Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam cho biết với truyền thống lịch sử 120 năm, 160.000 người dân huyện Đại Lộc hãy thể hiện rõ khát vọng đổi mới, sáng tạo và ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tặng quà lưu niệm và nhà cho người có hoàn cảnh khó khăn huyện Đại Lộc. (Ảnh: Thống Nhất/TTXVN) |
Tối 14-12, tỉnh Quảng Nam đã tổ chức trang trọng Lễ kỷ niệm 120 năm thành lập huyện Đại Lộc (1899-2019) - một trong những huyện giàu truyền thống cách mạng và cũng là điển hình về sự vượt khó đi lên sau chiến tranh trong cả nước.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã dự lễ kỷ niệm và tặng quà cho Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân huyện Đại Lộc.
Năm 1306, thời Trần, vùng đất nay là Đại Lộc trở thành đất Châu Hóa của quốc gia Đại Việt; năm 1899, Triều đình Nhà Nguyễn thành lập huyện Đại Lộc.
Là nơi có cả sông Vu Gia và Thu Bồn chảy qua, đây là vùng đất vừa sản sinh ra những nhà văn, nhà thơ, nhà khoa học nổi tiếng, vừa là nơi mà người dân kiên cường trong cả chinh phục thiên nhiên lẫn bất khuất, tràn đầy khí phách trong chống giặc ngoại xâm.
Đại Lộc là nơi đã hưởng ứng chiếu Cần Vương chống thực dân Pháp của Vua Hàm Nghi và cũng là nơi khởi phát phong trào chống sưu, thuế ở Trung Kỳ làm rung chuyển bộ máy thống trị của thực dân Pháp.
Với truyền thống bất khuất, can trường của xứ Quảng, cùng quyết tâm “Một tấc giang sơn, một dòng máu đỏ," hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, Đại Lộc là chiến trường ác liệt và chiến thắng Thượng Đức cuối năm 1974 đã mở ra cục diện mới, cơ sở để Bộ Chính trị quyết tâm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam Phan Việt Cường nhấn mạnh, lịch sử 120 năm của huyện Đại Lộc như một sợi chỉ đỏ xuyên suốt quá khứ, hiện tại và tương lai. Với truyền thống này, 160.000 người dân huyện Đại Lộc hãy thể hiện rõ khát vọng đổi mới, sáng tạo và ý chí vươn lên mạnh mẽ.
Trước hết, cần nỗ lực để đưa Đại Lộc trở thành huyện nông thôn kiểu mẫu, tiến tới một đô thị - nền tảng cơ bản để mở ra cơ hội phát triển trong giai đoạn mới, cùng với khai thác tiềm năng về du lịch rất lớn chưa được đánh thức, góp phần nâng cao hơn nữa đời sống của nhân dân./.
Theo TTXVN/Vietnam+