chặn; trong đó tập trung mở các đợt cao điểm ra quân tấn công trấn áp tội phạm và tệ nạn ma túy; tập trung lực lượng, biện pháp đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm, triệt xóa đường dây tội phạm ma túy lớn thẩm lậu vào thành phố và các đầu mối bán ma túy nhỏ lẻ trên địa bàn thành phố, không để hình thành các địa bàn, tụ điểm ma túy phức tạp. Bên cạnh đó, cần thường xuyên rà soát, kiểm danh, kiểm diện các đối tượng có tiền án, tiền sự ma túy, nhất là số đối tượng nghiện ma túy; tăng cường quản lý địa bàn, đối tượng nghiện ở nơi cư trú để chủ động nắm tình hình, đồng thời phát hiện, xử lý các đối tượng mua bán, tàng trữ, tổ chức sử dụng trái phép ma túy.

Đại tá Trần Mưu, Phó Giám đốc Công an thành phố Đà Nẵng cho biết, 5 năm qua, các lực lượng chuyên trách phòng chống ma túy đã phát hiện, bắt giữ 882 vụ/1.241 đối tượng hoạt động phạm tội về ma túy; thu giữ 79,5kg ma túy; đồng thời khởi tố 882 vụ/1.239 bị can. So với giai đoạn 5 năm trước (2010-2014), lực lượng chức năng đã phát hiện, bắt giữ nhiều hơn 476 vụ (tăng 117%; tăng 671 đối tượng); khối lượng ma túy các loại thu được nhiều hơn 65,1kg (tăng 452%). Cạnh đó, Công an thành phố triển khai nhiều đợt ra quân kiểm tra và phát hiện, xử lý gần 15.000 trường hợp sử dụng trái phép các chất ma túy, nhiều hơn gần 10.000 đối tượng so với giai đoạn 5 năm trước.

Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37.
Chủ tịch UBND thành phố Huỳnh Đức Thơ tặng Bằng khen cho các tập thể có thành tích xuất sắc trong thực hiện Chỉ thị số 37.

Theo ghi nhận của lực lượng đấu tranh phòng chống ma túy, nguồn ma túy thẩm lậu vào thành phố Đà Nẵng chủ yếu từ thành phố Hồ Chí Minh, Quảng Trị, Nghệ An, Hà Tĩnh, Hải Phòng, Hà Nội. Đại tá Trần Mưu cho biết, tình hình ma túy tại khu vực và thế giới tiếp tục có những diễn biến phức tạp, các đối tượng vận chuyển, tàng trữ, mua bán trái phép các chất ma túy lợi dụng Việt Nam để làm địa bàn tiêu thụ, trung chuyển ma túy đi các nước khác qua cửa khẩu, trong đó có thành phố Đà Nẵng. Chính vì vậy, lực lượng Công an sẽ tập trung nhiều giải pháp để đấu tranh nhưng cần sự vào cuộc với nhiều giải pháp đồng bộ của các cấp, các ngành, địa phương.

Tại hội nghị, nhiều đại biểu cũng đã đề xuất giải pháp phòng, chống ma túy trong thời gian đến. Phó Bí thư Thường trực Quận ủy Hải Châu Lê Tự Gia Thạnh cho rằng, cần tiếp tục nêu cao vai trò lãnh đạo của cấp ủy trong công tác lãnh đạo, chỉ đạo và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị đối với nhiệm vụ đấu tranh, phòng ngừa tội phạm và tệ nạn ma túy, xem đây là nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của địa phương; đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, trong đó tập trung vào các đối tượng thanh, thiếu niên, đối tượng có nguy cơ cao, đối tượng sau cai.

Đặc biệt, duy trì các mô hình đấu tranh, phòng chống tội phạm nói chung, tội phạm và tệ nạn ma túy nói riêng gắn với phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa ở khu dân cư”, “Tổ dân phố không có tội phạm và tệ nạn ma túy, tệ nạn xã hội”, “Toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc”; tăng cường các biện pháp quản lý sau cai. Đại diện lãnh đạo phường Hòa Minh thì cho biết, sau khi đối tượng cai nghiện trở về địa phương, địa phương tiến hành phân công cán bộ quản lý và người được phân công đến nhà người sau cai để động viên, chia sẻ, đồng thời nếu phát hiện tái sử dụng ma túy sẽ lập hồ sơ đưa đi cai nghiện theo quy định. Có như thế mới góp phần giảm tình trạng tái nghiện.

Tin và ảnh: NGỌC PHÚ


 

;
;
.
.
.
.
.